Những công nghệ tiên tiến được áp dụng để tìm kiếm nạn nhân thảm họa động đất

Thứ Bảy, 16/05/2015, 17:10
Đối với nhiều người, khả năng giúp đỡ ở Nepal được tượng trưng bằng bàn tay nối dài điều khiển một trái tim trên Facebook kêu gọi những người dùng truyền thông xã hội đóng góp cho những nỗ lực cứu trợ nạn nhân thiên tai. Bên cạnh đó, công nghệ hiện đại còn giúp thu thập thông tin một cách nhanh chóng hơn về những nạn nhân cần được cấp cứu.

Cụ thể như công nghệ ghi hình vệ tinh tạo ra được một loại ngân hàng dữ liệu về thảm họa, hay những chiếc máy bay không người lái (drone) có thể xâm nhập những khu vực hoang sơ nhất của dãy Himalaya. Hay, thiết bị cảm biến FINDER to cỡ chiếc vali của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) phát hiện được nhịp tim người ở độ sâu hơn 12m bên dưới các đống đổ nát để tìm kiếm người sống sót.

Tìm kiếm nạn nhân bên dưới những đống đổ nát.

Shivani Garg-Patel, người đồng sáng lập Samahope - một nền tảng trực tuyến sử dụng sức mạnh của trang Web để tài trợ cho những cuộc phẫu thuật cứu người và các ca can thiệp y khoa tại những nơi nghèo nàn trên thế giới ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh - phát biểu: "Với thảm họa ở Nepal, công nghệ giúp thu thập thông tin cứu nạn trong thời gian thực là trợ thủ đắc lực nhất và hiệu quả nhất cho các đội cứu hộ cứu nạn. Công nghệ giúp huy động tức thì mọi nguồn lực để phản ứng trong thời gian nhanh nhất".

Ví dụ như Công ty thu hình vệ tinh phân giải siêu cao Digital Global, trụ sở tại Mỹ, có 4 vệ tinh bay quanh trái đất hoạt động trong dự án Tomnod cung cấp những hình ảnh siêu nét tại các vùng hẻo lánh nhất trên trái đất. Tiến sĩ Shay Har-Noy, Giám đốc dữ liệu lớn (big data) địa không gian của Digital Global, giải thích: "Các vệ tinh của chúng tôi có thể nhìn thấy mọi ngóc ngách của Nepal. Chúng tôi có thể thu hình toàn bộ khu vực thảm họa, những ngôi làng nằm bên ngoài căn cứ trú đóng trên núi Everest".

Công nghệ drone được sử dụng ở Nepal.

Các vệ tinh của Digital Global bay ở độ cao hơn 600km so với mực nước biển và chụp ảnh với độ phân giải 31cm - tức mỗi megapixel ảnh tương ứng với 31cm² trên mặt đất. Sau thảm họa động đất kinh hoàng ở Nepal, Công ty Digital Global đã kịp thời cung cấp thông tin vệ tinh cho các đơn vị cứu hộ cứu nạn sử dụng làm công cụ tương tác. Người dùng có thể đăng nhập hệ thống của Digital Global để nhanh chóng xác định những con đường và tòa nhà bị hư hại nặng nề hay đánh dấu vị trí lở đất hoặc cộng đồng dân cư bị mất nhà cửa phải được sơ tán ngay lập tức - tất cả tạo nên một cơ sở dữ liệu đáng tin cậy về những khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi cơn địa chấn 7,8 độ richter.

Shay Har-Noy (trái), Giám đốc dữ liệu lớn địa không gian của Digital Global.

Shay Har-Noy cho biết: "Công nghệ hiện đại đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với phản ứng quốc tế trước thảm họa động đất ở Nepal để tính toán sự thiệt hại cũng như nhận biết nơi nào cần được giúp đỡ".

Khoảng 40.000 người, bao gồm các tổ chức chính phủ và phi chính phủ cũng như những đơn vị tình nguyện ở địa phương sử dụng công nghệ của Digital Global. Đơn cử như trường hợp Team Rubicon, tổ chức phi lợi nhuận gửi người tình nguyện đến các khu vực thảm họa ở Nepal, là một nhóm rất cần cơ sở dữ liệu của Digital Global. Team Rubicon cũng hợp tác với HaloDrop ở San Francisco để triển khai drone chụp hình những địa điểm khó tiếp cận đồng thời đánh giá nguồn lực cần huy động để cứu nạn là bao nhiêu.

Thiết bị FINDER của NASA.

Hiện nay, không chỉ ở Nepal mà drone cũng được sử dụng ở nhiều khu vực thảm họa khác trên thế giới. Công ty Aeryon Labs của Canada đã gửi 3 chiếc drone đến Nepal hỗ trợ cứu nạn. Drone của Aeryon Labs được trang bị hệ thống camera dò nhiệt để tìm kiếm người sống sót còn kẹt bên dưới những đống đổ nát, và các ống kính cho phép nhận diện gương mặt từ khoảng cách xa 300m, tạo lập bản đồ 2-D và 3-D tại các khu vực bị động đất ảnh hưởng. Ngoài ra, drone còn giúp phân phát lương thực, nước uống và thuốc men đến những vùng dân cư hẻo lánh.

Các lực lượng cứu hộ ở Nepal.

Ngày 5/5 vừa qua, nhờ vào công nghệ FINDER (thiết bị phản ứng khẩn cấp và tìm kiếm nạn nhân thảm họa) của NASA mà Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) đã kịp thời thông báo để giải cứu 4 nạn nhân vụ động đất tại Nepal, bị chôn vùi ở độ sâu gần 4m bên dưới các đống gạch vụn, bùn và sắt thép. FINDER sử dụng công nghệ radar vi sóng dò tìm nhịp tim người đang đập bên dưới những đống đổ nát hay đằng sau những tảng bê tông cứng và thiết bị được triển khai lần đầu tiên sau trận động đất ở Haiti năm 2010.

Trận động đất vừa qua ở Nepal, 2 thiết bị FINDER được gửi đến quốc gia này để hỗ trợ các đội tìm kiếm cứu nạn. Đối với Team Rubicon, công nghệ hiện đại không chỉ gói gọn trong phạm vi những chiếc drone và thiết bị dò tìm, mà còn được sử dụng để huy động người tình nguyện, giao tiếp với những người hảo tâm và thậm chí tìm kiếm những chuyến bay miễn phí để chở người tình nguyện đến khu vực thảm họa.

Matt Scott, điều phối viên quyên góp trực tuyến của Team Rubicon, cho biết: "Chúng tôi có hệ thống gọi là Will Call được sử dụng để huy động và tiếp xúc với những người tình nguyện của chúng tôi. Ngoài ra, Công ty Hàng không dân dụng Airlink đã tặng hàng trăm chuyến bay cho Rubicon. Chúng tôi sử dụng Classy làm nền tảng để quyên góp trực tuyến. Còn Sales Force là hệ thống trực tuyến quản lý tiền quyên góp".

Facebok cũng dành đường liên kết giúp quyên góp cứu trợ nạn nhân ở Nepal, đồng thời kích hoạt ứng dụng Safety Check cho phép các cá nhân thông tin về sự an toàn của họ. Google cũng có công cụ nguồn mở Person Finder được phát triển trước đó để phản ứng trước trận động đất ở Haiti. Với công cụ của Google, người dùng dễ dàng thu thập thông tin về tên, giới tính, tuổi tác, địa chỉ hay tiểu sử trên mạng xã hội. Đối với những ai không thể truy cập Internet, Person Finder có thể được sử dụng thông qua dịch vụ tin nhắn SMS.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.