Quinvaxem hay Pentaxim?
- Người dân nên đưa trẻ tiêm vaccine Quinvaxem1
- Tỉ lệ phản ứng của vaccine Quinvaxem và “5 trong 1” là như nhau
- Vaccine Quinvaxem an toàn và hiệu quả
VX Quinvaxem và Pentaxim cùng chống được 4 loại vi khuẩn là bạch hầu, ho gà, uốn ván, HIB (Haemophilus influenzae typ B – gây viêm màng não, nhiễm khuẩn máu), thành phần thứ 5 của Quinvaxem chống viêm gan B thì Pentaxim chống bại liệt, vì thế dùng loại nào cũng phải bổ sung 1 loại VX không có trong thành phần của nó. Sự khác biệt quan trọng là phương pháp điều chế, trong khi các thành phần của Quinvaxem (kể cả VX phòng ho gà là loại hay gây phản ứng nhất) được điều chế bằng phương pháp cũ thì VX phòng ho gà trong Pentaxim được điều chế bằng phương pháp mới - tái tổ hợp ADN chọn lọc kháng nguyên, gọi là VX vô bào.
Bé đi tiêm chủng (Ảnh minh họa). |
Phương pháp cũ có 3 cách: Một là, mầm bệnh được làm chết, như VX phòng bệnh tả, dịch hạch, viêm gan A, cúm, có nhược điểm tạo miễn dịch yếu và ngắn. Hai là, mầm bệnh được nuôi cấy trong môi trường thích hợp để độc lực của nó giảm đi (gọi là VX sống hay VX toàn tế bào), loại này tạo được miễn dịch dài lâu như VX phòng bệnh sởi, quai bị... Riêng VX phòng Lao (BCG) không phải những type gây bệnh mà là những type có đặc điểm gần giống trực khuẩn gây bệnh lao. Ba là, lấy độc chất có tác dụng gây bệnh do mầm bệnh tiết ra, nhưng khử đi hoạt tính gây độc của nó như VX phòng uốn ván, bạch hầu, cũng tạo miễn dịch dài lâu.
VX điều chế theo phương pháp cũ gây tai biến do những nguyên nhân: VX sống, giảm độc lực có thể gây bệnh cho người bị suy giảm miễn dịch. Thứ hai là tác nhân vi sinh (vi khuẩn, virus) đã làm giảm độc lực vì một lý do nào đó hồi phục lại được độc tính của nó. Ví dụ VX phòng bại liệt xác xuất này là 1/10 triệu, nghĩa là cứ 10 triệu trẻ uống VX Sabin thì có 1 trẻ bị tai biến (tỉ lệ tai biến do WHO công bố). Thứ ba là do cách chế tạo VX đã tạo ra kháng thể chống lại chính protein của cấu trúc thần kinh người. Thử nghiệm VX phòng bệnh dại trên cừu đã phát hiện bệnh tự miễn (Experimental autoimmune encephalomyelitis - EAE) với xác xuất 1/3.000 – 1/1.000. Được cho là VX chiết xuất từ não chó có những mẩu protein của mô não chó (tương tự cấu trúc protein của mô não người), vì thế cơ thể người khi tạo ra kháng thể chống mầm bệnh cũng hủy hoại cả mô não người.
Theo thống kê của WHO thì VX ho gà có thể gây sốc kèm theo di chứng thần kinh (động kinh hoặc bại liệt) cho trẻ với tỉ lệ 1/10.000 - 1/1.000.000; VX Quinvaxem có 1 đến 20 trường hợp phản ứng/1.000.000; VX viêm gan B gây sốc phản vệ với tỉ lệ 1,1/1.000.000. Cuối cùng là nguy cơ nhiễm các tác nhân gây bệnh khác trong chế phẩm VX, nhưng có thể hạn chế bằng các quy trình sản xuất, bảo quản và sử dụng chặt chẽ. VX điều chế theo phương pháp cũ có giá thành rẻ hơn nên được coi là “VX cho các nước nghèo”.
Năm 1981, VX ho gà vô bào ra đời và nhanh chóng được ưa chuộng, do công nghệ mới, ít gây phản ứng và phản ứng nhẹ hơn, được coi là giải pháp thay thế cho VX ho gà toàn tế bào nhưng giá thành cũng cao hơn nên được coi là VX cho “nhà giàu”. Tuy nhiên, đã khẳng định được sự suy giảm nhanh chóng miễn dịch ở trẻ được tiêm VX loại này. Sau 8 -15 năm chuyển đổi từ VX toàn tế bào sang VX vô bào, các nước Australia, Anh, Mỹ... đã bùng phát dịch ho gà, dù tỉ lệ tiêm chủng ở các nước này cao và đã tiêm nhắc lại ở các độ tuổi lớn hơn. Vì vậy, tháng 8-2015, WHO khuyến cáo các nước đang dùng VX ho gà toàn tế bào tiếp tục sử dụng, chưa chuyển đổi sang VX vô bào nhằm tránh nguy cơ bùng dịch, trừ khi tỉ lệ tiêm chủng thấp.
