Người tiền sử đã chế ra máy tính và biết sử dụng nguồn điện?

Thứ Bảy, 04/06/2016, 15:00
Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định: Những nền văn minh cổ đã đạt được trình độ phát triển kỹ thuật mà con người thời hiện đại khó mà tưởng tượng ra được. Những phát minh đầy dấu ấn của họ lặng lẽ đi qua trong các cuốn sách dạng “original” của lịch sử.

Sự khẳng định này được thể hiện rõ nét bởi các bằng chứng rõ ràng - đầy tính kỳ lạ và khó lý giải - hiện diện đó đây trong các đền thờ cũng như bảo tàng cổ. Trước mắt chúng ta luôn hiện hữu các phát kiến khoa học nghiêm túc, mang tính kỹ thuật thuần túy tồn tại ngay từ thời xa xưa. Đó lại thêm một các lý giải nữa, rằng lịch sử đã có những “vệt trắng” ẩn giấu rất nhiều điều kỳ thú trong đó.

Vào đầu thế kỷ XX, các ngư dân Hy Lạp phát hiện gần đảo Antikythera mảnh vụn của một con tàu vỡ đôi trước đấy chừng 2000 năm - bị đắm cùng với một kho báu khổng lồ. Tàu này chuyên chở các bức tượng bằng đồng và đá hoa cương trên đường tới La Mã, gặp nạn vào khoảng năm 65 Tr.CN. Trên boong tàu người ta tìm thấy những hiện vật bằng gỗ và bằng đồng, tuy đã bị rỉ sét rất nhiều nhưng hiển nhiên đó là phần còn sót lại từ một chiếc bánh răng của một thiết bị dùng để đo trọng lượng (cân).

Đến năm 1954, nhà toán học nổi tiếng người Anh, Derek John de Solla Price (1922-1983), người từng được tôn vinh là “cha đẻ của bộ môn Đo lường hiệu suất khoa học” (Scientometrics), đang nghiên cứu và giảng dạy tại Trường đại học tổng hợp Cambridge đi tới sự khẳng định rằng, đây chính là một phần thuộc “cỗ máy tính” huyền thoại của người Hy Lạp cổ, một vật dụng kỹ thuật hoàn hảo nhất so với tất cả các sáng chế trong suốt nhiều thế kỷ sau đó ở châu Âu.

Tính chất cơ học thực tiễn của “cỗ máy tính” này hoạt động theo nguyên tắc hoàn thiện y như với loại đồng hồ treo tường của thời hiện đại. Cỗ máy cổ đại cấu thành từ ít nhất là 20 chiếc bánh răng, được giữ bởi các trục bằng đồng, rồi tất cả được xếp gọn vào trong một chiếc hộp bằng gỗ có nắp đóng mở hẳn hoi. Khi quay trụ chính - xuyên qua giữa hộp, lập tức các mũi tên (kim) sẽ chuyển động với nhiều vận tốc khác nhau trên mặt cái mâm gỗ gắn bên ngoài.

Chú giải của R. Noorbergen.

Thiết bị này thực ra là một mô hình cơ động, thể hiện vị trí của các hành tinh thuộc hệ mặt trời mà mắt thường nhìn thấy được, bao gồm mặt trời, mặt trăng, sao kim, sao mộc, sao thủy, sao hỏa và sao thổ, với khoảng cách vị trí của chúng được tính rất chính xác.

Giáo sư D. Price còn khẳng định thêm: “Một công cụ như vậy không tìm thấy được ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Không tồn tại thứ văn tự cổ nào - khoa học cũng như văn học - đề cập tới một thiết bị tương tự”. Rồi ông tiếp tục: “Máy tính” chỉ có trong huyền thoại truyền khẩu.

Khám phá ở Antikythera hiển nhiên là một phần của kho tàng tri thức cổ lớn lao, tuy không tới được với nền khoa học phổ biến tại Âu lục nhưng người Arập đã biết cách sử dụng chúng”. Quả đúng vậy, sau nhiều thế kỷ muộn hơn, chính người Arập đã chế ra hệ thống lịch cơ học, làm kinh ngạc giới chế tạo đồng hồ châu Âu thời Trung cổ; cũng như với nhà toán học Pháp Blaise Pascal (1623-1662), người được tôn vinh là “cha đẻ” của dạng máy tính đầu tiên trên thế giới.

Hiện vật cổ ở Antikythera được hoàn thiện như một cỗ máy tính vào năm 2007.

Một thứ đồ cổ nữa cũng thật khó giải thích với các nhà khoa học hiện đại: một hình thể nhỏ, gọi nôm na là “con báo”, được phát hiện ở Panama giữa thập niên 20 thế kỷ trước. Giới xây dựng tân kỳ đưa ra giả thuyết, rằng đó là “model đời chót” của hệ máy xúc đào hiện đại. Bất chấp tuổi tác cổ xưa của vật thể, các “tam giác” nhỏ ngoài rìa làm người ta liên tưởng tới những cái xẻng của tay máy cơ học. Cặp “bánh răng” trên đỉnh và sau đuôi vật thể là 2 trục chính duy trì sự hoạt động của guồng xích,  hoặc hệ thống dây curoa...

