Những loại tàu ngầm mang đầu đạn hạt nhân trên thế giới

Thứ Bảy, 30/05/2020, 14:10
Có một thực tế là những siêu tàu ngầm này luôn chìm trong vòng bí mật, song nhiều thông tin về chúng cũng có độ mở khá cao. Có bao nhiêu loại tên lửa có khả năng tàng hình, tàu ngầm có thể lặn sâu bao nhiêu, những nơi mà chúng thường xuyên hoạt động.

Nhiệm vụ chính của các loại siêu tàu ngầm này là “tàng hình” dưới nước. Một khi đất nước bị tấn công, các siêu tàu ngầm sẽ “khạc” tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân. Vị trí hoạt động của chúng là một bí mật. Nó bí mật theo dõi kẻ thù, tiếp cận và ra tay chớp nhoáng bằng những đòn tấn công sấm sét. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân, các tàu ngầm này có cơ hội sống sót cao sau đòn đánh đầu tiên…

Tàu ngầm lớp Ohio (Mỹ)

Các tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio đã được thiết kế ở Hoa Kỳ vào đầu thập niên 1970, và được sung vào biên chế của Hải quân nước này vào năm 1981. Có tổng cộng 18 tàu ngầm lớp Ohio được chế tạo. Mỗi chiếc tàu ngầm mang theo 24 tên lửa đạn đạo và cả 18 tàu ngầm đều được tích hợp với Hệ thống tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident II (SLBMs). 

Chỉ riêng Trident II đã chứng tỏ nó là một trong những loại tên lửa đạn đạo uy lực mạnh nhất thế giới. Những quả tên lửa này có tầm bắn xa tới 7.800 km với đầy đủ tải trọng, và 12.000 km nếu giảm tải trọng. Mỗi tên lửa Trident II có thể mang theo 14 đầu đạn, mỗi đầu đạn nặng 475 kT.

Tàu ngầm lớp Ohio (Mỹ).

Hiệp ước song phương START I đã giảm số đầu đạn xuống còn 8. Mỗi đầu đạn nhắm bắn một mục tiêu độc lập. Do bởi tầm bắn xa của tên lửa Trident nên các tàu ngầm lớp Ohio giúp cho hải quân Mỹ kiểm soát phần lớn các đại dương trên thế giới. Và biến chúng thành những mãnh long trên đại dương. Ngay cả khi tổng hoạt động thì chúng vẫn di chuyển rất êm. 

Gần đây các ống tên lửa Trident được tinh chỉnh để chứa những hệ thống phóng đứng cho loại tên lửa hành trình Tomahawk. Đến năm 2017 còn lại 14 tàu ngầm lớp Ohio còn trong quân ngũ. Hiện tại có một lớp tàu ngầm tên lửa đạn đạo mới được gọi là lớp Columbus đã được phát triển tại Mỹ và dự kiến thế hệ mới này sẽ thay thế cho lớp Ohio. Thời gian hoạt động tàu ngầm lớp Columbus đầu tiên cho mục đích thương mại là vào năm 2021, và vào biên chế hải quân là năm 2031.

Tàu ngầm lớp Vanguard (Vương quốc Anh)

Lớp Vanguard là loại tàu ngầm lớn nhất đã được chế tạo tại Vương quốc Anh. Con tàu đầu tiên đã được bổ sung vào biên chế hải quân vào năm 1993, có tổng cộng 4 tàu ngầm như thế được chế tạo và thuộc tài sản của Hải quân Hoàng gia Anh. 

Chỉ 1 chiếc tàu ngầm lớp Vanguard cũng đủ sức tuần tra và răn đe bất kỳ đối tượng nào, và nó luôn có một con tàu dự bị đi kèm. Dù rằng độ tuổi hoạt động của tàu ngầm lớp Vanguard vẫn  trong bức màn bí mật, nhưng chi tiết về các hệ thống vũ khí và tuần tra của chúng đã được phân loại cao, sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, sứ mạng chiến lược của nó đã thay đổi.

