Những nhà vệ sinh thông minh nhất thế giới
- Ly dị chồng vì... không có nhà vệ sinh
- Thành phố và câu chuyện nhà vệ sinh công cộng
- Mê Wi-fi miễn phí, hàng nghìn người đăng ký dọn nhà vệ sinh
Một nhà vệ sinh xa xỉ "thông minh" có giá đến 12.500 USD có lẽ là tín hiệu cho sự khởi đầu của cuộc cách mạng "căn phòng tế nhị" này. Nhà vệ sinh thông minh không chỉ mang lại cảm giác thoải mái nhất cho người dùng mà còn được coi là yếu tố mấu chốt để chăm sóc sức khỏe trong tương lai.
Một bàn ngồi vệ sinh ấm áp là ý tưởng về "thiên đường" của phần đông chúng ta. Phía sau lưng là chiếc remote có tính năng lựa chọn chế độ rửa và sấy khô. Người dùng cứ việc ấn nút và một cánh tay robot bắt đầu hoạt động "bên dưới" thân người, bắn ra một loạt những tia nước mạnh dưới mọi góc độ được cài đặt sẵn và cuối cùng là luồng khí nóng (vừa phải, không đến độ gây bỏng).
Bồn vệ sinh thông minh Toto Actilite của Toto. |
Khi người dùng đứng lên thì nắp đậy bồn cầu sẽ tự động đóng lại và sau đó tiến hành nhiệm vụ dội nước và làm sạch bằng ánh sáng UV. Đó là sản phẩm bồn cầu vệ sinh có tên gọi Toto Actilite với Washlet (đũa thần rửa tự động) được bán ra thị trường với giá 12.500 USD.
Từ khi mở cửa văn phòng đại diện ở thành phố London nước Anh năm 2009, thương hiệu Toto nổi tiếng của Nhật Bản cố gắng xâm nhập thị trường châu Âu và hiện đang đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh khác cũng đang lộ diện. Không hề được sản xuất chỉ nhằm phục vụ những khách hàng siêu giàu, có lẽ vào một ngày nào đó những bồn cầu công nghệ cao như thế này sẽ giúp cải thiện hệ thống nhà vệ sinh trên khắp thế giới.
Sản phẩm hoạt động như thế nào? Người dùng có lẽ sẽ cảm thấy lo ngại khi cho phép một cánh tay robot hoạt động gần "bộ phận nhạy cảm" của mình?
Floyd Case - giám đốc điều hành Dự án và Kỹ thuật Toto Europe - cam đoan không có gì để phải lo sợ cả: "Nó không giống như hệ thống rửa xe ôtô. Khi bạn ngồi xuống, thiết bị cảm biến sẽ nhận ra tức thì. Nếu chú ý, bạn sẽ thấy bàn ngồi được làm cho ấm lên và chất khử mùi bắt đầu được phun đều ra. Nếu không muốn tự rửa, bạn có thể sử dụng remote với 2 chế độ chọn - rửa phía sau hay rửa phía trước (đôi khi được gọi là chế độ rửa dành cho quý bà)". Sau đó, "đũa thần" robot bắt đầu rửa sạch bộ phận của bạn bằng đám bụi nước phun sương gồm "khoảng 70 giọt nước nhỏ mỗi giây".
Người dùng có thể sử dụng remote để điều chỉnh vị trí, cường độ nước phun và cả nhiệt độ theo ý thích. Hoặc là, người dùng sử dụng chức năng sấy khô bằng khí nóng. Bồn vệ sinh thông minh cũng được thiết kế "vệ sinh" đến mức không ngờ. Nước "điện phân" tác động đến muối hòa tan để sinh ra dung dịch acid nhẹ giết chết vi khuẩn. Ngoài ra, ánh sáng UV được bật lên khi nắp bồn cầu đóng lại tương tác với bề mặt sứ dẫn đến phản ứng phân hủy sinh học.
