Nỗi ám ảnh ngộ độc thực phẩm từ các bếp ăn tập thể

Thứ Hai, 27/04/2015, 17:40
Ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn tập thể liên tục xảy ra, nhất là khu vực các khu công nghiệp cho thấy đang có một sự lơ là đáng nguy hại đang xảy ra trong công tác quản lý chất lượng của các bếp ăn này. Ngộ độc thực phẩm hàng loạt, có chứng kiến mới thấy cảnh tượng thật kinh hoàng! Bệnh viện thành nơi điều trị dã chiến với đầy nghẹt bệnh nhân trong phòng bệnh, ngoài hành lang, hội trường… Bệnh từ miệng mà vào, điều này ai cũng biết. Vậy người ta sẽ phải đặt câu hỏi: Chiếc khay ăn cho công nhân, suất ăn cho học trò nhiễm độc từ đâu?

Bê bết bếp ăn tập thể

Ngay khi các ban ngành TP HCM vừa kết thúc chương trình tổng kết công tác Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) năm 2014, triển khai công tác 2015, thì ngày 8/3/2015, tại huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, người dân phát hiện một xe tải nhẹ chở hàng trăm kilôgam thực phẩm gồm cá điêu hồng và da heo đã bị biến chất, bốc mùi thiu thối, đang được đưa vào bếp ăn của trường Tiểu học Long Bình do Công ty Cung ứng suất ăn sẵn Chu Nhật Hào tại phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên (Bình Dương) cung cấp.

Trong khi vụ việc này còn đang trong giai đoạn thanh tra, thì trưa ngày 9/4, 15 học sinh thuộc Trường tiểu học Võ Thị Sáu (thị xã Bến Cát, Bình Dương) đã bị ngộ độc từ các món ăn do Công ty Chu Nhật Hào cung cấp. Được biết Trường tiểu học Võ Thị Sáu là một trong số gần 20 trường Tiểu học tại Bình Dương có ký hợp đồng với Công ty Chu Nhật Hào trong cung ứng suất ăn sẵn.

Còn nhớ vụ cả học sinh và phụ huynh của Trường tiểu học Nguyễn Khuyến ở quận 12 đã một phen hoảng loạn vì trên 200 em học sinh lần lượt bị triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, sốt và cứ dai dẳng suốt cả tuần không hết bệnh.

Chị Nguyễn Thị M.H., có con phải nhập viện trong vụ việc xảy ra tại trường kể: Con tôi là học sinh lớp 5 của trường. Ngay sau bữa cơm trưa, cháu và nhiều bạn cùng lớp phát hiện sao món xúc xích có vị chua “kỳ kỳ”? Nhưng vì đói nên các cháu đều ăn hết.

Trưa cùng ngày, cháu bị đầy hơi, trướng bụng, phải lên phòng y tế trường nằm, sau đó cô Hiệu trưởng cho về. Từ lúc về nhà, cháu bắt đầu đi tiêu chảy nhiều lần  tới mức đứng còn không vững. Gia đình tức tốc đưa cháu tới Bệnh viện Quận 12.

Điều lạ theo các phu huynh là: “bệnh viện khẳng định con cái chúng tôi bị ngộ độc thực phẩm nhưng nhà trường không chịu, cứ gọi là bệnh lạ?”.

Và vụ việc này khiến các phụ huynh phải bỏ công bỏ việc để vào viện chăm con, còn nhà trường với lý do trên nên chỉ gọi cho từng gia đình mà cũng không tổ chức cấp cứu kịp thời cho các cháu.

Đến khi Chi cục VSATTP TP HCM công bố kết quả điều tra vụ ngộ độc tại trường là học sinh bị lây lan vi khuẩn Samonella, hay nói trắng ra là ngộ độc thực phẩm, thì mọi sự lại đâu vào đấy như chưa từng có gì xảy ra.

Cơ quan chức năng thực hiện lấy mẫu lưu thực phẩm, tìm nguyên nhân gây ngộ độc.

Chúng tôi có dịp theo đoàn vào thăm bếp ăn của Trường tiểu học Trung Mã An ở Củ Chi trưa 12/3, khu nấu nướng nhỏ khoảng 30m2 và hoàn toàn không theo thiết kế một chiều như quy định.

Một giáo viên ở trường này cho biết, điều này thì ai cũng biết nhưng vì chủ bếp ăn ký hợp đồng cung ứng suất ăn sẵn cho nhà trường nghe đâu là người nhà của phòng giáo dục huyện nên… chẳng ai nói gì?

Mỗi ngày phụ huynh phải đóng 32 ngàn đồng cho con ăn tại trường gồm bữa trưa và bữa xế. Suất ăn gồm một món mặn, một món canh và tráng miệng.

