Phình động mạch não - Không thể coi thường

Thứ Sáu, 13/11/2020, 09:10
Hành lang tầng 2 nhà C4 khu khám bệnh theo yêu cầu của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ sáng sớm 31/10 đã đông người bệnh đến khám và tư vấn miễn phí bệnh lý dị dạng mạch máu não.

Rất nhiều người ở đó khi cầm trên tay phim chụp cắt lớp, chụp cộng hưởng từ và tờ kết quả có ghi dòng chữ "phình động mạch não" đều lo lắng, hoang mang khi nghĩ rằng tính mạng của họ đang bị nguy hiểm. Nhưng thực tế bệnh lý này dù là nỗi lo không của riêng ai nhưng không phải trường hợp nào cũng đáng lo…

3-5% dân số bị phình động mạch não

Chị N.T.H. (29 tuổi) cùng chồng bắt chuyến xe khách từ quê ở huyện Kiến An, Hải Phòng lúc 3 giờ đêm để có mặt tại Bệnh viện Việt Đức cho kịp giờ khám. Vừa bước vào phòng khám của PGS.TS Đồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, chị đã mếu máo kể về hành trình chữa bệnh của mình.

Hình ảnh túi phình động mạch não chưa vỡ (trái) và túi phình vỡ (phải)

Theo lời chị H. thì cách đây 2 năm chị bỗng xuất hiện triệu chứng đau đầu kèm dấu hiệu nôn trớ, nhiều khi choáng và ngất. Chị đi khám ở một bệnh viện ở Hà Nội, sau khi chụp cộng hưởng từ sọ não thì bác sĩ chẩn đoán chị bị phình động mạch não. Cũng từ đó cho đến nay, chị H. theo đuổi điều trị tại bệnh viện đó nhưng bệnh không thuyên giảm. 

Chứng đau đầu cứ đeo bám khiến cuộc sống của chị H. và gia đình bị đảo lộn. Mỗi khi lên cơn đau đầu, chị H lại gom góp tiền bạc lên Hà Nội khám. Lần nào bác sĩ cũng kê cho một đơn thuốc về uống dài ngày. Và lần nào cũng vậy, cầm đơn thuốc trên tay mà nước mắt chị H. lại lăn dài vì hết nhiều tiền quá. Lần ít thì 3-4 triệu đồng, nhiều thì lên tới 6 triệu/đơn thuốc. Với đồng lương công nhân ít ỏi, dành dụm được đồng nào chị H. dồn cả vào việc chữa bệnh vì nghĩ rằng thuốc đắt sẽ "giảm sự phình ra của mạch não".

Gia đình chị H. với tâm lý có bệnh thì vái tứ phương nên cho chị uống cả thuốc nam, thuốc bắc, mời cả thầy cúng về cúng giải bệnh mà chị đau đầu vẫn hoàn đau đầu. 

PGS. TS Đồng Văn Hệ xem rất kĩ phim chụp cộng hưởng từ sọ não và phần mô tả, cả sổ khám bệnh, đơn thuốc và hỏi han bệnh nhân H. rất kĩ. Bác sĩ cho rằng tần suất đau đầu 2-3 lần/ năm, mỗi lần đau đầu nếu uống thuốc giảm đau và nghỉ ngơi 1-2 ngày là dứt cơn đau là bình thường. 

Đau đầu có thể do nhiều nguyên nhân, nhiều khi không đến từ nỗi ám ảnh "phình mạch não" kia. Có thể chị H. quá căng thẳng, lo lắng cũng dẫn đến đau đầu. Bởi túi phình trên não của chị H. có đường kính 1,5mm - kích thước nhỏ và vị trí phình mạch hiện không gây nguy hiểm tới sức khoẻ nên chị không nên lo lắng, bi quan, chỉ cần uống giảm đau và nghỉ ngơi.

PGS.TS Đồng Văn Hệ kiểm tra phim chụp sọ não của bệnh nhân.

Với kinh nghiệm khám và điều trị chuyên về thần kinh, PGS.TS Đồng Văn Hệ đưa ra lời khuyên cho chị H. không cần dùng đến những loại thuốc bổ thần kinh đắt tiền - những loại thuốc chủ yếu khiến đơn thuốc của chị H. 2 năm qua lúc nào cũng ở mức vài triệu đồng. 

Bằng những giải thích cặn kẽ, vị bác sĩ đã giải tỏa được tâm lý cho người phụ nữ này. Rằng với đa số các trường hợp bị phình động mạch não thì những túi phình không to lên và không gây nguy hiểm. Để theo dõi, mỗi năm chị H. nên đi chụp cắt lớp mạch định kì một lần. Để giảm chi phí, chị H. hoàn toàn có thể chụp tại cơ sở y tế ở Hải Phòng theo chế độ bảo hiểm y tế. 

