Nhiều người sẽ thoát chết nhờ ống bơm cầm máu VetiGel

Thứ Ba, 16/12/2014, 12:45
Sáng hôm ấy, như thường lệ một nhóm tuần tra của quân đội Iraq tiến hành một cuộc lục soát các loại mìn bẫy dọc theo con đường từ thành phố Mosul đến ngôi làng Salah Al. Khoảng 20 phút sau, Ali Al Nabhan, một người lính trong nhóm bất ngờ hứng một viên đạn 7,62mm vào dưới xương đòn phải từ một cây súng bắn tỉa của Taliban. Viên đạn trổ ra sau lưng, máu phun thành vòi.

Nhanh như chớp, trung sĩ David Brown, cố vấn Mỹ của nhóm lấy từ túi cứu thương một cái ống nhỏ có hình dạng như một bơm tiêm. Tháo chiếc nút nhựa bịt trên đầu, Brown bơm vào vết thương một chất dịch nhầy màu vàng nhạt và chỉ 15 giây sau đó, lỗ thủng ngừng chảy máu hoàn toàn.

Nếu như tất cả những tình tiết trên đây chỉ xảy ra trong các bộ phim khoa học giả tưởng thì bây giờ nó đã trở thành hiện thực bởi một phát minh của Joe Landolina, kỹ sư hóa học, sinh học phân tử, cựu sinh viên Đại học Bách khoa New York, người đã thành lập Công ty Suneris, trụ sở đặt tại Brooklyn, New York, chuyên sản xuất chất dịch cầm máu, được đặt tên là VetiGel.

Ống bơm VetiGel.

Ở con người và nhiều loài động vật, cầm máu là hiện tượng của cơ thể nhằm ngăn cản sự chảy máu. Khi mạch máu bị rách hoặc bị đứt, quá trình cầm máu lập tức diễn ra nhờ các cơ chế co mạch, hình thành nút tiểu cầu, đông máu, hoặc phát triển mô xơ trong cục máu đông để đóng kín vết thương, trong đó việc hình thành nút tiểu cầu có vai trò rất quan trọng.

Nếu một mạch máu bị đứt, rách, lớp collagen nằm dưới tế bào nội mạc mạch máu sẽ lộ ra, và tiểu cầu lập tức di chuyển đến, dính vào lớp collagen ấy. Lớp dính ban đầu được gọi là lớp tập kết tiểu cầu, nó giải phóng các chất hoạt hóa khiến lớp tiểu cầu khác dính thêm vào. Cứ như vậy, các lớp tiểu cầu dính thêm vào chỗ tổn thương càng lúc càng nhiều, tạo nên nút tiểu cầu. Nếu thương tổn ở mạch máu chỉ là những vết nhỏ thì bản thân nút tiểu cầu có thể làm ngừng chảy máu trong khoảng từ 3 đến 5 phút. Nhưng nếu thương tổn lớn hơn thì phải nhờ thêm sự hình thành cục máu đông, và thời gian cầm máu có thể mất 10 - 15 phút. Riêng với những tổn thương quá lớn, cơ chế tự cầm máu của cơ thể hầu như không tác dụng.

Thế nhưng, với loại VetiGel do Joe Landolina phát minh, ngay cả một vết thương rất nghiêm trọng như đứt động mạch đùi, động mạch cổ hay động mạch chủ bụng, thời gian cầm máu chỉ mất 15 giây. Joe Landolina nói với Hãng tin Bloomberg: "VetiGel được chế tạo từ một polymer thực vật - là một chất có cấu trúc phân tử bao gồm một số lượng lớn các thành phần giống nhau, liên kết với nhau, có tác dụng khiến máu đóng cục ngay lập tức khi đổ nó vào vết thương mà chúng tôi gọi là ma trận ngoại bào. VetiGel rất hiệu quả bởi vì nó hoạt động song song với quá trình cầm máu tự nhiên của cơ thể. Tiếp theo, khi nạn nhân được đưa đến bệnh viện, bác sĩ sẽ loại bỏ chất VetiGel rất dễ dàng rồi tiến hành mổ xẻ hoặc khâu vá mà không ảnh hưởng đến tính mạng họ".

