Những mối lo khi dữ liệu người dùng Facebook bị lạm dụng

Thứ Năm, 18/01/2018, 14:50
Nếu bạn sử dụng Facebook thường xuyên trong vòng 5 ngày, thậm chí khi ấy mạng xã hội này sẽ hiểu bạn hơn chính cả người bạn đời. Và đa số người dùng đều không nhận ra được cách thức, mức độ thu thập dữ liệu từ Facebook một cách thấu đáo.

Có một câu nói có vẻ khó hiểu về thời đại Internet rằng, khi chúng ta dùng những sản phẩm miễn phí trên mạng thì chính chúng ta là sản phẩm. Đó là bản chất cốt lõi của vô vàn dịch vụ miễn phí rất phổ biến trên mạng hôm nay như Gmail, Google Maps, Youtube, Facebook… Tất cả những nền tảng này đều rộng rãi không thu tiền. Vậy các ông chủ, tập đoàn đó lấy gì để trở thành tỷ phú? Chính là dữ liệu cá nhân mà chúng ta đang tự nguyện cung cấp hàng ngày; tài nguyên trong lòng đất là hữu hạn, tài nguyên thông tin cá nhân là vô hạn.

Thu thập thông tin người dùng để quảng cáo

Cách đây không lâu, trên ứng dụng Google Maps dành cho người dùng Việt Nam xuất hiện thử nghiệm thêm tính năng thông báo mật độ giao thông tại các đô thị lớn. Không ít người đã vô cùng ngạc nhiên lẫn thích thú bởi sự hữu ích này, tuyến đường thông thoáng được hiển thị màu xanh lá cây, nếu có biểu hiện ùn ứ trên bản đồ thông báo bằng màu vàng cam và tắc đường nghiêm trọng sẽ chuyển sang đỏ.

Tính chính xác rất cao, độ trễ chỉ trong khoảng một vài phút. Tôi có chút băn khoăn về tính năng này, tập đoàn công nghệ Google thu thập dữ liệu về giao thông đô thị Việt Nam như thế nào để có khả năng "tương tác" tốt đến vậy?

Cho đến ngày cuối tuần, tôi nhận ra ứng dụng Google Maps thông báo khu vực phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm tắc đường, tôi đã có câu trả lời. Hãng công nghệ hẳn đã thu thập dữ liệu từ chính những chiếc điện thoại di động thông minh qua Internet để tính toán mật độ, tốc độ di chuyển người sử dụng và cuối cùng đưa ra kết quả ùn tắc hoặc thông thoáng. \

Phố đi bộ không hề ùn tắc theo đúng nghĩa đen về giao thông, nhưng thuật toán đã hiểu rằng với mật độ dày đặc điện thoại và di chuyển tốc độ cực chậm như vậy chỉ có thể là tắc đường nghiêm trọng.

Thật đáng tiếc, tính năng hữu ích này hiện không còn tồn tại bên trong ứng dụng miễn phí chỉ dẫn đường đi nổi tiếng Google Maps cho thị trường Việt Nam, bởi nó đã được tính phí "nhượng quyền" khai thác cho một hãng phần mềm dẫn đường tích hợp sẵn cho một số thương hiệu xe hơi cao cấp của Châu Âu.

Trên đây chỉ là một ví dụ đơn giản nhất và có vẻ ít nguy hại cho người sử dụng, thế nhưng đối với mạng xã hội phổ biến nhất thế giới, Facebook, câu chuyện lại không còn như vậy. Theo con số thống kê mới nhất từ Facebook, hiện nay tại Việt Nam có xấp xỉ 50 triệu người sử dụng. Và tất nhiên, xử lý dữ liệu từ người dùng là nguồn thu nhập lớn nhất cho Facebook. Riêng trong năm 2016, công ty này thu lợi hơn 6,4 tỷ USD từ mảng quảng cáo, tăng trưởng 63% so với năm trước đó.

Nếu bạn sử dụng Facebook thường xuyên trong vòng 5 ngày, thậm chí  khi ấy mạng xã hội này sẽ hiểu bạn hơn chính cả người bạn đời. Và đa số người dùng đều không nhận ra được cách thức, mức độ thu thập dữ liệu từ Facebook một cách thấu đáo.

Ngoài việc xử lý thông tin trên trang cá nhân, Facebook còn theo dõi người sử dụng bên ngoài phạm vi nền tảng của mình và mua thông tin về các hoạt động khác trên Internet từ bên thứ ba. Facebook có thể tập hợp, phân tích, xây dựng những hồ sơ khách hàng chi tiết đến mức  đáng lo ngại về quyền riêng tư.

