Nomophobia: Đừng xem thường!

Chủ Nhật, 05/07/2015, 13:15
Nhiều trẻ bị cận thị do tập trung nhìn vào màn hình iPad, smartphone quá lâu. Nhằm tránh sự phát hiện của cha mẹ, trẻ thường tìm một góc khuất, thiếu ánh sáng để chơi game, dẫn đến mắt phải thường xuyên điều tiết, lâu dài là bệnh cận thị. Chưa kể tần số thấp phát ra từ điện thoại di động (ĐTDĐ) có thể khiến người dùng bị mất ngủ nếu đặt điện thoại gần với chỗ nằm do thay đổi sóng điện não, làm giảm hoạt động của não…

1. Tối 11/6/2015, chuyến bay giá rẻ Đà Nẵng - Sài Gòn bị "delay" những 3 lần. Từ 21 giờ thành 21 giờ 45 phút, rồi 23 giờ 45 phút và cuối cùng là 0 giờ 20 ngày 12/6.

Tôi - cũng như những hành khách lớn tuổi khác không giấu nổi vẻ bực bội bởi lẽ hầu hết đã ra sân bay từ lúc 19 giờ. Hỏi thăm nhân viên mặt đất của hãng này thì câu trả lời trước sau vẫn là "máy bay trễ chuyến, mong quý khách thông cảm".

Mỗi người một thế giới riêng.

Tuy nhiên, có khá nhiều khách - chủ yếu là giới trẻ - lại chẳng quan tâm đến việc máy bay sẽ cất cánh vào lúc nào. Mỗi người một chiếc ĐTDĐ, họ dán mắt vào màn hình và thờ ơ trước những thông báo phát ra trên loa phóng thanh. Có vẻ như "thế giới ảo" đã khiến họ quên rằng họ sẽ phải chờ thêm vài tiếng nữa.

Trong số những người ấy, tôi đặc biệt chú ý đến một thiếu nữ khoảng 16, 17 tuổi, ngồi cách tôi chỉ một hàng ghế bởi thái độ bồn chồn, lo lắng của cô. Hết đứng lên rồi lại ngồi xuống, mắt cô chăm chú nhìn vào màn hình điện thoại của những người bên cạnh. Chừng thấy tôi lấy máy ra để nhắn tin cho vợ tôi, báo là bị trễ chuyến thì có vẻ như không còn chịu đựng được nữa, cô đến bên tôi, rụt rè: "Bác làm ơn cho con mượn gọi về nhà chút xíu".

Tôi đưa máy cho cô. Giây lát, cô nói gấp gáp: "Má kêu thằng Linh lấy cái điện thoại để trên bàn trong phòng con đem ra sân bay cho con. Con bỏ quên. Má nói nó lẹ lên nghe má".

Rồi cô hấp tấp bước ra khu vực kiểm tra an ninh sân bay sau khi đã trả máy cho tôi cùng với lời cảm ơn. Đâu chừng 20 phút, cô quay lại, vừa đi vừa bấm nhoay nhoáy vào bàn phím. Nét mặt cô giãn ra, y như người sắp chết bỗng dưng vớ được… thần dược!

2. Cô gái ấy chỉ là một trong những người mắc phải hội chứng "nomophobia" mà nếu dịch ra tiếng Việt, thì nó là "nỗi sợ hãi khi không có thiết bị di động bên người". Tiến sĩ Y, Sinh học Đào Đại Cường, nguyên giảng viên Khoa Dược, Đại học Y Dược TP HCM giải thích: "Nói một cách rõ ràng thì nomophobia là cảm giác sợ bị cô lập với thế giới bên ngoài, bị cách ly khỏi người thân, gia đình, bạn bè, sợ mất thông tin, mất giao tiếp khi trong người không có điện thoại di động, máy tính bảng…".