Theo PGS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TP Hồ Chí Minh, phản ứng sau tiêm Quinvaxem chỉ ở mức độ nhẹ và trung bình, còn mức độ nặng thì hiếm gặp và cả Quinvaxem và Pentaxim đều như nhau. Năm 2006, từ khi bắt đầu tiêm Quinvaxem, đã có ít nhất 5 trẻ ở Sri Lanka, 8 trẻ ở Bhutan, 3 trẻ ở Pakistan, 4 trẻ Ấn Độ, 1 trẻ ở Cộng hòa Suriname (Nam Mỹ) được kết luận là tử vong vì VX này. WHO nhận được báo cáo của nhiều quốc gia về VX Quinvaxem và đã tiến hành điều tra...
Tuy nhiên, phải nhìn nhận đúng mức rằng không có loại VX nào an toàn tuyệt đối. Ví dụ ở Mỹ, theo xác nhận của Hệ thống quốc gia về tai biến sau tiêm VX nước này thì với 86 triệu liều VX viêm gan B vô bào đã tiêm từ năm 1991 đến 1998, có 18 trẻ đã tử vong liên quan đến VX, năm 1993 có 7 trẻ tử vong sau tiêm; năm 1996 có 6 trẻ tử vong sau tiêm... 17 trong số 18 trẻ được giám định pháp y thì hầu hết được kết luận do hội chứng đột tử không liên quan đến tiêm VX viêm gan B. Bằng chứng này cho thấy VX vô bào không phải là tuyệt đối an toàn.
Từ năm 2010 đến nay ở Việt Nam đã tiêm 24,6 triệu liều Quinvaxem (khoảng 1,7 triệu trẻ/năm X 3 liều) với tỉ lệ phản ứng nặng là 4,5/1.000.000. Trong khi chúng ta mới tiêm hết 160.000 liều Pentaxim dịch vụ, cộng với 38.000 liều VX 6 trong 1 (Infanrix hexa - phòng 6 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và HIB) vừa kiểm định lâm sàng, vừa tiêm dịch vụ - một số lượng nhỏ chưa nói lên điều gì. Một thông tin cần biết là, nguồn cung ứng VX Pentaxim trên thế giới rất khó khăn. Cho đến hết năm 2016 Việt Nam vẫn tiếp tục khan hiếm VX Pentaxim.
Theo ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế thì tháng 2-2016 chỉ có 40.000 liều Pentaxim về Việt Nam. Theo Hãng Glaxo Smith Kline (Singapore) thì năm 2016 sẽ cung cấp cho thị trường Việt Nam 49.000 liều VX 6 trong 1... Có nguồn tin rằng, nếu Bộ Y tế đặt hàng với nhà sản xuất nước ngoài, cam kết số lượng thì mỗi năm Việt Nam có thể mua 500.000 liều VX Pentaxim với giá 25 USD/liều, đủ đáp ứng cho 10% gia đình có trẻ cần tiêm chủng có nguyện vọng sử dụng VX dịch vụ.
Nếu chờ đợi, nguy cơ trẻ mắc bệnh ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan B rất cao. Mới đây, năm 2013 khi tạm dừng tiêm Quinvaxem hơn 2 tháng, số ca mắc ho gà năm 2014 và 2015 tăng trở lại - đó là bệnh thấy trước mắt. Với bệnh viêm gan B, nguy cơ chỉ thấy sau 20 - 30 năm, khi người nhiễm mãn tính chuyển thành xơ gan hay ung thư gan. Mỗi năm, nếu không tiêm VX sẽ có gần 60.000 trẻ mang virus viêm gan B mãn tính và 25% trong số này chuyển thành xơ gan, ung thư gan, chưa kể mỗi người mang virus là nguồn lây nhiễm cho cộng đồng...
