Người phụ nữ trong lồng kính

Thứ Bảy, 28/04/2018, 09:01
Juana Munoz, 53 tuổi, không có lựa chọn nào khác ngoài việc cô lập bản thân bên trong lồng kính được thiết kế đặc biệt rộng 25 mét vuông. Đây là nơi trú ẩn giúp bà thoát khỏi mọi nguy cơ đe dọa tính mạng.

Sau khi được chẩn đoán với 4 hội chứng đe dọa tính mạng - MCS (nhạy cảm đa hóa chất), hội chứng đau cơ xơ hóa (fibromyalgia), hội chứng mệt mỏi mãn tính và hội chứng nhạy cảm với sóng điện từ  - Juana Munoz, 53 tuổi, không có lựa chọn nào khác ngoài việc cô lập bản thân bên trong lồng kính được thiết kế đặc biệt rộng 25 mét vuông. Đây là nơi trú ẩn giúp bà thoát khỏi mọi nguy cơ đe dọa tính mạng.

Người phụ nữ Tây Ban Nha đã sống suốt 13 năm qua trong "nhà tù" như thế ở thành phố Cadiz nước này, không thể bước ra khỏi không gian này nếu không tuân thủ các quy định cực kỳ nghiêm ngặt và bất cứ ai bước vào trong đây đều phải tắm qua các sản phẩm tẩy rửa không chứa hóa chất cũng như bắt buộc phải mặc quần áo dệt bằng loại vải hữu cơ. Nhưng, quy định gây đau đớn nhất cho Juana Munoz là bà  không được phép đụng chạm cơ thể với người thân trong gia đình.

Juana Munoz trong lồng kính và người chồng bên ngoài.

Ngay đến cả 2 người con của bà, 26 và 29 tuổi, cũng chỉ được phép ôm mẹ 2 lần mỗi năm sau khi trải qua vài ngày chuẩn bị cẩn thận. Juana Munoz cho biết cơn ác mộng bệnh tật bắt đầu ập xuống cuộc đời bà từ cách đây 29 năm, khi chạm tay vào vài củ khoai tây mà người chồng trồng trong sân nhà.

Juana nhớ lại rằng ngay sau khi chạm tay vào những củ khoai tây này thì khoảng 30 phút sau đột nhiên môi và mắt bắt đầu sưng phồng lên. Juana lập tức được gia đình đưa đi cấp cứu. Vừa khi đến bệnh viện, toàn bộ cơ thể Juana đã sưng phồng lên "giống như con quái vật".

Juana được điều trị bằng corticosteroids và cuối cùng cơ thể trở lại bình thường. Nhưng cũng kể từ đó, bất cứ khi nào tiếp xúc với hóa chất, Juana đều bị nôn mửa, mệt mỏi, kích ứng da, ngạt thở cùng với một số phản ứng dị ứng khác nhau. Juana nhớ lại những củ khoai tây được phun một loại thuốc trừ sâu mà vài năm sau đó nó bị cấm sử dụng sau khi giới truyền thông đưa tin rầm rộ về triệu chứng nhạy cảm với hóa chất của bà.

Về phần mình, Juana tin rằng chính loại thuốc trừ sâu này đã kích hoạt sự nhạy cảm trong cơ thể bà song lại không muốn tiết lộ tên gọi của nó vì không muốn gặp rắc rối về pháp lý. Hiện giờ, tất cả những gì Juana muốn là được ôm cả gia đình mình.Thời gian trôi qua, sự nhạy cảm với hóa chất của Juana càng lúc càng trở nên tồi tệ hơn và thậm chí còn bị chẩn đoán mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính, đau cơ...

Từ đó, Juana phải ở trong lồng kính nhỏ được thiết kế nhìn ra khu vườn của gia đình với hy vọng một ngày nào đó có thể bước ra ngoài và sống một cuộc sống bình thường một lần nữa. Chồng của Juana làm y tá riêng cho vợ, và trồng sản phẩm hữu cơ tại vườn nhà để phục vụ chế độ ăn uống hàng ngày cho Juana. Theo quy định của bác sĩ, vào mỗi tháng Juana chỉ ăn thịt hữu cơ có nguồn gốc đáng tin cậy vào 2 lần và ăn cá từ 4 đến 5 lần. Juana cũng chỉ được phép mặc quần áo bằng loại vải hữu cơ và sử dụng mặt nạ gốm được đặt hàng chế tạo tại Đức để hít oxygen vào bất cứ khi nào bị ngạt thở.

Sau khi bác sĩ phát hiện mắc bệnh ung thư vú cách đây vài năm, Juana Munoz bắt buộc phải chịu kiểm tra định kỳ mỗi năm tại Bệnh viện Đại học Puerto Real. Juana mô tả mỗi chuyến đi kiểm tra như thế là "địa ngục". Chiếc ô tô chở Juana phải bảo đảm hoàn toàn không có sự hiện diện của bất cứ loại hóa chất nào.

Nhưng, trên thực tế rất khó vô trùng tuyệt đối một chiếc ô tô cho nên có lần Juana gần như bị ngạt thở trước khi đến được bệnh viện. Do đó, vừa khi vào được bệnh viên, Juana lập tức được chuyển ngay vào căn phòng hoàn toàn trống không và vô trùng, sau đó cuộc kiểm tra sức khỏe được tiến hành theo tiến trình đặc biệt và hết sức chán ngắt. Juana được đưa trở về lồng kính của bà vào cùng ngày hôm đó. Những cơn đau nhức cơ bắp, ngạt thở, loét da và mệt mỏi là tất cả những gì mà Juana phải chịu đựng hàng ngày.

Hiện nay, một trong những mục đích chính của Juana trong phần đời còn lại là phát động chiến dịch tuyên truyền rộng rãi về MCS giúp cải thiện cuộc sống của những bệnh nhân khác. Juana Munoz mở chiến dịch gọi là "El Abrazo" (Cái ôm chặt) nhằm mục đích gây quỹ để sản xuất loại mặt nạ có hệ thống đặc biệt lọc sạch mọi hóa chất. Với chiếc mặt nạ như thế, Juana hy vọng sẽ được ôm mẹ mình lần nữa. Đối với những người bất thường như Juana Munoz, cái ôm thân mật chính là mục tiêu cuối cùng phải đạt được bằng mọi nỗ lực.

Juana Munoz cũng sắp có cháu trai nhưng lo sợ tình trạng của bản thân sẽ khiến cho bà không bao giờ có thể ôm cháu trong lòng mà buộc phải nhìn đứa bé qua cửa tấm kính. Puna de La Mal - giáo sư và nhà nghiên cứu các loại dị ứng của Tây Ban Nha - cho biết trường hợp của Juana Munoz được coi là hiếm hoi trên thế giới và bệnh nhân có thể tử vong vào bất cứ lúc nào nếu mắc phải một sơ suất nhỏ như hít phải không khí chưa được lọc sạch.

An An (tổng hợp)
.
.