Mỗi tàu ngầm lớp Vanguard mang theo 16 tên lửa Trident II D5 (cùng loại tên lửa được sử dụng bởi tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ). Do không bị giới hạn bởi các thỏa thuận cắt giảm vũ khí nên mỗi tên lửa Trident II D5 có thể mang theo 12 đầu đạn. Các tàu lớp Vanguard cũng mang ít tên lửa hơn lớp Ohio. Mỗi tàu ngầm lớp Vanguard có thể chở tối đa 192 đầu đạn hạt nhân được triển khai trên 8 tên lửa. Sau đó, tàu lớp Vanguard giảm xuống còn 48 đầu đạn/ tàu, trên 4 tên lửa. 

Các tàu ngầm lớp Vanguard buổi ban đầu dự định hoạt động khoảng 25 năm. Hiện đang có tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Dreadnaugt mới được chế tạo ở Anh, và dự tính hoạt động thương mại năm 2016 sau đó sẽ bổ sung vào biên chế hải quân Hoàng gia vào năm 2028.

Tàu ngầm lớp Le Triomphant (Pháp)

Le Triomphant là một lớp tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Pháp, nó được đưa vào biên chế từ năm 1997. Kế hoạch ban đầu là phát triển 6 tàu ngầm, nhưng khi kết thúc chiến tranh Lạnh chỉ mới đóng xong 4 tàu. Mỗi chiếc tàu ngầm Le Triomphant mang theo 16 tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm. Buổi ban đầu loại tàu ngầm này được dự định là trang bị loại tên lửa M5. 

Cuối cùng chương trình bị bỏ rơi, và các tàu ngầm được trang bị tên lửa M45 không đạt năng lực như mong muốn. Trong giai đoạn 2010-2015, cả 4 tàu ngầm Le Triomphant đều tái trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa mới M51 với tầm bắn đủ tải trọng là 8.000 km, và 10.000 km nếu giảm tải.

Với tầm bắn này thì loại tên lửa M51 có thể đánh trúng nhiều mục tiêu ở Trung Quốc, Nga hay Mỹ. Mỗi tên lửa lại mang theo từ 6-10 đầu đạn hoạt động độc lập. Mỗi đầu đạn có hiệu suất nổ là 107 kT, đủ sức xuyên thủng qua các hàng rào phòng không của địch. Một phiên bản mới hơn của loại tên lửa M51 là M51.2 ra mắt vào năm 2015, mỗi đầu đạn đạt hiệu suất nổ là 150 kT. Phiên bản đầu đạn M51.3 đã phát triển thành công nhưng sẽ bổ sung cho Hải quân vào năm 2025. Tên lửa M51 của tàu ngầm lớp Le Triomphant có năng lực kém hơn tên lửa Trident II của tàu ngầm lớp Vanguard (Anh). 

Tàu ngầm lớp Borei (Nga)

Dự án 955 (tên gọi khác tàu ngầm Lớp Borei), là một loại tàu ngầm tên lửa đạn đạo mới của Nga, nó đã được bổ sung vào biên chế Hải quân Nga từ năm 2012. Năm 2017, có 3 tàu ngầm dạng này và thêm 5 tàu khác đang được chế tạo. 

Tàu ngầm lớp Borei sẽ thay thế cho các tàu ngầm tên lửa đã già cỗi của Nga là lớp Delta III, lớp Delta IV và lớp Typhoon, tạo thành cốt lõi sức mạnh răn đe của hải quân Nga. Tàu ngầm lớp Borei có khả năng tàng hình cao hơn và ít bị phát hiện hơn bằng sóng siêu âm.

Borei là loại tàu ngầm đầu tiên của Nga hoạt động bằng động cơ phản lực bơm. Nó chở theo tên lửa Bulava (SS-N-32). Tên lửa Bulava có tầm bắn xa đến 9.500 km và  chở theo 6 đầu đạn, mỗi đầu đạn có hiệu suất nổ đạt 150 kT. 

Các tên lửa của Borei cũng có thể chở theo 10 đầu đạn, nhưng khi đó tầm bắn chỉ đạt 4.000 km. Loại tên lửa này được chế tạo để vượt qua các hàng rào phòng không của đối phương. Xét về hiệu suất thì tên lửa Bulava của tàu ngầm lớp Borei bằng với loại tên lửa Trident C4 của Mỹ.