Món hay lặp lại nhiều nhất là canh bí nấu thịt nạc lõng bõng, món tráng miệng thì một quả chuối cau, có khi là 2 quả táo nhỏ xíu. Bữa xế thì có khi là nước lèo nấu bí thịt nạc từ sáng chế thành món nui, hủ tíu… Nếu không kịp nấu món xế thì các cháu được thay thế bằng một chiếc bánh ngọt Kinh Đô và một miếng rau câu.

Một tuần các bé được uống 2 lần (tức 2 ly) sữa tươi. Nguồn gốc thực phẩm rau, thịt đều được mua ở chợ, không hề mua từ Công ty Vissan như các thầy, cô và phụ huynh nghĩ. Không thấy những người có trách nhiệm lên tiếng, phụ huynh buộc phải tự lo cho con em mình. Ban đầu số học sinh ăn bán trú là 300 em, giờ chỉ còn 95…

Chúng tôi cũng đã tiếp xúc với một nhóm nữ công nhân thuộc một công ty may giày da tại khu vực Q.12 vừa lúc các chị kết thúc ca và nghỉ ăn trưa. Các khay ăn được đưa ra gồm ít canh toàn nước và chút xíu rau cải xanh, một miếng cá ngừ kho cà chua, tôi nếm thử thấy bở bục, nhạt nhẽo vì chế biến khi không còn tươi, một quả chuối tráng miệng, ít đậu que xào.

Bữa trưa của học sinh trường Tiểu học Nguyễn Khuyến, nơi đã xảy ra “bệnh lạ” khiến trên 200 em phải nhập viện.

Các chị cho biết bữa cơm như vậy còn đỡ, có bữa chỉ có miếng trứng chiên mỏng thổi bay được, chút rau muống xào toàn cọng già mà nhai không cẩn thận còn mắc nghẹn. Tráng miệng có khi là một miếng dưa hấu, miếng củ sắn (củ đậu). Làm mệt mà cơm nấu thì khô quá nên nhiều khi nuốt không trôi nhưng vẫn phải cố ăn để giữ sức...

Khuất mắt trông coi

Được biết sau vụ ngộ độc xảy ra tại Trường THCS Long Bình ở Q.9, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đã có quy định, hiệu phó phụ trách bán trú phải chịu trách nhiệm bữa ăn học sinh và phải kiểm tra món ăn trước khi dọn ra cho các em ăn. Tuy nhiên, việc thực hiện nó thì cho đến nay, chưa ai giám sát được.

Có “luật” bất thành văn với các công ty cung cấp suất ăn sẵn là phải chiết khấu phần trăm cho người có trách nhiệm(?). Nghe đâu dao động từ 10 - 15% cho người ký hợp đồng cung ứng. Không hiểu có phải vì thế nên mỗi khi có xảy ra vụ việc, hay có phản ánh về bữa ăn kém chất lượng, hầu hết các trường đều giấu nhẹm và thậm chí “cấm cửa” các nhà báo không được tác nghiệp. Cách đưa thông tin bao giờ cũng là: Chờ kết quả xét nghiệm!

Được biết, hiện trên địa bàn TP HCM, có 1.675 trường học từ mầm non, tiểu học, nhưng chỉ có 1.376 trường có tổ chức ăn bán trú tại trường. Tức là có bếp ngay trong trường. Còn trong tổng số 498 trường tiểu học, chỉ có 251 trường có tổ chức bếp ăn, 247 đơn vị còn lại hoặc không tổ chức ăn bán trú, hoặc ký hợp đồng với các công ty cung cấp bên ngoài.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục VSATTP - Bộ Y tế, nhiều doanh nghiệp, nhà máy có suất ăn cho một công nhân chỉ có 7-8 nghìn đồng. Chưa kể lợi nhuận thì chỉ riêng với mức chi phí ấy, lấy đâu ra phần cho kiểm soát chất lượng. Một khẩu phần ăn trị giá 8 nghìn đồng sao có thể đủ chất dinh dưỡng?

Qua những lần cùng đoàn thanh tra của Sở Y tế TP HCM khảo sát tại một số nhà máy, xí nghiệp, cho thấy, khẩu phần ăn cả ngày của công nhân chỉ đáp ứng khoảng 90% nhu cầu dinh dưỡng cho lao động nam, đạt 70% so với nhu cầu năng lượng cần thiết của lao động nữ.

Bữa ăn công nhân không chỉ nghèo về giá trị dinh dưỡng mà chất lượng cũng khá thấp, không đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cơ thể người lao động phục hồi năng lượng làm việc.

Nếu ai là người thường xuyên đi chợ trễ khoảng sau 13 giờ hoặc sau 18 giờ sẽ thấy một đặc điểm chung của các chợ là có một nhóm các mối lái của người bán hàng đến mà tất cả những thứ ế thừa còn lại từ thịt vụn, da heo, nhất là các phụ phẩm heo được vơ vét tận dụng tối đa. Rau thì đã không còn tươi ngon như lúc chợ sáng nhưng mua được giá rẻ và vẫn “dùng được”. Những thực phẩm này đi về đâu trở thành món gì, ai ăn  thì chỉ có người chế biến và… trời biết!

