Những sai lầm hạt nhân có thể kết thúc nền văn minh trên trái đất

Thứ Bảy, 22/08/2020, 10:36
Từ động vật xâm lược đến một con chip máy tính bị lỗi trị giá chưa đến… 1 USD, danh sách dài đáng báo động về các vụ việc cho thấy chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra do nhầm lẫn như thế nào.


Mức độ nguy hiểm của báo động nhầm

Đó là vào nửa đêm ngày 25/10/1962, một bảo vệ tại Trung tâm Chỉ đạo Khu vực Duluth nhìn thấy một hình bóng mờ đang cố gắng leo lên hàng rào bao quanh cơ sở. Ngay lập tức, chuông báo động có kẻ xâm nhập vang lên tại mọi căn cứ không quân trong khu vực. Tình hình leo thang nhanh chóng đáng kể.

Tại Volk Field, một căn cứ không quân gần đó, ai đó đã bật nhầm công tắc - vì vậy, thay vì cảnh báo an ninh thông thường, các phi công đã nghe thấy tiếng còi khẩn cấp yêu cầu họ hành động. Ngay sau đó là một loạt hoạt động điên cuồng - họ lao lên bầu trời, trang bị vũ khí hạt nhân.

Tom Z. Collina (trái) và William J. Perry.

Đó là đỉnh điểm của Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba và mọi người đều đang ở trong tình thế nguy hiểm. Mười một ngày trước đó, một máy bay do thám đã chụp được ảnh các bệ phóng, tên lửa và xe tải bí mật ở Cuba, điều này cho thấy Liên Xô đang huy động vũ khí để tấn công các mục tiêu trên khắp nước Mỹ. Như thế giới đã biết quá rõ, tất cả những gì chỉ cần một cuộc tấn công từ một trong hai quốc gia là có thể gây ra một sự leo thang khó lường. Nhưng, “bóng người” đang trượt quanh hàng rào được xác định là… một con gấu đen lớn. Đó là một nhầm lẫn đáng sợ!

Nhưng tại Volk Field, phi đội vẫn không biết về sự thật này. Họ đã được thông báo rằng sẽ không có cuộc tập trận nào, và họ hoàn toàn tin rằng Chiến tranh thế giới thứ 3 sắp bắt đầu? Tua nhanh đến ngày nay và nỗi lo về nguyên tử của thập niên 1960 đã bị lãng quên.

Các hầm trú ẩn hạt nhân là nơi trú ẩn của những người lập dị và những người cực giàu, và những lo lắng hiện sinh đã chuyển sang các mối đe dọa khác như biến đổi khí hậu. Trên thế giới hiện có khoảng 14.000 vũ khí hạt nhân, với sức mạnh tổng hợp có thể hủy diệt cuộc sống của khoảng 3 tỷ người hoặc thậm chí là sự tuyệt chủng của loài nếu chúng gây ra một mùa đông hạt nhân. Và, đã có ít nhất 22 lần báo động sai lầm kể từ khi vũ khí hạt nhân được phát hiện.

Cho đến nay, chúng ta suýt bị đẩy đến bờ vực của chiến tranh hạt nhân bởi những sự kiện vô hại như một đàn thiên nga bay, sự cố máy tính nhỏ hay thời tiết không gian bất thường. Rủi ro xảy ra gần đây vào năm 2010, khi Không quân Mỹ tạm thời mất khả năng liên lạc với 50 tên lửa hạt nhân, có nghĩa là sẽ không có cách nào để phát hiện và ngăn chặn một vụ phóng tự động.

Vào ngày 2/1/1995, tổng thống Nga lúc bấy giờ là Boris Yeltsin trở thành nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên trong lịch sử suýt kích hoạt “chiếc cặp hạt nhân”. Nhóm nhân viên trực radar của Yeltsin nhận thấy một tên lửa được phóng ra ngoài khơi bờ biển Na Uy, và họ lo lắng quan sát khi nó bay lên trời. Nó đã đi đâu - và nó có thù địch không?

Một cuộc tập trận tại căn cứ không quân Volk Field.

Với chiếc cặp trên tay, Yeltsin thảo luận với các cố vấn hàng đầu của mình về việc có nên mở một cuộc phản công hay không. Với vài phút để quyết định, họ nhận ra nó đang hướng ra biển và do đó không phải là một mối đe dọa. Sau đó, người ta cho rằng đây không phải là một cuộc tấn công hạt nhân, mà là một tàu thăm dò khoa học, đã được phóng đi để điều tra ánh sáng phương Bắc.

Giới chức Na Uy hết sức bối rối khi nó gây ra một vụ náo động như vậy, bởi vì vụ phóng đã được công bố công khai ít nhất… một tháng trước đó.

