Thiết kế cơ phận giả cho thành viên băng đảng Yakuza "gác kiếm"
- Nhật Bản: Băng đảng yakuza đang nội chiến tàn khốc
- Nhật Bản thành lập lực lượng cảnh sát chống Yakuza
- Những hình xăm cụt ngón Yakuza
Ngón tay út bàn tay trái của Mike là dấu hiệu về thân phận của ông ta trong thế giới tội phạm ở Nhật Bản, chính nó cũng ngăn không cho ông ta trong vòng chục năm trở lại cuộc sống bình thường trong xã hội.
Giờ đây ngón tay giả đã cho phép Mike che giấu quá khứ và tạo nên lá chắn trước xã hội Nhật Bản luôn có định kiến đối với những cựu thành viên yakuza muốn hoàn lương. Người tư vấn cho Mike là Yukako Fukushima, một phụ nữ trẻ. Cả thập niên qua, Fukushima đã cung cấp hàng trăm ngón tay út giả cho các cựu thành viên yakuza muốn trở lại làm người lương thiện.
Giá mà Fukushima đưa ra là 180.000 yen (1.490 USD) cho một ngón tay út, song với những người gặp khó khăn về tài chính, Fukushima sẵn lòng giảm giá.
Yukako Fukushima với những bộ phận giả tự chế tạo của mình. |
"Yubitsume" - cắt cụt ngón tay - là nghi thức bắt buộc mọi thành viên tổ chức yakuza của Nhật Bản phải thực hiện để chuộc lỗi. Nghi thức này có từ thập niên 1770, khi đó những tay chơi cờ bạc chấp nhận cắt đứt ngón tay út bàn tay trái để gán nợ. Sở dĩ phải cắt ngón tay út bởi vì khi bị mất nó thì tay cầm gươm sẽ yếu đi.
Vào thế kỷ XX, yakuza bắt đầu áp dụng thực hiện nghi thức này. Khi vi phạm luật danh dự nghiêm ngặt của yakuza, thành viên cấp thấp sẽ bị cấp trên dùng dao cắt đứt lóng đầu tiên của ngón tay út. Năm 1993, một cuộc điều tra của chính quyền tiết lộ 45% thành viên yakuza bị cắt ngón tay, trong đó ít nhất 15% bị cắt đến 2 lần.
Lóng ngón tay út bị cắt thường được bọc trong vải và dâng nộp lên ông trùm tổ chức (gọi là oyabun) như là dấu hiệu của sự ăn năn. Nếu việc vi phạm luật tiếp tục xảy ra, các lóng tay tiếp theo của bàn tay trái sẽ bị cắt đứt và nếu phạm luật nhiều hơn nữa thì cắt sang bàn tay phải.
Yukako Fukushima, 30 tuổi, vóc dáng nhỏ bé nhưng luôn nở nụ cười tươi. Cô chào đời ở tỉnh Osaka miền Nam Nhật Bản, vùng đất của Yamaguchi gumi - tổ chức yakuza lớn nhất Nhật Bản. Cách đây khoảng hai mươi năm, vào thời điểm kinh tế Nhật Bản bùng nổ, các tổ chức yakuza hiện diện trên khắp đất nước và dẫn đến nhiều vụ tranh chấp đẫm máu.
"Bọn chúng thường ném chất nổ vào căn nhà của ai đó gần nơi tôi sống", Fukushima kể. Vốn say mê nghệ thuật và điêu khắc từ hồi thiếu niên, Fukushima khám phá khả năng của mình một cách tình cờ vào một ngày mùa hè khi nhìn thấy một người đàn ông quấn tấm khăn lớn kín người gần bệnh viện nơi cô đang tập sự.
Người đàn ông tiết lộ mình bị bỏng nặng đến mức mang sẹo khắp thân người, trên gương mặt và còn bị mất hai tai. Quyết định giúp đỡ người bệnh, Fukushima tự chế tạo 2 tai giả cho người đàn ông này. Biệt tài của Fukushima dần được nhiều người biết đến và chẳng mấy chốc cô trở thành người chế tạo những bộ phận giả cho mọi người, trong đó có các cựu thành viên yakuza. Fukushima tiếp tục nghiên cứu sách vở để có thể tạo ra những bộ phận giả có tính thẩm mỹ cao nhất.
Qua một thập niên kể từ lần đầu gặp được Fukushima, hiện nay Mike đã có cuộc sống yên bình như mọi công dân bình thường và cũng có việc làm ổn định. Cứ vào mỗi tháng 12, Mike phải gặp Fukushima để kiểm tra ngón tay giả, sửa chữa những nếp nhăn và thêm móng. Mike gia nhập yakuza lúc 20 tuổi và chỉ 3 năm sau đã muốn rời khỏi tổ chức này. Thông thường, thành viên yakuza tự cắt đứt ngón tay của mình song cũng có vài trường hợp phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác.
Mike có hai ngón tay út giả - một ngón cho mùa đông và ngón có màu sậm hơn cho mùa hè. |
Mike không tiết lộ hoàn cảnh nào dẫn đến hành động cắt ngón tay mà chỉ cho biết ông ta chỉ hành động theo một sức ép vô hình không thể nói được mà không ai ra lệnh. Mike tâm sự: "Tôi muốn làm việc và quay lại cuộc sống bình thường. Tôi biết mình không thể được như thế nếu không có ngón tay giả".
