Nuôi nhện độc phục vụ nghiên cứu khoa học

Thứ Sáu, 10/11/2017, 09:42
Ác mộng khủng khiếp nhất đối với những người bị hội chứng sợ nhện (arachnophobe) chắc chắn là căn phòng thí nghiệm của Đại học Oxford Brookes (Anh). Bởi vì, bên trong đó có đến 10.000 con nhện gớm ghiếc bò lổm ngổm khắp nơi.

Rùng rợn hơn, có những loài nhện chuyên ăn thịt đồng loại. Thậm chí, căn phòng kinh dị còn nuôi cả những loài côn trùng khác như là rết. Nhưng, dù sao thì số lượng nhện vẫn không tăng lên quá nhiều theo thời gian bởi vì giáo sư Alistair McGregor nói "chúng thường ăn thịt lẫn nhau".

Bầu không khí bên trong căn phòng được cố tình tạo ra mùi ẩm mốc và nhiều góc tối để tạo cảm giác an toàn cho lũ nhện. Trên những bức tường là vô số ngăn để lọ thủy tinh, bể nước và đĩa petri. Mặc dù căn phòng kín mít song đôi khi côn trùng cũng lọt được ra bên ngoài.

Căn phòng thí nghiệm của giáo sư Alistair McGregor được trang bị bằng cánh cửa thép dày thiết kế giống như cửa sập tàu ngầm khiến những sinh viên thực tập một khi bước vào thì khó lòng tự ý đi ra khỏi được. Nói cách khác, mọi sinh viên đi vào căn phòng giống như bị nhốt trong chiếc hộp kim loại kín mít. Nhện ở khắp mọi nơi.

Giáo sư Alistair McGregor.

Trong một chiếc lọ thủy tinh là con nhện đang tựa thân trên màng tơ óng ánh bạc với 8 chân lóng ngóng thò ra từ thân hình tròn trùng trục. Nó có vẻ như khó di chuyển bên trong chiếc lọ. Một số con nhện sử dụng lớp lông để lắng nghe âm thanh trong căn phòng. Số khác có tài biến hình thành chiếc lá đến mức khó mà nhận ra.

 Theo giáo sư McGregor, có ít nhất 18 loài nhện bơi được dưới nước để bắt cá. Loài nhện độc màu nâu nhạt sống ở Mỹ và Nam Mỹ có đốm hình đàn violon trên vùng đầu (tên khoa học là Loxosceles reclusa) thường giấu mình bên dưới vải trải giường hay bên trong chiếc giày rất khó phát hiện. Một loài nhện nhà Bắc Mỹ - tên khoa học là Parasteatoda tepidariorum - có tài sản sinh mạng nhện 3 chiều đặc biệt đẹp mắt. Giáo sư McGregor giải thích đó là loài tiến hóa hơn các loài sinh ra mạng đối xứng.

Không nên đánh giá thấp khả năng săn mồi của loài nhện này - chúng bẫy côn trùng rất hiệu quả và biết sử dụng những mẩu rác để ẩn mình trong chính mạng nhện của mình giống như kỹ năng của binh sĩ đặc nhiệm. Khi cảm nhận được có con mồi mắc bẫy, nhện sẽ phóng thêm nhiều tơ quấn lấy thân con mồi để kéo vào miệng. Nhện thưởng thức con mồi bằng cách hút cạn chất dịch cơ thể đến mức cuối cùng nó chỉ còn lại là lớp vỏ khô héo.

Nhưng, binh đoàn nhện trong căn phòng kinh dị của giáo sư Alistair McGregor không được nuôi với mục đích hù dọa khách tham quan, người yếu tim hay mắc chứng sợ nhện. Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu trên thế giới có xu hướng chuyển đổi vật thí nghiệm truyền thống như ruồi giấm và chuột sang những loài khá bất thường - bao gồm động vật chân khớp "tardigrada" (hay còn gọi là bọ gấu nước, loài sinh vật cổ xưa có mặt trên Trái đất hơn 500 triệu năm), cá có khả năng săn mồi trên cạn và đặc biệt là nhện.

Nhện nuôi trong phòng để phục vụ nghiên cứu.

Thực ra, loài nhện được coi là đối tượng nghiên cứu khoa học vì 2 nguyên do. Thứ nhất, nhện cùng chia sẻ bí mật di truyền với con người. Mặc dù đã trải qua 800 triệu năm tiến hóa, nhện vẫn có một số loại gene giống với con người một cách đáng ngạc nhiên. Do đó, nhện rất có ích trong nghiên cứu các loại gene cũng như khả năng di truyền nơi con người. Ví dụ như, nhện sử dụng cùng bộ gene với con  người gọi là "Pax-6" giúp chúng có 4 con mắt tròn.

Các nhà khoa học nói vui rằng - nếu tước bỏ gene cổ này ra khỏi cơ thể người và thay vào đó là phiên bản gene nhện thì "Người Nhện" trong đời thực sẽ được tạo ra hết sức ấn tượng. Dĩ nhiên, nhiều sinh vật khác vẫn có nhiều loại gene rất giống con người - từ mèo (90% gene) cho đến bò (80% gene).

Loài nhện độc màu nâu nhạt.

Để nghiên cứu gene, các nhà khoa học sử dụng trứng nhện - chúng hoàn toàn trong suốt cho phép quan sát thật rõ tiến trình phát triển phôi thai bên trong.

Trong vài năm qua, nghiên cứu nhện dẫn đến một số đột phá đáng kể trong y khoa. Ví dụ như giúp cung cấp thêm nhiều đầu mối cho phép giải quyết một số vấn đề về sức khỏe như là bệnh tim và lão hóa.

Trong khi đó, các protein chứa trong nọc độc nhện hứa hẹn vào một ngày nào đó trong tương lai không xa sẽ trở thành phương thuốc kỳ diệu chữa trị hiệu quả chứng tổn thương não, chứng loạn dưỡng cơ bắp và thậm chí cả bệnh liệt dương nơi nam giới.

Di An (Tổng hợp)
.
.