Những màu sắc của tử thần

Chủ Nhật, 31/05/2020, 10:47
Lịch sử nhân loại đã từng chứng kiến những phát triển vượt bậc trong công nghệ bào chế phẩm màu, khiến quần áo, vật dụng gia đình hay các toà nhà được khoác lên mình những sắc màu tươi tắn.

Ở thời cổ đại, đa phần các chất màu có nguồn gốc tự nhiên, không chỉ tạo nên những màu sắc bắt mắt mà còn vô cùng an toàn. Tuy nhiên, sự phát triển của khoa học công nghệ đã mở ra cơ hội sản xuất phẩm màu nhân tạo, vô hình trung khiến nhiều sắc màu từng một thời rực rỡ này bỗng hoá thành độc chất chết người.

Chì trắng "hoàn hảo"

Chì trắng là một trong số chất màu nhân tạo đầu tiên do con người tạo ra cách đây khoảng 2.500 năm. Màu trắng kì lạ được nhiều nhà triết học của thế kỷ thứ 4 TCN đề cập trong các bản ghi chép, với công thức vắn tắt bằng ngôn ngữ cổ xưa để tạo ra một gram chì hoàn hảo.

Chì trắng "hoàn hảo" được tạo ra nhờ trộn chì và giấm ở tỉ lệ thích hợp.

Chì trắng vốn được ưa chuộng trong giới họa sĩ châu Âu vì thứ màu đặc sắc, trong khi người Hi Lạp, Ai Cập hay La Mã cổ đại lại sử dụng chất này để chế mỹ phẩm làm trắng cùng một số loại dầu mà không hề hay biết về độc tính của nó. Chì trắng có thể thâm nhập vào cơ thể người khi hít thở, ngấm qua da hay đường ăn uống.

Dấu hiệu ngộ độc cực kỳ đa dạng, từ đau đầu, vùng bụng và các khớp hay tăng huyết áp ở người lớn cho đến rối loạn phát triển và nhận thức ở trẻ nhỏ. Dù nguy hiểm nhưng chì trắng vẫn được ưa chuộng trong suốt lịch sử tồn tại của nó, đến mức không chất nào có thể thay thế màu trắng đặc trưng mãi cho tới thế kỷ 20 với sự xuất hiện của titanium dioxide không độc.

Ánh vàng quyến rũ

Màu sắc thu hút của vàng Naples (được tạo ra từ antimonate chì), khiến bất cứ ai cũng có thể quên mất đây là một độc chất rất nguy hiểm. Vàng Naples xuất hiện cách đây gần 4.000 năm, có độ phủ và độ nhuộm cao, chịu sáng tốt, đồng thời chuyển sắc linh hoạt từ vàng nhạt đến đậm và thậm chí ngả đỏ.

Trong thời cổ đại, người Ai Cập và Lưỡng Hà dùng vàng Naples để nhuộm màu và bảo vệ bề mặt cho các loại gương hay đồ gốm. Màu này được coi như một "bí quyết của ma thuật" để tạo nên sự bắt mắt và thu hút mọi ánh nhìn nhờ sự hấp dẫn khó cưỡng của chất vàng ngay cả khi để trong bóng tối. Nhiều tài liệu ghi chép coi vàng Naples là chất màu khí quyển tuyệt vời nhất.

Vàng Naples phải trải qua một lịch sử thăng trầm, biến mất rồi lại tái xuất và trở nên vô cùng được ưa chuộng trong hội họa thời Phục Hưng khi giới họa sĩ muốn tìm kiếm gam vàng chủ đạo cho các bức tranh phong cảnh.

Thế nhưng, sự nguy hiểm của chì trong vàng Naples khiến chất màu này bị thay thế bởi vàng cadmium trộn với trắng kẽm và đỏ Venice.

Ngày nay, Mỹ, Canada và Liên minh châu Âu đã ban hành lệnh cấm chì trong sơn tường hay lớp phủ bề mặt vật dụng, thế nên vàng Naples không còn chỗ đứng trong thị trường, dần biến mất khỏi cuộc sống của con người.