Tàu ngầm lớp Delta IV (Nga)

Loại tàu ngầm này đã được đưa vào biên chế của hải quân Nga từ năm 1985. Trong khoảng giữa các năm 1985 và 1990, 7 chiếc Delta IV đã được đóng xong. Tàu ngầm lớp Delta IV có thân áp lực đường kính tăng lên và phần đầu dài hơn. Lượng giãn nước tăng lên 1.200 tấn và tàu dài tới 12m. 

Tàu ngầm lớp Delta IV được chế tạo song song với tàu ngầm lớp Typhoon (trong trường hợp tàu lớn không thành công). Các tàu ngầm ban đầu được trang bị loại tên lửa R-29RM, sau đó chúng được thay thế bằng loại tên lửa đạn đạo R-29RMU2 Sineva, và hiện tại các tàu ngầm này được trang bị tên lửa cải tiến R-29RMU2.1 Layner. 

Loại tên lửa này có tầm bắn xa tới 8.300 km và chở theo 12 đầu đạn hiệu suất nổ thấp, đủ khả năng oanh tạc các mục tiêu ở Trung Quốc, Châu Âu và Mỹ. Mỗi tàu ngầm chở theo 16 tên lửa liên lục địa. Tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Delta hoạt động trong các hạm đội phương Bắc và Thái Bình Dương tạo nên bộ tam hạt nhân của hải quân Nga. Tàu ngầm lớp Delta IV dự kiến sẽ hoạt động đến năm 2030.

Tàu ngầm lớp Delta III (Nga)

Các hệ thống tên lửa phóng từ tàu ngầm đầu tiên của Liên Xô đều có tầm bắn ngắn. Các loại tên lửa đạn đạo đầu tiên ở Nga là lớp Yankee (hoạt động dựa trên kế hoạch của tàu ngầm lớp Benjamin Franklin của Mỹ). Những chiếc tàu ngầm Delta đầu tiên đưa vào hoạt động từ năm 1972, tàu ngầm lớp Delta II mang theo 16 tên lửa (ban đầu là 12). 

Tiếp đó là năm 1976 ra đời Dự án 667 BDR Kalmar (phương Tây gọi là tàu ngầm lớp Delta III), có tổng cộng 14 tàu ngầm lớp Delta III được chế tạo. Loại tàu ngầm này ban đầu chứa tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm R-29R, nó là hệ thống đầu đạn đa năng trên biển đầu tiên của Liên Xô. 

Hiện tại, tàu ngầm lớp Delta III chở theo tên lửa đạn đạo liên lục địa R-29RKU2  có tầm bắn xa tới 9.000 km và bắn trúng mọi mục tiêu ở Trung Quốc, Châu Âu và Mỹ. Vào năm 2017 chỉ có 3 tàu ngầm lớp Delta III hoạt động trong hải quân Nga.

Tàu ngầm lớp Tấn (Trung Quốc)

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng điện hạt nhân Hình 094 (phe NATO gọi chung là lớp Tấn), là loại tàu ngầm thế hệ 2 SSBN của hải quân Trung Quốc. Sự phát triển của loại tàu ngầm này bắt đầu vào đầu thập niên 1980, nó là kẻ kế thừa của tàu ngầm Hình 092 (lớp Hạ). 

Có nguồn tin rò rỉ cho rằng loại Hình 094 do Cục thiết kế Nga Rubin đảm nhiệm, tuy nhiên thông tin chưa được kiểm chứng. Năm 2017, Trung Quốc có 4 tàu ngầm lớp Tấn hoạt động, có nguồn tin cho rằng chiếc tàu lớp Tấn thứ 5 đã lên kế hoạch chế tạo.

Có lẽ tàu ngầm lớp Tấn là sự kết hợp công nghệ của tàu ngầm tấn công chạy bằng điện hạt nhân lớp Thương. Thân tàu ngầm được mở rộng để chứa các ống tên lửa và một phần của lò phản ứng hạt nhân. Tàu ngầm lớp Tấn mang theo tổng cộng 12 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2, loại tên lửa này có tầm bắn xa đến 8.000 km, đặt lãnh thổ Mỹ trong tầm oanh tạc. 

Mỗi tên lửa JL-2 mang 1 đầu đạn hạt nhân 250-1000 kT (hoặc 3-4 đầu đạn nhỏ hơn với hiệu suất nổ đạt 90 kT / đầu đạn). Loại tên lửa JL-2 được triển khai đầu tiên vào năm 2015. Mặc dầu vậy tàu ngầm lớp Tấn không có công nghệ tàng hình như phương Tây, hoặc kém xa tàu ngầm Nga. 

