Nỗi lo trước tác động của công nghệ đọc não người

Thứ Ba, 01/10/2019, 21:30
Công nghệ đọc não con người đang hình thành, nhưng luật pháp lại chưa sẵn sàng bảo vệ chúng ta.


Công nghệ đọc não

Tác giả người Anh George Orwell trong cuốn tiểu thuyết "1984" có viết: "Không có gì là của bạn ngoại trừ vài centimet khối bên trong hộp sọ của bạn". Bình luận này nói về việc nhân vật bị chính phủ giám sát gắt gao và may mắn là duy nhất bộ não còn được riêng tư.

Trong mấy tuần qua, Facebook và công ty Neuralink của tỷ phú công nghệ Elon Musk đã thông báo họ đang xây dựng công nghệ để đọc suy nghĩ con người. Facebook đang rót tiền để nghiên cứu giao diện máy tính-não (BIC) có thể "nhặt" suy nghĩ trực tiếp từ nơ-ron tế bào thần kinh và dịch thành từ. Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã xây dựng được một thuật toán có thể giải mật các từ ngữ từ hoạt động não theo thời gian thực.

Cần có luật bảo vệ dữ liệu não trước công nghệ đọc não.

Công ty Neuralink đã tạo ra được các "sợi chỉ" linh hoạt có thể cấy vào não và một ngày nào đó có thể cho phép bạn kiểm soát điện thoại, máy tính chỉ bằng ý nghĩ. Tỷ phú Musk muốn bắt đầu thử nghiệm ở người vào cuối năm 2020.

Các công ty khác như Kernel, Emotive và Neurosky cũng đang nghiên cứu công nghệ não. Họ cho biết đang xây dựng công nghệ này vì mục đích đạo đức, như giúp người bị liệt kiểm soát các thiết bị.

Việc này nghe có vẻ như khoa học viễn tưởng nhưng nó đã bắt đầu thay đổi cuộc sống của con người. Trong hơn chục năm qua, một số bệnh nhân liệt đã được cấy thiết bị vào não để có thể di chuyển chuột máy tính hoặc điều khiển cánh tay robot. Thiết bị được cấy vào não có thể đọc suy nghĩ vẫn còn phải nhiều năm nữa mới có thể được bán ra thị trường nhưng nghiên cứu lĩnh vực này đang tiến nhanh hơn những gì chúng ta nghĩ.

Não của con người, mặt trận riêng tư cuối cùng, có thể không còn riêng tư nữa khi xuất hiện công nghệ đọc não. Các nhà đạo đức thần kinh học lý luận rằng khả năng sử dụng sai lầm những công nghệ này lớn tới mức chúng ta cần phải sửa lại luật nhân quyền để bảo vệ chính chúng ta. Công nghệ có thể can thiệp vào các quyền cơ bản mà có thể chúng ta thậm chí không nghĩ là quyền.

4 quyền mới cần bổ sung vào luật

Một số quốc gia đã tính tới biện pháp xử lý "quyền nơ-ron". Ở Chile, hai dự luật sẽ coi bảo vệ dữ liệu não là một quyền con người sẽ được đưa ra trình quốc hội bỏ phiếu vào tháng 11 tới. Ở châu Âu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế trong năm nay sẽ phát hành một bộ nguyên tắc mới để quản lý sử dụng dữ liệu não.

Một trong những người chủ chốt thúc đẩy các quyền con người mới này là nhà đạo đức thần kinh học Marcello Ienca, một nhà nghiên cứu tại ETH Zurich, một đại học khoa học và công nghệ hàng đầu châu Âu. Năm 2017, ông đã công bố nghiên cứu trong đó vạch ra 4 quyền cụ thể trong thời đại công nghệ thần kinh mà ông cho rằng cần đưa vào luật.

Công nghệ giao diện máy tính-não gồm các hệ thống "đọc" hoạt động thần kinh để giải mã điều đã được nói ra với sự hỗ trợ của phần mềm xử lý trí tuệ nhân tạo và các hệ thống "viết" vào não, cho phép phần mềm có khả năng nhập thông tin mới để thực sự thay đổi cách não hoạt động. Một số hệ thống thực hiện cả hai điều.

