Nữ giáo sư nhận giải thưởng Trần Đại Nghĩa

Thứ Sáu, 31/05/2019, 17:21
Bà là nhà khoa học nữ duy nhất được vinh danh trong Giải thưởng Trần Đại Nghĩa 2019 và cũng là nhà khoa học nữ đầu tiên được nhận Giải thưởng này. Đó là GS.TS Nguyễn Thị Lang, Viện nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã xuất sắc với đề tài "Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ ĐBSCL".

Ít ai biết rằng, cô gái yêu lúa gạo, gắn bó với lúa gạo từ ngày còn là một sinh viên đến khi nghỉ hưu đã dành 25 năm cho một công trình nghiên cứu khoa học, chọn tạo thành công hàng chục giống lúa lai có khả năng chịu mặn, năng suất, chất lượng cao ở vùng đang chịu ảnh hưởng nặng nề về biến đổi khí hậu như ĐBSCL.

Lai tạo ra giống lúa chịu mặn từ "lúa ma"

Ra Hà Nội nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa, GS Nguyễn Thị Lang vô cùng xúc động chia sẻ với tôi, bà rất mừng khi được Đảng, Nhà nước quan tâm tới những đóng góp thầm lặng của các nhà khoa học, nhận giải thưởng xuất sắc của Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, đây là niềm vinh dự rất lớn với bà.

Vinh dự bởi những đóng góp trong suốt quá trình nghiên cứu giống lúa 25 năm qua đã được đánh giá và ghi nhận. Bà cho biết, để công trình "Nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ ĐBSCL" thành công và nhận được giải thưởng, bà đã mất 25 năm nghiên cứu, đem giống lúa chuyển giao cho nông dân, làm ra sản phẩm và ứng dụng rộng rãi trên các cánh đồng ở ĐBSCL, năng suất lúa thu hoạch ngày một tăng.

Giáo sư Nguyễn Thị Lang, nhà khoa học nữ duy nhất được nhận giải thưởng Trần Đại Nghĩa 2019.

Nhưng dù thời gian nghiên cứu có dài, mồ hôi đổ xuống nhiều không thể đong đếm, nhưng đó là niềm hạnh phúc vô bờ của một người làm khoa học khi các công trình nghiên cứu chuyên sâu về bản đồ di truyền cây lúa, genome cây lúa trong lĩnh vực di truyền, chọn giống cây trồng của bà mang ý nghĩa thực tiễn cao, đóng góp thiết thực vào sự phát triển sản xuất lúa gạo trong nước và nâng cao vị trí ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam trên thế giới. 

Công trình nghiên cứu của GS Nguyễn Thị Lang kéo dài 25 năm, trải qua 2 giai đoạn là nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn.

Theo GS Lang, sau khi đi học về bà bắt đầu vào nghiên cứu, chuẩn bị vật liệu ban đầu, đây là một quá trình rất dài, kiên nhẫn mới có được thành công. Quá trình đó đã chọn tạo ra được các giống lúa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, chống đổ tốt, chống chịu một số loại sâu bệnh hại chính, tạo ra giống lúa chất lượng cho ĐBSCL.

Sở dĩ công trình nghiên cứu dài tới 25 năm, theo GS Lang, thường một số nhà khoa học xong dự án là bỏ qua sang nghiên cứu dự án khác, nhưng với bà thì không dừng lại, bằng mọi giá nghiên cứu tiếp để dự án phát triển.

GS Lang kể: "Công trình nghiên cứu xong, tôi bắt tay ngay vào việc đưa sản phẩm chuyển giao cho người nông dân. Khi chuyển giao ứng dụng cũng gặp không ít khó khăn, đó là mình phải mời cán bộ địa phương vận động nông dân, công ty, doanh nghiệp đem giống lúa về trồng. Người dân đồng ý rồi thì tổ chức các lớp tập huấn, chỉ dẫn cho dân theo kiểu "cầm tay chỉ việc".

Ngay vụ mùa đầu tiên đã thành công, cho năng suất chất lượng tốt, nhiều nông dân, doanh nghiệp vốn "đứng ngoài" thấy ứng dụng giống lúa mới thành công đã tin tưởng và xin giống về trồng".

Trong suốt quá trình nghiên cứu đó, một trong những đóng góp nổi bật của GS Lang là việc chọn tạo thành công giống lúa chịu mặn có nguồn gốc từ giống lúa trời, dân gian gọi là "lúa ma".

"Lúa ma" là một giống lúa hoang dã, có sức sống mãnh liệt giữa vùng trũng Đồng Tháp Mười. Vào mùa lũ, "lúa ma" vượt lên nước lũ để trổ đòng, đơm bông, mang tặng con người những hạt gao thơm ngọt, cứu sống bao người trong những năm chiến tranh, đói kém.

Biết "lúa ma" có những phẩm chất đặc biệt ấy, bà đã cùng chồng là GS Bùi Chí Bửu, cũng là một nhà khoa học nổi tiếng về cây lúa, lặn lội về Đồng Tháp Mười tìm cách nghiên cứu kết hợp những tính năng chịu đựng ưu việt của "lúa ma" với giống lúa cao sản để tạo nên một giống lúa mới.