PGS. Hệ nhấn mạnh rằng trong trường hợp này người bệnh chỉ cần chụp cắt lớp mạch - vừa giảm chi phí vừa chuẩn xác. Không cần chụp cộng hưởng từ mạch vì phương pháp này được sử dụng tốt hơn khi chẩn đoán u não.

Chị H. chỉ là một trong nhiều trường hợp người bệnh mang nỗi lo bị "phình động mạch não" đến gặp các bác sĩ ở BV Hữu nghị Việt Đức để được khám và tư vấn. Vì đây là hiện tượng khá hay gặp, khoảng 3-5% dân số bị phình động mạch não.

Phình động mạch não có nguy hiểm không?

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ thì dị dạng mạch não có nhiều thể, nhưng 2 thể phổ biến là phình động mạch não và u máu não. Phình động mạch não là khi một vị trí nào đó của động mạch não bị phồng lên hình túi hoặc hình thoi. Nguyên nhân của phình động mạch não hiện vẫn chưa xác định rõ. 

Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị phình động mạch não được ghi nhận như chấn thương, nhiễm trùng, huyết áp cao, hút thuốc, bệnh thận. Một số ít trường hợp phình mạch não xảy ra ở thai nhi khi còn nằm trong bụng mẹ liên quan đến sức khỏe người mẹ, không phải do yếu tố di truyền.

PGS.TS Đồng Văn Hệ đang khám và tư vấn cho bệnh nhân N.T.H. (Hải Phòng) về phình động mạch não.

Tuy tỉ lệ dân số bị phình động mạch não khá cao, nhưng phần lớn không cần điều trị vì kích thước nhỏ và không phình to theo thời gian, không có triệu chứng và không được chẩn đoán. Điều đó có nghĩa không phải ai bị phình động mạch não cũng nguy hiểm tới tính mạng. Phình động mạch não chỉ gây nguy hiểm nếu vỡ, hoặc to chèn ép vào tổ chức xung quanh. Tuy nhiên tỉ lệ vỡ túi phình mạch não rất ít, chỉ chiếm khoảng 0,25% trong số những người bị phình động mạch não.

Đầu tháng 10 vừa qua, bà V.H.H. (64 tuổi) đến BV Hữu nghị Việt Đức khám bệnh. Theo bà H. thì sức khoẻ của bà hoàn toàn bình thường, chỉ có điều mắt bà bị mờ dần đi. Ban đầu bà H. nghĩ do tuổi già nên mắt mờ là điều bình thường, nhưng khi mắt trái gần như mờ hoàn toàn, mắt phải thị lực còn 50% thì gia đình vội vàng đưa bà đi khám ở bệnh viện tuyến dưới. Kết quả chụp chiếu hoàn toàn bất ngờ khi bác sĩ phát hiện ra trong đầu bà H. có một khối u rất to, nghi ngờ u não. 

Bà H. được chuyển lên khoa Thần kinh nội, BV Hữu nghị Việt Đức. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán không phải u não mà bà bị phình động mạch não thể đặc biệt: khối phình khổng lồ có kích thước lên tới hơn 6cm (trong khi bình thường chỉ 3-6mm) gây chèn ép dây thần kinh và ảnh hưởng lớn tới thị lực. 

Theo nhận định của PGS.TS Đồng Văn Hệ thì trường hợp này khá phức tạp, sẽ phải chia thành nhiều giai đoạn điều trị. Đầu tiên là tạo hình mạch máu mới, sau đó đưa vào mạch máu mới lên não. Sau đó mới xử lý chỗ phình mạch vì liên quan đến khá nhiều cấu trúc.

Rất nhiều người bệnh tìm đến Khoa Phẫu thuật thần kinh - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để được khám và tư vấn về phình động mạch não.

Trường hợp của bà H. cũng như nhiều trường hợp bị phình động mạch não chưa vỡ khác chỉ được chẩn đoán tình cờ khi chụp não. Khi túi phình to nhưng chưa vỡ có thể chèn ép và gây ra các triệu chứng không đặc hiệu như đau đầu (triệu chứng giống đau nửa đầu), tê bì vùng vận động, chèn ép dây thần kinh số III gây sụp mi mắt, chèn ép dây thần kinh số II gây mờ mắt hoặc mù. 

Chỉ khi túi phình bị vỡ gây chảy máu não thì người bệnh mới có nhiều biểu hiện: đau đầu đột ngột, dữ dội và khác thường (trước đó chưa từng đau như vậy), nôn, buồn nôn, lên cơn động kinh, liệt, lơ mơ và hôn mê nếu chảy máu nhiều. 

