Người tiền sử có trình độ phẫu thuật tinh vi?

Thứ Năm, 21/07/2016, 14:45
Ở Mỹ, một hiệp hội chuyên nghiên cứu những điều phát sinh khó lý giải trong lịch sử nhân loại đã tồn tại từ lâu, cùng tôn chỉ mục đích nhằm đặt dấu chấm hết cho những khái niệm thuộc dạng "hữu danh vô thực" xoay quanh các quan niệm truyền thống, nhất là với phạm trù "tiến hóa vượt bậc - đi trước thời gian" của người tiền sử.

Giới chuyên viên thuộc hiệp hội nói trên đặc biệt lưu tâm tới những di chỉ liên quan tới sự can thiệp của con người trong lĩnh vực phẫu thuật chữa trị các vết thương, được thực hiện cách đây nhiều ngàn năm với trình độ "siêu đẳng".

Trước hết xin đề cập đến một chiếc hộp sọ, đang là hiện vật độc đáo trong Viện bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở London (Anh). Hiển nhiên đó là một chiếc đầu lâu người vượn Neanderthal, tộc nguyên thủy sống ở châu Âu khoảng 350.000 - 600.000 năm, được tìm thấy vào năm 1921 gần ngọn đồi Broken tại mạn bắc nước Rhodesia (nay là Zimbabwe). Trên phần trái thuộc hộp sọ có một lỗ nhỏ với đường cạnh chu vi bao quanh rất sắc nét. Vết thương "tròn trịa" dạng này cho phép người ta liên tưởng tới thứ vũ khí nào đó được bắn ra với vận tốc cực lớn (có thể là viên đạn bay ra khỏi nòng súng). Nhưng thực trạng lỗ hổng lại cho thấy, rằng đường đạn sát thương không phải "xuyên vào" vỏ não mà ngược lại xuất phát từ bên trong đại não "phi ra".

Hộp sọ người Neanderthal trưng bày tại Viện bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London.

Còn theo một chuyên gia pháp y nổi tiếng người Đức ở Berlin, thì lỗ tròn trên hộp sọ tương đồng với dạng vết thương phổ biến do đạn súng sinh ra. Nhưng di chỉ nói trên được tìm thấy tận 18m dưới lòng đất. Với quá trình luân chuyển theo lý thuyết biến đổi địa chất thông thường, tất nhiên không thể đạt đến độ sâu đó được - nếu như nạn nhân thiệt mạng trong vòng vài thế kỷ gần đây, khi vũ khí dùng đạn lần đầu xuất hiện ở Trung Phi.

Nhưng trường hợp nêu trên chẳng phải là duy nhất. Ven bờ sông Lena ở miền đông Siberia thuộc Liên bang Nga các nhà khoa học cũng tìm thấy một chiếc sọ người với niên đại 40.000 năm, trên đó cũng có lỗ với các đường cạnh chu vi tròn phẳng tương tự như lỗ đạn. Điều này càng củng cố thêm cho ý tưởng, rằng trước đây nhiều nghìn năm con người đã sử dụng thành thạo những loại vũ khí phức tạp hơn hẳn rìu đá!

Nhưng cũng không loại trừ khả năng, rằng người tiền sử thời ấy cũng đã biết áp dụng nhiều công cụ hoàn thiện để chữa bệnh. Tất cả những điều chúng ta đã biết về nền y học tiền sử bỗng đột nhiên tan biến như "bong bóng xà phòng", sau khi giới khảo cổ học khám phá ra những di chỉ khó phủ nhận về trình độ "siêu việt" của họ trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình. Một điều rõ ràng là các cuộc phẫu thuật ghép xương, thậm chí cả những ca mổ tim cực kỳ nan giải  đều đã được tiến hành cách đây hơn 4.000 năm!

Gần con hồ Sevan ở Cộng hòa Armenia người ta đã khai quật được các bộ xương cùng niên đại 2.000 năm Tr.CN. Trên hộp sọ của một phụ nữ vẫn còn vết tích của một ca thuộc dạng "đại phẫu thuật": một lỗ có chu vi cỡ 6cm đã được chủ ý khoan, qua đó giúp vị phẫu thuật gia tiền sử "cấy" vào một mẩu xương động vật làm "vật cản", ngăn không cho các phần thuộc não bộ "trào" ra.

