Phước Lộc, Quảng Nam: Đừng để bệnh bạch hầu tái phát

Thứ Sáu, 24/07/2015, 15:55
1. Là địa phương hẻo lánh nhất của huyện miền núi Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam, xã Phước Lộc có dân số 846 người, phần lớn là người dân tộc M'Nông. Đường từ Đà Nẵng đi Đại Lộc lên Phước Sơn khá tốt nhưng từ thị trấn Phước Sơn vào xã Phước Lộc lại gian nan, vất vả mặc dù người bạn tôi, bác sĩ (BS) Thanh đã mượn người bạn chiếc ôtô hai cầu.

Thanh cho biết: "Trong những năm qua, chương trình tiêm chủng mở rộng thực hiện tại huyện Phước Sơn đạt 95% nhưng riêng xã Phước Lộc lại không đạt mà nguyên nhân do xã chưa có điện nên không có hệ thống bảo quản vắcxin. Chưa kể tập tục của người dân là hầu hết thời gian trong năm, họ sống ở nương, rẫy, cách xa nhà 3 hoặc 4 tiếng đồng hồ đi bộ, đau ốm thì cúng bái hoặc tự uống những loại củ cây rễ lá theo kiểu chữa truyền khẩu, có đưa đến bệnh viện thì bệnh cũng đã nặng nên việc tìm gặp con em họ để thực hiện tiêm chủng đồng loạt là việc khó bởi một số nương rẫy cách xa nhau đến nửa ngày đường".

Tìm hiểu thêm, tôi còn được biết 2 năm trước, sau khi xảy ra cái chết của 7 người - mà dân trong xã tin rằng do "ma rừng" bắt, hàng chục hộ dân thôn 8B, xã Phước Lộc đã bỏ nhà vào rừng sống biệt lập. Phải mất một thời gian, chính quyền địa phương mới thuyết phục được một số quay trở lại sau khi đã dựng nhà cho họ, còn số khác vẫn ở trong rừng! Bây giờ, khi bệnh bạch hầu xuất hiện, chính quyền lại lo người dân bỏ làng đi tiếp!

2. Theo báo cáo của ngành y tế huyện Phước Sơn, bệnh bạch hầu khởi phát tại xã Phước Lộc vào cuối tháng 6/2015 nhưng trước đó, khi thấy thôn 8B có người chết rồi gia đình họ đến trụ sở Ủy ban xin tiền về chôn cất, cán bộ xã mới hỏi nguyên nhân. Lúc được nghe trả lời là "đau trong họng" thì ngay lập tức, Trạm Y tế đã cử cán bộ xuống tận nơi xem xét.

Kết quả kiểm tra cho thấy tháng 5 vừa qua, thôn 8A, 8B có 3 người chết vì "đau trong họng" là Hồ Thị Hai, chết ngày 12/5, Hồ Văn Sừa, chết ngày 18-5 lúc mới 4 tuổi và Hồ Thị Mị, chết ngày 30/5. Ông Hồ Văn Biên, cha cháu Sừa nói: "Đi làm rẫy, đem con theo nhưng hắn kêu bị đau ở cổ rồi chết. Mấy bữa nay thấy có thêm nhiều người khác chết nên sợ lắm".

Giả mạc trong họng người mắc bệnh bạch hầu.

Đến đầu tháng 7, bệnh "đau trong họng" lại xuất hiện ở cả hai thôn vừa nói nhưng lần này có 13 người mắc phải. Trong bản ghi chép của BS Thanh, tôi đọc thấy: "Ngày 7/7, bệnh nhân Hồ Thị Nảy, 26 tuổi chết sau 2 ngày bị bạch hầu. Hồ Thị Viên, 17 tuổi, chết ngày 11/7 và Hồ Văn Quý, 16 tuổi, chết ngày 12/7 với cùng nguyên nhân".

Một người trong gia đình chị Nảy cho biết chiều ngày 4/7, Nảy kêu đau trong cuống họng, nuốt khó. Qua ngày 5, Nảy sốt, không ăn uống được. Hôm sau, cổ họng sưng to rồi đến chiều ngày 7 thì chết. Riêng với Hồ Thị Viên và Hồ Văn Quý, lúc phát hiện cả hai cùng "đau trong họng", Trạm Y tế xã Phước Lộc đã chuyển ngay về Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn rồi nơi này chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam nhưng do bệnh nặng nên cả hai đều tử vong, trong đó Hồ Thị Viên chết tại Trung tâm Y tế Phước Sơn do tự ý bỏ về…

3. Bệnh bạch hầu (Diphtheria) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây nên do nội độc tố của vi khuẩn bạch hầu, tên khoa học là Corynebacterium diphtheriae. Chữ Diphtheria bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp Diphtherà - nghĩa là "mảnh da động vật" bởi trong họng, trong mũi hoặc trên da của người mắc bệnh thường xuất hiện một lớp màng giả nhìn loang lổ như da bò.