Quyền tự do nhận thức

Đây là quyền con người được tự do quyết định muốn sử dụng công nghệ thần kinh hay không.

Ở Trung Quốc, một số nhân viên đã phải đội một loại mũ có thể quét sóng não để phát hiện dấu hiệu trầm cảm, lo lắng, giận dữ hoặc mệt mỏi. Ông Ienca cho rằng nếu cấp trên yêu cầu nhân viên đội mũ này để theo dõi mức độ tập trung trong công việc thì đó là hành vi vi phạm nguyên tắc tự do nhận thức. Ngay cả khi nhân viên có thể chọn đội mũ hoặc không thì nhân viên đó cũng cảm thấy áp lực vô hình phải đội mũ vì không muốn rơi vào thế bất lợi với cấp trên.

Quân đội Mỹ cũng đang tìm các công nghệ thần kinh để khiến binh sĩ phù hợp hơn với nhiệm vụ. Điều này có thể khiến họ bị áp lực phải chấp nhận can thiệp. Các dự án do quân đội Mỹ tài trợ đang tìm cách giám sát mức độ giảm tập trung chú ý bằng công nghệ BCI.

Quyền riêng tư tinh thần

Con người cần có quyền giữ kín hoặc công khai chia sẻ dữ liệu não. Công nghệ thần kinh có ảnh hưởng lớn tới thực thi luật và quá trình giám sát của chính phủ. Nếu thiết bị đọc não có khả năng đọc nội dung suy nghĩ, trong những năm tới, các chính phủ sẽ muốn dùng công nghệ này để thẩm vấn hoặc điều tra.

Quyền im lặng và nguyên tắc không tự tố giác được ghi trong Hiến pháp Mỹ có thể trở nên vô nghĩa trong một thế giới mà chính quyền có thể nghe lén những gì não bạn nghĩ mà bạn không hề biết.

Quyền toàn vẹn tinh thần

Con người cần có quyền không bị gây tổn hại về thể chất và tâm lý bằng công nghệ thần kinh.

BCI có chức năng "viết" có thể tạo điều kiện cho một số hình thức tẩy não mới. Về mặt lý thuyết, nó có thể cho mọi loại người kiểm soát tâm trí người khác: Giới chức tôn giáo muốn truyền bá tôn giáo, chế độ chính trị muốn dẹp bất đồng, các nhóm khủng bố muốn tuyển mộ thành viên…

Các thiết bị như Facebook và Neuralink đang phát triển có thể dễ bị xâm nhập. Điều gì xảy ra nếu bạn sử dụng công nghệ đó và một nhân tố xấu chặn tín hiệu Bluetooth, tăng hoặc giảm dòng điện chạy vào não, khiến bạn trầm cảm hơn hoặc nghe lời hơn?

Các nhà đạo đức thần kinh học gọi đó là kiểm soát thiết bị cấy vào não (brainjacking). Đây vẫn mang tính giả thiết nhưng khả năng này đã được chứng minh trong các nghiên cứu học thuật.

Quyền liên tục về mặt tâm lý

Con người có quyền được bảo vệ khỏi những thay đổi cảm nhận về bản thân mà mình không cho phép.

Trong một nghiên cứu, một phụ nữ liệt đã được dùng giao diện máy tính-não và đã cảm thấy có sự cộng sinh cực đoan với thiết bị đó đến mức nói: "Nó đã trở thành tôi". Khi công ty cấy thiết bị này vào não phá sản và bệnh nhân buộc phải tháo nó ra, bà đã khóc và nói: "Tôi đã mất bản thân mình".

Một mối đe dọa khác với tính liên tục về mặt tâm lý xuất phát từ lĩnh vực tiếp thị thần kinh mới xuất hiện, trong đó các nhà quảng cáo tìm cách tìm hiểu xem não đưa ra quyết định mua hàng như thế nào và cách để hối thúc họ. Điều này không can thiệp thần kinh xâm lấn nên có thể xảy ra với chúng ta mà không hay biết.

Với tất cả những rủi ro trên, ông Ienca cho rằng nên cấm công ty tư nhân kiểm soát công nghệ thần kinh để ngăn chặn các công ty gây tổn thương cho con người và ngăn họ kiếm lời với khách hàng giàu có.

Nhật Minh
.
.