Nhật Bản muốn phát triển chiến cơ mới

Thứ Tư, 04/09/2019, 07:13
Với 14 tỷ USD và "vốn liếng" là kinh nghiệm có được về sản xuất máy bay trong quá khứ, Nhật Bản muốn tự đứng ra phát triển loại máy bay mới thể hiện đẳng cấp của riêng mình.

Tăng cường năng lực cạnh tranh

Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch đưa chi phí phát triển đội máy bay chiến đấu mới thay thế cho đội bay F2 của Lực lượng Phòng vệ trên không (MSDF), vốn dự kiến ngừng hoạt động vào những năm 2030, vào dự thảo ngân sách tài khóa 2020 (bắt đầu từ tháng 4-2020).

Theo đó, Nhật Bản sẽ tự đứng ra phát triển loại máy bay mới này với tổng chi phí dự kiến vào khoảng 1.500 tỷ yên (khoảng 14 tỷ USD). Nhật Bản có thể triển khai 90 máy bay loại mới được trang bị tên lửa hành trình tầm xa. Hiện nay, con số chi phí chính xác chưa được công bố vì đang trong giai đoạn tính toán và sẽ chỉ được chốt số vào cuối năm tài khóa 2019 (kết thúc vào cuối tháng 3-2020).

Tuy nhiên, Tokyo cũng có phương án sử dụng kỹ thuật của nước ngoài để phát triển máy bay do chi phí nghiên cứu, sản xuất quá cao và cũng cần tới hệ thống chia sẻ thông tin với quân đội Mỹ nên việc tự chế tạo một mình sẽ rất khó khăn.  Tóm lại, Nhật Bản vẫn là nước sản xuất đối với thân máy bay và các bộ phận quan trọng của hệ thống hoạt động của máy bay này.

Máy bay chiến đấu F-2 do Lockheed Martin sản xuất từ năm 1996.

Rõ ràng, Nhật Bản muốn duy trì và tăng cường năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp quốc phòng. Cách đây nhiều năm, Nhật Bản từng sản xuất loại máy bay chiến đấu tầm xa mang tên Zero từng được đánh giá rất cao, nhưng sau Chiến tranh Thế giới II, Nhật phụ thuộc vào các loại máy bay của Mỹ. 

Đến năm 1977, Nhật Bản đã phối hợp với Mỹ và phát triển thành công máy bay chiến đấu F1 nên cũng đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về sản xuất máy bay. 

Tuy nhiên, thế hệ các chuyên gia phát triển máy bay của Nhật Bản giờ đây cũng đã lớn tuổi mà vẫn chưa có cơ hội truyền lại bí quyết, kinh nghiệm cho thế hệ tiếp nối, do vậy việc tự phát triển máy bay lần này mang ý nghĩa lớn khi tạo ra sự kết nối giữa các thế hệ để đảm bảo an ninh của Nhật Bản trong tương lai.

Thúc đẩy công nghiệp quốc phòng

Nhật Bản cũng có đủ khả năng chế tạo các loại máy bay chiến đấu hiện đại tương đương các máy bay tiêm kích F-15 và F-16 của Mỹ. Hiện tại, nước này đã sản xuất và đưa vào trang bị máy bay tiêm kích F-2 được đánh giá cao. 

Nhật Bản đang đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp quốc phòng.

Từ giữa những năm 80 của thế kỷ XX, Nhật Bản đã quyết định tự thiết kế, chế tạo, tận dụng một số giải pháp kỹ thuật khi thiết kế máy bay F-16C. Tuy nhiên, việc tự chế tạo máy bay loại này không nhiều, mà chủ yếu là hợp tác với Mỹ để sản xuất.

Hiện nay, tính năng chiến đấu của đội bay tiêm kích Nhật Bản cũng đã được nâng lên đáng kể với số lượng ngày càng lớn máy bay tiêm kích thế hệ mới F-35 có khả năng chiến đấu đa dạng đối không, đối hạm và đối đất, cũng như 100 máy bay F15 có tính năng chiến đấu không đối không hữu hiệu được cải tiến và hiện đại hóa.

Nhật Bản có kế hoạch sử dụng F-35B trên các tàu sân bay hạng nhẹ Izumo và Kaga, tuy nhiên, phương án này chỉ được triển khai khi phát sinh các cuộc tấn công, còn chủ yếu, những máy bay này sẽ được đặt tại các căn cứ quân sự của Nhật Bản. Ngoài F-35B, Nhật Bản còn có ý định mua 105 máy bay chiến đấu F-35A của Mỹ.

Hà Phương (tổng hợp)
.
.