Phát minh cứu hàng triệu người trong Thế chiến II
- Những sản phẩm nổi tiếng thế giới được phát minh hết sức tình cờ
- 5 phát minh làm thay đổi thế giới
- Sự thật về người phát minh ra vaccine chủng ngừa bệnh đậu mùa
Nhà phát minh 38 tuổi khi đó đã chuyển giao miễn phí cho quân đội Pháp một công nghệ phi thường mà có thể làm thay đổi cuộc đời của các thương bệnh binh trong suốt ĐCTGII: một thiết bị cho ăn tự động. Để sử dụng nó, người dùng chỉ việc dùng răng cắn vào một công tắc và thiết bị sẽ đưa cái muỗng hình ống chứa thức ăn vào miệng của họ.
Nhà phát minh tự học
Gần 60 năm sau, khi được hỏi có tiếc gì không khi cho đi một thiết bị có giá trị như thế, nhà phát minh Bessie Blount không ngần ngại đáp rằng bà chế tạo ra thiết bị không nhằm mục đích kiếm tiền hay danh tiếng. Bà giải thích "Quên phắt chuyện đó đi. Thứ mà chúng tôi cống hiến cho nhân loại là phụ nữ da màu có thể làm được nhiều việc hơn là nuôi con mọn và dọn toilet".
Bà Bessie Virginia Blount (1914-2009). |
Tuy nhiên người ta sẽ mãi mãi không bao giờ quên công lao của bà. Gần nửa thế kỷ trôi đi những đổi mới mang tính chất tiên phong của Bessie Blount đã thay mặt cho nhân loại nói rằng tên tuổi của bà không thể xóa nhòa trong hồ sơ của lịch sử. Trong cuộc đời trường thọ của mình, bà Bessie Blount sống tới 95 tuổi, bà đã kinh qua nhiều công việc gồm: y tá, chuyên gia vật lý trị liệu và cũng là một chuyên gia khảo nghiệm chữ viết pháp y. Nhưng trên hết mọi nghề, Blount còn là một nhà pháp y.
Blount luôn mơ ước thiết lập nên các công nghệ để hỗ trợ cho người khuyết tật, và bà đã không ngừng tự đổi mới bản thân, tự giáo dục chính mình rằng làm thế nào để xây dựng những cánh cửa mới khi những cánh cửa khác đã đóng lại. Năm 1914, nhà phát minh tương lai Bessie Blount chào đời ở Hickory (tiểu bang Virginia, Mỹ) trong một gia đình có cha là George Woodward và mẹ là Mary Elizabeth Griffin.
Bất chấp tuổi tác khác biệt, cả hai mẹ con bà Mary và Bessie cùng học tại một lớp học trong cùng trường (Trường tiểu học Diggs Chapel ở Hickory, Virginia). Ngôi trường này rất có ý nghĩa cho cả cộng đồng: nó được thành lập vào cuối thời kỳ Nội chiến nhằm giáo dục miễn phí cho trẻ em người da màu, cựu nô lệ và người Mỹ bản địa.
Chính ngôi trường với duy nhất một lớp học đó đã nuôi dưỡng khát vọng khoa học cho nữ sinh Blount. Blount là người thuận tay trái bẩm sinh, và bà nhớ lại trong nhiều cuộc phỏng vấn với cánh nhà báo rằng làm thế nào mà cô giáo Carrie Nimmo đã đánh vào khuỷu tay lúc Blount viết bằng tay trái. Nhưng cô giáo sau đó đã kinh ngạc khi Blount tự rèn luyện để viết tốt bằng cả 2 tay, viết bằng chân và thậm chí dùng hàm răng để viết.
Học xong lớp 6, Blount đã tự mình học hỏi thêm. Thực ra cũng chả có lựa chọn gì: thời kỳ đó ở Hickory không có ngôi trường nào dạy chương trình giáo dục trung học cho trẻ em da màu. Cuối cùng, Blount cũng được nhận vào học ở trường Cao đẳng Union Junior (Cranford, tiểu bang New Jersey, Mỹ) và đào tạo nghề y tá tại Bệnh viện cộng đồng tưởng niệm Kennedy (CKMH) ở Newark (thành phố lớn nhất của tiểu bang New Jersey), là bệnh viện duy nhất ở New Jersey do người da màu tự làm chủ và điều hành.
Tiếp đó Blount đã theo học sau đại học ở trường Cao đẳng vệ sinh và giáo dục thể chất Panzer (ngày nay là một phần của trường Đại học công lập Montclair (New Jersey). Cuối cùng Blount nhận được giấy phép hành nghề vật lý trị liệu và làm việc tại Bệnh viện Bronx (New York City) vào khoảng năm 1943. Trở lại năm 1941 lúc Blount đang theo đuổi sự nghiệp giáo dục y khoa thì nước Mỹ chính thức bước vào ĐCTGII.