Màu đỏ phóng xạ

Màu đỏ uranium, vốn là sản phẩm của thế kỷ 20, không được sử dụng nhiều trong hội họa mà chủ yếu được trộn vào men gốm. Năm 1936, một loạt các sản phẩm gốm mang nhãn hiệu Fiesta xuất hiện, thu hút dư luận nhờ năm gam màu rực rỡ bao gồm đỏ, xanh dương, xanh lá, trắng ngà và vàng.

Tuy nhiên, điều khiến giới khoa học chú ý chính là Fiesta đã sử dụng uranium oxide để tạo nên sắc đỏ, khiến gốm đỏ được ghi nhận có mức phóng xạ đặc biệt cao. Ban đầu, Fiesta sử dụng uranium tự nhiên, nhưng sau Thế chiến II thì tận dụng uranium nghèo (phế thải trong chu trình nhiên liệu hạt nhân) để nhuộm màu men gốm.

Nhiều nghiên cứu nghi ngờ các sản phẩm Fiesta đều phát ra phóng xạ vì men gốm có chứa uranium. Điều này gây hoang mang bởi lẽ chu kỳ bán rã của uranium là rất lâu, thế nên các oxide có thể ngấm dần vào đồ ăn, rồi đi vào cơ thể và tích tụ theo năm tháng để gây ra nguy cơ hình thành khối u hay ung thư.

Cho dù Fiesta đã chứng minh độ an toàn trước khi tiếp tục phân phối tới người tiêu dùng, đồng thời khẳng định uranium nghèo đã không còn được trộn vào men gốm kể từ sau những năm 1970, sắc đỏ một thời vẫn khiến người dùng có phần e dè khi nghĩ tới uranium đầy nguy hiểm.

Xanh arsen Scheele

Nhà hoá học Thụy Điển Carl Wilhelm Scheele đã tạo ra màu xanh đẹp, nhưng độc.

Màu xanh ngả vàng này do nhà hóa học Thuỵ Điển Carl Wilhelm Scheele sáng chế sau nhiều thí nghiệm với arsen oxide (As2O3), Na2CO3, và dung dịch đồng sulfate (CuSO4). Theo tiết lộ, màu xanh Scheele vượt trội hơn hẳn các chất màu khác được sản xuất từ đồng carbonate (CuCO3) nhờ khả năng tái tạo chính xác màu lá cây, lưu màu rất lâu và dễ dàng chế tạo với nguyên liệu sẵn có.

Tuy nhiên, đây lại là một chất độc vô tình được sử dụng trong hội họa cũng như sản xuất nến, nhuộm vải, giấy dán tường, đồ gia dụng và đồ chơi trẻ em. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm độc với người dùng khi các vật dụng chứa màu Scheele sau một thời gian bị ẩm sẽ tạo ra phản ứng hoá học giải phóng arsen bay hơi vào không khí.

Trên thực tế, có nhiều bằng chứng cho thấy sự nguy hiểm của màu Scheele cực độc. Đó là cái chết của nhiều thợ thủ công ở thế kỷ 19 liên quan đến lá giả phủ đầy bột xanh Scheele, các công nhân xưởng in hít phải bụi arsen bị bệnh về hô hấp và ung thư, hay trẻ em bị nhiễm độc từ nến màu xanh.

Ly kỳ hơn, màu xanh Scheele được cho là nguyên nhân dẫn tới cái chết của Hoàng đế Napoleon, vốn sống trong căn phòng sơn màu này. Nhiều báo cáo khám nghiệm khẳng định chính hơi arsen trong sơn tường và giấy dán tường đã đầu độc Napoleon, khi một lượng lớn arsen được phát hiện bên trong tóc của Napoleon.

Tất nhiên, những người thân tín sống cùng Napoleon như quản gia và phục vụ cũng chịu chung số phận khi phải hứng chịu nhiều bệnh lý nghiêm trọng, thậm chí cả cái chết.

Lê Nam
.
.