Bệnh bạch hầu được ông tổ nghề Y là Hippocrates miêu tả lần đầu tiên vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên. Năm 1735, nó gây ra một trận đại dịch ở các thuộc địa của Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha tại châu Mỹ với hơn 60.000 người chết.

Năm 1883, lần đầu tiên BS Klebs Loeffler quan sát được vi khuẩn bạch hầu ở màng giả bạch hầu. Một năm sau đó, bác sĩ Loeffler dựa vào những suy đoán của Robert Koch - là một nhà vi trùng học, người phát hiện ra vi khuẩn gây bệnh lao - Loeffler đã nuôi cấy được vi khuẩn bạch hầu nên vì vậy, nó còn được gọi là trực khuẩn Loeffler. Cũng trong năm đó, Loeffler đưa ra kết luận rằng vi khuẩn bạch hầu có khả năng sản xuất ra một loại độc tố hòa tan, gây chết người - trong đó chủng Gravis gây chết nhiều nhất.

Cấp thuốc điều trị dự phòng cho người dân xã Phước Lộc.

Càng về sau, y học càng hiểu rõ hơn về cơ chế gây bệnh bạch hầu cùng những biến chứng của nó. Trải qua nhiều nghiên cứu, thử nghiệm, năm 1960, vắcxin ngừa bệnh bạch hầu hiệu quả nhất đã chính thức được đưa vào sử dụng.

Ổ chứa mầm bệnh bạch hầu chính là con người. Bệnh lây truyền từ người này sang người kia thông qua dịch tiết của đường hô hấp khi ho, hắt hơi, nói chuyện. Theo BS Thanh, khả năng lây nhiễm tùy thuộc vào độc lực của vi khuẩn trong dịch tiết hô hấp. Thời gian mà một người mang vi khuẩn bạch hầu có thể lây cho người khác là khoảng 2 tuần nhưng những người mang vi khuẩn mạn tính có thể tán phát vi khuẩn trong 6 tháng.

Khi xâm nhập hầu họng, trực khuẩn Loeffler tiết ra độc tố gây ức chế quá trình tổng hợp của tế bào khiến tế bào bị chết rồi hình thành các màng giả tại chỗ. Tiếp theo, độc tố bạch hầu vào máu, theo hệ tuần hoàn đi khắp cơ thể. Nó chính là nguyên nhân gây nên bệnh lý cho các cơ quan khác như viêm cơ tim, viêm dây thần kinh, giảm tiểu cầu và protein niệu.

Lúc khởi phát, người bệnh bị viêm họng âm ỉ, mệt mỏi toàn thân, đau họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 2 đến 3 ngày, trong họng có một lớp màng màu trắng xanh xuất hiện rồi lan rộng dần. Lớp màng này có thể chỉ khu trú ở khu vực hạnh nhân (thường gọi là Amiđan) hoặc có thể lan rộng, bao phủ cả màn hầu khiến họ thấy đau khi nuốt. Phần lớn những người nhiễm bạch hầu nếu không phát hiện sớm thì khi chuyển đến bệnh viện, lớp màng giả này đổi sang màu xanh xám, có người có màu đen do xuất huyết.

BS Thanh nói: "Nếu người bệnh hấp thu nhiều độc tố thì có thể có những biểu hiện nhiễm độc như phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, phù nề ở vùng dưới hàm và sưng các hạch bạch huyết ở vùng cổ, tạo thành dấu hiệu lâm sàng rất đặc trưng gọi là "bạnh cổ bò". Người bệnh có sốt nhưng không sốt cao mặc dù họ nhiễm độc rất nặng. Khi ấy, hầu hết đều đờ đẫn, hôn mê rồi tử vong trong khoảng từ 3 đến 10 ngày".

Bên cạnh bệnh bạch hầu họng, còn có bạch hầu thanh quản do bạch hầu họng lan xuống nhưng cũng có thể do bệnh tại chỗ. Đây là thể bệnh tiến triển rất nhanh và vô cùng nguy hiểm. Dấu hiệu lâm sàng gồm sốt, khàn giọng, ho ông ổng như chó sủa. Và bởi vì thanh quản là nơi hẹp nhất của đường thở nên nếu màng giả bạch hầu phát triển ở đây, nguy cơ gây tắc nghẽn đường thở rất nhanh, dẫn đến hôn mê rồi tử vong. Theo BS Thanh, tỉ lệ tử vong của bệnh bạch hầu dường như không thay đổi suốt 50 năm qua, trong đó biến chứng thường gặp nhất là chết vì viêm cơ tim.

Phun thuốc khử trùng, tiêu độc tại xã Phước Lộc.

4. Trở lại với bệnh bạch hầu ở xã Phước Lộc, ông Huỳnh Tấn Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cho biết hiện có 6 bệnh nhân trong độ tuổi từ 2 đến 45 ở hai thôn 8A, 8B được điều trị tại đây, tất cả đã tương đối ổn định nhưng vẫn cần phải theo dõi thêm từ 7 đến 10 ngày nữa.