William Perry, người từng là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton và Thứ trưởng Quốc phòng của chính quyền Carter, cho biết: “Nếu tổng thống phản ứng với một báo động giả, thì ông ấy sẽ vô tình bắt đầu một cuộc chiến tranh hạt nhân. Tên lửa không thể được triệu hồi và chúng cũng không thể bị phá hủy”. Liệu chúng ta có thể làm gì để ngăn chặn một sự cố khác xảy ra trong tương lai?

Căn nguyên của khả năng xảy ra sai lầm là hệ thống cảnh báo sớm - được thiết lập trong Chiến tranh Lạnh - để có thể tung ra đòn trả đũa trước. Để làm điều này, chúng ta cần dữ liệu. Mỹ hiện có một số vệ tinh âm thầm do thám thường trực, trong đó có 4 vệ tinh hoạt động từ 35.400 km trên Trái Đất, vì vậy có thể phát hiện ra bất kỳ mối đe dọa hạt nhân tiềm năng nào.

Những gì vệ tinh không thể làm là theo dõi tên lửa khi nó di chuyển. Để làm được điều này, Mỹ cũng có hàng trăm trạm radar, có thể xác định vị trí, vận tốc và tính toán quỹ đạo của tên lửa. Khi có đủ dấu hiệu cho thấy một cuộc tấn công hạt nhân sắp diễn ra, tổng thống sẽ được cấp báo.

Perry nói: “Vì vậy, có lẽ khoảng 5 đến 10 phút sau khi phóng tên lửa, tổng thống sẽ biết được điều đó. Ông có nhiệm vụ là quyết định có tấn công lại hay không. Đó là một hệ thống khá phức tạp và nó hoạt động gần như mọi lúc. Nhưng chúng ta đang nói về một sự kiện có khả năng xảy ra thấp nhưng hậu quả thật khủng khiếp. Nó chỉ cần xảy ra một lần”.

Có hai loại lỗi có thể dẫn đến báo động sai - công nghệ và con người (hoặc nếu chúng ta thực sự không may mắn, cả hai cùng một lúc). Một ví dụ điển hình liên quan đến công  nghệ xảy ra khi Perry đang làm việc cho Tổng thống Mỹ Jimmy Carter vào năm 1980.

Một vụ phóng tên lửa khoa học, tương tự như vụ đã khiến Nga cảnh báo nhiều năm trước.

Perry nói: “Đó là một cú sốc. Vụ việc bắt đầu từ một cuộc điện thoại lúc 3:00, lúc đó văn phòng giám sát của Bộ chỉ huy phòng không Mỹ thông báo tổng thống rằng hệ thống máy tính giám sát phát hiện 200 tên lửa hướng thẳng từ Liên Xô tới Mỹ. Nhưng sau đó, họ kịp nhận ra đó không phải là một cuộc tấn công thực sự - bằng cách nào đó các máy tính đã nhận diện sai. Họ liền gọi đến Nhà Trắng trước khi gọi cho tôi”.

Perry cho biết cuộc gọi đã được chuyển đến cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống. May mắn thay, Perry đã trì hoãn vài phút trước khi đánh thức tổng thống, trong thời gian đó ông nhận được thông tin đó là một… báo động giả. Nhưng nếu họ không đợi - nếu họ đánh thức ông Carter ngay lập tức, thế giới ngày nay có thể là một nơi rất khác. Perry nói: “Nếu tổng thống tự mình nhận cuộc gọi, ông ấy sẽ có khoảng 5 phút để quyết định có khởi động vũ khí hạt nhân hay không.

Đây là lúc nửa đêm, không có cơ hội để hỏi ý kiến bất kỳ ai”. Vấn đề hóa ra là một con chip bị lỗi trong máy tính chạy hệ thống cảnh báo sớm của quốc gia! Sau đó con chip được thay thế với giá dưới… 1 USD! Một năm trước đó, Perry đã trải qua một lần suýt đứng tim khi một kỹ thuật viên vô tình nạp băng huấn luyện vào máy tính và vô tình phát đi các chi tiết của một vụ phóng tên lửa có độ thực tế cao (nhưng vẫn là hư cấu) tới các trung tâm cảnh báo chính.

Quyền tối thượng hạt nhân của tổng thống

Những người mà chúng ta phải lo lắng ở đây chính là những người thực sự có quyền cho phép một cuộc tấn công hạt nhân - các nhà lãnh đạo thế giới. Perry nói: “Tổng thống Mỹ có toàn quyền phóng vũ khí hạt nhân và ông ấy là người duy nhất làm được điều đó - có thẩm quyền duy nhất. Điều này thực sự đúng từ thời tổng thống Harry Truman. Trong Chiến tranh Lạnh, quyền quyết định được giao cho các chỉ huy quân sự. Nhưng ông Truman tin rằng vũ khí hạt nhân là một công cụ chính trị và do đó nên nằm dưới sự kiểm soát của một chính khách.

Volk Field nhìn từ trên không, nơi một con gấu “xâm lược” gây ra hỗn loạn vào năm 1962.