Hơn 10 năm ròng rã, giống lúa mới mang tên AS999 (còn có tên OM2424) đã ra đời với các tính năng nổi trội về khả năng sinh trưởng trong điều kiện đất phèn, thiếu lân, khả năng chịu mặn cao, kháng rầy nâu, phát triển tốt ở nhiều vùng, đạt năng suất cao… Và nó đã trở thành giống lúa chuẩn mực về tính chống chịu trong điều kiện khắc nghiệt.

Sau đó, hàng chục giống lúa chịu mặn mang họ "OM" tiếp tục ra đời như: OM4498, OM5930, OM4900, OM6073… Cái tên "OM" được viết tắt theo địa danh Ô Môn, nơi đặt trụ sở Viện Lúa ĐBSCL mà vợ chồng GS Nguyễn Thị Lang đã gắn bó nhiều năm. Đến nay, GS Lang đã chọn tạo được 24 giống lúa được công nhận là giống lúa Quốc gia.

Nghiên cứu giống lúa mới để thích ứng với biến đổi khí hậu

Chia sẻ với tôi, GS Lang nhắc nhiều về giống lúa chịu mặn cho khu vực ĐBSCL. Đây có lẽ là nghiên cứu tâm đắc nhất trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của bà.

Theo GS Lang công cuộc nghiên cứu chọn tạo các giống lúa chịu mặn có ý nghĩa rất lớn đối với ĐBSCL, vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm, nơi cung ứng hơn 90% sản lượng xuất gạo của cả nước nhưng lại là một trong 3 vùng đồng bằng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu.

Ở ĐBSCL, tình trạng xâm nhập mặn ngày một nhiều, ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp.

Chính vì vậy, nhiều năm nay, GS.TS Nguyễn Thị Lang đã cùng đội ngũ cán bộ khoa học Viện Lúa ĐBSCL nỗ lực chọn tạo thành công nhiều giống lúa chịu mặn, đạt năng suất cao và phẩm chất tốt, thích nghi với biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn. "Nước mặn xâm nhập ở ĐBSCL như hiện nay, chúng ta phải lo bài toán trước biến đổi khí hậu, không có giống chịu mặn thì không đủ sản lượng xuất khẩu.

Giống lúa do Giáo sư Nguyễn Thị Lang nghiên cứu đang trổ bông.

Để đảm bảo lương thực không chỉ cho khu vực ĐBSCL mà còn cho cả nước, tận dụng vùng đất mặn để sản xuất giống lúa mới, tôi và các cộng sự vẫn đang tiếp tục nghiên cứu công trình khoa học nhằm tạo thêm các giống lúa mới có tính kháng với nhiều loại côn trùng, nhiều loại bệnh, có hàm lượng dinh dưỡng cao, có khả năng chống khô hạn, ngập, nóng và chống chịu mặn cho vùng biến đổi khí hậu.

Công trình đã có kết quả bước đầu, đang chuẩn bị chuyển giao đến vùng xâm nhập mặn ở ĐBSCL và đầu năm 2020 nghiệm thu đề tài" - GS Lang cho biết.

Kể với tôi về quá trình gắn bó với lúa gạo, nữ GS chia sẻ, bà sinh ra ở Bến Tre, quê hương miệt vườn miền Tây Nam Bộ. Gắn bó với đồng ruộng, miệt vườn từ nhỏ, khi tốt nghiệp phổ thông, bà quyết tâm lên TP Hồ Chí Minh học ngành Sinh học, một ngành học còn khá mới mẻ vào thời kỳ đó.

Năm 1979, sau khi tốt nghiệp ngành Sinh học tại Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, nay là Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh, bà trở về công tác tại Sở Khoa học tỉnh Bến Tre ở cương vị Phó Trưởng phòng Kế hoạch Khoa học. Năm 1994, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Di truyền chọn giống với đề tài "Nghiên cứu di truyền tình trạng sinh lí ưu thế lai trên lúa". Bà được phong hàm Giáo sư vào năm 2009.

Từ năm 2006-2012, bà chuyển công tác đến Viện Lúa ĐBSCL ở cương vị Bộ môn Di truyền và chọn giống. Đây có thể gọi là thời gian thăng hoa nhất trong quá trình nghiên cứu khoa học của GS Nguyễn Thị Lang khi bà tập trung nghiên cứu và cho ra đời nhiều giống lúa mới đạt năng suất, chất lượng cao, chịu được biến đổi khí hậu khắc nghiệt.

Từ năm 2006-2019 bà đã nghiên cứu ra 30 giống lúa đạt chuẩn xuất khẩu được Bộ NN&PTNT công nhận sản xuất đưa vào ứng dụng, trong đó có nhiều giống lúa nổi tiếng, tăng tổng diện tích trồng mới, làm lợi số tiền lên hàng nghìn tỷ đồng.