Thế nhưng, có lẽ tưởng rằng mình đã khỏe nên những bệnh nhân ấy cứ nhất quyết xin về mặc dù BV đã hết lời động viên, giải thích. Chẳng đặng đừng, BV phải cho xe đưa họ về. Bệnh nhân Hồ Văn Xéo, 25 tuổi, nói: "Được bác sĩ khám bệnh, tiêm thuốc nên không còn đau ở cổ nữa. Ăn uống, nói năng được rồi nên tôi xin về thôi" (?!).

Để phòng chống dịch bệnh lây lan, Trung tâm Y tế Phước Sơn đã cấp tốc thành lập trạm y tế dã chiến với 7 y, bác sĩ nhằm theo dõi và điều trị tiếp cho những người xin về, cũng như kịp thời xử lý nếu phát sinh thêm những ca bệnh mới.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn đồng thời tiến hành các biện pháp tiêu độc, khử trùng, tuyên truyền vận động người dân hạn chế đến mức tối đa việc tiếp xúc, trò chuyện, ăn uống chung với người có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh. Một bác sĩ thuộc trạm y tế dã chiến cho biết anh vừa đến thăm khám cho con gái của ông Hồ Văn Thiêng ở thôn 8B, có triệu chứng của bệnh bạch hầu nhưng lại không chịu đi bệnh viện.

Trước đó, nghe nói ông Thiêng đã mượn nợ hơn chục triệu đồng để mua trâu về "cúng ma" cho con gái ông: "Chúng tôi đã cấp thuốc đặc trị, yêu cầu bệnh nhân phải uống tại chỗ và dặn người nhà báo ngay cho trạm khi bệnh nhân xuất hiện những dấu hiệu bất thường".

Theo ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, bộ phận nghiệp vụ của Sở đã lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm nhanh, cũng như gửi mẫu xuống Viện Pasteur Nha Trang. Kết quả cho thấy trong 7 mẫu gửi xuống Viện Pasteur Nha Trang thì có 1 mẫu dương tính với vi khuẩn bạch hầu, còn 6 mẫu kia âm tính.

Tuy nhiên, cả Sở Y tế Quảng Nam lẫn Viện Pasteur Nha Trang đều thống nhất rằng tại xã Phước Lộc, đã xuất hiện ổ dịch bạch hầu. Bên cạnh đó, Sở cũng cử Đội chống dịch cơ động của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh trực tiếp xuống địa bàn đang xảy ra dịch, phối hợp cùng Trung tâm Y tế Phước Sơn và Trạm Y tế xã Phước Lộc đến từng nhà dân điều tra nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để cách ly, xử lý kịp thời.

Về phía Bộ Y tế, ngay sau khi nhận được thông tin về các trường hợp có biểu hiện của bệnh bạch hầu xảy ra tại xã Phước Lộc, Bộ đã có công điện chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam triển khai quyết liệt các biện pháp phòng bệnh.

Cùng với Sở Y tế Quảng Nam, Viện Pasteur Nha Trang cũng cử đoàn công tác do một cán bộ lãnh đạo Viện làm trưởng đoàn, trực tiếp vào vùng dịch để hỗ trợ. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy các trường hợp mắc bệnh bạch hầu đều tập trung tại hai thôn 8A và 8B. Phần lớn bệnh nhân có quan hệ gia đình hoặc thường xuyên gần gũi tiếp xúc nhưng từ nhiều năm nay, chưa hề một ai đi tiêm chủng vắcxin ngừa bạch hầu.

Một bác sĩ thuộc Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cho biết, tất cả người dân xã Phước Lộc đều đã được cấp thuốc kháng sinh điều trị dự phòng vì có hiện tượng người lành mang vi trùng bạch hầu.

Vẫn theo vị bác sĩ này, sắp tới đây tất cả trẻ em dưới 12 tháng tuổi trong xã sẽ được tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B…; trẻ từ 1 đến 6 tuổi được tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván còn từ 7 tuổi trở lên sẽ được tiêm vắcxin phòng bệnh uốn ván, bạch hầu: "Ngoài việc tích cực vận động bà con trong các nương rẫy về xã để tiêm chủng, chúng tôi cũng sẽ cử những nhóm tiêm chủng cơ động vào đến tận nơi để phòng ngừa trường hợp có người không muốn về…".

Theo BS Thanh, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn dẫn đến nhiễm độc cấp tính. Bất cứ người nào cơ thể chưa xuất hiện yếu tố miễn dịch, chưa tiêm phòng đầy đủ hoặc đã tiêm nhưng không sinh miễn dịch mà lại tiếp xúc gần với người mắc bệnh đều rất dễ lây chứng bệnh nguy hiểm này…

Cao Trí
.
.