Những bác sĩ - thầy giáo Việt Nam ở Bệnh viện Chợ Rẫy Phnôm Pênh
1. Mới 7h sáng mà tiền sảnh rộng lớn của Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Chợ Rẫy Phnôm Pênh (CRPP) đã đông kín người ngồi. Mấy cô điều dưỡng người Campuchia trong bộ váy áo màu hồng nhạt đi đi lại lại, giúp đỡ bệnh nhân khiến không gian trở nên ấm cúng. Qua lời phiên dịch của một điều dưỡng, chúng tôi hỏi thăm bà Chey, 50 tuổi, nhà ở đường Monireth, TP Phnôm Pênh, bà cho biết: "Trước đây tôi đã từng sang BV Chợ Rẫy, TP HCM khám và điều trị 3 lần. Giờ nghe nói có bác sĩ ở BV Chợ Rẫy qua nên tôi đến để tái khám". Một người khác là ông Ouch, 60 tuổi, ở tỉnh Pursat nói: "Tôi cũng đã từng qua BV Chợ Rẫy khám bệnh. Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ nói tôi có nhiều sỏi trong túi mật và hẹn ngày mổ. Tôi đang tính sắp xếp chuyện nhà để đi TP HCM thì nghe tin CRPP có bác sĩ Chợ Rẫy sang nên tôi vào xin mổ luôn". Tiến sĩ, bác sĩ Moth, Phó giám đốc phụ trách Ngoại khoa của CRPP - người đã từng có 11 năm học Y khoa và bảo vệ luận án tiến sĩ ở Việt Nam cho biết: "Phải thừa nhận tiếng tăm của BV Chợ Rẫy có ảnh hưởng rất lớn với nhiều người dân Campuchia nên vì vậy, nhiều bệnh nhân ở mãi trên Pursat, Battambang, Siem Reap, thậm chí ở Pailin cũng tìm về".
Nằm tại quận Meanchay, cách trung tâm TP Phnôm Pênh chừng 10km, được khởi công vào ngày 15/5/2010, CRPP là dự án do Công ty cổ phần Đầu tư Y tế Sài Gòn - trong đó có BV Chợ Rẫy - và Công ty Sokimex, Campuchia hợp tác xây dựng. Về mặt lợi ích, CRPP không chỉ giúp người dân Campuchia cải thiện sức khỏe, tiết kiệm tài chính và thời gian, mà còn tạo điều kiện cho đội ngũ thầy thuốc Campuchia nâng cao tay nghề qua việc học hỏi chuyên môn của các bác sĩ Việt Nam.
![]() |
BS Trần Vũ Đức (bên trái) trao đổi với Tiến sĩ Moth về diễn biến của một bệnh nhân sau phẫu thuật. |
2. Ba trong số các chuyên gia do BV Chợ Rẫy cử sang đợt này là Thạc sĩ, bác sĩ Trần Vũ Đức, chuyên khoa Ngoại tổng quát; BS Nam, chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình; BS Tuấn, chuyên khoa Hồi sức tích cực (ICU). BS Đức cho biết: "Điều thuận lợi nhất với chúng tôi là hầu hết bác sĩ người Campuchia đều biết nói tiếng Việt. Vì vậy, ngoài chuyện thăm khám, chẩn đoán, mổ xẻ thì việc chuyển giao công nghệ cho họ tương đối dễ dàng". BS Sophektra, chuyên khoa Ngoại tổng quát nói: "Thầy Đức rất nhiệt tình và tận tâm trong việc hướng dẫn các bác sĩ trong khoa, nhất là với những ca mổ khó". Chả thế mà tiến sĩ Moth đã giới thiệu với tôi: "BS Đức là chuyên gia ngoại khoa số 1 của CRPP".
Với BS Tuấn, chuyên khoa Hồi sức tích cực, thì tất cả những bệnh nhân khi chuyển đến khoa ICU đều ở trong tình trạng rất nguy kịch. Vì thế, kinh nghiệm và bản lĩnh của người thầy thuốc có vai trò không nhỏ trong việc cứu sống bệnh nhân. Bà Lim Chea, có chồng nằm ở đây cho biết: "Chồng tôi đi làm, bị một sợi kẽm gai cào chảy máu. Cứ tưởng là trầy xước sơ sơ, ai dè mấy bữa sau ông ấy sốt cao, mê sảng. Đưa vô đây, bác sĩ nói chồng tôi bị sốc nhiễm trùng, dẫn đến suy đa phủ tạng". Một bác sĩ người Campuchia mà chúng tôi không đọc được tên vì tên anh viết bằng tiếng Campuchia nói: "Dưới sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của thầy Tuấn, sau khi hồi sức tích cực và tiến hành lọc máu liên tục suốt 36 tiếng, bệnh nhân đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần".