Tàu ngầm lớp Hạ (Trung Quốc)

Chương trình tàu ngầm tên lửa đạn đạo của Trung Quốc được bắt đầu phát triển hồi thập niên 1970. Tàu ngầm tên lửa đạn đạo Trường Chinh 6 vốn được tinh chỉnh từ tàu ngầm tấn công chạy bằng điện hạt nhân lớp Hán. Tàu lớp Hạ được hạ thủy vào năm 1978 và bổ sung vào biên chế hải quân năm 1987. Tàu ngầm lớp Hạ di chuyển khá chậm, ồn ào và lò phản ứng thiếu tin cậy. 

Chưa hết, loại tên lửa đạn đạo JL-1 thất bại trong lần bắn đầu tiên vào năm 1985 và mất 3 năm mới phóng thành công. Tên lửa JL-1 có 1 đầu đạn 250 kT và tầm bắn xa 2.150 km, buộc nó phải di chuyển sát bờ biển của địch thì mới khai hỏa. Thực tế là tàu ngầm lớp Hạ chưa từng rời khỏi hải phận Trung Quốc. Thậm chí ngay cả khi mọi hệ thống của tàu ngầm lớp Hạ cùng hoạt động thì hiệu suất của nó cũng tụt hậu so với các tiêu chuẩn hiện đại. 

Tàu ngầm lớp Arihant (Ấn Độ)

Năm 2009, Ấn Độ đã hạ thủy chiếc tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng điện hạt nhân đầu tiên, toàn bộ dự án nằm trong vòng bí mật. Ấn Độ đã tham gia cùng với Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ cùng hợp tác thiết kế và chế tạo tàu ngầm chạy bằng điện hạt nhân. Chiếc tàu ngầm đầu tiên được đặt tên là INS Arihant, thiết kế của con tàu này dựa trên tàu ngầm lớp Charlie I (vốn do Liên Xô chuyển giao cho Ấn Độ từ năm 1987 đến năm 1991). 

Tàu ngầm lớp Arihant (Ấn Độ).

Suốt gần 11 năm, để giữ bí mật, tàu ngầm INS Arihant mang tên Tàu công nghệ tiến bộ (ATV). Được biết tàu ngầm Arihant mang theo 4 tên lửa đạn đạo K-4, mỗi tên lửa có gắn đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn từ 3.000 km đến 3.500 km. Một số nguồn tin cho rằng tàu ngầm Arihant có thể chở theo 12 tên lửa đạn đạo tầm ngắn K-15 với tầm bắn từ 750 km đến 1.900 km. Lò phản ứng áp lực nước giúp chạy tàu ngầm Arihant cũng do Nga hỗ trợ chế tạo.

Tàu ngầm lớp Typhoon (Nga)

Dự án tàu ngầm 941 Akula của Liên Xô (phương Tây gọi là tàu ngầm lớp Typhoon) là tàu ngầm dưới biển lớn nhất thế giới từ trước tới nay. Loại tàu ngầm này gồm 2 vỏ thân áp lực được nối với nhau bằng một lớp vỏ ngoài nhằm tăng cường khả năng bảo vệ chống lại các loại vũ khí diệt hạm. Tàu ngầm lớp Typhoon dùng cho các chiến dịch của Hạm đội phương Bắc tại vòng Bắc Cực. 

Tổng cộng có 6 tàu ngầm lớp Typhoon được bổ sung vào biên chế từ năm 1981 đến 1989. Chiếc thứ 7 đã hạ thủy nhưng chưa khi nào hoàn công. Các tàu ngầm lớp Typhoon được trang bị 20 tên lửa R-39 và khai hỏa ngay trong Vòng Bắc Cực, bắn trúng mọi mục tiêu ngay trong lục địa Mỹ. Đến năm 2018, chỉ do duy nhất tàu ngầm Dmitry Donskoy lớp Typhoon vẫn còn hoạt động, nhưng chỉ dùng cho mục đích thử nghiệm hơn là tàu chiến.

Văn Chương (Tổng hợp)
.
.