Dưới ánh sáng dìu dịu trong căn phòng tư vấn của Fukushima ở Osaka, chỉ có sự quan sát hết sức chăm chú mới phát hiện được ngón tay của Mike là giả. Bộ phận giả của Fukushima được tạo ra theo đúng kích thước và màu da của khách hàng và phải làm sao để thật giống những ngón tay còn lại đến mức khó phân biệt được. Mỗi khách hàng đều được tư vấn trước khi đổ khuôn đúc và tạo màu.
Fukushima không tiết lộ vật liệu dùng để chế tạo bộ phận giả mà chỉ cho biết sử dụng màu đỏ, xanh và vàng để phối hợp thành hơn 1.000 màu da khác nhau. Mọi khách hàng đều phải tôn trọng danh sách xếp hàng chờ đợi và Fukushima không chấp nhận tiền hối lộ để được ưu tiên.
Khi Yukako Fukushima lần đầu tiên chế tạo bộ phận giả cho con người, cô không hề nghĩ mình sẽ tiếp nhận những trường hợp khách hàng là cựu thành viên yakuza ngày một tăng dần. Mặc dù định kiến xã hội đối với thành viên yakuza hết sức nặng nề, Fukushima vẫn không hề cảm thấy dằn vặt hay e ngại khi chữa trị cho họ.
Ngược lại, Fukushima tỏ ra rất cảm thông cho những thành viên yakuza đã hết sạch tiền bạc sau khi rời bỏ tổ chức tội phạm, họ vô cùng gian nan trong tìm kiếm việc làm nuôi sống bản thân do ngón tay út bị cắt mất - một dấu hiệu mà xã hội Nhật Bản khinh bỉ. Hơn nữa, những cựu thành viên yakuza còn không có nhà cửa và liên tục bị bọn tội phạm thuộc băng nhóm khác săn đuổi. Trong khi các công ty không muốn thuê dụng những cựu thành viên yakuza do lo sợ bạo lực cũng như hình ảnh tội phạm khiến cho khách hàng công ty khiếp sợ.
Vào đầu thập niên 1990, xã hội Nhật Bản rất định kiến đối với những cựu thành viên yakuza muốn làm lại cuộc đời. Lúc đó bản thân Fukushima cũng bị cảnh sát điều tra do nghi ngờ cô dính líu với yakuza qua dịch vụ cung cấp ngón tay giả. Theo Fukushima, có sự khác biệt giữa phản ứng của công chúng đối với những người tự gây thương tổn cho bản thân và những người bị thương tổn do tai nạn. Thành viên yakuza là loại người thứ nhất.
Fukushima giải thích: "Nếu anh bị mất ngón tay do tai nạn thì xã hội sẽ cảm thông. Nhưng nếu anh tự nguyện cắt đứt ngón tay của mình thì sẽ không có ai thương hại. Đó là sự khác biệt hiện thực trong cảm xúc giữa con người và xã hội, giữa khái niệm sợ hãi và lòng trắc ẩn".
Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu thay đổi đối với Fukushima sau khi luật chống mafia của Nhật Bản có hiệu lực vào tháng 3-1992 và cảnh sát Osaka thành lập một hội đồng hỗ trợ các cựu thành viên yakuza (ridatsu shien) vào tháng 12-1992. Fukushima cho rằng, dịch vụ cung cấp ngón tay giả của cô sẽ giúp cho cựu thành viên yakuza có điều kiện để tái hòa nhập xã hội và ít nhất cũng mở lối cho họ xây dựng lại cuộc đời. Do đó, Fukushima giảm giá lắp ngón tay giả cho loại đối tượng khách hàng này đồng thời cho phép họ trả góp hàng tháng sau khi tìm được việc làm.
Năm 2014, Yukako Fukushima được trao tặng giải thưởng thách thức dành cho phụ nữ (Women's Challenge Award) từ Cơ quan Bình đẳng giới của Chính phủ Nhật Bản vì những nỗ lực giúp đỡ các cựu thành viên yakuza hoàn lương và tái hòa nhập xã hội. Fkushima kể: "Trước đây cha mẹ, bạn bè và thậm chí bạn trai đều chỉ trích tôi một cách dữ dội. Chúng tôi được phép kết hôn, song bạn trai không thể chấp nhận công việc của tôi cho nên cuối cùng chúng tôi đã chia tay nhau". Hiện nay, Fukushima đã có gia đình hạnh phúc và một đứa con.
Tuy nhiên, con đường tái hòa nhập xã hội lương thiện đối với thành viên yakuza không hề dễ dàng. Một số đành quay trở lại với thế giới tội phạm và Fukushima cũng có lúc nhận được những lá thư của họ gửi từ nhà tù với nội dung xin lỗi cô vì những hành động xấu xa mà họ đã phạm phải.
Fukushima tuyên bố: "Nếu như tôi có thể tạo ra được 10 ngón tay và người sở hữu một trong những ngón tay giả của tôi xây dựng lại được cuộc đời mới thì điều đó luôn tạo ra động lực cho tôi tiếp tục công việc của mình". Bản thân Mike vì quá yêu mến ngón tay giả của mình mà quên rằng thỉnh thoảng nên tháo nó ra nên từ đó nó trở nên yếu đi nhanh chóng và buộc phải thay mới thường xuyên. Cho đến nay, Mike luôn gìn giữ ngón tay giả đầu tiên nhận được từ Fukushima như là một kỷ vật quý giá cho cuộc đời mình.