Chính sách sử dụng dữ liệu của Facebook có nêu rõ các loại thông tin mà nó thu thập về khách hàng, về cơ bản có vẻ như được thu thập ngay trên trang Facebook (onsite), còn lại là dữ liệu ngoài phạm vi nền tảng (offsite). Việc đưa thông tin qua bài viết, ảnh người thân, bạn bè hay cách sử dụng mỗi ngày như nội dung yêu thích, tần suất giao tiếp, thường xuyên tiếp cận ai, ai nói về bạn, tin nhắn, nhóm tham gia, cách tương tác… Đó là dữ liệu onsite mà hiển nhiên chúng ta đã và đang tự nguyện "cống nạp" rất đều đặn cho Facebook.

Đôi khi người sử dụng lấy làm ngạc nhiên bởi tại sao trên đó liên tục hiển thị những nội dung quảng cáo mặt hàng, dịch vụ… đúng thứ ta đang có nhu cầu, câu trả lời đã có. Bản thân người mua dịch vụ quảng cáo trên mạng xã hội này trước đó đã phải trả một khoản tiền cho Facebook để được tiếp thị sản phẩm đến "tận chân công trình" là tập khách hàng mong muốn là nhu cầu mặt hàng, lứa tuổi, khu vực sinh sống, giới tính…

Hoặc giả hai người xa lạ bỗng vì tiếp khách hoặc can cớ gì ngồi gặp nhau, Facebook sẽ gợi ý hai người nên kết bạn trên mạng, bởi nó đọc được địa điểm và thời gian ngồi với nhau đủ lâu thông qua điện thoại di động, vậy rất nên tiến triển tiếp một tình bạn mới trên thế giới ảo.

Dữ liệu offsite bao gồm tất cả thông tin về thiết bị kết nối như chủng loại điện thoại, máy tính bảng, máy tính cá nhân, hệ điều hành, địa chỉ thông qua hệ thống định vị toàn cầu GPS, tên nhà mạng sử dụng, số điện thoại… Thông tin từ các trang web và ứng dụng bên thứ ba có liên kết với Facebook, thông tin được cung cấp bởi các công ty khác thuộc sở hữu của Facebook, các đối tác bên thứ ba, chẳng hạn như các nhà quảng cáo hoặc các nhà môi giới dữ liệu.

Khi dữ liệu người dùng Facebook bị lạm dụng

Con đường thu thập dữ liệu đơn giản như lưu lại thông tin tài khoản, nhật ký hoạt động trên Facebook là điều có thể nhìn thấy ngay. Những ẩn đằng sau đó còn vô vàn kỹ thuật khác thì không được rõ ràng như vậy. Mạng xã hội này đã được những kỹ sư phần mềm đưa vào đó vô số những "thuật toán" siêu đẳng can thiệp mà người sử dụng tưởng như vô can.

Ví dụ khi lướt trên màn hình điện thoại nếu bắt gặp một nội dung thu hút, Facebooker không ấn vào đó để xem chi tiết nhưng dừng lại một khoảng thời gian chỉ vài giây tò mò "ngắm nghía", vậy là đủ, nó đã hiểu bạn thêm một vài mối quan tâm để tiếp tục nhồi nhét nội dung phù hợp "khẩu vị".

Thói quen chụp ảnh người thân, bạn bè đưa lên mạng rồi gắn thẻ "tag" nhận dạng, chỉ vài lần Facebook đã thu nạp đủ cả dữ liệu hình ảnh nhận dạng về những con người đó, lần kế tiếp đưa ảnh nó sẽ tự gợi ý rằng bạn có muốn "tag" người thân trong bức ảnh mới hay không, những dữ liệu nhận dạng đó được lưu trữ trên hệ thống dữ liệu tổng trong máy chủ nằm bên kia đại dương.

Ngoài ra, khi cài đặt ứng dụng Facebook lên điện thoại, bạn đã chấp nhận cho nó được quyền tiếp cận vô số thông tin riêng như danh bạ điện thoại, thư mục ảnh… Thuật toán của nó thông minh tới mức có thể miêu tả được một bức ảnh bằng ngôn ngữ được văn bản hóa. Và những dữ liệu bị can thiệp có bản copy tới máy chủ nào đó trên thế giới để phục vụ cho mục đích khác, không bao giờ người sử dụng, "sản phẩm" của những thứ miễn phí trên thế giới Internet có được câu trả lời thỏa đáng.

Câu chuyện về tin giả hoặc những thông tin thất thiệt được lan tỏa rộng cũng bắt đầu từ những điều kể trên. Không ít fanpage tại Việt Nam được xây dựng xác định mục tiêu để tung tin giả, tuyên truyền gây hoang mang dư luận phục vụ cho vô số mục đích xấu nào đó. Những kẻ ác ý ban đầu xây dựng hệ nội dung rất phong phú, đa dạng, đáng tin và chi tiền quảng cáo để thu hút một lượng người theo dõi đủ lớn.

