Nhà siêu nhỏ độc đáo ở Nhật Bản

Thứ Sáu, 04/08/2017, 09:42
Nhu cầu xây dựng nhà siêu nhỏ tại Nhật xuất phát từ tình trạng khan hiếm đất trầm trọng khiến giá đất và thuế đất leo thang. Thêm vào đó, với đặc trưng địa hình phải hứng chịu nhiều thiên tai như động đất và dông bão nên người Nhật thường chủ ý xây dựng nhà ở gọn nhẹ.

Hoặc thậm chí một số gia đình muốn xây nhà nhỏ chỉ đơn giản do sở thích đặc biệt đối với những gì nhỏ nhắn và giản dị hết mức có thể. Được gọi là “kyosho jutaku”, những công trình nhà ở siêu nhỏ hiện rất được người dân Nhật Bản ưa chuộng.

Yasuhiro Yamashita là một kiến trúc sư nổi tiếng với hơn 300 tác phẩm nhà ở mang đủ hình dáng độc đáo và bộc lộ những cá tính khác nhau. Tất cả đều “độc nhất vô nhị” và chỉ tương đồng ở một điểm đó chính là kích thước nhỏ gọn.

Yamashita (từng triển khai một dự án nhà ở trên mảnh đất chỉ vỏn vẹn 17m2) chia sẻ: “Tại Nhật Bản, chúng tôi có một câu nói là không cần nhiều hơn nửa tấm chiếu tatami để đứng và một cái để ngủ. Ý tưởng được khơi dậy từ thiền cộng với niềm tin rằng chúng ta không cần gì hơn ngoài những thứ cơ bản nhất”.

Tatami là một loại chiếu cói truyền thống dùng để trải sàn nhà của Nhật Bản. Ngôi nhà mang tên Lucky Drops ở Tokyo là một điển hình thú vị. và có dạng hình thang không đều đặn. Yamashita chia sẻ: “Chúng tôi đã phải thật sáng tạo và kết quả rất tuyệt vời. Người Nhật có một câu nói, rằng giọt rượu cuối cùng là giọt rượu may mắn. Đó chính là nguồn cảm hứng của tôi”.

Lucky Drop.

Cuối cùng, Lucky Drop hoàn thành trên mẩu đất lộn xộn với chiều rộng lớn nhất của ngôi nhà cũng chỉ vỏn vẹn 76 cm. Nhưng mọi thứ vẫn tạo nên một tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp và thực dụng. Framing the Sky là công trình nhà ở của công ty Atelier Tekuko được thiết kế trên một mảnh đất nhỏ hình đa giác. Framing the Sky cũng mang hình dạng một khối đa diện nhằm tận dụng mọi không gian có thể.

Yamashita giới thiệu: “Tôi cố gắng để ngôi nhà trông như nở ra ở phần trên hướng về bầu trời tạo cảm giác bầu trời là một phần của ngôi nhà. Tôi cũng xây trần cao để bạn không cảm thấy tù túng”.

Yamashita giải thích: “Nhật Bản có địa hình đến 70% là đồi núi và rừng rậm trong khi chỉ có khoảng 30% là tương đối bằng phẳng thích hợp để dân cư sinh sống và trồng lúa. Dù vậy chúng tôi vẫn không cố gắng thay đổi tự nhiên mà cố gắng sống hòa hợp với chúng. Bạn có thể thấy được điều này trong những ngôi nhà chúng tôi thiết kế. Phần lớn được tạo thành với những vật liệu đến từ thiên nhiên với những khung cửa sổ rộng để đón thật nhiều ánh sáng tự nhiên”.

Boundary House, ngôi nhà có đến 16 giếng trời, giúp chủ nhân của nó có thể gắn kết với thiên nhiên một cách trọn vẹn nhất. Ngoài ra, còn có thể kể đến Wakka, công trình nhà ở kết hợp cửa hàng buôn bán, có thiết kế sở hữu nhiều đặc điểm kiến trúc đậm tính thiên nhiên với khu vườn nhỏ rải đá cùng hàng loạt cửa kéo giúp tiết kiệm không gian tối đa.

Yasuhiro Yamashita tiết lộ: “Thay vì những góc nhà vuông vức như truyền thống, tôi thường cắt góc để tạo thành hình tam giác. Sáng tạo này khiến ngôi nhà trông như rộng hơn và có nhiều vị trí để trổ cửa sổ hơn” Iron Mask - ngôi nhà được Công ty Atelier Tekuko xây dựng cho một gia đình 5 người - được thiết kế với đường cong độc đáo ngay mặt tiền và hầu hết sử dụng vật liệu kim loại.

Yamashita chia sẻ: “Hãy hình dung rằng bạn đang ở bên trong một chiếc vỏ trứng với độc một màu và hoa văn bề mặt duy nhất. Hoàn toàn không có điểm bắt đầu và kết thúc, không có góc cạnh. Đó là một cách đánh lừa thị giác khiến không gian như rộng thêm”.

Cũng tương tự như màu sắc, chúng ta có thể đánh lừa thị giác bằng cách sử dụng những vật liệu có bề mặt phản chiếu để “ăn gian” thêm một phần không gian ảo. Đối với ngôi nhà Reflection of Mineral, Yamashita sử dụng thép không gỉ làm tường nhà bếp và phòng tắm.

Do đó, bề mặt được đánh bóng của thép sẽ phản chiếu ánh sáng như tấm gương khiến ngôi nhà rộng thêm. Tương tự, ngôi nhà mang tên Wafers được gia cố bằng bê tông, thép cùng hàng loạt cửa sổ nhằm tăng sự phản chiếu.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.