“Pháo đài bay” hay “biệt thư nghỉ dưỡng trên không”?
- Điện Kremlin từ chối lí giải việc chuyên cơ của Putin bay đường vòng tới Đức
- Những tranh cãi về chiếc chuyên cơ của Tổng thống Pháp
- Mỹ bán đấu giá chuyên cơ của tổng thống
Air Charter Service (ACS), công ty dịch vụ hàng không hàng đầu thế giới dành cho VIP đặt trụ sở chính tại Anh, so sánh phương tiện di chuyển của 13 nhân vật quyền lực nhất trên thế giới - từ thủ tướng Anh cho đến ông chủ Nhà Trắng Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin. ACS phân tích giá trị của những chiếc máy bay, hệ thống an ninh đặc biệt cùng với nội thất xa xỉ của chúng.
Bên trong chuyên cơ của Tổng thống Vladimir Putin. |
Theo người phát ngôn của ACS, một số nhà lãnh đạo quan tâm đến chuyên cơ trong khi số khác có vẻ khiêm tốn hơn khi sử dụng máy bay bình thường. Lấy ví dụ như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mặc dù lãnh đạo một đất nước khổng lồ với 1,4 tỷ dân song ông vẫn không hề có chuyên cơ riêng cho mình mà chỉ sử dụng những máy bay Boeing 747-400 dân sự bình thường thuộc sở hữu hãng hàng không Air China trong những chuyến công du nước ngoài.
Những chiếc Boeing 747 400 luôn được kiểm tra an ninh thường xuyên và tháo dỡ những ghế ngồi để tạo không gian trống làm văn phòng làm việc cũng như phòng ngủ mỗi khi ông Tập Cận Bình cần dùng đến chúng. Nội thất máy bay được chủ tịch Trung Quốc sử dụng được cho là "hoàn toàn không xa xỉ". Sau khi sử dụng cho những chuyến công du, những chiếc ghế ngồi trên máy bay sẽ được lắp đặt trở lại.
Phòng ăn trong "Cung điện Bay" của Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah. |
Trong khi đó, chiếc máy bay trị giá tổng cộng 170 triệu bảng Anh của Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah được mô tả là "Cung điện Bay". Quốc vương mua chiếc Airbus A-12 với giá 80 triệu bảng Anh và sau đó chi thêm 95 triệu để trang hoàng nội thất với kim loại quý và đá quý. Những bể chứa nhiên liệu bổ sung giúp cho máy bay nâng tầm bay lên đến 15.000km. Hassanal Bolkiah cũng sở hữu thêm 2 chiếc Boeing 747-430 và 767-270 cùng với 2 máy bay trực thăng Sikorsky S-70.
Nhưng tài sản trên không của Hassal Bolkiah vẫn chưa thể sánh nổi với Quốc vương Qatar Tamim bin Al Thani - người mà ACS đánh giá là một trong những nhân vật lãnh đạo giàu nhất thế giới với khối tài sản trị giá 2 tỷ bảng Anh. Quốc vương Qatar sở hữu đến 11 chiếc Airbus bởi vì mỗi chuyến bay của ông đều kèm theo ít nhất 1.000 người - bao gồm thành viên gia đình, phái đoàn quan chức và đội ngũ nhân viên phục vụ.
Ngoài ra, vài chiếc ôtô Limousine cũng được đưa lên máy bay để Quốc vương Qatar sử dụng tại quốc gia muốn đến. Phái đoàn đông đảo của Al Thani từng sử dụng 10 chiếc máy bay đến Nhật Bản gặp thủ tướng nước này và 8 chiếc trong chuyến thăm Thụy Sĩ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sử dụng 2 chuyên cơ Boeing 747-200B và một chiếc Boeing C-32 khi phải bay đến những sân bay nhỏ. Chuyên cơ Air Force One (Không lực 1) của Tổng thống Mỹ nằm tại căn cứ không quân Andrews, cách Nhà Trắng 16 km.
Tổng thống Donald Trump trong chiếc chuyên cơ Air Force One cực kỳ sang trọng. |
Máy bay Boeing 747 của tổng thống Trump tiết kiệm nhiên liệu đáng kể, thời gian bay dài hơn so với mẫu thông thường đồng thời chống được cuộc tấn công bằng vũ khí xung điện từ. Trên máy bay cũng có phòng phẫu thuật đầy đủ thiết bị y tế hiện đại trong trường hợp cấp cứu. Nội thất Không lực 1 cũng bao gồm phòng ngủ, phòng tắm, phòng tập thể dục và văn phòng với một khu vực riêng biệt dành cho phóng viên truyền thông đi kèm theo.
Các cựu tổng thống Jimmy Carter, George Bush (cha) và Bill Clinton đều có những kỷ niệm đáng nhớ về "Pháo đài bay" của mình. "Điều tôi nhớ nhất về Air Force One là tôi chẳng bao giờ bị mất hành lý", cựu tổng thống George H. W. Bush hài hước. "Khi bước lên máy bay, tôi phấn khích đến nỗi quên mất cả mẹ mình", Jimmy Carter thổ lộ.
