“Người tố giác vĩ đại” lật mặt trái Facebook

Thứ Hai, 26/03/2018, 15:53
Ngày 22-3 nhà sáng lập Facebook - Mark Zuckerberg - người được giới trẻ trên thế giới ngưỡng mộ, đã phải lên tiếng xin lỗi về việc rò rỉ thông tin của 50 triệu người dùng trong vụ bê bối Cambridge Analytica, đang khiến họ bốc hơi khoảng 60 tỷ USD và tâm lý hoài nghi của hơn 2 tỷ người dùng mạng xã hội này. Nhiều người dùng đã tính tới việc xóa Facebook.


Kỷ nguyên số và sự nguy hiểm của những kẻ bán đứng thông tin

Facebook đã phạm sai lầm trong việc bảo vệ thông tin của 50 triệu người sử dụng, và cam kết sẽ có biện pháp cứng rắn hơn nhằm siết chặt việc các nhà lập trình tiếp cận được những thông tin này. Đây là sự thừa nhận đầu tiên của Facebook trong bối cảnh uy tín của trang mạng xã hội lớn nhất thế giới này bị ảnh hưởng nghiêm trọng do vụ bê bối rò rỉ dữ liệu gây chấn động dư luận.

Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CNN ngày 21-3, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg thừa nhận vụ việc trên đã gây ra tổn thương nghiêm trọng tới niềm tin của người dùng, đồng thời gửi lời xin lỗi đến người sử dụng.

Ngày 21-3, Ủy ban Công nghệ, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh phát lệnh triệu tập người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg để điều trần và ra hạn chót để vị tỷ phú này phản hồi là vào ngày 26-3.

Mark Zuckerberg - Người sáng lập Facebook trong tâm “bão” bê bối thông tin người dùng Facebook. Ảnh: Recode.

Theo tờ The Guardian, quốc hội Mỹ cũng đang xem xét có hành động tương tự. Ngoài ra, giới công tố tại 3 bang ở Mỹ gồm Massachusetts, New Jersey và New York cũng như Ủy ban Thương mại liên bang cũng đã vào cuộc điều tra. Nếu bị kết luận xâm phạm quyền lợi người dùng, Facebook có thể hứng án phạt hàng tỷ USD.

Không chỉ bê bối tại Anh,  trước đó, Facebook cũng có nguy cơ đối mặt với những rắc rối mới khi Cơ quan cạnh tranh liên bang tại Đức đang cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với trang mạng xã hội lớn nhất hành tinh này. Giới chức cấp cao tại châu Âu đã nhiều lần chỉ trích những hành vi mà họ cho rằng thuộc dạng trốn thuế, vi phạm luật riêng tư và lạm dụng sức mạnh thị trường của các "ông lớn" như Google, Facebook và Amazon.

Facebook cam kết áp dụng mọi chính sách của hãng để bảo mật thông tin cá nhân và sẽ nghiêm túc tìm hiểu sự việc. Hiện ban lãnh đạo Facebook cùng các nhóm chuyên gia đang nỗ lực tìm các "lỗ hổng" để từ có hướng giải pháp thiết thực do tính chất nghiêm trọng của vấn đề. Rất có thể tuyên bố trên chỉ là xoa dịu dư luận, còn thực tế cho thấy rõ, các hãng công nghệ đang biến người dùng thành "mặt hàng" rất có giá trong thời đại công nghệ số.

Các chuyên gia dự báo sự việc sẽ không dừng lại ở việc nhận lỗi. Tất cả những người liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Kiếm tiền từ kho thông tin "miễn phí"

Tại sao thông tin người dùng giúp Facebook hái ra tiền? Việc miễn phí cho người dùng chỉ là "cái cớ" của các mạng xã hội lớn, bởi chính thông tin cá nhân của người dùng mới là công cụ hái ra tiền của Facebook, Google... 

Ví như trên Facebook, dữ liệu cá nhân của người dùng chính là "sản phẩm" đầu ra của hãng, còn các nhà quảng cáo, kể cả những cá nhân chỉ nhằm "mua view thôi" đều là "khách hàng" mạng xã hội này.  Sự riêng tư và những thông tin cá nhân có liên quan chính là thứ mà người dùng "đánh đổi" để được sử dụng Facebook mỗi ngày.

