Nuôi thả muỗi để… diệt sốt xuất huyết
- Bệnh do vi rút Zika còn tiếp tục diễn biến phức tạp
- Chuẩn bị thả muỗi vằn phòng bệnh sốt xuất huyết và Zika ở Nha Trang
- Phòng chống dịch bệnh virus Zika và sốt xuất huyết trên địa bàn biên giới
Việc phòng trừ muỗi là một trong những biện pháp phải thực hiện thường xuyên trong hoạt động y tế dự phòng. Thế nhưng tại thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) trong những năm gần đây, người dân đặc biệt quan tâm đến chuyện các nhà khoa học đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện dự án nuôi muỗi vằn và thả muỗi vằn tự nhiên mang vi khuẩn Wolbachia vào khu dân cư để… phòng trừ bệnh sốt xuất huyết Denguue, Zika.
TS. Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, sốt xuất huyết (SXH) là một trong những vấn đề đáng quan tâm đối với sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.
Với sự hỗ trợ của Trường Đại học Monash - Australia, dự án "Hướng tới loại trừ SXH tại Việt Nam" với giải pháp nghiên cứu ứng dụng muỗi Aedes aegypti mang vi khuẩn Wolbachia tồn tại tự nhiên trong nhiều loại côn trùng nhưng không gây hại với con người và môi trường để làm ức chế, giảm khả năng lây truyền virút SXH đã được Việt Nam triển khai từ năm 2006 tại đảo Trí Nguyên, phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang (Khánh Hòa).
Nhân viên dự án phân loại các loại muỗi thu được trong môi trường tự nhiên ở thực địa. |
Đây là dự án do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế Khánh Hòa thực hiện. 3 giai đoạn đầu của dự án triển khai trong vòng 10 năm (2006-2015). Từ khi dự án triển khai thả muỗi đến nay, trên đảo Trí Nguyên không xảy ra dịch SXH và không phát hiện trường hợp nào nhiễm Zika.
Kết quả thu được từ đảo Trí Nguyên và một số thực địa khác trên thế giới cho thấy phương pháp sử dụng Wolbachia an toàn đối với con người, động vật và môi trường, có thể tiềm năng hiệu quả lâu dài để ứng dụng trên diện rộng.
Giữa lúc dự án đang triển khai thuận lợi thì ngày 18-2-2016, một tờ báo trong nước đăng bài "Việt Nam từng chủ động nuôi chủng muỗi Aedes, trung gian truyền virút Zika", trong đó có nội dung đề cập đến chủng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia của dự án "Hướng tới loại trừ SXH tại Việt Nam".
Phản bác thông tin này, GS.TS Nguyễn Trần Hiển cho biết, muỗi vằn tự nhiên có tên khoa học Aedes aegypti là muỗi trung gian truyền một số bệnh, ngoài virút Dengue, muỗi vằn có thể truyền virút Chikungunya và virút Zika gây bệnh teo não trẻ em.
Muỗi vằn mang Wolbachia được thả tại đảo Trí Nguyên có nguồn gốc từ đảo này và được cấy truyền vi khuẩn Wolbachia, có khả năng làm giảm lây truyền virút SXH. Hơn thế nữa, kết quả nghiên cứu bước đầu của các nhà khoa trên thế giới cho thấy vi khuẩn Wolbachia còn có khả năng ức chế virút Zika trong cơ thể muỗi vằn. Tổ chức Y tế thế giới xác định đó là phương pháp mới có nhiều triển vọng dự phòng lây truyền virút Zika.
Truyền thông cho người dân tổ dân phố Sơn Hải, phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang trước khi thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia vào khu dân cư trong tháng 3-2017. Ảnh: Thảo Ly. |
Giải tỏa mối quan ngại của người dân trước câu hỏi: Liệu muỗi vằn mang Wolbachia được thả ở đảo Trí Nguyên có bị biến đổi gen theo thời gian dẫn đến gây nguy hại sức khoẻ con người?
GS.TS Hiển khẳng định: "Vi khuẩn Wolbachia tồn tại trong tự nhiên, được tìm thấy ở khoảng 60% các loài côn trùng như ruồi giấm, bướm, chuồn chuồn... Muỗi vằn mang Wolbachia là muỗi có nguồn gốc từ đảo Trí Nguyên, các nghiên cứu khoa học cho thấy vi khuẩn Wolbachia trong cơ thể muỗi vằn không tác động được đến hệ gen của muỗi, nên không gây ra biến đổi gen".
Theo ghi nhận của Cơ quan Y tế Dự phòng TP Nha Trang, trước khi triển khai dự án, bình quân mỗi năm trên đảo Trí Nguyên có 8-10 ca mắc SXH. Sau khi thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia, trong năm 2014 không có ca bệnh SXH nào phát sinh trên đảo, đến năm 2015 chỉ có 1 ca bệnh nhưng được xác định lây truyền từ trong đất liền, trong khi số ca mắc bệnh SXH trên địa bàn Nha Trang trong những năm gần đây luôn ở mức cao.
Theo dự kiến cuối tháng 3-2017 sắp tới, các nhà khoa học sẽ thả muỗi vằn mang Wolbachia tại các phường Vĩnh Phước, Vĩnh Thọ, Vĩnh Trường, Phước Long - TP Nha Trang trong thời gian 12-18 tuần.
Bản đồ thả muỗi gồm 773 ô ở 4 địa bàn nêu trên đã được xác lập với diện tích mỗi ô 2.500 m²(50mx50m), dự kiến mỗi tuần thả 100 con muỗi mang Wolbachia trong mỗi ô, qua đó sẽ làm giảm thiểu số lượng muỗi vằn trong tự nhiên để phòng chống SXH và Zika.
GS.TS Hiển chia sẻ thêm: "Số lượng muỗi vằn mang Wolbachia được nuôi và thả đã được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo không mang mầm bệnh. Sau khi tiến hành các cuộc đánh giá toàn diện quá trình ứng dụng phương pháp Wolbachia, Hội đồng khoa học thuộc các cơ quan chuyên môn của Australia, Việt Nam, Indonesia đã kết luận khả năng gây ra tác động không mong muốn đối với sức khoẻ con người và môi trường không đáng kể. Từ nhiều năm qua, những chuyên viên nghiên cứu ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Văn phòng Thực địa dự án "Hướng tới loại trừ sốt SXH tại Việt Nam" thường xuyên cho muỗi mang Wolbachia "ăn máu" của họ để lấy trứng, phục vụ công tác nghiên cứu mà không có bất cứ ảnh hưởng nào về sức khoẻ, vì thế người dân yên tâm về tính an toàn của dự án thả muỗi".