"Trên đó, chúng tôi là một gia đình lớn", cựu tổng thống Bill Clinton nói. Những cảm nghĩ rất thật ấy thể hiện tình cảm của họ dành cho chiếc chuyên cơ cùng đội ngũ phục vụ đã biến một cỗ máy biết bay tân kỳ thành một nơi để các tổng thống có thể nghỉ ngơi, lắng lòng sau những ngày căng thẳng ở Nhà Trắng cũng như Phòng Bầu Dục.
Như Tổng thống Bush đôi lúc đến căn cứ không quân Andrews vào đêm trước khi thi hành chuyến công du, nghỉ qua đêm ở đó rồi thức dậy giữa không trung! Không chỉ mang tính vận tải đơn thuần, Air Force One là một phương tiện chính trị và ngoại giao hữu hiệu mà các tổng thống muốn tạo ấn tượng mạnh đối với các đồng minh cũng như đối phương của nước Mỹ.
Tuy nhiên, chuyên cơ của tổng thống Mỹ đã sử dụng hơn 25 năm nên cũ hơn so với máy bay của Thủ tướng Nhật Bản, Quốc vương Arập Xêút và Quốc vương Brunei. Chiếc IL-96-300PU trị giá 500 triệu bảng Anh của Tổng thống Nga Vladimir Putin được thiết kế vài lớp bảo vệ chống những cuộc tấn công từ mặt đất và trên không. Nội thất máy bay được thiết kế bởi Ivan Glazunov (con trai nghệ sĩ Nga Ilya Glazunov) với phong cách tân cổ điển. Vì lý do bảo đảm an ninh, 4 chiếc máy bay giống hệt nhau được chuẩn bị để khởi hành song cuối cùng chỉ có một chiếc thực sự chở Putin cất cánh.
Các nguyên thủ châu Âu khiêm tốn hơn khi sử dụng máy bay. Chiếc Airbus A330 trị giá 195 triệu bảng Anh của Thủ tướng Anh Theresa May bao gồm 58 ghế ngồi hạng doanh nhân dành cho các bộ trưởng và quan chức, 100 ghế ngồi bình thường dành cho các nhà báo. Chiếc A330 có sức chứa lớn nhất (đến 160 người) so với máy bay của các nguyên thủ quốc gia khác. Để so sánh, chiếc Airbus A-313X VIP của Thủ tướng Đức Angela Merkel được gọi là Konrad Adenauer (đặt theo tên thủ tướng đầu tiên của CHLB Đức) chở được 143 người.
Là chuyên cơ dành riêng cho lãnh đạo Pháp, Airbus A330-200 được trang bị động cơ đôi, thân rộng và có trọng lượng cất cánh 242 tấn. Ngoài ra, chuyên cơ này cũng được nâng cấp với hệ thống đèn led, nội thất hiện đại, ghế ngồi rộng và một vài khu vực nghỉ ngơi riêng cho phi hành đoàn. Với sức chứa lên tới 247 hành khách, chuyên cơ của tổng thống Pháp có thể phục vụ cho những cuộc họp kéo dài trên không trung, đặc thù của các vị nguyên thủ quốc tế.
Chuyên cơ của nguyên thủ Brazil dường như "không đụng hàng" với những chiếc Airbus A319 tiêu chuẩn nhờ những thiết kế đặc biệt về an ninh và nội thất. Cabin máy bay được chia thành 3 khu vực tách biệt với chức năng khác nhau. Khu vực thứ nhất gần buồng lái là nơi dành riêng cho tổng thống, gồm một phòng làm việc, một phòng nghỉ sang trọng và một phòng họp.
Khu vực kế tiếp được bố trí thành 8 chỗ ngồi hạng nhất dành cho quan chức đặc biệt tháp tùng tổng thống. Khu vực cuối cùng ở đuôi máy bay có 20 ghế hạng doanh nhân dành cho phóng viên và đoàn tùy tùng. Trên chiếc chuyên cơ này còn được trang bị các thiết bị quân sự như những quả pháo sáng để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, một phòng cấp cứu hoàn chỉnh và 3 phòng đặc biệt nối trực tiếp với vệ tinh liên lạc của quân đội Brazil, dùng để chứa các loại tài liệu, hình ảnh và băng ghi âm tối mật.
Tạp chí The Richest từng xếp chuyên cơ của Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto vào vị trí số một trong bảng xếp hạng 20 chuyên cơ đắt nhất thế giới hiện nay. Mỗi năm chuyên cơ của tổng thống Mexico tiêu tốn hơn 100.000 USD tiền bảo dưỡng. Vẻ ngoài của Dreamliner được ví như một con lươn khổng lồ do phần thân hẹp và dài. Với sức chứa 250 người, chuyên cơ này có thể bay liền 16.000 km mà không cần tiếp nhiên liệu.
