“Nỗi sợ ban đêm” – Thảm kịch giết người trong vô thức

Thứ Ba, 27/08/2019, 19:58
Thảm kịch xảy ra vào tháng 8-1985 tại Ketereme thuộc vùng ngoại ô nhỏ bé của London nước Anh đã gây sốc cho toàn thể dân cư ở đây, không chỉ vì vụ giết người mà còn bởi các tình tiết phạm tội.


Giết người trong vô thức

Vào đêm hôm đó, một doanh nhân 33 tuổi tên là Colin Kemp đã gặp một cơn ác mộng sau khi đi ngủ khoảng 2 tiếng. Anh ta mơ thấy một mình đi qua khu rừng nhiệt đới và bị hai người lính tấn công. Một người có súng, còn người kia có dao. 

Kemp hiểu rằng mình sẽ không đủ sức kháng cự kẻ thù có vũ khí, vì vậy anh ta vội bỏ chạy. Nhưng hai người lính đã tỏ ra khỏe hơn và đã dượt đuổi theo anh. Khoảng cách đã thu hẹp dần từng phút, rồi anh đã nghe thấy tiếng thở dốc của họ sau lưng và đột nhiên hiểu rằng mình sắp chết đến nơi. Vài giây sau, kẻ thù đã áp sát.

Một người lính giơ lưỡi kiếm sắc lẹm lên trên đầu Kemp, người kia thì nhắm bắn vào đầu anh ta. Kemp lăn nhào xuống đất và kéo theo người lính có dao. Sau đó, dùng hết sức lực cuối cùng, anh ta đã chặn tay vào cổ họng người đó rồi bóp cổ. Trong khi đó, người lính thứ hai nhảy vào hai đối thủ đang vật lộn với nhau và bắn vào đầu Kemp. 

Bộ não của con người có các cơ chế đặc biệt, ngăn chặn hoạt động thể chất trong khi ngủ, nhưng khi vào giấc mơ kiểu này ban đêm, những cơ chế ngăn chặn này không được kích hoạt và người ta có thể thực hiện các động tác cơ bắp khác nhau.

Anh ta nhìn thấy một làn khói mỏng xuất hiện từ nòng súng và tỉnh dậy, cả người đầm đìa mồ hôi và hai tay run rẩy vì hoảng sợ. 

Quay nhìn sang bên trái, bên cạnh Kemp là người vợ đã nằm bất động. Anh ta cảm thấy bất an và cố gắng đánh thức cô dậy. Tuy nhiên, người phụ nữ đã không còn dấu hiệu của sự sống - cô ấy đã chết. Một làn sóng kinh hoàng lạnh lẽo bao trùm lấy Kemp: anh ta nhận ra rằng trong cơn ác mộng mình đã bóp cổ vợ.

Vài tháng sau đêm thảm kịch, một phiên tòa đã diễn ra. Kemp đã nhận tội, nhưng đề nghị tòa án xét đến việc anh ta đã phạm tội giết người trong khi ngủ mơ. Các chuyên gia tâm thần được bên bảo vệ mời đến đã chứng minh rằng Kemp đã trải qua một cơn ác mộng, được gọi là "nỗi sợ ban đêm". Bồi thẩm đoàn đã đưa ra phán quyết biện hộ và Kemp được tha bổng.

Lý giải khoa học

Vậy xét theo quan điểm khoa học thì nỗi sợ hãi ban đêm là gì? Con người có thể thực hiện tội ác trong khi ngủ hay không? "Nỗi sợ ban đêm" - đó là sự hoảng sợ mà con người có thể trải qua trong giấc ngủ, khi người đó mơ thấy ác mộng. Điều đó kéo dài khoảng 1-3 phút. 

Trong thời gian đó, nhịp thở và của người ngủ tăng đột ngột và thở sâu hơn, họ bị vã mồ hôi toàn thân, la hét và có những cử động mạnh. Đôi khi, trong lúc còn chưa tỉnh giấc, họ đứng dậy khỏi giường và thậm chí chạy quanh căn phòng. Khi đó, nếu còn chưa tỉnh lại thì con người có thể thực hiện những hành vi phức tạp, kể cả phá hoại. Và chỉ sau 5-10 phút họ mới tỉnh lại được, nhưng những gì đã xảy ra với mình thì họ nhớ rất lơ mơ. 

