Nguy cơ hỏa hoạn ở Hà Nội: Cẩu thả - Gây họa!
- Bất ngờ với nguyên nhân vụ hỏa hoạn tại một công ty nội thất ở Nam Từ Liêm
- Vụ hỏa hoạn giá... 8 tỷ đồng
- Hỏa hoạn thiêu rụi 2 cơ sở tái chế lốp ô tô
Theo Đại tá PGS-TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học PCCC thì về nguyên tắc, để đảm bảo cho việc thoát hiểm khi có sự cố như cháy nổ xảy ra, các nhà kho, nhà xưởng cần phải có hai lối thoát. Thậm chí, càng nhiều lối thoát càng tốt. Trong quá trình xây dựng, tuyệt đối không bịt kín và dành một lối thoát (tức cửa kho, xưởng) duy nhất.
Cũng theo Đại tá Xiêm, hiện nay, nhiều chủ xưởng, chưa nhận biết sâu sắc việc cháy nổ nên còn cẩu thả trong việc trang bị các thiết bị PCCC, chính vì vậy rất dễ dẫn đến những tai họa khó lường.
Hiện trường vụ cháy xưởng bánh kẹo ở xã Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội). |
1. Chúng tôi có mặt tại xã Long Xuyên (Phúc Thọ, Hà Nội) khoảng một tuần sau vụ cháy kinh hoàng xảy ra tại xưởng sản xuất bánh kẹo nằm ven quốc lộ 32 (xã Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội). Vụ cháy này khiến cho 8 người tử vong, 2 người bị thương nặng. Hầu hết nạn nhân đều là những thanh thiếu niên tuổi đời còn rất trẻ, có em chỉ mới vừa tròn 15 tuổi. Và riêng xã Long Xuyên đã có đến 7 trong số 8 nạn nhân tử vong.
Tại thôn Phù Long, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Lan (trú tại thôn Phù Long, xã Long Xuyên) là mẹ đẻ của nạn nhân Kiều Công Chúc (SN 2002). Cho đến thời điểm này bà Lan vẫn không tin rằng đứa con trai hiền lành ngoan ngoãn của mình đã ra đi mãi mãi. “Cái hôm biết tin thằng Chúc bị nạn, bà Lan cứ ngất lên ngất xuống, lúc nào cũng phải có người bên cạnh đỡ và xoa bóp, bấm huyệt” - một người thân của gia đình kể với chúng tôi.
Nhắc đến con, bà Lan lại ứa nước mắt nghẹn ngào: “Tôi đau đớn lắm chú ơi, cháu ra đi đột ngột quá, hôm cháu đi đúng vào sinh nhật tròn 15 tuổi”. Cũng theo một số người thân của gia đình, Chúc vốn là đứa trẻ ngoan ngoãn từ nhỏ. Mới tí tuổi đầu cháu đã biết cùng mẹ chạy chợ, rồi đi học về là cơm nước, quét dọn nhà cửa rất ngăn nắp sạch sẽ.
Gia cảnh khó khăn, bố bị bệnh mãn tính, kinh tế cả gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng nên Chúc không đua đòi như một số thiếu niên cùng lứa. Dịp nghỉ hè sau khi tốt nghiệp THCS, Chúc nằng nặc xin phép mẹ đi làm thêm ở xưởng sản xuất bánh kẹo bên xã Đức Thượng (Hoài Đức) để có thêm tiền phụ giúp bố mẹ.
“Vừa mới hôm trước cháu nó về nhà khoe với gia đình là được trả mỗi tháng 3 triệu đồng. Ai ngờ ngay hôm sau cháu đã không còn nữa...” - bà Lan ứa nước mắt kể.
Trở lại vụ hỏa hoạn kinh hoàng, ông Đỗ Đức Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho chúng tôi biết. Khoảng 10 giờ 30 phút sáng ngày 29-7-2017, UBND huyện nhận được thông tin về vụ cháy. Nơi xảy cháy là xưởng sản xuất bánh, sô-cô-la ở thôn Thượng Thụy, xã Đức Thượng do anh Nguyễn Văn Được (SN 1992 trú tại Long Xuyên, Phúc Thọ, Hà Nội) làm chủ.
Một kho chứa bánh kẹo tại làng La Phù không có hệ thống PCCC, trong kho có chứa rất nhiều đố vật dễ gây cháy nổ. |
Xưởng bánh rộng khoảng 170 m2 nhưng chỉ có một cửa duy nhất hướng ra Quốc lộ 32. “Ngay khi nhận thông tin, chúng tôi đã xử lý nhanh, yêu cầu tất cả các lực lượng, các cơ quan liên quan của huyện đến hiện trường, tập trung xử lý. Các lực lượng phối hợp với lực lượng phòng cháy chữa cháy tổ chức bảo vệ hiện trường, dập lửa, cứu người mắc kẹt đưa đi cấp cứu. Hơn 3 tiếng đồng hồ đám cháy mới cơ bản được dập tắt”.
