Rượu giả phá hoại uy tín những vườn nho

Thứ Năm, 01/02/2018, 15:34
Enrico Rossi, lãnh đạo chính quyền vùng Tuscany, phát biểu trước báo giới: "Rượu vang giả gian lận chất lượng đã làm tổn hại nặng nề hình ảnh sản phẩm của vùng Tuscany và cả nước Italia. Chúng ta cần ban hành những luật nghiêm khắc hơn nữa để trừng phạt bọn tội phạm làm hàng giả".

Trong những năm sau này, cảnh sát Italia tịch thu tổng cộng 30.000 chai rượu vang mang các thương hiệu nổi tiếng của nước này như Brunello di Montalcino, Chianti Classico và Sagrantino di Montefalco từ các kho chứa, đại lý rượu, cửa hàng bán lẻ và các nhà hàng sau khi phát hiện nhiều chai rượu này được dán nhãn hiệu đắt tiền nhưng lại chứa loại rượu vang thường với giá chỉ vào khoảng 1 USD/lít!

Rượu vang giả làm tổn hại hình ảnh Italia

Đối với nhiều người Mỹ, một ly rượu vang đỏ thơm ngon gợi lên hình ảnh những khu vườn nho tươi tốt trải dài dưới nắng, những thùng rượu bằng gỗ sồi và những hầm rượu cổ. Khi bỏ ra khoảng 100 USD trở lên để sở hữu một chai vang đỏ Brunello di Montalcino nổi tiếng nhất Italia hay số tiền ít hơn với chai Chianti Classico, người tiêu dùng tin tưởng những gì ghi trên nhãn bảo đảm chất lượng của rượu trong chai.

Ông Fabrizio Bindocci - chủ tịch hiệp hội các nhà sản xuất rượu vang Brunello di Montalcino.

Nhưng, thực tế ngược lại! Trong số những vườn nho trở thành nạn nhân trong vụ bê bối rượu vang gian lận chất lượng là cơ sở rượu nổi tiếng suốt 3 thế kỷ trong ngôi làng Lajatico ở miền bắc Tuscany thuộc sở hữu của gia đình nam ca sĩ giọng tenor nổi tiếng Italia - Andrea Bocelli.

Anh trai của ca sĩ, Alberto Bocelli, cho biết vụ bê bối dẫn đến việc người tiêu dùng không còn mua rượu của gia đình nữa: "Ngoài thiệt hại về kinh tế, hình ảnh sản phẩm chất lượng cao của chúng tôi cũng bị tổn hại. Chúng tôi rất buồn khi thấy người tiêu dùng thất vọng trước những hành động đáng chê trách như thế. Chúng tôi cũng rất cảm ơn chính quyền đã phản ứng nhanh trước vụ việc".

Vườn nho gia đình, được Bocelli lập ra năm 1730, hiện sản xuất khoảng 25.000 chai vang đỏ chất lượng cao Sangiovese, Cabernet và Malvasia mỗi năm. Cinzia Bocelli, một thành viên gia đình, lên tiếng: "Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi nghe tin về vụ bê bối. Chúng tôi không hề biết về chuyện này. Trước đây không hề xảy ra điều đó".

Năm 2012, cuộc điều tra rượu gian lận chất lượng được tiến hành sau khi các nhà nhập khẩu rượu vang Mỹ than phiền loại vang đỏ đắt tiền của Italia có vị đắng. Sau khi tập trung điều tra quy trình lưu kho và vận chuyển, các chuyên gia về rượu vang Italia hợp tác với cảnh sát kết luận rằng, trong quá trình xuất khẩu, một số kẻ làm ăn gian dối đã thay thế rượu vang chính hiệu trong chai bằng loại rượu làm từ giống nho kém chất lượng. Sau đó, cảnh sát Italia đã bắt giữ 6 người để phục vụ điều tra.

Vườn nho ở Franciacorta sản xuất thương hiệu rượu vang cùng tên nổi tiếng thế giới của Italia.