Vì chuyên cơ của các vị nguyên thủ thường được ví von là "pháo đài bay" nên xâm phạm các chuyên cơ này nhiều khi không phải từ tác nhân bên ngoài mà là có tác nhân bên trong. Như chuyên cơ của nguyên thủ Colombia từng mang tiếng xấu trong thời gian phục vụ Tổng thống Ernesto Samper Pizano (1994-1998).
Ngày 22-9-1996, người ta phát hiện có 3,5 kg heroin được giấu bên trong chiếc chuyên cơ Fokker F28 của Colombia, chỉ vài giờ trước khi nó cất cánh đi New York để đưa Tổng thống Samper dự họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.Tin xấu lan nhanh, Mỹ quyết định hủy visa nhập cảnh của ông Samper với cáo buộc ông này có liên quan đến các trùm ma túy được cho là đã ủng hộ tài chính cho chiến dịch tranh cử của ông. Cuối cùng tổng thống Colombia đến Mỹ bằng một visa ngoại giao trên một chiếc máy bay thuê.
Năm 2005, tổng thống mới của Colombia là Alvaro Uribe Velez hối thúc quốc hội mua một chiếc máy bay mới do lo ngại đến vấn đề an toàn và môi trường. Sau 33 năm phục vụ, chiếc Fokker F28 đã rệu rã và gây tiếng ồn nghiêm trọng khiến người dân và báo giới Colombia đặt cho nó biệt hiệu là "ấm pha càphê của Tổng thống".
Đó là chưa kể có nhiều lần chuyên cơ này đã suýt gây tai nạn trong khi chở tổng thống đi công cán. Chiếc Fokker F28 này đã hơn một lần bị phạt vì vi phạm quy định về tiếng ồn tiêu chuẩn của các sân bay, thậm chí nó đã từng bị cấm hạ cánh do gây ô nhiễm môi trường. Mãi tới tháng 7-2005, chiếc Fokker F28 mới được “nghỉ hưu” và chính phủ Colombia mua một chiếc Boeing 737-700 BBJ làm chuyên cơ cho tổng thống.
Hơn 10 năm trước, Tango 01 chuyên cơ của nguyên thủ Argentina luôn là đề tài của các cuộc tranh cãi chính trị, đặc biệt là trong cuộc bầu cử năm 1999. Báo chí và nhiều chính trị gia chỉ trích chiếc chuyên cơ này là quá xa hoa và đôi khi thực hiện những mục đích không chính thức như phục vụ gia đình, bạn bè và các đồng minh của một số đời tổng thống.
Cần biết rằng, Argentina có một đơn vị riêng chuyên phục vụ các chuyến bay nhà nước mang tên Agrupación Aérea Presidencial, điều hành một phi đội nhỏ những chiếc máy bay và trực thăng đặc biệt dành cho tổng thống cùng gia đình và các quan chức cấp cao của chính phủ. Mặc dù các chuyên cơ thuộc sự quản lý của không quân Argentina nhưng đơn vị trên nằm dưới sự điều hành trực tiếp của bộ phận an ninh bảo vệ tổng thống Casa Militar. Một số phi công dân sự cũng được trưng dụng để lái những chiếc chuyên cơ này.
Các tổng thống Argentina từng nhiều phen thót tim khi đi trên những chiếc chuyên cơ. Ngày 19-9-1993, chiếc trực thăng chở Tổng thống Carlos Menem bị rơi khi đang thăm một địa phương trong nước nhưng may mắn không có thương vong. Ngày 1-4-1998, cũng Tổng thống Menem lại trải qua một khoảnh khắc nguy hiểm khi chiếc chuyên cơ Tango 01 gặp trục trặc vì gió mạnh khi hạ cánh xuống Wellington, trong một chuyến thăm chính thức New Zealand.
Ngày 19-10-2004, chiếc Tango 01 hạ cánh khẩn cấp thành công xuống căn cứ không quân El Palomar ngay sau khi cất cánh từ thủ đô Buenos Aires vì một động cơ bị cháy. Chiếc động cơ này sau đó được đưa tới Israel đại tu toàn bộ và hoạt động trở lại từ giữa năm 2005.
Trong thời gian chiếc chuyên cơ phải nghỉ bảo dưỡng, Argentina thuê hai chiếc Boeing 747 của hãng hàng không quốc gia Aerolineas Argentinas để làm phương tiện công cán nước ngoài cho tổng thống. Ngay cả khi Tango 01 hoạt động trở lại, Tổng thống Nestor Kirchner có vẻ như đã được báo cáo về những "kỳ tích" của chiếc chuyên cơ nên ông vẫn tiếp tục sử dụng những chiếc Boeing 747 đi thuê cho các chuyến bay đường dài.