Tuy nhiên cũng có nhiều nhà khoa học khác lên tiếng phản bác sự “liên tưởng thái quá” này. Còn những người ủng hộ quan điểm trên nhanh chóng gắn sự kiện ở Panama với việc thi công xây dựng các đô thị cổ trên độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển, như thành phố Machu Picchu trên dãy núi Andes thuộc Peru ở Nam Mỹ chẳng hạn.

Người ta quả quyết rằng, để đưa được một lượng lớn đất đá và vật liệu xây cất lên độ cao “khó với” như vậy, cần phải có phương tiện xây dựng chuyên dụng như dạng “con báo” nói trên. Nhưng các tư liệu lịch sử rõ ràng đã đặt dấu chấm hết cho vấn đề gây tranh cãi này: chính các nô lệ cùng công nhân xây dựng thời cổ đã dùng sức người vận chuyển lên cao mọi thứ!

Một giả thuyết “quả cảm” nữa liên quan đến các tranh khắc trên tường một ngôi đền Ai Cập cổ ở vùng Dendera, được xây dựng trong giai đoạn từ năm 300-30 T.CN thờ nữ thần Hathor. Theo ký giả khoa học Mỹ Rene Noorbergen, thì bức khắc thể hiện thần Horus là vị thần của mặt trời, đồng thời cũng là thần hộ mệnh của nguồn năng lượng. Trên đầu thần là một khối hình cầu biểu tượng cho thứ năng lượng mới, còn thấp xuống phía dưới chân là nơi tích trữ hay máy phát điện.

Giáo sư D. Price cùng mô hình phục chế từ con tàu đắm.

Hình con rắn đóng vai trò như sợi dây dẫn đến dụng cụ thắp sáng, còn đóa sen nở chính là ổ cắm nối từ nguồn ra. Các điện cực trái dấu thể hiện qua hình khắc 2 người ngồi đối diện nhau. Thế con khỉ đứng cầm dao thì sao?

“Người Ai Cập cổ đại - R. Noorbergen biện luận - vốn rất quen thuộc với những nguồn năng lượng khổng lồ mà họ nắm bắt được, nên họ không muốn con người là vật thí nghiệm trực tiếp ở giữa dòng điện. Tranh khắc con khỉ đã thể hiện rõ ý tưởng này. Còn cặp dao nhọn đóng vai trò như cái cầu dao hay cầu chì cũng vậy”. Đương nhiên giả thuyết của R. Noorbergen cũng bị nhiều nhà khoa học khác phản bác lại.

Còn học giả nổi tiếng người Mỹ, Carl Sagan (1934-1996) cho rằng: “Thật nực cười khi ai đó cố tìm trong các tác phẩm nghệ thuật cổ những chi tiết tỉ mỉ thể hiện trình độ kỹ thuật cao siêu. Những tranh khắc trên tường tại Dendera đơn giản chỉ nhằm mô tả lễ hội đậm chất tín ngưỡng của người Ai Cập cổ mà thôi”.

Riêng C. Sagan từng tìm thấy một bức tượng giống mô hình chiếc xe hơi giữa các pho tượng trong đền thờ mặt trời tại San Juan Teotihuacán ở Mexico, nhưng vị học giả này không bao giờ tách rời hiện vật ấy ra khỏi bức tranh chung tôn vinh thần mặt trời và giới khảo cổ học cũng ủng hộ quan điểm của ông.

Tranh khắc trên tường tại đền thờ thần Hathor.

Những giả thuyết “xác đáng” trên lẽ dĩ nhiên luôn tạo ra các mối ngờ vực, bởi chẳng lẽ người cổ đại lại có nền kỹ thuật “vượt bậc” như chúng ta hiện nay hay sao? Riêng cố học giả C. Sagan từng khẳng định rằng: “Những đồ vật ấy thực ra muốn thể hiện một kiểu văn tự bí hiểm nào đó, làm đau đầu nhiều bộ óc kiệt xuất giữa thời hiện đại. Và chính họ đã nhìn vào vật cổ để tự mục kích những gì mà họ muốn thấy”.

Bất chấp tất cả những điều trên, vậy nền văn minh tân kỳ của chúng ta sẽ lý giải ra sao về những công trình khổng lồ, mà cư dân của nhiều nền văn minh cổ đã tạo dựng nên, tồn tại gần như vĩnh cửu với thời gian mà nền kỹ thuật đương đại chưa chắc đã thực hiện được?!

Thu Hường (tổng hợp)
.
.