Paraguay: Vì sao không được phép phá thai?

Thứ Ba, 29/12/2015, 20:25
Năm 2014, ở quốc gia Nam Mỹ 7 triệu dân này có hơn 700 cô gái tuổi vị thành viên đã… làm mẹ. Như một cô bé 11 tuổi mang thai sau khi bị cha dượng cưỡng bức nhiều lần. Người mẹ của cô gái nạn nhân yêu cầu chính quyền cho phép con bà được phá thai nhưng đã bị từ chối và được đưa vào một ngôi nhà cưu mang các bà mẹ nhỏ tuổi.

Bởi vì Paraguay - cũng giống như nhiều quốc gia khác ở Mỹ Latinh - có luật phá thai giới hạn nhất thế giới. Cụ thể là, việc phá thai chỉ được phép khi tính mạng người mẹ bị đe dọa. Tên của các bà mẹ trẻ trong bài đều được thay đổi.

Tháng 4 - 2015, chuyện một bé gái chỉ mới 11 tuổi tên là Mainumby ở Paraguay mang thai sắp sinh trở thành chủ đề bàn luận sôi nổi khi cô bé được đưa đến Bệnh viện Chữ Thập Đỏ để sinh mổ trước sự ngỡ ngàng của đội ngũ nhân viên y tế. May mắn là sau đó Mainumby sinh hạ một bé gái kháu khỉnh cân nặng 3,55kg. Nhưng đây không phải là trường hợp duy nhất.

Trong căn bếp của căn nhà tình thương cưu mang những bà mẹ trẻ con Casa Rosa Maria do một nhà thờ điều hành tại thủ đô Asuncion của Paraguay, những cô gái nhỏ trò chuyện vui vẻ khi chuẩn bị các món ăn để mừng sinh nhật lần thứ 13 của một cư dân mới - đó là cô gái mang thai 5 tuần. Casa Rosa Maria là nơi tràn ngập tiếng cười của những bà mẹ nhí và những sinh linh nhỏ bé chào đời trong những hoàn cảnh trớ trêu. Cô bé Perla, 12 tuổi bị chính anh trai cưỡng bức khi chỉ mới 10 tuổi và mang bầu lúc 11 tuổi.  Perla là một trong số 200 cô gái bước qua ngưỡng cửa Casa Rosa Maria khi tuổi đời còn quá nhỏ trong đó một số chỉ mới 9 tuổi.

Những bà mẹ trẻ được học tập tại Casa Rosia Maria.

Cilsa Vera, người quản lý Casa Rosa Maria, cho biết: "Những cô bé này gặp rất nhiều khó khăn khi sớm rời khỏi gia đình để bước chân vào đây.  Chúng tôi cung cấp cho các em thực phẩm, quần áo và chăm sóc sức khỏe. Các em thích nghi rất nhanh". Như trường hợp của Mercedes. Năm nay 17 tuổi, Mercedes mang thai lúc 12 tuổi sau khi bị cha dượng hãm hiếp. Mercedes đến Casa Rosa Maria để được cưu mang và giúp đỡ vượt qua nỗi đau buồn.

Mercedes tâm sự: "Khi còn ở với gia đình, cuộc sống của em thật là kinh khủng. Mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn khi em đến Casa Rosa Maria ở Asuncion. Hiện nay, em muốn học nấu ăn, kết thúc bậc trung học để vào đại học. Em muốn mọi thứ tốt đẹp nhất cho con gái em và em cũng không muốn con em phải chịu đựng những gì mà em đã trải qua".

Tại Casa Rosa Maris, mọi cô gái đều được khuyến khích học tập để có được việc làm nuôi con họ. Theo số liệu chính thức từ Bộ Y tế Paraguay, 704 cô gái tuổi từ 14 và trẻ hơn sinh con trong năm 2014 - mỗi ngày khoảng 2 ca. Nhưng, con số thật sự có lẽ còn cao hơn nhiều. Mirtha Rivarola, chuyên gia cố vấn ở Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), nhận định: "Con số tăng lên theo từng năm và vấn đề ngày càng trở nên trầm trọng thêm. Tình hình thật đáng báo động".

Bệnh viện Chữ Thập Đỏ ở Asuncion, nơi tiếp nhận cô bé Mainumby.

Ở Anh và xứ Wales, với dân số 57 triệu người (tức cao hơn Paraguay 8 lần), có 1.378 trường hợp các cô gái 14 tuổi và trẻ hơn mang thai vào năm 2013. Nhưng việc phá thai được xem là hợp pháp ở Anh cho nên đa số những trường hợp mang thai sớm đều được giải quyết ở bệnh viện. Song ở Paraguay, việc phá thai chỉ được phép nếu người mẹ có nguy cơ tử vong cao. Như trường hợp của Mainumby. Ban đầu, mẹ của Mainumby đưa cô đến nhiều bệnh viện để chữa triệu chứng đau bụng dữ dội nhưng vẫn không khỏi.