Từ năm 2006 đến nay, GS Nguyễn Thị Lang liên tục hoàn thành các chương trình sau tiến sĩ về di truyền - giống, di truyền phân tử công nghệ sinh học, về chuyển gen và chuyển giao kỹ thuật… Đây là vấn đề rất thiết thực đối với thực tiễn sản xuất và chất lượng lúa gạo xuất khẩu ở Việt Nam.

Chuẩn bị ra đời giống lúa dành cho người tiểu đường

Yêu lúa gạo, gắn bó với lúa gạo, có thể nói, cả cuộc đời của GS Nguyễn Thị Lang niềm đam mê lớn nhất là nghiên cứu, lai tạo ra các giống lúa mới. Nhìn vào công trình nghiên cứu đồ sộ của bà, tôi hiểu rằng, trong ngần ấy năm của cuộc đời, bà đã dành hết tình yêu cho lúa gạo, cho người nông dân.

Bà kể, dẫu có những lúc vô cùng khó khăn, khắc nghiệt, nhưng may mắn bà có được tình yêu từ gia đình, từ người chồng cũng là một đồng nghiệp luôn bên cạnh, sẵn sàng chia sẻ, gắn bó, giúp đỡ mọi khó khăn trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của vợ.

Trong hơn 25 năm nghiên cứu, bà đã lai tạo thành công 73 giống lúa, trong đó có 31 giống lúa đã được Bộ NN&PTNT công nhận và đưa vào sản xuất tại các tỉnh ĐBSCL, 106 giống lúa được đánh giá là triển vọng và đang trong quá trình khảo nghiệm cấp quốc gia.

Hơn 43 công trình nghiên cứu của bà đã mang đến giải pháp và ứng dụng thực tiễn cho sản xuất và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Bà là người chủ trì và trực tiếp tham gia gần 100 đề tài về sản xuất lúa gạo, tham gia đều đặn nhiều Hội nghị khoa học chuyên ngành tổ chức trong nước và quốc tế.

Bà đã nhận được nhiều bằng khen, chứng nhận về các công nghệ, giải pháp, kết quả nghiên cứu khoa học được ứng dụng thành công trong thực tiễn.

Tuy đã nghỉ hưu, nhưng GS Nguyễn Thị Lang vẫn tiếp tục công tác ở vị trí nghiên cứu viên cao cấp của Viện Lúa ĐBSCL, Trưởng bộ môn Công nghệ Sinh học Trường Đại học Cửu Long. Bà kể rằng, khi lao vào nghiên cứu bà rất đam mê, đang nghiên cứu công trình này lại nảy ra ý tưởng cho công trình khác nên không dừng được.

Bà cũng đưa ra vấn đề rất thực tế hiện nay, đó là nghiên cứu khoa học gắn với nhu cầu thị trường. Bà ví dụ, khi đang nghiên cứu lúa hạt dài, thị trường lại đòi hạt tròn, bà phải nghiên cứu để đáp ứng.

"Thị trường cần gì mình phải nghiên cứu ra cái đó" - chính vì điều này mà GS Nguyễn Thị Lang đang nghiên cứu giống lúa dành cho người mắc bệnh tiểu đường. Công trình nghiên cứu này chuẩn bị xong, sắp tới đưa vào ứng dụng thực tiễn và cho ra thị trường một loại gạo mới.

Theo chia sẻ của bà thì hiện đang sản xuất thử, thử xong mới chuyển giao cho các công ty đã đăng ký. Khi nghiên cứu giống lúa dành cho người tiểu đường, bà đã gửi chỉ tiêu sang Bỉ và Úc để kiểm chứng và đều đạt kết quả yêu cầu. Bà còn cho biết thêm, giống lúa dành cho người tiểu đường phù hợp với khí hậu sản xuất trên cả nước.

Không chỉ trọn đời dành cho nghiên cứu khoa học, GS Nguyễn Thị Lang còn được biết đến là người vô cùng gần gũi với người nông dân. Bà trực tiếp xuống đồng ruộng phổ biến kiến thức cho họ, hướng dẫn nông dân gieo mạ, trồng lúa, chăm sóc lúa…

Bà cho biết, trong tương lai, nông nghiệp Việt Nam sẽ chuyển từ tăng trưởng theo chiều rộng sang phát triển chiều sâu, trên cơ sở khoa học công nghệ truyền thống kết hợp với công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, từng bước đưa cây lúa đáp ứng cả hai mục tiêu chiến lược là an toàn lương thực và đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước khi hội nhập quốc tế.

"Trước nhiệm vụ khó khăn này, các nhà khoa học cần tăng cường đoàn kết, hợp tác, không ngừng học tập với phương châm "biết nhiều nghề, giỏi một nghề". Chúng tôi sẽ luôn luôn là người phục vụ và giúp đỡ các đồng nghiệp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chăm lo sự nghiệp đào tạo thế hệ khoa học trẻ đủ sức đảm đương sự nghiệp phát triển lâu dài" - GS Lang nói.

Trần Hằng
.
.