Để nhìn nhận khách quan, khoa học vấn đề tai biến sau tiêm VX thì Hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ phải được đề cập. Y học thừa nhận những trường hợp trẻ chết không thể lý giải nguyên nhân, gọi là Hội chứng trẻ đột tử (Sudden Infant Death Syndrome - SIDS) là những trường hợp trẻ nhỏ dưới 1 tuổi chết đột ngột, bất ngờ, không rõ nguyên nhân sau khi đã thực hiện đủ các bước điều tra chuyên môn kể cả giám định pháp y tử thi, khám nghiệm hiện trường, xem xét tiền sử lâm sàng bệnh của trẻ và cha mẹ.
Y văn thế giới ghi nhận nhiều trường hợp SIDS ở trẻ nhỏ, đặc biệt là giai đoạn từ 2 đến 4 tháng tuổi, khiến cộng đồng lo lắng và có nhiều nghi vấn về nguyên nhân chết đáng ngờ. Nếu có sự trùng hợp tình cờ, VX được tiêm cho trẻ vào thời kỳ này sẽ dễ trở thành nghi vấn hàng đầu khi xảy ra tử vong. Thống kê tại Mỹ năm 2010 có hơn 2.000 trẻ chết không rõ nguyên nhân, trong đó 90% ca có tuổi dưới 6 tháng. Đa phần SIDS xảy ra với trẻ dưới 1 năm tuổi, diễn tiến lặng lẽ, bất ngờ kể cả với những bé nhìn bề ngoài rất khỏe mạnh. Bé trai bị SIDS nhiều hơn bé gái. Thời tiết lạnh thì số ca đột tử trẻ nhỏ tăng lên. Người Mỹ gốc Phi, Ấn Độ và Alaska có tỷ lệ SIDS cao hơn người gốc Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, gốc Á và châu Âu.
Tại Việt Nam, mỗi ngày có khoảng 70 trẻ dưới 1 tuổi tử vong được cho là SIDS, chiếm tỷ lệ 1,58%. Con số này ở Trung Quốc là 1,8%, Philippines là 2,6%, Mỹ là 0,64%. Đến nay y học vẫn chưa biết những nguyên nhân đột tử ở trẻ dưới 1 tuổi, đặc biệt là các trường hợp bề ngoài khỏe mạnh.
Một số nghiên cứu cho thấy ở những trẻ này hệ thống các tế bào thần kinh chỉ huy nhịp thở, nhịp tim, áp lực máu, nhiệt độ cơ thể có những dấu hiệu bất thường. Dù vậy vẫn chưa có phương pháp nào giúp nhận diện nguy cơ này ở trẻ nhỏ. Các nhà khoa học đang sử dụng các phương pháp trong đó có quét não để phát hiện nguyên nhân. Nhiều chuyên gia cho rằng những phát hiện về tế bào thần kinh nói trên chưa thể giải thích đầy đủ nguyên nhân gây ra SIDS. Một quan điểm cho rằng có 3 nhân tố quan trọng: Sức khỏe bẩm sinh vốn yếu (ví dụ sinh non, cơ địa dị ứng, bệnh bẩm sinh...); quá trình phát triển gặp khó khăn, xung đột; ảnh hưởng xấu do tác động từ môi trường bên ngoài. Nếu một trẻ gặp cả 3 vấn đề này thì nguy cơ đột tử rất cao.
Tiêm VX không có tai biến là điều không thể; bệnh tật của trẻ sơ sinh, trẻ vài tháng tuổi là có thể và nếu số tai biến sau tiêm cao hơn tỉ lệ cho phép là bất thường. Theo ông Kohei Toda, chuyên gia về VX và tiêm chủng của WHO tại Việt Nam, 9 ca tử vong tử vong sau tiêm Quinvaxem 10 tháng đầu năm 2015 là không cao hơn các năm trước; 94% các trường hợp sốc phản vệ được điều trị hồi phục. Ông đề nghị Việt Nam tiếp tục sử dụng Quinvaxem, đồng thời nhấn mạnh WHO sẽ hỗ trợ kỹ thuật để đảm bảo sử dụng VX an toàn hơn. Những việc chúng ta hoàn toàn có thể làm được là kiểm định VX và thường xuyên kiểm tra công tác tiêm chủng.
Theo chỉ đạo của Bộ y tế, mỗi tháng, các cơ sở tiêm chủng bố trí nhiều ngày tiêm nếu lượng trẻ tiêm nhiều, tối đa không quá 50 trẻ một buổi. Bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn cao nhất cho khâu khám sàng lọc để phát hiện những trẻ có chống chỉ định tiêm. Chuẩn bị đủ nhân lực, thuốc, thiết bị y tế và các phương tiện khác để nhanh chóng xử lý phản ứng sau tiêm. Theo dõi sau tiêm đủ thời gian; hướng dẫn người nhà cách theo dõi tại nhà...