Các biểu hiện của nỗi sợ hãi này bao gồm những hình thái như đi tắm, đi vệ sinh cũng mang theo điện thoại, dù không có ai gọi hay nhắn tin nhưng vẫn cứ thường xuyên lấy máy ra để kiểm tra, lo âu, hốt hoảng khi ra đường mà quên không mang theo thiết bị ấy, dành phần lớn thời gian để truy cập vào các trang mạng xã hội thay vì giao tiếp với "thế giới thật"…

Bác sĩ Khanh, Khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện An Bình TP HCM kể tôi nghe câu chuyện, rằng trong bữa tiệc tổ chức mừng sinh nhật con trai anh, có một cậu bạn nó cứ nhấp nha nhấp nhổm, đứng ngồi không yên, thậm chí còn tỏ vẻ bực dọc mà nguyên nhân là điện thoại cậu ta hết pin trong lúc bộ sạc của bạn bè lại chẳng có cái nào cắm vừa với máy của cậu!

Thuật ngữ nomophobia có xuất xứ từ một công trình nghiên cứu của những nhà tâm lý học thuộc Bưu điện Hoàng gia Anh, thực hiện vào năm 2010. Kết quả cho thấy có đến 53% đối tượng nghiên cứu tỏ ra lo lắng khi điện thoại của họ hết pin, tài khoản gần hết tiền, nằm ngoài vùng phủ sóng. Trong số 2.163 người được hỏi, thì 58% đàn ông và 47% đàn bà cảm thấy sợ hãi khi điện thoại của họ bỗng dưng tắt nguồn.

Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trần Thái, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Dược TP HCM cho biết thêm: "Nomophobia còn có thể xuất hiện bởi những nguyên nhân khác, chẳng hạn như người ấy có tiền sử rối loạn tâm thần thể tiềm ẩn, rối loạn lo âu, rối loạn hoảng sợ…".

Tiến hành đo nhịp tim, huyết áp và tần số hô hấp của những người mắc chứng nomophobia, các nhà nghiên cứu thuộc Bưu điện Hoàng gia Anh nhận thấy mức độ căng thẳng của họ gần giống như sự căng thẳng của chú rể trước ngày cưới, hoặc một người đi nhổ răng lần đầu. Tiến sĩ Brumman, một thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết qua quan sát trong vòng 1 tiếng đồng hồ tại phòng chờ ở sân bay quốc tế Hearthrow, London, Anh, có 77% số người lấy điện thoại ra xem mình có bị nhỡ cuộc gọi hay tin nhắn nào không, người xem ít nhất là 4 lần, còn người nhiều nhất là… 19 lần - nghĩa là cứ trung bình 3 phút họ lại xem điện thoại một lần!

Ở Việt Nam, vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào về hội chứng nomophobia mặc dù cả nước có hơn 20 triệu thuê bao ĐTDĐ - trong đó không ít thuê bao là giới trẻ - có người mới chỉ 12, 13 tuổi và một người sở hữu 2 simcard là chuyện bình thường. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy những người thường xuyên "dán mắt" vào màn hình di động nhiều nhất là giới sinh viên, học sinh, một số khác là công nhân viên chức trẻ tuổi.

Tại vỉa hè lề đường Nguyễn Đình Chiểu, sát với Trường đại học Kinh tế, cứ 10 sinh viên ngồi ở đó thì hầu như cả 10 người cầm thiết bị di động trên tay. Tại căng tin của Ký túc xá đại học Ngô Gia Tự, số sinh viên "bất ly thân" với ĐTDĐ cũng không phải là ít.

Sử dụng thiết bị cầm tay sớm quá có thể sẽ khiến trẻ mắc phải hội chứng nomophobia.

Hỏi Nguyễn Văn Thành, đang học Y năm thứ 4, cậu nói: "Rảnh rỗi nên em vào mạng xem tin tức" mặc dù trên màn hình đang thể hiện tài khoản riêng của cậu. Một giáo viên ở Trường PTTH Bình Phú, quận 6 cho tôi biết trong số hơn 40 học sinh do anh phụ trách, thì 97% có smartphone! Giờ ra chơi, học sinh tụ tập thành từng nhóm, chỉ cho nhau những thông tin hấp dẫn, giật gân mà mình vừa xem được. Và mặc dù anh đã yêu cầu tất cả phải tắt điện thoại trong giờ học nhưng vẫn có những cô, những cậu để máy ở chế độ rung mà lý do đơn giản là họ sợ… không đọc kịp tin nhắn hoặc những "comment - phản hồi" trên "phây" (Facebook)!