Ngộ độc tập thể, nỗi ám ảnh của công nhân.

Trong tháng 3 vừa qua, lực lượng chức năng thuộc đoàn liên ngành VSATTP của huyện Bình Chánh đã liên tục phát hiện và bắt giữ các trường hợp kinh doanh, sản xuất thực phẩm bẩn, nhất là thịt heo đã biến chất, phụ phẩm heo, bò, gà bằng cảm quan đã thấy không đạt nhưng các chủ cơ sở vẫn thu gom, sau đó sử dụng thuốc tẩy, hóa chất đánh tan mùi hôi, thiu.

Từ những miếng da heo, thịt thừa đã thải ngoài sạp thịt, nhanh chóng “biến” thành món bì heo, thậm chí qua máy bào sợi biến thành chà bông gà. Từ đây được phân phối cho các nơi làm bánh mì chà bông, các quán cơm, căng tin trường học, bếp ăn công nhân…

Phần trăm nặng, xử phạt nhẹ

Thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo có ghi rất rõ điều khoản các trường phải thuân thủ quy định VSATTP trong nhập nguyên liệu, chế biến cũng như có cơ sở vật chất đảm bảo đủ điều kiện VSATTP với bếp ăn tại trường hay ký hợp đồng với bên ngoài cung ứng suất ăn sẵn.

Cơ quan chức năng từng xử phạt hành chính với Công ty TNHH MTV-TM Mai Xuân Quý, địa chỉ 72A/25A khu phố Bình Đường 4, phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương (đơn vị cung cấp suất ăn cho Công ty TNHH Wooyang Vina II) với tổng số tiền là 24 triệu đồng. Buộc tiêu hủy thực phẩm không đảm bảo an toàn tại kho, xử phạt và đình chỉ hoạt động từ 1 đến 3 tháng cũng như quyết định công ty phải chi trả toàn bộ phí liên quan đến vụ ngộ độc.

Xử phạt Chi nhánh Công ty TNHH SX–TM–DV Miền Nam (đường Khuông Việt, phường Phú Trung, quận Tân Phú) là đơn vị vận chuyển, cung cấp suất ăn sẵn cho Trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền số tiền là 16 triệu đồng, và phải thanh toán toàn bộ chi chí liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm do đơn vị này gây ra...

Tuy nhiên, so với mức lợi nhuận thu được, có vẻ như các quy định và mức chế tài trên chỉ như “gãi ngứa”. Ngoài ra, còn những nguy hại về mặt thể chất bởi những tác động về lâu về dài của thực phẩm bẩn đối với con người, đặc biệt là với  học sinh thì chẳng có mức xử phạt nào có thể bù đắp được.

Mua thực phẩm giá rẻ, phần trăm hoa hồng cao đang làm nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ các bếp ăn tập thể tăng cao. Năm 2014 tổng cộng có tới 194 vụ ngộ độc thực phẩm, khiến trên 5.000 người bị ngộ độc, 80% trong số đó phải nhập viện và có 43 trường hợp tử vong. Đặc biệt, thực phẩm không an toàn có chứa các vi khuẩn, virút, ký sinh trùng hoặc hóa chất có hại, là nguyên nhân của hơn 200 loại bệnh – từ tiêu chảy đến các bệnh nan y mãn tính như ung thư.

Cho dù các giải pháp mang tính “đột phá” đã được đưa ra khá nhiều như: quản lý VSATTP theo chuỗi, xử lý cơ sở vi phạm VSATTP theo luật, trang bị máy móc xét nghiệm thực phẩm công nghệ cao... nhằm truy xét thực phẩm nhiễm chất cấm, hóa chất công nghiệp làm chứng cứ xử lý hành vi buôn gian bán lận, lừa dối người tiêu dùng.

Nhưng đúng như ý kiến của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, với mức xử lý vi phạm hành chính về vi phạm quy định VSATTP hiện tại chỉ từ vài triệu tới vài chục triệu một lần thì vẫn không đủ sức răn đe.

Hóa chất ngấm vào cơ thể con người không tác dụng ngay mà nhiều năm sau mới gây hại như axít oxalic gây sỏi thận, chất tẩy rửa vệ sinh dùng tẩy thực phẩm gây viêm loét bao tử, suy thận…

Do đó, nhiệm vụ quản lý VSATTP chỉ có hiệu quả thực tế khi vấn đề sinh mạng, sức khỏe của người dân phải được coi là vấn đề hàng đầu. Trong đó mọi giải pháp không gì bằng người trực tiếp kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm phải được giám sát thật chặt.

Một khi đã không thể trông chờ vào lương tâm của người sản xuất, thì nhà quản lý phải chặt tay. Chỉ có thế mới bảo vệ được tính mạng và sức khỏe cho cộng đồng trước vấn nạn vô cùng nguy hại này!

Huyền Nga
.
.