Phòng chống MERS-CoV: Phải có kế hoạch lâu dài

Thứ Ba, 16/06/2015, 17:45
MERS-CoV là bệnh viêm đường hô hấp do virus Corona có nguồn gốc từ dơi và "ổ chứa" chính là lạc đà. Bệnh lưu hành chủ yếu ở vùng Trung Đông với 85% ca bệnh được ghi nhận. Và đến ngày 8/6 có 1.209 ca mắc, 449 trường hợp tử vong tại 26 quốc gia. Có 9 nước có ca bệnh tại chỗ và 17 nước có ca bệnh xâm nhập, trong đó có Hàn Quốc.

Thông báo mới nhất của Bộ Y tế Hàn Quốc ngày 10/6 cho biết đã có thêm 13 trường hợp nhiễm mới MERS-CoV và thêm 2 trường hợp bị tử vong do căn bệnh này, nâng tổng số người bị mắc tại quốc gia này lên 108 người, trong đó có 9 trường hợp tử vong. Số người bị cách ly với các mức độ khác nhau lên gần 3.000 người và có hơn 2.000 trường học bị đóng cửa.

Hệ thống đo thân nhiệt từ xa tại Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất với khách nhập cảnh từ vùng dịch.

Đại diện của WHO khẳng định: Còn lạc đà chung sống trong cộng đồng của con người, nhất là tại các nước Trung Đông thì cũng có nghĩa, con người nên xác định, phải có kế hoạch lâu dài đối phó với sự hoành hành của virus MERS-CoV. Đã có nhiều thảo luận, tranh cãi trong việc truy tìm nguồn gốc của virus này từ đâu. Việc phơi nhiễm xảy ra do bị trực tiếp dịch tiết, nước bọt từ người bệnh bắn, văng vào.

Cũng chưa có khẳng định "chắc chắn" là con người bị lây nhiễm virus MERS-CoV từ tiếp xúc trực tiếp với lạc đà, nhưng đã có trường hợp phát hiện việc lây nhiễm có liên quan tới việc tiếp xúc lạc đà bị ốm, từ việc uống sữa lạc đà tươi. Song lại có trường hợp mắc bệnh nhưng không có tiếp xúc lạc đà.

Mỗi ngày Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất đón khoảng 1.200 khách Hàn Quốc.

Do vậy, cho tới nay, virus MERS-CoV chính thức nằm ở đâu vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Chỉ biết rằng, khi virus được cho rằng lây truyền từ lạc đà sang người thì đã ghi nhận những trường hợp lây từ người sang người mà ta gọi là lây truyền thứ phát. Trong đợt dịch MERS-CoV lần này, ghi nhận tới 50% ca bị lây nhiễm là từ môi trường bệnh viện. Ngoài ra cũng có sự lây lan trong một hộ gia đình (chiếm 4% số các trường hợp).

Phó giáo sư - Tiến sĩ (PGS-TS) Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khẳng định, cho tới thời điểm này, chưa ghi nhận trường hợp nhiễm MERS-CoV nào tại Việt Nam. Tuy nhiên, nguy cơ vào Việt Nam là rất lớn, nhất là người Hàn Quốc vào Việt Nam qua con đường nhập cảnh quá đông tại khu vực sân bay, cửa khẩu quốc tế. Bộ Y tế đã có kế hoạch ban hành phòng chống dịch nguy hiểm này từ năm 2012 khi nhận thấy tình hình dịch phức tạp tại các nước Trung Đông.

Và đã đưa ra những kế hoạch phòng chống cụ thể với các tình huống, trong đó có tình huống 1 (Việt Nam đang ở tình huống này): Mục tiêu là phát hiện sớm ca bệnh, đặc biệt tránh lây lan cho cán bộ y tế và phòng chống nhiễm chéo trong bệnh viện. Tình huống 2: Khi có ca bệnh xâm nhập. Mục tiêu đặt ra: khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch và hạn chế thấp nhất lây lan cộng đồng. Tình huống 3: Khi dịch đã lây lan rộng trong cộng đồng, mục tiêu đặt ra là phải đáp ứng, xử lý nhanh, kịp thời, triệt để dập ổ dịch và điều trị tích cực nhằm hạn chế thấp nhất tỉ lệ mắc và tử vong.

PGS-TS Trần Đắc Phu cho biết, ngành y tế Việt Nam đã thể hiện "phản ứng nhanh" ngay khi vào ngày 19/5 Hàn Quốc công bố có ca bệnh đầu tiên, ngày 20/5/2015, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký Công điện gửi tới UBND 63 tỉnh, thành về việc phối hợp phòng chống bệnh MERS-CoV.

Ngày 3/6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện khẩn cấp về phòng chống dịch, và ngay sau đó Ban chỉ đạo phòng chống dịch từ Trung ương tới địa phương, giữa các ban ngành đã họp, khởi động. Trong đó, giám sát dịch tễ là vô cùng quan trọng, ngày 5/6, chính thức áp dụng tờ khai y tế cho các hành khách nhập cảnh từ Việt Nam từ Hàn Quốc, từ 9 nước Trung Đông...

Khu vực phòng cách ly với trường hợp nghi ngờ mắc hội chứng MERS -CoV tại Sân bay Tân Sơn Nhất.

Nhờ đó, các ca nghi ngờ vừa qua như 2 trường hợp vào Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, 1 trường hợp đi từ Dubai về Bình Dương; 1 bệnh nhân nữ đã được cách ly tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ được xét nghiệm tại Viện Pasteur TP HCM cũng đã có kết quả âm tính với virus MERS-CoV bằng phương pháp RT-PCR,… tất cả đều đã được điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính.

Ngày 10/6, báo cáo của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, 5 bệnh nhân có độ tuổi từ 3 đến 54 tuổi (4 người ở Hà Nội và  1 người ở Phú Thọ) trở về từ Hàn Quốc và Trung Quốc, nhập viện từ ngày 2 đến ngày 8/6. Các bệnh nhân này được cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tại bệnh viện, kết quả đều âm tính với virus gây MERS-CoV, sức khỏe bệnh nhân ổn định và ra viện. Như vậy, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc MERS-CoV.

Huyền Nga
.
.