Chị Phương, một người quen với vợ tôi, nhà ở đường Cách mạng Tháng Tám, quận 1, TP HCM cho biết con gái chị mới học lớp 7 Trường Trần Đại Nghĩa nhưng vẫn năn nỉ chị mua cho nó chiếc ĐTDĐ để: "Nếu tan học sớm, con gọi mẹ lên đón". Chị nói: "Tưởng là nó chỉ muốn điện thoại "cùi bắp". Ai dè nó đòi mua smartphone. Nó không bao giờ tắt máy, và mở máy suốt ngày đêm. Ngay cả lúc ăn cơm thì điện thoại di động cũng nằm kè kè trong túi nó".

Anh Định, chủ quán cà phê trên đường Vành Đai, khu dân cư Bình Phú, quận 6 kể khi tôi ghé vào quán anh: "Đầu tháng 6 vừa rồi, vợ chồng tui dẫn thằng con trai 15 tuổi đi du lịch Phú Quốc. Ra tới nơi nó mới phát hiện là bỏ quên điện thoại ở nhà. Thế là nó làm mình làm mẩy, nó bắt vợ tui phải mua cho nó chiếc điện thoại khác". Tôi hỏi rồi vợ chồng anh có mua không? Anh đáp: "Thoạt đầu tui không mua. Tui giải thích với nó là chỉ đi 3 ngày rồi về, mua tốn tiền nhưng nó không chịu. Nguyên buổi sáng đầu tiên ở Phú Quốc, nó ngồi lì trước máy tính của khách sạn. Tới chiều, vợ tui đành phải mua cho nó một cái, mất gần 4 triệu đồng".

3. Kể từ khi chiếc ĐTDĐ đầu tiên xuất hiện trên thị trường hồi năm 1983, và mặc dù giá cả vẫn còn rất đắt nhưng nó đã nhanh chóng trở thành một vật không thể thiếu đối với các doanh nhân, các chính trị gia cùng những tầng lớp thượng lưu khác. Thế nhưng chỉ 28 năm sau, ĐTDĐ đã rẻ đến mức hầu như ai cũng có thể mua được và tính năng ngày càng được mở rộng.

Nếu như năm 1983, điện thoại chỉ có thể dùng để nghe, gọi thì năm 1985, và có thêm chức năng nhắn tin. Năm 1999, nó chụp ảnh, nghe nhạc, truy cập được mạng internet và từ năm 2000 trở đi, nó quay phim, kết nối không dây, biên tập ảnh, mua sắm trực tuyến, đặt phòng khách sạn, vé máy bay…

Nhóm tác giả gồm tiến sĩ Kimberly, Davidson và Greyman thuộc Đại học M.I.T, Mỹ, cho rằng: "Điện thoại di động đã gây ra chứng nghiện không ma túy lớn nhất ở thế kỷ XXI. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy học sinh ở các trường cao đẳng Mỹ sử dụng điện thoại trung bình 9 giờ mỗi ngày. Hệ quả là nó dẫn đến sự phụ thuộc vào công nghệ và bên cạnh đó, nó phản ánh một nghịch lý là giải phóng và nô dịch".

Tại TP HCM, chúng tôi đã nhờ một sinh viên Y khoa năm thứ 6 thuộc Đại học Y Dược TP HCM, tên là Lê, thử khảo sát về tần suất sử dụng thiết bị cầm tay trong nhóm học tập của cậu ta. Theo lời Lê thì nhóm cậu có 24 sinh viên, tất cả đều có ĐTDĐ, bình quân mỗi người sử dụng từ 4 - 6 tiếng mỗi ngày: "Khi con hỏi, 21 trong số 24 bạn trả lời rằng họ thường xuyên nghĩ về chiếc điện thoại của họ ngay cả khi họ mang nó trong túi quần. 16 bạn trả lời rằng họ có cảm giác không thể giao tiếp được với người khác khi điện thoại hết pin hoặc tài khoản hết tiền, hoặc ngoài vùng phủ sóng. 12 bạn cho biết không an tâm nếu đi học, đi thực tập bệnh viện mà quên không cầm điện thoại. 19 bạn luôn mang theo bộ sạc pin. Chỉ 3 bạn trả lời là có hay không có điện thoại cũng chẳng ảnh hưởng gì".