Mặc dù được đào tạo ở Việt Nam, về mặt lý thuyết thì kiến thức cơ bản của bác sĩ Campuchia cũng chẳng thua kém bất cứ một bác sĩ người Việt nào. Nhưng do ít thực hành nên mỗi khi gặp những ca khó, họ thường lúng túng trong xử trí. May mắn được tham dự một ca mổ cắt khối u dạ dày do BS Đức làm phẫu thuật viên chính, chúng tôi mới hiểu vì sao các bác sĩ ngoại khoa ở CRPP lại gọi anh Đức bằng "thầy". Bài giảng do anh tiến hành ở đây không phải trên giảng đường mà là ngay trên bàn mổ. Cứ mỗi khi bắt đầu thực hiện một "công đoạn", BS Đức lại giải thích rõ từng thao tác. BS Đức nói: "Trước đợt tôi đi, đã có nhiều đợt khác và đợt nào cũng vậy, anh em bác sĩ Việt Nam đều tận tình hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho các bác sĩ Campuchia. Kết quả có được ngày hôm nay phần lớn là do những người đi trước". Thế nên hiện tại, hầu hết các ca bệnh ngoại khoa đều được bác sĩ Campuchia trực tiếp giải quyết, chỉ những ca bệnh khó, họ mới mời chuyên gia Việt Nam. BS Đức đùa vui: "Mặc dù "thất thu" nhưng tôi vẫn vui". Chúng tôi hỏi "thất thu" là sao? BS Đức nói: "Cứ mỗi ca mổ, phẫu thuật viên chính như tôi được nhận thù lao 600 nghìn đồng (tiền Việt). Không mổ thì không có tiền. Dù vậy, tôi vui là vì anh em bác sĩ Campuchia tiếp thu kỹ thuật rất tốt. Mai này hết đợt công tác, chúng tôi về lại Việt Nam nhưng tôi tin anh em hoàn toàn có thể tự mình xử lý được".
Theo tiến sĩ Moth, trong quá trình vận hành, các chuyên gia của BV Chợ Rẫy TP HCM sẽ từng bước chuyển giao công nghệ, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ y bác sĩ CRPP thông qua các chương trình huấn luyện theo từng cấp, từng chuyên khoa, chưa kể trước khi CRPP đi vào hoạt động, đã có 160 bác sĩ, điều dưỡng người Campuchia được cử sang Việt Nam để đào tạo thêm. Và mặc dù BV Chợ Rẫy TP HCM không có hai khoa Sản, Nhi, nhưng để phục vụ nhu cầu của người dân Campuchia, lãnh đạo CRPP cũng đã quyết định cử người sang học tập tại BV Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và BV Từ Dũ. Tiến sĩ Moth cho biết: "Để chủ động trong việc điều trị cho bệnh nhân ung thư, sắp tới CRPP sẽ mở thêm Khoa Hóa trị".
Đi hết các khoa phòng trong CRPP, chúng tôi thấy 2 điều đáng ghi nhận. Một là, tất cả các thiết bị, từ máy siêu âm, máy X-quang, máy chụp cộng hưởng từ, máy gây mê, thiết bị mổ nội soi đến các máy xét nghiệm sinh hóa, tất cả đều là đời mới nhất. Hai là, phòng ốc được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế - gồm những phòng 1 giường, 2 giường và tối đa là 3 giường chứ không hơn. Vào thăm một phòng ở Khoa Sản, chúng tôi thấy nó chẳng khác gì một phần của một căn hộ cao cấp ở TP HCM. Phòng rộng khoảng 16m2, có một giường cho sản phụ, một nôi cho trẻ sơ sinh, một bộ sa lông dành cho khách đến thăm. Bên cạnh đó, là những tiện nghi như tủ lạnh, tivi, còn nhà tắm, nhà vệ sinh, vật dụng đều bằng sứ tráng men cao cấp. Tất cả gợi lên một cảm giác ấm cúng, thân thiện chứ không phải là cái cảm giác lạnh lẽo, lo âu hoặc xô bồ như thường thấy ở nhiều nơi khác. Hỏi thăm về giá cả, một lần nữa tôi lại kinh ngạc bởi chi phí trọn gói cho một ca sinh thường, sản phụ nằm khoảng 4 ngày hoặc nếu sinh mổ, sản phụ nằm 7 ngày chỉ bằng 1/3 nếu so với chi phí của vài bệnh viên tư nhân chuyên sản tại TP HCM.