Gian nan hành trình
Tình hình buộc Blount phải nâng cao các kỹ năng làm y tá để trở thành một tình nguyện viên của tổ chức Gray Ladies (Hội chữ thập Đỏ) tại Căn cứ 81, nơi chuyên phục vụ cho quân nhân và các cựu chiến binh tại đô thành New York và khu vực phía Bắc tiểu bang New Jersey. Được đặt tên dựa theo màu sắc của quân phục, Gray Ladies nghĩa là một nhóm các tình nguyện viên phi y khoa chuyên cung cấp các dịch vụ bệnh viện cho các quân y viện.
Thiết bị hỗ trợ đựng đồ ăn xách tay - một phát minh của bà Bessie Blount vào ngày 24 tháng 4 năm 1951. đây là Bằng phát minh số 2.550.554 tại Pháp. Ảnh: African-American Inventors. |
Nhưng thực tế thì phần lớn công việc của Gray Ladies là quản lý cơ sở, chăm sóc tâm thần và các liệu pháp nghề nghiệp. Nhờ làm việc cho Gray Ladies mà Bessie Blount có cơ hội để tiếp xúc với hàng trăm binh sĩ bị thương tại các bệnh viện có số đông thương bệnh binh đang được điều trị. Hãng tin Smithsonian dẫn lời sử gia về người khuyết tật và chiến trường Audra Jennings: "Khoảng 14.000 binh sĩ trải qua phẫu thuật cắt bỏ chi và nhiều người đã sống sót".
Việc bị cắt cụt chi trên khiến cho nhiều thương binh không thể viết bằng tay. Vì thế y tá Blount đã nghĩ ra cách giúp thương binh nghĩ ra cách khác để viết (như bà đã viết từ hồi còn học ở trường) bằng chân và răng của họ. Một số thương binh còn học cách để "đọc" chữ nổi (chữ Braille) bằng chân của họ. Những khi rỗi rãi, Blount thường thích thú làm việc với các họa sĩ và nhiếp ảnh gia, quan tâm tới các bức vẽ phác thảo y khoa và các bức ảnh chụp cơ thể người. Thông qua làm việc với các họa sĩ, Blount cũng tự mình học cách vẽ. Trong cuộc phỏng vấn vào năm 1948 trên báo Afro-American, nhà phát minh Bessie Blount nhớ lại: "Vẽ đã giúp tôi có thời gian để thiết kế ra nhiều thiết bị dành cho những người khuyết tật. Sau khi tiếp xúc với các trường hợp tê liệt như Diplegia và Quadriplegia (còn gọi chung là "Hội chứng tê liệt mù"), tôi quyết định dành cuộc đời mình cho những công việc này".
Cảm hứng cho ra đời thiết bị trợ giúp ăn uống đã tình cờ đến với Blount khi một bác sĩ tại bệnh viện Bronx nói với bà rằng quân đội đang cố gắng để tạo ra một thiết bị như vậy nhưng đã thất bại. Ông bác sĩ cũng nói rằng nếu Blount thật sự muốn giúp các thương bệnh binh thì bà nên hình dung ra cách để giúp họ dễ dàng tự ăn uống hơn.
Nung nấu khát vọng giúp binh sĩ, mất 5 năm, nhà phát minh Blount mới biến ý tưởng thành sự thật. Biến cái bếp thành nhà xưởng, Blount mất 10 tháng ròng để thiết kế ra một thiết bị dành cho những thương binh đã bị cắt cụt chi trên hoặc bị tê liệt. Kế đó, bà mất thêm 4 năm miệt mài với không biết bao lần thất bại cũng như tốn kém 3.000 USD tiền túi để chế tạo ra thiết bị. Chuyện kể rằng sau mỗi lần chế thiết bị, Blount lại đưa cho các thương binh tự thử nghiệm và sau đó tự tinh chỉnh để làm cho nó thật hoàn hảo.
Ngoài chế tạo thiết bị cho ăn tự động, nhà phát minh Blount còn chế ra hộp hỗ trợ đựng thức ăn không tự động, và nó đã giúp bà nhận được một bằng phát minh Mỹ, thiết bị được gắn vào cổ các thương binh và có thể giữ một cái đĩa hay tách đựng đồ ăn. "Tôi thường thức khuya để làm việc từ 1 giờ sáng đến 4 giờ sáng", Blount đã kể với báo Afro-American như thế. Năm 1948, thiết bị của Blount đã chính thức được đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên khi trình bày nguyên mẫu hoàn thành của thiết bị cho Bộ cựu chiến binh Hoa Kỳ (VA), Blount đã bất ngờ khi bị họ từ chối. Suốt 3 năm ròng, nhà phát minh Blount đã cố gắng thuyết phục VA, thế rồi bà nhận được lá thư của Paul B. Magnuson, Tổng giám đốc điều hành của VA cho rằng thiết bị là không cần thiết và "phi thực tế". Sử gia Audra Jennings giải thích: "Tôi không mấy ngạc nhiên khi VA không chấp nhận công nghệ của bà Blount, vì họ cũng chưa có sự chuẩn bị cần thiết cho số cựu binh bị thương và tàn tật, ngay cả công nghệ hỗ trợ cũng chưa có".