Theo điều tra của CNN, những thao tác "thích", "bình luận", "chia sẻ" hay những "tự khai" (khoe với bạn bè) rằng bạn đang ở đâu, đang làm gì..., kể cả các nội dung khi được bạn đưa lên Facebook, trả lời bạn bè trên Facebook điều này đồng nghĩa với việc đã được "gia chủ" Facebook ghi lại chi tiết. Cộng thêm các dữ liệu mà bạn đã cung cấp khi đăng ký vào mạng trước đó như tên, ngày sinh, số điện thoại, địa chỉ, đã học ở đâu, đang làm gì,... mà Facebook cố tình "moi, hỏi" để bạn khai ra, thế là vô tình bạn đã giúp cho Facebook có một kho dữ liệu khổng lồ về mình.

Và kho dữ liệu này có giá trị hữu hình và vô hình cực lớn. Vụ bê bối đang diễn ra đã chứng minh giá trị hàng chục tỷ USD của kho thông tin mà chúng ta cung cấp miễn phí cho Facebook.

Facebook "kêu" mình là nạn nhân của một vụ lừa gạt

Trong tuyên bố ngày 20-3, Facebook khẳng định công ty bị xúc phạm nghiêm trọng và là nạn nhân của vụ lừa gạt. Nhằm chứng minh cho sự vô can trong vụ bê bối này, các đại diện của Facebook đã có cuộc gặp kéo dài 2 tiếng với các thành viên Quốc hội Mỹ vào ngày 21-3 và dự kiến một cuộc gặp khác sẽ diễn ra trong ngày 22-3 tại Đồi Capitol. Facebook khẳng định công ty bị xúc phạm nghiêm trọng và là nạn nhân của vụ lừa gạt.

Ông Alexander Nix  - Giám đốc điều hành (CEO) của Cambridge Analytica. Ảnh: MY Stock.

Tuyên bố trên của Facebook nhằm chĩa mũi nhọn chỉ trích về phía Cambridge Analytica (Công ty tư vấn chính trị Cambridge Analytica có trụ sở ở thủ đô London, Anh) khi Facebook đang chịu sức ép điều tra từ cả giới chức Anh, Mỹ và châu Âu về việc có bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng Facebook hay không và liệu khi phát hiện ra dữ liệu bị đánh cắp, các chuyên gia của hãng có các biện pháp xử lý phù hợp và có thông báo tới người dùng hay không.

Do ảnh hưởng vụ bê bối này, cổ phiếu của Facebook đã tiếp tục giảm thêm 2,5% vào chốt phiên 20-3 tại thị trường New York sau khi giảm 6% trong ngày giao dịch trước đó. Như vậy, trong 2 ngày qua, giá trị cổ phiếu của Facebook đã sụt giảm 60 tỷ USD. Trong khi đó, Cambridge Analytica bác bỏ việc sử dụng dữ liệu với mục đích sai trái, đồng thời khẳng định rằng xóa bỏ toàn bộ dữ liệu của Facebook từ một ứng dụng thứ 3 vào năm 2014, sau khi nhận ra rằng việc sử dụng thông tin này là trái với quy định bảo vệ dữ liệu.

Facebook đang đối mặt với "búa rìu" dư luận cũng như chịu sức ép điều tra từ cả giới chức Anh, Mỹ và châu Âu liên quan tới thông tin cho rằng CA, hãng phân tích dữ liệu của Anh được ê kíp tranh cử của Tổng thống Donald Trump thuê trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, đã thu thập và sử dụng thông tin của 50 triệu tài khoản Facebook.

Trong khi đó, hãng tin ABC (Mỹ) dẫn một nguồn tin giấu tên cho hay Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller, người đứng đầu cuộc điều tra về nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2016, đang tìm bằng chứng cho vai trò của CA trong chiến dịch tranh cử giúp ông Trump giành chiến thắng. Theo ABC, các nhân viên điều tra đã thẩm vấn một số chuyên gia kỹ thuật số trong ban chiến dịch tranh cử của ông Trump. Vụ bê bối Cambridge Analytica đã gây tổn thất nặng cho uy tín của Facebook.

