Phô trương sức mạnh, CHDCND Triều Tiên tổ chức triển lãm hàng không

Thứ Sáu, 30/09/2016, 12:00
Bất chấp lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc - trong đó có những điều khoản nhằm hạn chế năng lực hàng không - ngày 24/9/2016, CHDCND Triều Tiên lần đầu tiên đã tổ chức một cuộc triển lãm với tên gọi "Triển lãm Hàng không thân thiện quốc tế Wonsan" tại sân bay Kalma, thuộc thành phố cảng Wonsan và đồng thời cũng là một căn cứ hải quân ở tỉnh Kangwon.

Tuy nhiên, nhiều khách du lịch nước ngoài - trong đó có những người từng là phi công quân sự lẫn dân sự - sau khi chứng kiến buổi triển lãm đều cho rằng đây thực chất là một cuộc trưng bày… "đồ cổ".

Mở đầu cuộc triển lãm kéo dài trong 2 ngày với sự tham dự của hàng nghìn người dân Triều Tiên cùng hơn 200 du khách và các nhà báo nước ngoài là màn bay lượn của 4 chiếc trực thăng MD500 do hãng Hughes Helicopters, Mỹ, chế tạo, được Triều Tiên đặt mua 85 chiếc thông qua một quốc gia thứ ba hồi năm 1985 nhằm tránh né lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc. 

Sau đó, không quân nước này đã cải tiến ít nhất 60 chiếc để phục vụ cho mục đích quân sự, chủ yếu là gắn thêm súng máy 7,62mm và tên lửa chống tăng AT 3 Sagge điều khiển bằng dây dẫn, do Liên Xô trước đây chế tạo.

Máy bay mô hình F16 đỗ trước một máy bay thương mại IL 18 của hãng Hàng không Air Koryo trong cuộc triển lãm hàng không.

Tiền thân của MD500 là trực thăng quân sự OH6 Cayuse, bay lần đầu tiên năm 1963, được người Mỹ đưa sang Việt Nam năm 1965, làm nhiệm vụ trinh sát, cứu thương, thả và vớt biệt kích. Đến năm 1975, hãng Hughes Helicopters phát triển chiếc OH6 thành phiên bản dân sự MD500. Hiện tại, ngoài cảnh sát và lực lượng phòng cháy chữa cháy Mỹ, chỉ còn 7 quốc gia vẫn đang sử dụng loại máy bay này - chủ yếu cũng là trang bị cho cảnh sát bởi lẽ vận tốc tối đa của chiếc MD500 chỉ có 232km/giờ, tầm hoạt động 605km và chỉ chở được 5 người - kể cả phi hành đoàn.

Không chỉ có những chiếc MD500, cuộc triển lãm còn phô ra những loại "đồ cổ" như máy bay phản lực tiêm kích MiG 17, MiG 19, MiG 21, Su 23, mua từ Liên Xô trước đây cùng máy bay tiêm kích J-10, "hàng nhái" của Trung Quốc. Rim Sol, phi công Triều Tiên đứng cạnh chiếc MiG-21 trên đường băng nói với vẻ tự hào: "Chiếc máy bay này có tốc độ  nhanh hơn và cơ động cũng nhanh hơn so với các máy bay khác. Vì vậy phi công có rất ít thời gian để suy nghĩ mà phải đưa ra quyết định tức thì".

Bên cạnh đó, còn có các máy bay thương mại như Antonov AN-24, Ilyushin IL-18, Tupolev TU-134. Cả 3 dòng máy bay này đều đã bị ngành hàng không dân dụng của nhiều nước trên thế giới loại khỏi biên chế từ hơn hai chục năm nay.

Raph Dullen, phi công máy bay tiêm kích F15 thuộc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu, đến Triều Tiên du lịch cho biết: "Họ - tức Không quân Triều Tiên - đi sau thế giới hàng chục năm. Tôi không rõ bên trong họ còn những loại chiến đấu cơ hiện đại nào khác không, nhưng những thứ mà họ đưa ra biểu diễn, phần lớn là đồ cổ".

TU 134 chẳng hạn, bay thử nghiệm năm 1963, đưa vào khai thác năm 1966. Tháng 9-1967, nó thực hiện chuyến bay quốc tế đầu tiên từ Moscow đến Adler. Đây cũng là loại máy bay chuyên chở hành khách đầu tiên của Liên Xô được Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO) cấp giấy chứng nhận, cho phép nó được hoạt động trên các đường bay quốc tế. Do giấy chứng nhận này, TU 134 trở thành đội máy bay chủ lực của Hãng Hàng không Liên Xô Aeroflot trong suốt 3 thập niên 1970-1990.

Cuối năm 1995, nhiều nước trên thế giới ngừng sử dụng TU 134 để chuyên chở hành khách (trong đó có Việt Nam). Tại Nga, mãi đến năm 2011, TU 134 mới chấm dứt sự nghiệp sau vụ rơi làm chết 47 người trong chuyến bay 9605 của Hãng hàng không Nga Rusair.