Cơ chế hoạt động của VetiGel là khi đổ vào vết thương, các chuỗi polymer sẽ tự động xếp lại với nhau y như trong trò chơi xếp gạch Lego. Các sợi huyết trong máu sẽ bám vào những "viên gạch" này để hình thành một nút chặn. Joe Landolinacho biết: "Sau khi đã cầm máu chỗ tổn thương, VetiGel sẽ củng cố cục máu đông, tạo thành một hàng rào bảo vệ lâu dài cho dù nạn nhân có phải di chuyển bằng nhiều phương tiện thiếu tiện nghi hoặc trên những con đường xấu". Các thử nghiệm trên động vật cho thấy khi cắt động mạch đùi của một con cừu, rồi dùng tay bịt chặt nó lại trong khoảng 3 phút - là thời gian tối thiểu ở ngoài chiến trường, đủ để cho một người lính làm nhiệm vụ cứu thương đến xử lý thì lượng máu chảy ra khoảng 20ml. Sau khi được cấp cứu bằng VetiGel, chỗ bị đứt cầm máu sau 12 giây. Nhưng nếu xử lý bằng băng thạch cao, thời gian cầm máu là 11 phút, lượng máu chảy ra mất 90ml.

Một thí nghiệm khác trên lá gan của một con lợn cũng cho thấy VetiGel cầm máu nhanh cấp kỳ: "Chỉ cần mở rộng vết thương sao cho VetiGel có thể chảy vào được đến chỗ tổn thương là coi như thành công" - Joe Landolina nói: "Nếu áp dụng phương pháp cũ, người ta thường chỉ băng ép miệng vết thương. Như vậy, máu không còn chảy ra ngoài nhưng nó vẫn tiếp tục chảy ở bên trong, gây ra tình trạng xuất huyết nội. Rất nhiều người lính đã chết vì xuất huyết nội do xe cứu thương hoặc trực thăng không đến được kịp thời".

Theo bác sĩ quân y Al Najab của quân đội Iraq, một người lính bị bắn hoặc bị trúng mìn trên chiến trường có thể chỉ có 3 phút để được cứu sống: "Nếu sử dụng gạc cầm máu hoặc băng thạch cao, phải mất từ 10 đến 20 phút nhưng với VetiGel, bạn chỉ cần tối đa 15 giây". Không những thế, VetiGel còn có tính kháng khuẩn và làm sạch bằng cách dính chặt những đất cát bụi bặm, thậm chí cả những mẩu quần áo vụn bám vào vết thương. Kỹ sư Joe Landolina cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là trong mỗi túi áo của mỗi người lính đều có một vài ống bơm VetiGel thay vì tất cả dụng cụ cầm máu đều nằm ở chỗ quân y".

Với bác sĩ Longhorn, thuộc lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ thì: "Tôi đã nói chuyện với hàng trăm cựu chiến binh và được nghe họ kể về những trường hợp bị thương, chẳng hạn như trúng đạn vào lá lách. Những lúc ấy, mổ khâu chỗ thủng ở lá lách để cầm máu là việc tối cần thiết nhằm cứu sống họ nhưng điều này lại còn tùy thuộc vào phương tiện vận chuyển có đến sớm hay không. Vì thế, VetiGel rất được người lính trên chiến trường đón nhận. Không những thế, VetiGel còn tỏ ra đặc biệt hữu ích với những vết thương xảy ra trong gia đình như bị dao cắt, đạp trúng mảnh chai hoặc các vết rách chảy máu do tai nạn giao thông, tai nạn lao động”.

VetiGel hoàn toàn có thể bảo quản trong điều kiện nhiệt độ bình thường suốt một thời gian dài mà không sợ biến chất hay hư hỏng. Người sử dụng nó cũng không cần phải trải qua một khóa đào tạo nào cả, mà chỉ cần được hướng dẫn trong vài phút. Hiện tại, ngoài việc hợp tác với bác sĩ phẫu thuật tại một số bệnh viện ở New York để tiến hành thử nghiệm VetiGel trên cơ thể người trong quá trình thực hiện mổ xẻ, Công ty Suneris đã đăng ký bằng sáng chế độc quyền, và đang đợi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn về tính an toàn để có thể đưa nó ra thị trường vào năm sau.

Cao Trí (theo Bloomberg)
.
.