Còn theo Thiếu tá Nguyễn Tiến Nam - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC số 13 (Sở PCCC Hà Nội) thì ít phút sau khi nhận thông tin, lực lượng PCCC đã có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên, do chất cháy chủ yếu là xốp, nilon, các vật liệu bảo ôn nên tốc độ cháy rất nhanh. Nhà xưởng lại làm bằng khung thép, mái tôn nên chỉ ít phút sau khi đám cháy xảy ra, khung thép sập xuống, ngăn lối thoát nạn.
Cũng theo Thiếu tá Nam, ngay khi đến hiện trường, nhận định về tính chất, mức độ của vụ hỏa hoạn và xác định có người mắc kẹt, lực lượng PCCC ưu tiên công tác cứu hộ, cứu nạn. Một mũi cảnh sát được cắt cử đi gọi toàn bộ những người dân còn ở trong nhà, trong xưởng thoát ra ngoài, đề phòng cháy lan. Hai mũi khác tiến hành đập phá tường bao từ hai phía, mở đường thoát nạn. Lực lượng PCCC đã phá tường cứu được 3 nạn nhân, đưa đi cấp cứu.
2. Bên cạnh nguy cơ hỏa hoạn ở các nhà xưởng, thì ở tại các nhà dân, đặc biệt là một số nhà ống chật chội, thiếu đường thoát hiểm... luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Và khi xảy ra hỏa hoạn thì hầu hết đều để lại những hậu quả vô cùng đau đớn.
Chúng tôi còn nhớ thời điểm tháng 6-2015, tại một ngôi nhà ống ở tổ 54 phường Tương Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) xảy ra một vụ hỏa hoạn lớn. Lửa đã thiêu rụi gần như toàn bộ ngôi nhà và khiến cho 5 người trong gia đình tử nạn.
Cũng ngay sau khi xảy ra vụ cháy vài giờ, chúng tôi đã có mặt tại hiện trường. Ngôi nhà có mặt tiền chừng 2m, sâu chừng 10m được xây lên 3 tầng và 1 tum. Gần như tất cả đồ đạc trong nhà đã biến thành than. Tủ lạnh, tủ bếp, bếp gas... đều không còn nguyên hình dạng. Mấy chiếc xe máy chỉ còn trơ khung sắt. Tường nhà, cầu thang đều ám một màu đen kịt.
Nguyên nhân của vụ cháy được xác định là do chập điện, và điều đau xót là người chủ căn nhà đã không làm lối thoát hiểm. Nên khi xảy ra hỏa hoạn, đường thoát duy nhất theo lối cửa chính đã bị lửa bao trùm, khiến cho cả gia đình không ai sống sót.
Một vụ cháy khác cũng làm nhiều người dân ám ảnh là vụ cháy xảy ra tại phường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Khoảng 2 giờ sáng ngày 13-7-2017, nhiều người dân thấy khói bốc lên nghi ngút tại số nhà 37 đường Xuân Đỉnh nhưng không thấy người trong nhà kêu cứu.
Phỏng đoán có điều không lành, một số hộ dân đã tiến hành dập lửa đồng thời thông báo tới lực lượng chức năng. Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng phòng cháy chữa cháy đã điều phương tiện gồm 4 xe cùng gần 50 cán bộ chiến sỹ đến hiện trường để tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Trong quá trình tổ chức cứu chữa, lực lượng Cảnh sát PCCC tập trung tìm cách cứu người bị nạn gồm 4 người trong gia đình ngủ tại tầng 3. Tuy nhiên, khi phá được cửa và tiếp cận được phía trong thì cả 4 người đã tử vong.
Mới đây nhất, vào đêm 19-7 tại ngôi nhà 4 tầng bán tạp hóa của bà Bùi Thanh Thủy (SN 1967) trú tại số nhà 48, ngõ 41, phố Vọng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đã xảy ra một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng. Theo một số nhân chứng có mặt tại hiện trường thì lửa bốc cháy dữ dội từ tầng 1 của ngôi nhà. Vì đa phần là hàng tạp hóa, dễ cháy nên ngọn lửa càng bùng lên dữ dội. Phía bên trên ngôi nhà những cánh tay thò ra ngoài khung “chuồng cọp” chới với kêu cứu.
Người dân trong xóm bàng hoàng, bất lực thấy cả gia đình bà Thủy đứng ra ngoài cửa tầng 3 của ngôi nhà kêu cứu nhưng không ai có thể tiếp cận cứu người vì ngọn lửa và khói bao trùm. Hơn nữa, trong nhà lại toàn phụ nữ nên không có sức phá cửa hoặc cắt các thanh sắt của “chuồng cọp” ở mặt tiền thoát ra ngoài.
Nhiều người dân đã hắt nước vào nhưng vô vọng. Một số đã nhanh chóng báo lực lượng PCCC đến hiện trường nỗ lực dập lửa. Rất may em gái bà Thủy và một người cháu đã được cứu thoát. Sau đó vài giờ, thi thể bà Thủy và mẹ già sau đó được phát hiện trên tầng 4 và được lực lượng chức năng đưa qua khe chuồng cọp ở tầng 3 rồi đi xuống thông qua lối nhà hàng xóm.