Đó chỉ là một khảo sát mang tính thăm dò, và con số 21 cá nhân chưa đủ để phản ánh vấn đề nhưng dẫu sao, nó cũng cho thấy hội chứng nomophobia có thể đã xuất hiện trong giới trẻ Việt Nam. Thạc sĩ, bác sĩ Đào Trần Thái nói: "Nhiều người cảm thấy không an toàn khi họ thiếu thiết bị di động bên người, ngành tâm thần gọi đó là hội chứng techno-stress (trầm cảm, căng thẳng do công nghệ). Ngay cả trẻ 12, 13 tuổi cũng có thể mắc phải hội chứng này nếu cho chúng sử dụng thiết bị di động sớm quá".

Theo các chuyên gia tâm lý, sinh học, để ngăn ngừa nomophobia, điều quan trọng nhất nằm ở gia đình. Mọi sự dễ dãi, chiều chuộng thái quá có thể dẫn đến chứng nghiện thiết bị di động. Tiến sĩ Đào Đại Cường nêu ý kiến: "Với trẻ dưới 15 tuổi, nếu buộc phải mua điện thoại cho nó để kiểm soát giờ giấc học hành thì nên mua những loại chỉ có chức năng nghe, gọi, nhắn tin. Với học sinh cấp 2, cấp 3, khống chế số tiền cước phí hàng tháng ở mức chấp nhận được đồng thời không để con em mình sử dụng liên tục trong nhiều giờ liền".

Với những người nghiện thiết bị di động mà tiền sử có các vấn đề về tâm thần thì theo Thạc sĩ Đào Trần Thái, nhất thiết phải điều trị bằng thuốc: "Hiện nay, ngành tâm thần học đã chấp nhận phác đồ điều trị bao gồm tâm lý trị liệu hành vi nhận thức, kết hợp với các biện pháp can thiệp dược lý. Nó đã mang lại thành công trong việc giảm thiểu tác động của nomophobia"

Cũng cần nói thêm rằng không chỉ hội chứng nomophobia, mà càng ngày người ta càng nhận ra nhiều tác hại của thiết bị di động cầm tay: Nó là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn khi vừa lái xe hoặc vừa điều khiển máy móc, lại vừa nghe điện thoại. Nó cũng là nguyên nhân gây giảm thính lực - thậm chí là điếc nếu nghe nhạc với tai nghe (earphone) liên tục trong nhiều giờ đồng hồ, và kéo dài nhiều ngày.

Bác sĩ Vũ, Giám đốc Trung tâm Mắt kỹ thuật cao Ngô Quyền, quận 5, TP HCM nói: "Nhiều trẻ còn bị cận thị do tập trung nhìn vào màn hình iPad, smartphone quá lâu. Nhằm tránh sự phát hiện của cha mẹ, trẻ thường tìm một góc khuất, thiếu ánh sáng để chơi game, dẫn đến mắt phải thường xuyên điều tiết, lâu dài là bệnh cận thị", chưa kể tần số thấp phát ra từ ĐTDĐ có thể khiến người dùng bị mất ngủ nếu đặt điện  thoại gần với chỗ nằm do thay đổi sóng điện não, làm giảm hoạt động của não.

Bác sĩ Nguyễn Giang Hồng, nguyên Trưởng khoa Sản - Trung tâm Y tế quận 3 TP HCM cảnh báo: "Các khảo sát cho thấy thói quen để điện thoại trong túi quần lâu dài ở chế độ mở có thể làm giảm tính di động của tinh trùng, làm phân mảnh ADN của tinh trùng khiến người đàn ông khó có con…".

Vũ Cao
.
.