Tính đến tháng 5-2016, chỉ còn 7 chiếc TU 134 đang hoạt động, trong đó Hãng Hàng không Air Koryo của Triều Tiên sở hữu 2 chiếc. McCulloch, phi công dân sự, hiện đang bay cho một công ty hàng không tư nhân ở Miami, bang Florida, Mỹ, thì nói rằng ông rất thú vị khi nhìn lại chiếc TU 134 mặc dù từ lâu, ICAO đã không cho phép nó cất, hạ cánh xuống phần lớn các sân bay ở châu Âu vì tiếng ồn.

McCulloch nói: "Dù có nhiều hạn chế về mặt kỹ thuật như mức tiêu thụ nhiên liệu cao, tiếng nổ động cơ khá lớn, chi phí bào dưỡng đắt so với những dòng máy bay tương tự như McDonnell Douglas DC-9, Mỹ, Sud Aviation Caravelle, Pháp, BAC One-Eleven, Anh, nhưng không thể phủ nhận rằng nó đã từng có thời làm mưa làm gió trên trời với 42 quốc gia sử dụng nó, trong đó nhiều chiếc mỗi ngày cất, hạ cánh những 12 lần".

Người dân Triều Tiên vẫy tay reo hò khi xem màn biểu diễn của trực thăng MD500.

Sau màn trình diễn của trực thăng MD500 là màn nhào lộn của những chiếc tiêm kích MiG-29 Fulcrum - loại máy bay được xem là tiên tiến nhất trong lực lượng không quân Triều Tiên.

Điểm nhấn của cuộc triển lãm là tiếng gầm rú của những chiếc phản lực tiêm kích mô hình F16, kích thước chỉ bằng 1/6 so với máy bay thật, và được giới thiệu rằng đây là chiến đấu cơ không người lái (UAV), điều khiển từ xa nhưng các quan chức Triều Tiên từ chối bình luận về nguồn gốc của các mô hình này. Theo hãng tin Bloomberg, cuộc triển lãm đã được lên kế hoạch từ trước khi Triều Tiên thử đầu đạn hạt nhân lần thứ 5, diễn ra vào ngày 9-9-2016.

F16 Fighting Falcon là dòng máy bay phản lực chiến đấu tiên tiến do hãng General Dynamics (nay là tập đoàn Lockheed Martin, Mỹ) chế tạo cho Không quân và Hải quân Mỹ. Bay lần đầu vào ngày 20-1-1974.

Tính đến tháng 7-2016, đã có 4573 chiếc, đang hoạt động trong lực lượng không, hải quân của 27 nước trên thế giới. Nó có tốc độ tối đa 2.120km/giờ, bán kính tác chiến 550km, mang được 3,5 tấn vũ khí, kể cả bom hạt nhân. Sự xuất hiện của máy bay mô hình F16 tại triển lãm Wonsan đã làm ngạc nhiên nhiều nhà quân sự. Giáo sư Jeremy Corbyn, chuyên gia phân tích tình hình Triều Tiên thuộc Đại học York cho rằng việc đưa mô hình F16 ra biểu diễn thể hiện sự phẫn nộ của Bình Nhưỡng về sự hiện diện của quân đội Mỹ và các căn cứ không quân Mỹ ở Hàn Quốc, nhất là sau việc Mỹ điều máy bay ném bom B1 Lancer đến gần khu phi quân sự chia cắt 2 miền Triều Tiên vì vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng ngày 9-9-2016.

Wonsan là sân bay quân sự lớn thứ 2 của Triều Tiên. Tháng 7-2014, Bình Nhưỡng đã bỏ ra 130 triệu USD để biến nơi này thành một sân bay dân sự, có thể phục vụ hơn 2.000 lượt hành khách mỗi ngày.

Tim Page, phóng viên hãng Bloomberg cho biết trong những ngày diễn ra triển lãm hàng không, đường phố Wonsan được trang trí bằng rất nhiều hoa cùng những tấm áp phích lớn với những lời chào mừng gửi đến du khách, các nhà ngoại giao làm việc ở Bình Nhưỡng, nhân viên của các tổ chức nhân đạo và các nhà báo nước ngoài.

Bên cạnh đó, còn có các chương trình hòa nhạc, các buổi biểu diễn môn võ cổ truyền Taekwondo cũng như một lễ hội bia. Một quan chức trong ngành du lịch Triều Tiên cho biết việc đưa vào hoạt động sân bay mới và cuộc triển lãm hàng không có thể làm tăng lượng khách du lịch quốc tế đến Wonsan, nơi có ngọn núi Kumgang, khu nghỉ dưỡng, trượt tuyết Alpine, trung tâm vui chơi giải trí dành cho trẻ em cùng các ngôi cổ tự Phật giáo, các thác nước, sông hồ.

Theo lệnh cấm vận, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu các nước thành viên không mua bán, trao đổi tất cả các loại nhiên liệu dùng cho các loại máy bay phản lực của Triều Tiên nhưng trong một báo cáo gần đây, Viện an ninh Nautilus, Mỹ, cho biết nguồn xăng dầu dự trữ trong nước đủ để duy trì hoạt động của không quân Triều Tiên, cũng như đủ để tiến hành tập trận hàng năm nhưng với tần suất thấp. Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, Anh, Pháp, Đức…, thì qua cuộc triển lãm, có thể thấy kỹ thuật hàng không của Triều Tiên vẫn còn khá lạc hậu.

V.C. (tổng hợp)
.
.