Có thể nói thời gian vừa qua, không ít vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhiều nhà xây theo kiểu “ống”, không có cửa thoát hiểm. Và đặc biệt xảy ra trong các ngõ phố nhỏ, phương tiện chữa cháy chuyên dụng hầu như không thể tiếp cận đã khiến hậu quả càng thêm trầm trọng.
Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy ở xã Đức Thượng được cho là do sự bất cẩn của thợ hàn. |
3. Trở lại vụ cháy tại xưởng sản xuất bánh kẹo ở huyện Hoài Đức, theo điều tra sơ bộ ban đầu từ Cơ quan công an, nguyên nhân xảy ra vụ cháy được xác định là do sáng 29-7 chủ xưởng sản xuất bánh thuê người tiến hành sửa chữa. Do bất cẩn, thợ hàn xì làm bắn tia lửa điện vào trần gác xép được ghép bằng xốp và gây cháy.
Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 155 và ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Kiều Tiến Vinh (SN 1986, trú tại cụm 2, xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội - là thợ hàn) để tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc. Trước đó, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã tạm giữ hình sự đối với Vinh và triệu tập chủ xưởng sản xuất bánh là Trần Văn Được.
Trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho chúng tôi biết xưởng sản xuất bánh kẹo do ông Trần Văn Được làm chủ chỉ đăng ký hộ kinh doanh cá thể, gia công sô-cô-la thành phẩm, không treo biển hiệu, chủ yếu sử dụng lao động trong gia đình. Chủ xưởng không làm các thủ tục về PCCC cũng như đăng ký lao động.
Cũng ngay sau khi vụ cháy xảy ra, cơ quan chức năng huyện Hoài Đức cũng đã tiến hành rà soát, kiểm tra, cảnh báo về công tác PCCC đối với các cơ sở sản xuất trên địa bàn. Kết quả kiểm tra, trên địa bàn huyện có khoảng 1.000 cơ sở sản xuất, đều có đăng ký, trang bị phương tiện phòng cháy và tập huấn về PCCC, riêng xưởng sản xuất của ông Được lại chưa hề được kiểm tra tập huấn về công tác PCCC (!?)
Theo khảo sát sơ bộ của chúng tôi, tại một số xã trong huyện Phúc Thọ, Hoài Đức... tập trung khá nhiều nhà xưởng, nhà kho có diện tích từ vài trăm đến hàng nghìn mét vuông. Hầu hết những nhà xưởng, nhà kho này được làm bằng khung thép, mái tôn trên đất dự án, đất trống xen lẫn khu dân cư làm nơi lưu giữ, trung chuyển hàng hóa,... tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Điển hình, tại làng nghề sản xuất bánh kẹo La Phù (Hoài Đức), tại đây hoạt động mua bán rất nhộn nhịp. Đi sâu vào các ngõ, máy móc của các nhà xưởng sản xuất bánh kẹo hoạt động nhộn nhịp. Theo quan sát, phần lớn các nhà xưởng, nhà kho ở đây đều được làm bằng khung thép, mái tôn, bao bọc xung quanh. Trong các xưởng sản xuất, kho chứa hàng có rất nhiều đồ dễ cháy như giấy, xốp, bao tải nhựa...
Tuy nhiên, phần lớn các xưởng, nhà kho ở đây không có một hệ thống báo cháy nào. Ngoài ra, các nhà kho, xưởng vẫn được xây dựng theo kiểu chuồng cọp, một lối thoát duy nhất. Một cán bộ PCCC Hà Nội kể lại với chúng tôi khi kiểm tra, những chủ xưởng, chủ kho đã sắp xếp lại kho bãi để cho “hợp tiêu chí”, song sau đó lại tiếp tục vi phạm.
Các vụ cháy thường xảy ra tại các kho tạm được chủ cơ sở thuê thời gian ngắn từ 6 tháng đến 1 năm, do vậy họ thường dựng khung thép, mái tôn gây khó khăn cho công tác quản lý của nhà nước về PCCC.
Trong cuộc họp giao ban ngày 1-8 vừa qua của UBND TP Hà Nội, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội nhận định tình hình cháy nổ ở Thủ đô thời gian gần đây là rất đáng báo động, dù số vụ cháy không tăng nhưng tính chất và hậu quả mà cháy nổ đem đến lại rất nặng nề. Vụ cháy xưởng bánh kẹo ở huyện Hoài Đức khiến 8 người tử vong là điển hình.
Còn theo ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, trong tháng 8 này, thành phố sẽ có văn bản tổng điều tra, rà soát và xử lý quyết liệt toàn bộ cơ sở, nhà ở, đồng thời công bố danh sách các đơn vị vi phạm PCCC trên địa bàn thành phố. Hà Nội cũng sẽ tiến hành tuyên truyền đến các hộ gia đình về PCCC, tăng cường việc dạy các kỹ năng thoát hiểm nhằm giúp người dân ý thức cao hơn, tránh khỏi những rủi ro không đáng có.
Ngoài ra, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội yêu cầu cơ quan chức năng xử lý mạnh tay, quyết liệt đối với các cơ sở có nguy cơ cháy nổ. Nhằm răn đe cơ sở và cải thiện an toàn cho người lao động.