Sản phẩm có tên gọi Satis G-Type do Lixil Water Technology - cũng là một công ty Nhật Bản - sản xuất có nhiều chức năng tương tự song có giá dễ thở hơn - 5.000 USD. Với ứng dụng di động "My Satis" và smartphone kết nối Bluetooth, người dùng có thể dễ dàng kiểm soát các chức năng rửa (phun sương, phun áp lực hay áp lực không khí).
Ứng dụng cũng bao gồm "nhật ký vệ sinh" cho phép người dùng (nếu thực sự muốn) theo dõi hoạt động co bóp ruột để tống chất thải ra ngoài nhằm mục đích giám sát sức khỏe bản thân. Tương tự như mọi thứ trong IoT (vạn vật kết nối Internet), công ty Lixil quan tâm đến khả năng tấn công của hacker.
Martin Mizutani, giám đốc phát triển sản phẩm toàn cầu của Lixil Water Technology, trấn an khách hàng: "Nhà vệ sinh Satis được kiểm soát từ xa với bước bắt buộc. Chiến dịch sử dụng smartphone của Satis đòi hỏi thực hiện tiến trình song song - tức thiết lập kết nối trực tiếp giữa nhà vệ sinh Satis và smartphone. Chức năng chỉ có thể hoạt động khi nắp bồn cầu được mở ra, trong khi ứng dụng My Satis chỉ có thể được sử dụng bởi một người duy nhất trong thời gian nhất định. Điều này giúp ngăn ngừa bất cứ bên thứ 3 nào có ý định can thiệp vào nhà vệ sinh vào lúc đó".
Cả 2 công ty Toto và Lixil đều nổi tiếng ngang nhau ở Nhật Bản. Theo giới chức của Lixil, một số mẫu mã bồn cầu có bộ phận phun rửa từ phía dưới bằng nước ấm được sử dụng trong hơn 80% hộ gia đình ở Nhật Bản. Toto bán được hơn 40 triệu bồn cầu thông minh - với giá khởi điểm từ khoảng 1.870 USD - trên toàn thế giới. Ngoài số khách hàng siêu giàu, sản phẩm của Toto cũng được sử dụng rộng rãi trong các khách sạn và nhà hàng sang trọng.
Bên cạnh yếu tố xa xỉ, một số sản phẩm bồn cầu thông minh còn được thiết kế dành riêng cho người nghèo. Garv Toilets là kiểu nhà vệ sinh công cộng "thân thiện với môi trường" sử dụng miễn phí tại những vùng nghèo khó ở Ấn Độ. Garv Toilets cũng sử dụng thiết bị cảm biến và công nghệ nhận dạng bằng sóng vô tuyến - RFID.
Ánh sáng đèn LED và hệ thống quạt hút được bố trí trong Garv Toilets sẽ tự động bật mỗi khi cánh cửa nhà vệ sinh có người mở ra. Sau khi người dùng rời khỏi nhà vệ sinh, hệ thống tự động rửa bồn cầu và sàn phòng được kích hoạt tự động. Bảng điện tử theo dõi từ xa liên tục thu thập dữ liệu về số người sử dụng Garv Toilets cũng như thời gian sử dụng và mức độ tiêu thụ xà phòng bên trong nhà vệ sinh.
Theo Toilet Board Coalition (Liên minh hội đồng Nhà vệ sinh quốc tế), một tổ chức quảng bá và tuyên truyền về vấn đề vệ sinh, trong tương lai nhà vệ sinh thông minh còn giúp cảnh báo sớm bệnh tật. Floyd Case giải thích: "Chúng tôi đã bán hàng ngàn nhà vệ sinh thông minh cho các bệnh viện ở Nhật Bản. Ngoài chức năng rửa và sấy khô, chúng còn đánh giá thể trọng và phân tích nước tiểu người sử dụng". Hiện nay, các nhà vệ sinh sử dụng trong hộ gia đình cũng có những chức năng theo dõi sức khỏe và tải dữ liệu đến smartphone của người dùng.