Cuộc điều tra mở rộng còn giúp phát hiện thêm hành động gian dối cũng ảnh hưởng đến lượng rượu vang tiêu thụ tại Italia. Fabrizio Bindocci, Chủ tịch hiệp hội các nhà sản xuất rượu vang Brunello di Montalcino của Italia tuyên bố, hiện tượng tráo đổi rượu trong chai diễn ra sau khi sản phẩm đã xuất khỏi các vườn nho và cơ sở sản xuất trong vùng Montalcino. Theo Bindocci, bọn gian thương đã lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng vào chất lượng sản phẩm mà nhà sản xuất đã cố công gây dựng nên để trục lợi.

Enrico Rossi, lãnh đạo chính quyền vùng Tuscany, phát biểu trước báo giới: "Rượu vang giả gian lận chất lượng đã làm tổn hại nặng nề hình ảnh sản phẩm của vùng Tuscany và cả nước Italia. Chúng ta cần ban hành những luật nghiêm khắc hơn nữa để trừng phạt bọn tội phạm làm hàng giả".

Những người sành rượu có khẩu vị tinh tế mới có thể phân biệt được các chai rượu Brunello, Chianti hay Sagrantino có phải là hàng thật hay không, còn những người bình thường khác chỉ biết phân biệt qua nhãn dán trên chai. Đại tá Marco Grandini ở Sở cảnh sát Siena vùng Tuscany cho biết, đây không phải lần đầu tiên rượu vang đỏ nổi tiếng vùng Tuscany trở thành nạn nhân của bọn tội phạm phá hoại thương hiệu sản phẩm.

Năm 2012, chủ nhân một khu vườn nho bị tổn thất nặng nề sau khi một kẻ nào đó nửa đêm đột nhập cơ sở sản xuất rượu và mở vòi hàng chục thùng chứa rượu, làm chảy tràn ra đất hơn 60.000 lít rượu vang Brunello di Montalcino. Lượng rượu vang, trị giá gần 20 triệu USD, tương đương 80.000 chai. Không lâu sau đó, cảnh sát bắt giữ một cựu công nhân vườn nho vì hành vi phá hoại và hắn chịu án tù 4 năm.

Theo một cuộc nghiên cứu ở Pháp, hơn 20% rượu vang xuất khẩu có nguy cơ bị làm giả, trong đó những chai rượu được người tiêu dùng ưa chuộng nhất là mục tiêu bị làm giả nhiều nhất.

Tháng 10-2012, các thành viên một gia đình Italia bị bắt giữ vì tội bán 400 chai rượu Italia rẻ tiền dán nhãn hiệu nổi tiếng Romanee-Conti. Vụ lừa đảo làm thiệt hại trên 2 triệu USD. Vụ bê bối rượu vang giả của Italia diễn ra sau vụ gian lận quy mô hơn ở Mỹ liên quan đến Rudy Kurniawan - một người Indonesia gốc Hoa sản xuất rượu vang giả những nhãn hiệu nổi tiếng thế giới từ Burgundy cho đến Bordeaux và đã bỏ túi hơn 20 triệu USD nhờ mưu đồ mua bán rượu giả trong các phiên đấu giá.

Theo tờ Wine Spectator, nhiều nạn nhân của Kurniawan, những người đã bỏ ra hàng triệu USD mua rượu giả nhưng từ chối hợp tác với các nhà điều tra có lẽ do họ muốn bán cho hết những chai rượu giả còn hơn bị mất số tiền lớn. Công tố viên Jason Hernandez cho biết, một vài người mua rượu của Kurniawan đã được cảnh sát xác định và số người này cũng bị truy tố vì tội tiêu thụ hàng giả.