Giống như tất cả những người đi trước, Tổng thống Donald Trump được theo dõi ở mọi nơi ông đi bởi một phụ tá mang “quả bóng đá” hạt nhân, trong đó có các mã khởi động cho vũ khí hạt nhân của quốc gia. Cho dù đang lên núi, di chuyển bằng trực thăng hay chèo thuyền vượt biển, ông Trump đều có khả năng thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân. Tất cả những gì ông phải làm là nói các từ và đảm bảo tiêu diệt lẫn nhau - “MAD”, nơi mà cả kẻ tấn công và người phòng thủ đều bị tiêu diệt hoàn toàn - có thể xảy ra trong vòng vài phút.

Như nhiều tổ chức và chuyên gia đã chỉ ra, việc tập trung quyền lực vào một cá nhân duy nhất là một rủi ro lớn. Đã nhiều lần xảy ra việc một tổng thống uống rượu nhiều hoặc dùng thuốc điều trị. Ông ta có thể đang mắc một chứng bệnh tâm lý. Perry cho biết tất cả những điều này đều đã xảy ra trong quá khứ. Bạn càng nghĩ về nó, càng có nhiều khả năng đáng lo ngại xuất hiện. Nếu là ban đêm, liệu tổng thống có ngủ không? Với vài phút để quyết định phải làm gì, họ hầu như không có thời gian để tỉnh lại, chứ chưa nói đến việc “làm mới” bản thân bằng một tách cà phê nóng.

Tháng 8-1974, khi tổng thống Mỹ Richard Nixon vướng vào vụ bê bối Watergate và sắp phải từ chức, ông trở nên trầm cảmvà không ổn định về mặt cảm xúc. Người ta đồn ông bị kiệt sức, thường xuyên uống rượu martini và thường cư xử kỳ lạ. Một mật vụ dường như đã từng nhìn thấy ông ăn bánh quy hình con chó. Tổng thống Nixon được cho là thường hay nổi cơn thịnh nộ, uống rượu và uống thuốc theo đơn chỉ định của bác sĩ. Nhưng điều này nghiêm trọng hơn nhiều: ông vẫn thừa sức… phóng vũ khí hạt nhân! Say ma túy cũng là một vấn đề của các quân nhân bảo vệ kho vũ khí hạt nhân của quốc gia. Năm 2016, một số quân nhân Mỹ làm việc tại một căn cứ tên lửa đã thừa nhận sử dụng ma túy bao gồmcocaine và LSD, và 4 người sau đó đã bị kết án.

William Perry là đồng tác giả một cuốn sách - “Nút bấm: Cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới và quyền lực tổng thống từ Truman đến Trump” - với Tom Collina, giám đốc chính sách của quỹ từ thiện không phổ biến vũ khí hạt nhân Plowshares Fund. Trong đó, họ phác thảo sự bấp bênh của các biện pháp bảo vệ hạt nhân hiện tại của chúng ta và đề xuất một số giải pháp khả thi. Đầu tiên, họ muốn chấm dứt quyền lực duy nhất để quyết định phóng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ở Mỹ, điều này có nghĩa là tổ chức một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội.

Perry nói: “Điều này sẽ làm chậm lại quyết định về việc có nên phóng vũ khí hạt nhân hay không. Người ta thường cho rằng một phản ứng hạt nhân phải xảy ra nhanh chóng, trước khi mất khả năng tấn công lại. Nhưng ngay cả khi nhiều thành phố và tất cả các tên lửa đất đối đất ở Mỹ đã bị xóa sổ bởi vũ khí hạt nhân, chính phủ còn sống vẫn có thể cho phép tàu ngầm quân sự xuất kích. Perry và Collina đưa ra trường hợp các cường quốc hạt nhân cam kết chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân để trả đũa - và không bao giờ là người đầu tiên.

Collina nói: “Trung Quốc là một ví dụ thú vị, bởi vì nước này đã có chính sách không sử dụng đầu tiên. Họ đã tuyên bố rằng họ sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trước trong một cuộc khủng hoảng, và có một số sự đáng tin cậy trong chính sách đó vì Trung Quốc đã tách các đầu đạn (chứa vật liệu hạt nhân) khỏi tên lửa của họ”. Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải kết nối cả hai lại với nhau trước khi tiến hành một cuộc tấn công. Đáng chú ý, Mỹ và Nga không có chính sách như vậy - họ bảo vệ quyền tối thượng phóng vũ khí hạt nhân của mình.

Mặc dù Chiến tranh Lạnh đã qua lâu, Collina chỉ ra rằng chúng ta vẫn phải chuẩn bị cho một cuộc tấn công vô cớ “chớp nhoáng” - trong khi trên thực tế, chúng ta đang sống trong một thế giới hoàn toàn khác. Trớ trêu thay, nhiều chuyên gia đồng ý rằng mối đe dọa lớn nhất đến từ chính các hệ thống phóng được cho là đang bảo vệ chúng ta.

Diên San (tổng hợp)
.
.