Cùng với thời gian, hệ xương vỏ não của người phụ nữ tiền sử phát triển, rồi tự ghép liền qua "giá đỡ" là mẩu xương động vật. Quả là một kỳ tích phi thường! Trên một hộp sọ khác, lại thấy rõ phần va đập cùng mức độ tổn thương lớn. Vị phẫu thuật gia tiền sử vô danh cũng tiến hành mổ gắp hết các mảnh xương vỡ bên trong ra…

Lỗ thủng trên hộp sọ có niên đại 2.000 năm Tr.CN tìm thấy ở Armenia, mang dấu ấn của ca phẫu thuật sọ não đặc trưng: ghép xương khiến vết thương khỏi hẳn.

Và rồi nạn nhân đã "tai qua nạn khỏi", có tuổi thọ rất cao so với người cùng thời. Giáo sư bác sĩ Andronik Yaharian, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Yerevan, một trong những người trực tiếp tham gia nghiên cứu các hiện vật tìm thấy gần hồ Sevan, đưa ra lời bình luận: "Nếu như đề cập tới những dụng cụ mổ xẻ mà giới thầy thuốc tiền sử từng chữa trị cho các bệnh nhân, ta có thể nói rằng họ có tri thức kỹ thuật chuyên môn hơn hẳn giới phẫu thuật gia hiện đại".

Còn tại Trường Đại học Tổng hợp Ashgabat ở thủ đô Cộng hòa Turkmenistan, các nhà khoa học cũng đang dày công nghiên cứu về những "ca" phẫu thuật xương sọ và xương sườn tiến hành trong thời tiền sử, được tìm thấy trong vùng Trung Á dạo cuối thập niên 90 thế kỷ trước…

Học giả gạo cội người Đức Rene Noorbergen sau nhiều năm tìm hiểu tất cả các trường hợp "phẫu thuật tiền sử" vừa nêu, khẳng định: "Các cuộc phẫu thuật siêu cổ ấy là bằng chứng hiển nhiên, rằng người tiền sử đã giữ mối quan hệ với một nền văn minh bí ẩn nào đó có trình độ kỹ thuật ưu việt. Họ có thể được dạy cho các cách mổ xẻ, hoặc là đích thân những người ngoài hành tinh kia tự tay tiến hành phẫu thuật cho người trái đất. Còn như lịch sử loài người đã minh chứng, thì các dân tộc hoang sơ, cũng như các nền văn minh bộ lạc tại các vùng đất tương ứng với thời điểm phát xuất di chỉ khảo cổ, không thể đạt tới trình độ siêu đẳng như vậy được!".

Đồng thời học giả R. Noorbergen cũng phát triển thêm nhận định của mình. Ông đưa ra ví dụ về các bức tượng và tranh vẽ tìm thấy trên các vùng núi cao thuộc dãy Andes ở Nam Mỹ, những hiện vật có niên đại rất sớm so với nền văn minh của người Inca.

Nhiều bức tượng mô tả trạng huống đau đớn của các bệnh nhân mắc những chứng bệnh nan y khác nhau, đóng vai trò như là tượng "ma xó" trong nghi lễ chôn cất những người chết vì chứng bệnh ấy. Điều này không có nghĩa là nền văn minh bộ lạc thuở ấy đã biết rành rõi về mọi chứng bệnh khiến đồng bào mình thiệt mạng.

Tranh khắc trong ngôi đền Kom Ombo mô tả dụng cụ phẫu thuật của người Ai Cập cổ.

Nhưng R. Noorbergen lại vô tình quên một điều, rằng giữa những hiện vật mà ông đã nêu làm ví dụ ở Nam Mỹ kia, hiện diện cả những đề tài về phẫu thuật tim và não, cũng như công cuộc mổ xẻ cứu trẻ sơ sinh trong các ca đỡ đẻ… Còn đây là lời miêu tả do phẫu thuật gia nổi tiếng người Mỹ, Tiến sĩ y học Stephen Marks đưa ra nhân sự kiện này: "Ảnh chụp từ các bức tranh khắc thể hiện một ca phẫu thuật tim, với các dụng cụ chuyên môn rất dễ mục kích… Các tĩnh mạch quanh tim được vẽ vô cùng chính xác, cũng như tư thế làm việc đầy trách nhiệm của giới thầy thuốc tiền sử không thua kém gì các phẫu thuật gia hiện đại cả".