Chiến dịch truy quét rượu giả của FBI

Trong khoảng đầu thập niên 2000, trên thị trường rượu vang bắt đầu nổi lên một nhà sưu tập mới có tên là Rudy Kurniawan, một người Indonesia gốc Hoa sinh sống bất hợp pháp ở Mỹ. Ban đầu Kurniawan chỉ quan tâm đến loại rượu vang nổi tiếng xuất xứ từ Thung lũng Napa ở California, và một thời gian sau chuyển sang kinh doanh những loại rượu vang Pháp quý hiếm. Dần dần, Kurniawan xây dựng được tên tuổi cho mình, trở thành nhà sưu tập rượu vang quý được cả thế giới biết đến, tiêu hàng triệu USD vào các phiên đấu giá.

Rudy Kurniawan - người Indonesia gốc Hoa sản xuất rượu vang giả những nhãn hiệu nổi tiếng thế giới.

Năm 2006, Kurniawan bắt đầu bán ra một lượng lớn những chai rượu vang đắt tiền và thu về được khoảng 38 triệu USD từ phiên đấu giá thứ nhất của nhà đấu giá Acker Merrall & Condit tổ chức tại nhà hàng Cru ở New York.

Tại phiên đấu giá thứ hai Kurniawan thu được 24,7 triệu USD. Theo điều tra của FBI, Kurniawan cung cấp một lượng khổng lồ những chai rượu vang giả cho các nhà đấu giá và nhà sưu tập trong một thời gian dài mà không hề bị nghi ngờ. Để sản xuất rượu giả, Kurniawan thu mua một lượng lớn những chai rượu rỗng từ các nhà hàng.

Vào ngày 8-3-2012, Rudy Kurniawan bị đặc vụ bắt giữ ngay tại nhà riêng ở vùng ngoại ô Arcadia của Los Angeles, bang California (Mỹ), bị buộc tội lừa đảo và sản xuất rượu vang giả những nhãn hiệu nổi tiếng thế giới. Theo hồ sơ tòa án, Kurniawan đã thu lợi bất chính hàng triệu USD từ kinh doanh rượu giả và lừa đảo những nhà sưu tập rượu vang cổ lớn nhất thế giới. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đánh giá đây là vụ án sản xuất và tiêu thụ rượu vang giả lớn nhất trong lịch sử, gây xáo động thị trường rượu vang cổ quý hiếm lớn nhất từ trước đến nay.

Từ nhiều năm qua, giới truyền thông thế giới đã đề cập nhiều đến vấn đề rượu vang giả, ví dụ như những chai rượu giả Bordeaux được cho là thuộc sở hữu của Thomas Jefferson - vị tổng thống thứ 3 của nước Mỹ. Nhà tư bản Mỹ Bill Koch mua 4 trong số những chai rượu cổ quý này từ nhà sưu tập rượu người Đức Hardy Rodenstock vào cuối thập niên 1980 thế kỷ trước.

FBI tịch thu những nguyên liệu được Rudy Kurniawan sử dụng để làm giả rượu vang.

Nhưng đến năm 2005, sau khi phát hiện chúng là đồ giả, Bill Koch liền kiện nhà sưu tập người Đức ra tòa, đồng thời phát động chiến dịch trị giá hàng triệu USD để chống lại làn sóng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thế giới. Vào thập niên 2000, những phiên đấu giá rượu vang trên toàn thế giới thu về được tổng cộng 92 triệu USD; và con số tăng lên gấp bốn lần vào năm 2007 đến 478 triệu USD.

Sau khi bị bắt giữ, Kurniawan, 36 tuổi, không được phép đóng tiền bảo lãnh tại ngoại vì toà án cho rằng anh ta có thể chạy trốn khỏi đất Mỹ. Khám xét nhà của Kurniawan ở Arcadia, vùng ngoại ô Los Angeles, đặc vụ FBI tìm thấy rất nhiều nhãn hiệu làm giả và hàng trăm nút bần cũ lẫn mới cùng với một thiết bị tự động đóng nút chai dùng để sản xuất những loại rượu vang nổi tiếng như 1950 Pétrus, 1947 Lafleur, Lafite, Château Pétrus, Domaine de la Romanée-Conti và Château Lafleur. Vụ bắt giữ là kết quả của cuộc điều tra do đội đặc nhiệm chống hàng giả của FBI tiến hành trong nhiều năm.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.