Những chiếc drone bí ẩn đe dọa các cơ sở hạt nhân Pháp
Tháng 11 vừa qua, chính quyền Pháp tiết lộ về những chiếc drone bí ẩn bay lượn trên không phận giới hạn phía trên 13 trong số 19 nhà máy điện hạt nhân nước này vào khoảng đầu tháng 10 và cuối tháng 11. Những chiếc drone được tin là thiết bị dân sự giá chỉ vài ngàn USD và chúng thường xuất hiện vào ban đêm. Những biện pháp an ninh thiết kế tại các nhà máy điện hạt nhân trước khi công nghệ drone ra đời cho nên hiện nay các chuyên gia lo ngại về lỗ hổng quốc phòng chống lại thiết bị bay này.
Mặc dù chính quyền cố trấn an công dân rằng các chuyên gia an ninh đã có “mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ các cơ sở hạt nhân” song thực tế cho thấy nước này vẫn đang loay hoay tìm kiếm những giải pháp thích hợp để chống lại sự xâm nhập của drone trên bầu trời. Nhìn chung, drone được sử dụng để do thám, chụp hình và quay video những diễn biến trên mặt đất cho nên thiết bị bay không người lái này luôn có thể đe dọa an ninh cho các cơ sở hạt nhân như là chuẩn bị cho một cuộc tấn công phá hoại. Drone cũng cung cấp sự hỗ trợ trên không khi một cuộc tấn công diễn ra trên mặt đất – chúng có thể ném bom phá hoại các mạng lưới điện hay thông tin liên lạc, cũng như vận chuyển vũ khí cho những phần tử gián điệp bên trong nhà máy điện hạt nhân.
Nhà máy điện hạt nhân ở Creys-Malville thuộc tỉnh Isere miền đông nước Pháp. |
Trong khi đó, việc xác định nguồn gốc của những chiếc drone trên bầu trời là nhiệm vụ không dễ dàng chút nào. Chính quyền Pháp có những đơn vị hiến binh trang bị máy dò tín hiệu để xác định nguồn gốc drone, song cuộc điều tra về những chiếc drone xuất hiện trên bầu trời trong thời gian gần đây của nước này vẫn chưa có được câu trả lời.
Mối lo ngại đang tăng hiện nay là drone có khả năng xâm nhập không phận giới hạn một cách dễ dàng. Phần lớn các radar – bao gồm radar sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân – không thể dò được những chiếc drone nhỏ, bay thấp, cách mặt đất chừng vài mét. Thậm chí, những chiếc drone có kích thước lớn cũng trở nên vô hình trước màn hình radar. Để phản ứng, quân đội Pháp triển khai hệ thống radar Aladin có khả năng dò thấy những thiết bị nhỏ tại các nhà máy điện hạt nhân của nước này.
Điều đáng lo ngại nhất là cho đến nay lực lượng an ninh tại nhà máy điện hạt nhân hay không quân Pháp vẫn chưa phá hỏng hay “bắt sống” bất kỳ chiếc drone nào. Mặc dù luật pháp nước Pháp cấm triển khai drone phía trên các nhà máy điện hạt nhân song khả năng thực thi vẫn còn hạn chế rất nhiều. Mới đây, chính quyền Pháp cho phép các đơn vị hiến binh bắn hạ drone, song điều này đòi hỏi khả năng thiện xạ bậc thầy!
Loại drone nhỏ bé như thế này dễ mua trên Internet. |
Trong khi đó, hiến binh lại không được phép nổ súng về hướng (hay ngay bên trên) nhà máy điện hạt nhân. Giải pháp gây nhiễu tín hiệu radio điều khiển drone cũng không khả thi do có thể làm rối loạn hoạt động của nhà, máy điện hạt nhân. Ngoài ra, những chiến thuật như thế không hiệu quả đối với những chiếc drone được lập trình sẵn hành trình bay. Chiến thuật có lẽ hữu hiệu nhất là sử dụng máy bay trực thăng truy kích những chiếc drone xâm phạm không phận sau khi có cảnh báo từ hệ thống radar Aladin.
Bài học từ phản ứng chậm chạp của chính quyền Pháp trước sự xâm nhập của drone cũng khiến cho chính quyền các quốc gia khác lo ngại về nguy cơ tương tự. Trong khi đó, giá thành drone đang ngày càng giảm mạnh và khả năng của chúng lại không ngừng tăng lên – nghĩa là mối đe dọa càng tăng cao. Chính quyền Pháp hiện đang giao cho Cơ quan Nghiên cứu Quốc gia (NRA) nhiệm vụ cải thiện khả năng dò tìm và đánh chặn drone để bảo vệ không phận bên trên các cơ sở hạt nhân cũng như trên mặt đất và sau đó sẽ chia sẻ thành quả với các quốc gia châu Âu khác.
Giới chuyên gia an ninh Pháp cũng không loại trừ khả năng bọn khủng bố sử dụng drone để điều tra khả năng bảo đảm an ninh của các cơ sở hạt nhân nước này. Pháp là quốc gia phụ thuộc nhiều vào điện hạt nhân (chiếm 80%) hơn bất cứ quốc gia phát triển nào khác. Hồi đầu tháng 11 vừa qua, 3 người – 2 đàn ông 24 và 31 tuổi, và một phụ nữ 21 tuổi – bị cảnh sát bắt giữ gần nhà máy điện hạt nhân ở Belleville-sur-Loire thuộc tỉnh Cher, miền Trung nước Pháp khi họ chuẩn bị phóng một chiếc drone tương đối đơn giản, loại bán trên Internet với giá khoảng 100 USD.
Theo tờ Le Prisien đưa tin: “Chiếc drone mà họ sử dụng không đủ tinh vi để sử dụng vào mục đích do thám mà nó chỉ là món đồ chơi”. Tuy nhiên, cảnh sát còn đang điều tra xem 3 người này sử dụng drone để giải trí hay nằm mục đích chính trị. Loại drone “đồ chơi” này dễ mua và điều khiển bằng smartphone. Hiện có khoảng 400.000 drone như thế tồn tại ở Pháp.