Riêng với các hình thể thuộc chủ đề giải phẫu học, được tái hiện qua các nét khắc lại làm nảy sinh sự nghi hoặc không đáng có. Bởi chúng ta từng biết rằng, các nền văn minh xuất hiện trong giai đoạn muộn màng hơn cũng ở khu vực Nam Mỹ này, thường thực hiện những màn tế thần đẫm máu đậm chất tín ngưỡng mê muội. Vậy điều đó có từng xảy ra với các sắc dân tồn tại trước nền văn minh Inca không?

Và phải chăng các tranh khắc về giới "phẫu thuật gia thiện nghệ", thật ra chính là các nhà chiêm tinh phù thủy cùng các dụng cụ sắc nhọn chuyên dụng  - xa lạ với mục đích y đức cứu người? Còn pho tượng nhỏ mô tả một ca mổ tưởng như nhằm cứu sống cả sản phụ lẫn trẻ sơ sinh, thực ra là cuộc phẫu thuật tế lễ thần linh với 2 mạng sống "tươi nguyên"? Thật khó mà đưa ra được câu trả lời thỏa đáng!

Mặt khác, theo nhận định của nhiều chuyên gia am hiểu, thì các cuộc khai quật khảo cổ cũng thiếu những bằng chứng mang tính thuyết phục về sự tồn tại của một giống người "siêu đẳng", có thể "khởi sự" lối sống tiền sử hoang sơ của mình song song với trình độ phẫu thuật tiên tiến. Khoa học đã đi sâu tìm kiếm qua các di chỉ nhằm nghiên cứu sự tiến hóa của nhân loại, trong nhiều trường hợp các di vật khảo cổ lại mang đậm nét phản biện về những điều đã biết - mang tính bất di bất dịch.

Tỉ như ai cũng biết rằng loài khủng long đã biến mất cách đây khoảng 70 triệu năm, còn loài người mới xuất hiện trên mặt đất hơn một triệu năm nay. Nhưng một cuộc khai quật dưới đáy một con sông đã khô cạn ở tiểu bang Texas (Mỹ), người ta lại phát hiện cả 2 di chỉ thuộc cùng một kỷ nguyên địa chất đã hóa thạch: một của khủng long tiền sử, còn bên cạnh đó là dấu chân con người với độ dài bàn chân tới cả… 24cm!

Một khía cạnh gây chấn động nữa thuộc thời tiền sử: song song giữa hằng hà sa số các hiện vật khảo cổ về các công cụ bằng đá, là những hình thù vuông thành sắc cạnh thể hiện cho nhiều loại vũ khí "siêu hạng": đục nhọn, dao găm chạm khắc tinh vi v.v… Chúng hiện diện khắp nơi, từ Anh quốc qua Australia, từ Nam Mỹ đến Ấn Độ…

Nhà nghiên cứu lỗi lạc người Anh Rainald Gatti, vị chuyên gia sừng sỏ về lịch sử cổ đại, đã viết về bộ sưu tập vũ khí tiền sử độc đáo của mình vào năm 1896: "Khi bạn muốn xem xét tỉ mỉ các hiện vật siêu nhỏ bằng đá, thậm chí với độ dài nhỏ hơn 6mm, nhất quyết bạn phải dùng đến kính lúp có độ khuếch đại lớn. Người tiền sử quả thực có đôi bàn tay cùng đôi mắt thật điêu luyện biết bao, để hoàn thiện được những công cụ hết sức tinh xảo như vậy!… Khi người ta mục kích các thứ công cụ tinh vi ấy được tồn trữ thành đống theo thứ tự, hiển nhiên chúng có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống tiền sử, do vậy luôn được hoàn thiện từ giới nghệ nhân cổ đại hàng đầu. Nếu không là vũ khí trang bị cho cuộc sinh tồn, thì cũng là phương tiện giúp duy trì sự sống… Ở đây tôi đặc biệt muốn đề cập tới một điều: đó chính là các dụng cụ phẫu thuật cực kỳ chính xác!".

T.Q.Long (tổng hợp)
.
.