Chuyên gia khảo nghiệm pháp y
Sử gia Audra Jennings nhấn mạnh: "Suốt trong và sau ĐCTGII, VA rất thiếu công tác chuẩn bị, tài nguyên thiếu hụt, và thiếu hành động cần thiết ở tầm liên bang nhằm cải thiện các điều kiện cho những thương binh tàn tật, còn công chúng cho rằng VA không cung cấp đủ chăm sóc y tế cần thiết và phục hồi sức khỏe cho các thương bệnh binh. Ngay cả các chi giả mà VA cung cấp cho các thương binh cũng được chế tạo nghèo nàn, thường là sản xuất cho đủ số lượng hơn là chú trọng về chất lượng".
Dù quân đội Mỹ không mặn mà với thiết bị tự cho ăn, nhưng nhà phát minh Bessie Blount may sao đã thành công khi tìm được một công ty Canada chịu chi tiền để sản xuất ra thiết bị. Cuối cùng, thiết bị của bà cũng được quân đội Pháp sử dụng. Năm 1952 sau nghi lễ ký kết hợp tác ở Pháp, phát biểu trên báo Afro-American, nhà phát minh Blount tự hào nói: "Một người phụ nữ da màu đã có đủ khả năng để phát minh ra một số thứ có thể làm lợi cho nhân loại".
Bà Bessie Blount đang cho một thương binh thử nghiệm với thiết bị cho ăn tự động. Ảnh: YouTube. |
Thiết bị tự cho ăn đã tạo nên một cú đột phá: theo trích dẫn của nhà phát minh Blount: "Một thời gian ngắn sau lễ ký kết ở Pháp, đã có hơn 20 bằng sáng chế mới cho thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật đã được nộp lên cho chính phủ Mỹ".
Nhưng ở Mỹ, nhà phát minh Blount vẫn không chắc nhận được bằng phát minh. Khi bắt đầu dạy các kỹ năng viết cho cựu binh và những người khuyết tật khác, Blount bắt đầu quan tâm tới cách làm thế nào mà chữ viết có thể phản ánh rõ nét sự thay đổi sức khỏe của con người. Năm 1968, bà Blount công bố trên một tờ báo kỹ thuật về những quan sát của mình mang tựa đề là "Bút tướng pháp y khoa" đánh dấu sự chuyển dịch nghề nghiệp mới của bà và đã thành công xuất sắc. Sau khi công bố công trình nghiên cứu của mình, Blount bắt đầu tư vấn cho Sở cảnh sát Vineland (New Jersey) nơi đây bà dùng khả năng quan sát của mình trên các bức thư và hồ sơ y tế để giảo nghiệm các tài liệu viết tay nhằm phát hiện các trường hợp giả mạo.
Năm 1972, Blount đã trở thành chuyên viên xét nghiệm tài liệu của Sở cảnh sát Portsmouth; năm 1976, bà làm việc cho FBI. Rồi tài năng của Blount đã thu hút sự chú ý của Sở cảnh sát Thủ đô (London). Năm 1977, ở tuổi 63, Blount bắt đầu đào tạo cho các học viên tại bộ phận tài liệu thuộc Phòng thí nghiệm pháp y cảnh sát Đô Thành, cũng là người da màu đầu tiên làm công việc này.
Quay trở lại quê nhà, bà Blount đã được mời làm việc tại nhiều sở cảnh sát trong vai trò của một chuyên gia tư vấn chữ viết và rất năng nổ trong các tổ chức thừa hành luật pháp như Hiệp hội các ngành khoa học pháp y quốc tế (IAFS) và Tổ chức các giám đốc thừa hành luật pháp người da màu quốc gia Mỹ (NOBLEE). Bà Blount chuyên cung cấp chuyên môn của mình về chữ viết tay cho các viện bảo tàng và sử gia bằng cách đọc, dịch và xác định tính xác thực của các tài liệu lịch sử bao gồm các hiệp ước người da đỏ cùng những bài viết liên quan đến buôn bán nô lệ từ thời Nội chiến.
Năm 2008, bà Bessie Blount quay trở lại ngôi trường một phòng học từ thuở ấu thơ của mình. Nó không còn gì cả ngoài một phế tích bị đốt cháy. Bà Blount đang lên kế hoạch xây dựng một thư viện và bảo tàng cho trường cũ. "Không có lý do nào để lãng quên đi những thứ đã bị mất mát trong lịch sử", bà Blount quả quyết. Không may là trước khi bà Blount có thể nhìn thấy các kế hoạch của mình biến thành trái ngọt thì bà đã qua đời đột ngột vào năm 2009; nhưng ký ức của bà chắc chắn sẽ sống mãi trong câu chuyện kỳ diệu về cuộc đời của một nhà phát minh tài ba.