Không chỉ đối mặt với điều tra của cơ quan chức năng Mỹ và châu Âu, Facebook còn bị nhà đầu tư kiện. Vụ bê bối thu thập thông tin trái phép người dùng Facebook đã lập tức gây sốt cộng đồng mạng và dư luận thế giới những ngày qua. Thậm chí, đã có trên 30% người dùng được khảo sát, trong một cuộc khảo sát nhỏ đã có ý định không dùng mạng xã hội Facebook.

"Người tố giác vĩ đại"

Lần lại "lịch sử", vụ Cambridge Analytica (CA) được biết đến từ lâu. Tuy nhiên, cách Cambridge Analytica thu thập dữ liệu và thông báo rằng đã xóa chúng dù vẫn đang lưu giữ mới là điều khiến người ta quan tâm. Và cựu nhân viên của CA, Christopher Wylie, người đã tiết lộ vụ thu thập trái phép dữ liệu trên, đã chấp nhận ra điều trần trước các nhà lập pháp Mỹ và Anh. Christopher Wylie - Kỹ sư người Canada đã đóng vai trò là nguồn tin cho nhà báo Carole Cadwalladr trong mục Observe của tờ Guardian trong vòng hơn một năm qua.

Anh đã đưa ra bằng chứng về sự hiện diện của công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica không chỉ trong nhóm vận động tranh cử của Tổng thống Mỹ, mà còn liên quan tới cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh tách khỏi Liên minh châu Âu (Brexit).

Kể về tiến trình "bóc" thông tin trên, nhà báo Cadwalladr cho biết, sau nhiều tháng các cuộc trò chuyện không được ghi lại, nhà báo Cadwalladr cuối cùng đã thuyết phục được Christopher Wylie ra mặt trước công chúng. Đồng thời bà đã đưa ra ánh sáng việc Cambridge Analytica thu thập dữ liệu của 50 triệu cử tri tại Mỹ và sử dụng hệ thống phân tích để đưa ra các biện pháp vận động cho từng đối tượng.

Christopher Wylie, người không học vấn hay bằng cấp đã tạo nên công cụ tâm lý chiến tác động tới hàng triệu cử tri tại Mỹ, Anh và trên khắp thế giới. Cũng chính anh đã tố cáo chính sách kiểm duyệt lỏng lẻo của Facebook để lại lỗ hổng để Cambridge Analytic thao túng kết quả các cuộc bầu cử. Bà Cadwalladr đã ca ngợi Wylie là "người tố giác vĩ đại" khi anh giúp vạch trần bộ mặt thật của những kẻ bán đứng thông tin hàng chục triệu người vốn tin tưởng vào trang Facebook trong vụ rò rỉ thông tin lớn nhất lịch sử mạng xã hội.

Theo thông  từ báo chí Mỹ và Anh, Christopher Wylie sinh trưởng tại bang British Columbia, Canada. Năm 16 tuổi Wylie rời khỏi trường học và không có bất kỳ bằng cấp nào. Nhưng sự hiểu biết về mạng Internet đã giúp anh chứng minh năng lực của mình trong giới chính trị. Năm 20 tuổi, anh chuyển đến Anh để học luật tại Trường Kinh tế London.

Trong thời gian học tập và nghiên cứu, anh Wylie làm việc cho đảng Dân chủ Tự do của Anh và cho biết đã giúp đỡ Đảng này "nâng cấp cơ sở dữ liệu cũng như nhắm tới từng đối tượng cử tri". Sau thời gian làm việc cho đảng Dân chủ Tự do, Wylie đã được giới thiệu tới SCL Group, một công ty con thuộc quyền sở hữu của Cambridge Analytica. Kinh nghiệm làm việc đã gợi cho anh Wylie suy nghĩ về "những đặc điểm tính cách có thể là nguyên nhân dẫn tới các hành vi chính trị".

Quan điểm này của anh gây được sự cho ý cho Giám đốc điều hành  của CA, ông Alexander Nix. Tới lúc này, Wylie mới bước chân vào SCL Group, công ty đóng vai trò quan trọng trong chiến lược truyền thông trong giới chính trị ở Anh và Mỹ, cũng tiến hành các phương thức chi phối tâm lý cử tri trong các cuộc bầu cử trên toàn thế giới.