Trong thời gian được theo dõi y tế, Kemp đã thú nhận với chuyên gia tâm thần rằng vài tháng trước khi xảy ra bi kịch, trong khi ngủ anh ta đã trải qua hai cơn ác mộng và một trong hai lần đó trong lúc mơ anh ta đã đánh vợ mình, sau đó cô ấy đã đánh thức anh dậy.    

Nỗi sợ ban đêm thường xảy ra với trẻ em. Ở người lớn chúng ít gặp hơn và thường là hậu quả của sự căng thẳng trải qua trong ngày. Thông thường, nỗi sợ hãi ban đêm có liên quan đến chứng somnambulism (vừa đi vừa ngủ). Nhưng thật kỳ lạ, nỗi sợ ban đêm hoàn toàn không phải là một giấc mơ, vì nó biểu hiện khi đôi mắt của người đang ngủ bất động, nghĩa là trong một giai đoạn khác của giấc ngủ.

 Còn những giấc mơ chúng ta thấy đôi mắt chuyển động dưới mi mắt khép kín. Hơn nữa, chính giấc mơ có gắn với nỗi sợ hãi ban đêm thì con người khó nhớ lại được. Và trường hợp đã xảy ra với Kemp có thể coi là một ngoại lệ hiếm gặp, nhưng sự trải nghiệm và hành vi của anh ta hoàn toàn là đặc trưng của nỗi sợ ban đêm.

Bộ não của con người có các cơ chế đặc biệt, ngăn chặn hoạt động thể chất trong khi ngủ. Do đó, ngay cả khi một người mơ thấy mình đang chạy thì đôi chân vẫn bất động. Nhưng khi vào giấc mơ kiểu này ban đêm, những cơ chế ngăn chặn này không được kích hoạt và người ta có thể thực hiện các động tác cơ bắp khác nhau. Nói chung, theo như các nghiên cứu đã chỉ ra, những cảnh bạo lực và gây hấn trong giấc mơ được diễn ra khá thường xuyên. 

Trong quá trình phân tích, hơn 1.000 giấc mơ mà giới trẻ Mỹ nói với các nhà nghiên cứu, người ta thấy rằng các hình thức gây hấn khác nhau, từ cảm giác thù hận đến giết người đã xuất hiện trong gần một nửa những giấc mơ này. 

Hơn nữa, cần lưu ý rằng trong hàng ngàn giấc mơ như vậy của khoảng 3.500 người, có 23 người trong số đó đã bị giết, nghĩa là trung bình 1/150 người thiệt mạng. Còn trên thực tế, khi thực hiện nghiên cứu này, ở Mỹ tần số giết người trong một năm chỉ là 1/1.4000 người, nghĩa là những giấc mơ hóa ra mang tính "hình sự" hơn nhiều so với ngoài thực tế.

Tại nước Anh cũng đã xảy ra một trường hợp đột tử tương tự như sự cố bi thảm của Kemp. Khi đó có một trung sĩ người Mỹ là Willis Boshirs đã giết hại một cô gái trẻ. 

Từ lời khai của anh ta cho thấy là khi tỉnh giấc vào ban đêm, anh ta đã hoảng sợ phát hiện ra là bàn tay của mình đang đặt vào cổ của người phụ nữ và cô ấy đã chết. Tòa án cũng công nhận viên trung sĩ vô tội và kết luận người phụ nữ đã chết vì một "hành vi không chủ ý" của trung sĩ, nghĩa là hành động vô thức không liên quan đến tâm trí. 

Không lâu sau vụ việc đó trong các cơ quan thực thi pháp luật đã bày tỏ sự lo ngại rằng, như một tiền lệ, bây giờ thì bất cứ kẻ tội phạm nào cũng có thể lợi dụng ban đêm để giết người - nằm ngủ rồi sáng dậy tỏ ra bị bất ngờ về sự cố đã xảy ra.

Tuy vậy, những nghiên cứu tâm sinh lý tỉ mỉ về nghi phạm-ghi lại hình ảnh tim, nhịp thở, điện não đồ, sức đề kháng của da và sự chuyển động trong giấc ngủ của người đó trong nhiều đêm - có thể xác nhận hoặc bác bỏ với mức độ tin cậy cao giả thiết về việc giết người không chủ ý trong khi ngủ. Tuy nhiên, những trường hợp như vậy trong diễn biến thực tiễn của tòa án rất hiếm gặp.

Hải Yến (tổng hợp)
.
.