Để chẩn đoán xác định phình động mạch não, bác sỹ sẽ cho người bệnh chụp cắt lớp vi tính sọ não, cắt lớp vi tính mạch, cộng hưởng từ não, cộng hưởng từ mạch, chụp mạch máu não. Khi túi phình mạch bị vỡ sẽ có nguy cơ cao, người bệnh sẽ bị rối loạn vật nhãn, rối loạn nhìn, rối loạn cảm giác, rối loạn trung tâm hành vi, thậm chí dẫn đến tử vong.

Chung sống hòa bình

PGS.TS Đồng Văn Hệ chia sẻ rằng, tuần nào Trung tâm Phẫu thuật thần kinh cũng tiếp nhận các bệnh nhân khi đi chụp chiếu ở tỉnh, huyện tình cờ phát hiện bị dị dạng mạch não thì vô cùng lo lắng và đến tư vấn bác sĩ. Tất cả họ đều có chung câu hỏi rằng bây giờ phải làm gì để chữa trị dứt điểm? Câu trả lời là không chữa được phình động mạch não, đối với phần lớn phình mạch não không gây tai biến thì người bệnh sống chung với túi phình đó suốt đời. Do đó khi đã được các bác sĩ giải thích, tư vấn thì người bệnh không nên hoang mang lo lắng, có tinh thần lạc quan để giảm áp lực tâm lí.

Như trường hợp chị D.T.T. ở Hà Nội (sinh năm 1988) được bố đưa đến thăm khám ở BV Việt Đức trong tình trạng bị stress kéo dài. Năm 2017, trong lần đi khám tổng quát chị T. được chẩn đoán bị phình động mạch não kích thước 3,5mm, có thể phải mổ kẹp túi phình. 

Ba năm qua, phần vì thấy sức khoẻ vẫn bình thường, phần vì sinh con nhỏ nên chị "chưa dám động đến túi phình đó", nhưng nỗi lo lắng thì ngày một lớn khi thỉnh thoảng chị bị đau đầu. Gần đây chị đi chụp chiếu lại, kết quả cho thấy túi phình không to lên. PGS.TS Đồng Văn Hệ giải thích rằng hiện túi phình nhỏ và không to ra, không gây nguy hiểm nên để theo dõi chứ không cần phẫu thuật.

Với những người bị phình động mạch não thì nên "sống chung" một cách hoà bình và lành mạnh. Hãy nói không với thuốc lá, rượu bia, ăn uống khoa học, chăm tập thể dục, đừng để béo phì, mỡ máu, huyết áp cao để giảm nguy cơ túi phình to lên và vỡ ra. Đừng lạm dụng thuốc bổ thần kinh với hy vọng sẽ chữa được phình mạch não. PGS Hệ cho biết có không ít trường hợp bệnh nhân vì lo quá dốc hết tiền đi mua thuốc bổ như trường hợp chị H. ở Hải Phòng, vừa tốn tiền vừa không hiệu quả.

Khi đã phát hiện bị phình động mạch não, bệnh nhân cũng cần đi chụp chiếu định kỳ hàng năm để theo dõi, đối chiếu. Nếu khối phình mạch to lên theo thời gian chèn ép các tổ chức xung quanh, hoặc túi phình động mạch não lớn có nguy cơ vỡ thì sẽ điều trị bằng cách mổ kẹp túi phình hoặc can thiệp nút mạch - đây là hai phương pháp điều trị thường quy ở nhiều cơ sở y tế. 

Nếu túi phình lớn hơn 5mm, nguy cơ vỡ cao nên bác sĩ thường khuyến cáo cần can thiệp. Những yếu tố như kích thước, vị trí, hình thái túi phình; tiền sử bệnh, tiền sử gia đình và tuổi của người bệnh sẽ ảnh hưởng tới tỉ lệ vỡ túi phình. 

Ngoài ra túi phình ở vị trí động mạch thông trước, động mạch thông sau, động mạch não trước, động mạch não giữa, hệ động mạch sau cũng nên can thiệp.

Người có biểu hiện đau đầu nhiều, đau đột ngột, tê bì nửa người, liệt, mờ mắt, sụp mi, động kinh hoặc co giật nên đến ngay các cơ sở y tế thăm khám. Đặc biệt, người trưởng thành lần đầu tiên bị co giật phải đến viện để tiến hành tầm soát, tìm nguyên nhân, rất có thể bị phình động mạch não, nếu để lâu túi phình dễ vỡ.

Còn với các trường hợp nghi vỡ túi phình cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cấp cứu, chẩn đoán và chuyển đến điều trị chuyên khoa. Tránh trường hợp bằng mọi giá đưa bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên điều trị, do thời gian di chuyển xa đã để tuột mất giai đoạn vàng để điều trị cho bệnh nhân (PGS.TS Đồng Văn Hệ khuyến cáo).

Huyền Châm
.
.