"Chúng tôi đã khai thác lỗ hổng thông tin để thu thập dữ liệu hàng triệu tài khoản, và xây dựng những mô hình cho phép khai thác tất cả những điều chúng tôi đã biết về người dùng và nhắm đúng tâm lý của họ. Đó là cơ sở để công ty duy trì hoạt động", Wylie nói. Năm 2014, Christoper Wylie rời khỏi Cambridge Analytica và gửi một báo cáo để khiến Facebook thay đổi nhận thức về bảo mật thông tin vào năm 2016.

Trong bức thư hồi đáp, các luật sư của Facebook đã trả lời rằng "Facebook đã chẳng làm gì để lấy lại số dữ liệu đó". Sau khi vụ rò rỉ thông tin được Guardian đăng tải, Facebook đã đóng tài khoản của Cambridge Analytica vào ngày 16-3. Ngoài ra mạng xã hội lớn nhất thế giới cũng chặn luôn tài khoản Facebook và Instagram của anh Wylie.

Sự nguy hiểm của Cambridge Analytica

Trong khi đó, ông Alexander Nix đã bị đình chỉ công tác để phục vụ cuộc điều tra liên quan đến vụ bê bối tiếp cận trái phép thông tin của 50 triệu người dùng Facebook. Đài truyền hình Channel 4 (Anh) công bố băng ghi hình những cuộc hội thoại diễn ra từ tháng 11-2017 đến tháng 1-2018, trong đó ông Nix và cộng sự khoe khoang về tầm ảnh hưởng của Cambridge Analytica.

Trong cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng, phóng viên Channel 4 giả dạng là khách hàng muốn thuê Cambridge Analytica giúp một ứng cử viên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Sri Lanka. Theo lời ông Nix, công ty này có thể "moi" thông tin về các chính trị gia bằng nhiều cách, trong đó có cả "mỹ nhân kế".

Thậm chí, Cambridge Analytica có thể đưa hối lộ để gài bẫy, bôi nhọ một ứng viên. Trong phóng sự điều tra, ông này cùng các đồng nghiệp còn tuyên bố Cambridge Analytica và công ty mẹ SCL "đã nhúng tay trong hơn 200 cuộc bầu cử ở nhiều nước cũng như tư vấn cho ông Mukhriz Mahathir, con trai cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013.

Ngoài ra, ông Nix tuyên bố đã "nhiều lần gặp" Tổng thống Trump trong lúc ông còn là ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng và CA "đóng vai trò chính trong chiến thắng của chính quyền D. Trump". "Chúng tôi làm tất cả mọi khâu, từ nghiên cứu, làm dữ liệu, phân tích, xác định mục tiêu, điều hành chiến dịch kỹ thuật số và ảnh hưởng đến chiến lược của họ", Nix nhấn mạnh. Đáp lại, ông Brad Parscale, quản lý hoạt động kỹ thuật số cho chiến dịch Cambridge Analytica "mà chỉ dựa vào thông tin cử tri từ Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa".

Tuy nhiên, Cambridge Analytica tuyên bố những phát ngôn của người này "không đại diện cho giá trị hay hoạt động của công ty". Hãng còn phủ nhận hoàn toàn những thủ đoạn như lời kể và nói đã xóa toàn bộ dữ liệu Facebook vào năm 2015 "nên không thể dùng để tác động vào các sự kiện chính trị".

Thủ tướng Theresa May cũng bị chất vấn về khả năng đảng Bảo thủ liên quan đến tập đoàn SCL, bởi hãng này do một cựu nghị sĩ đảng Bảo thủ sáng lập và đang dưới sự điều hành của chủ tịch hiệp hội đảng Bảo thủ Oxford. Bên cạnh đó, một giám đốc của hãng đã tài trợ 700.000 bảng cho đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, Thủ tướng May nêu rõ theo như bà biết, không có hợp đồng nghiên cứu nào của chính phủ ký với Cambridge Analytica hay tập đoàn SCL.

Nguyễn Hòa
.
.