Cuối cùng, 3 tháng sau đó, một bác sĩ bệnh viện cho tiến hành scan và phát hiện Mainumby mang thai đã 20 tuần! Người xâm hại là cha dượng đang bị giam giữ trong khi tòa án chờ kết quả xét nghiệm ADN để chứng minh quan hệ cha con. Giới truyền thông Paraguay càng trở nên nhốn nháo hơn khi biết tin chính người mẹ của Mainumby cũng bị bắt giữ do tội đồng lõa trong vụ hiếp dâm. Bà mẹ ác tâm bị giam 2 tháng và không được phép gặp Mainumby.

Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) đã mở chiến dịch vận động chính quyền Paraguay cho phép Mainumby phá thai và một nhóm chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cũng lên tiếng chỉ trích chính quyền nước này. Nhưng giới chức thủ đô Asuncion vẫn không hề động lòng. Bộ trưởng Y tế Antonio Barrios thẳng thừng tuyên bố: "Đánh giá tâm lý cho thấy Mainumby là cô gái hạnh phúc, không có bất cứ vấn đề gì. Lựa chọn duy nhất cho chúng tôi là cô gái phải tiếp tục mang thai bởi vì tính mạng không hề bị đe dọa". Nhưng người dân Paraguay cho rằng chính quyền đã mạo hiểm tính mạng của Mainumby - bởi vì mang thai ở tuổi thiếu niên dễ dẫn đến nhiều nguy cơ hơn so với phụ nữ trưởng thành.

Mặc dù được coi là bất hợp pháp ở Paraguay song chuyện phá thai vẫn có thể thực hiện được nếu gia đình cô gái có khả năng trả tiền. Không có con số chính xác về những vụ phá thai như thế và cũng không có con số về những vụ phụ nữ chết do phá thai thất bại. Trẻ em thuộc gia đình giàu có biết đích xác những bệnh viện nào tiến hành phá thai và giá cả bao nhiêu. Thông thường, đằng sau những câu chuyện trẻ em mang thai là vấn đề xâm hại tình dục. Khoảng 600 vụ xâm hại tình dục trẻ em dưới 14 tuổi được báo cáo đến Văn phòng Công tố song những kẻ phạm tội thường không bị trừng phạt.

Nữ công tố viên Teresa Martinez Acosta phát biểu: "Những gì chúng ta nhìn thấy không phản ánh hết thực trạng của vấn nạn xâm hại tình dục ở Paraguay. Chúng tôi chỉ buộc tội được 30% các vụ việc. Bản án cũng ngắn, thường là 3 - 5 năm tù và sau đó kẻ phạm tội được tự do để… tiếp tục xâm hạ tình dục".

Nhưng Teresa Acosta cho biết tình hình hiện nay ở Paraguay đã có sự thay đổi lớn khi mọi người bắt đầu mạnh dạn thông tin về những vụ xâm hại tình dục trẻ em và xã hội cũng phản ứng mạnh mẽ hơn. Một tháng sau khi vụ Mainumby mang thai được báo chí Paraguay đưa tin rộng rãi, con số những cuộc gọi đến văn phòng công tố tăng từ 750 đến 950. Những người tố cáo thường muốn được giấu tên - có lẽ đây là vết tích từ những năm tháng Paraguay sống dưới chế độ độc tài, lúc đó hàng ngàn người bị cầm tù và tra tấn do không biết giữ mồm giữ miệng. Trong quá khứ, nhiều vụ việc không được chuyển đến tòa án nhưng bây giờ bản ghi âm cuộc gọi điện thoại tố cáo đã được chấp nhận dùng làm bằng chứng trước tòa án.

Ở Paraguay, nhà nước ít hỗ trợ những bà mẹ nhỏ tuổi mà phần lớn sự giúp đỡ tập trung vào các tổ chức từ thiện và nhà thờ. Tại Mil Slidarios - một trung tâm gia đình do nhà thờ điều hành ở Banados Sur - có khoảng chục bà mẹ còn ở tuổi thiếu niên tham gia lớp học văn hóa vào buổi trưa và một số bồng con nhỏ theo. Các em đến đây 2 lần trong tuần và dĩ nhiên là học miễn phí. Soraya Bello, điều phối viên trung tâm, cho biết: "Chúng tôi cố gắng giúp cho các em có tương lai". Banados Sur là một trong những khu ngoại ô đông dân và nghèo khó của thủ đô Asuncion, được xây dựng trên vùng đầm lầy ven sông và gần bãi rác lộ thiên. Đường sá ở Banados Sur không được trải nhựa và nơi đây thường xuyên rơi vào cảnh ngập lụt.

Soraya Bello nói rằng: "Các cô gái ở đây sống cuộc đời tối tăm, không có thú vui giải trí còn trẻ em thì ốm yếu. Các em không có cơ hội được học hành". Một bà mẹ trẻ tên là Maria than phiền: "Người ta nói nhiều về chúng tôi bởi vì chúng tôi đến từ Banados Sur. Họ coi chúng tôi đều là tội phạm và bẩn thỉu do điều kiện sống của chúng tôi. Thậm chí, bệnh viện cũng từ chối tiếp nhận chúng tôi".

Duy Ân (tổng hợp)
.
.