Và tiếp theo sẽ là những chiêu trò "kẹp" thông tin giả độc hại, bôi nhọ cá nhân, tập thể hoặc chiêu trò triệt hạ các đối thủ cạnh tranh trong kinh doanh. Người sử dụng Facebook ngây thơ nào đó đã trót đặt niềm tin vào những fanpage như vậy vô tình trở thành người đưa tin thông qua cách chia sẻ, và tin giả đó vô tình được lan rộng theo chủ đích ban đầu.

Thu thập dữ liệu là một ngành công nghiệp khổng lồ hoạt động trong bóng tối. Các nhà môi giới dữ liệu là những công ty thu thập và phân tích các dữ liệu công khai để xây dựng hồ sơ chi tiết về người dùng. Những hồ sơ này có thể chứa các thông tin như bạn có nuôi chó hay không, bạn thích trà của hãng nào, cỡ giày, bạn đang mang, và thích thú với loại thông tin gì.

Để có thể hiểu rõ hơn về phạm vi của ngành công nghiệp thu thập dữ liệu, công ty Datalogix, là công ty môi giới dữ liệu đầu tiên mà Facebook kí hợp đồng vào năm 2012 đã có thông tin về hầu hết mọi hộ gia đình tại Mỹ và nắm trong tay lượng thông tin giao dịch người dùng lên tới 1.000 tỷ USD. Acxiom, một công ty môi giới khác có liên kết với Facebook có thông tin về khoảng 500 triệu người tiêu dùng trên toàn thế giới, với khoảng 1.500 điểm dữ liệu cho mỗi người.

Việc sử dụng dữ liệu của bạn cho mục đích tiếp thị có thực sự là một vấn đề không? Xét cho cùng, Facebook không chia sẻ cái gọi là thông tin nhận dạng cá nhân. Rất ít doanh nghiệp có thể tồn tại đến ngày nay nếu như họ không thể nhắm đến đúng đối tượng người dùng. Bên cạnh đó, một số người tiêu dùng cho rằng việc các quảng cáo được chỉnh sửa sao cho phù hợp với nhu cầu của họ cũng khá tiện lợi.

Bên cạnh mối lo ngại hiển nhiên nhất là có quá nhiều thông tin được tập hợp tại một công ty tư nhân như Facebook khi có tới gần 2 tỷ người dùng thường xuyên, dữ liệu có thể bị lạm dụng theo nhiều cách khác nhau như đã nói trên.

Bản thân bạn bè tôi có nhiều người không sử dụng Facebook ngay từ đầu, đó là một quyết định rất thông minh dù thoáng nghe có vẻ thấy họ là những người lạc hậu thời đại công nghệ. Còn với người đã sử dụng thì sao, họ có thể thoái lui hay không?

Câu trả lời là không. Chúng ta muốn thoái lui khỏi việc phải nhìn thấy những quảng cáo được "may đo" dựa trên sở thích, không có nghĩa là Facebook sẽ ngừng theo dõi chúng ta bởi yêu cầu các công ty môi giới dữ liệu dừng việc thu thập dữ liệu, về lý thuyết là có thể, nhưng trên thực tế lại là một việc có thể cho là bất khả thi.

Trên thực tế tại Việt Nam, không có trường lớp nào dạy người dùng cách sử dụng Facebook an toàn và hiệu quả. Nhãn tiền đã có hàng nghìn trường hợp bị tấn công, bôi nhọ trực diện cá nhân trên mạng xã hội chính bởi từ sự ngây thơ hoặc chưa hiểu thấu đáo cách sử dụng. Thật đáng tiếc trong số các nạn nhân bỗng dưng nổi tiếng sau một đêm lại là những người rất trẻ tuổi, thậm chí đã có trường hợp quyên sinh bởi không chịu được sức ép.

Mạng xã hội Facebook như cuốn nhật ký điện tử, trong đó chính chúng ta ghi chép "công khai" lên đó những vấn đề cá nhân là hình ảnh, bức xúc, tình cảm, các mối quan hệ xã hội… Chính điều đó vô tình là một con dao kề sát bên mạng sườn không biết nó sẽ làm chảy máu khi nào.

Có rất nhiều cách để tự bảo vệ mình khi tham gia mạng xã hội, giảm thiểu nguy cơ không mong muốn bằng cách thay đổi tùy chọn quyền riêng tư, quyết định xem ai có thể xem các bài đăng và thông tin trang cá nhân trên Facebook. Tuy nhiên, bằng một thái độ dứt khoát tốt nhất để ngăn chặn việc thu thập thông tin của Facebook chính là xóa bỏ tài khoản đang sử dụng.

Thói quen sử dụng Facebook với đa số người dùng hôm nay đã kéo dài nhiều năm, để từ bỏ nó không phải chuyện đơn giản khi Facebook đã kịp trở thành một phương tiện giao tiếp, làm việc, giao lưu, kết nối trong đời sống hiện đại. Chúng ta nên cân nhắc thật kỹ,  đặt lên bàn cân về những điều tốt và xấu mà Facebook đem lại có xứng đáng hay không?

Minh Trí
.
.