Sản giật, một căn bệnh nguy hiểm

Thứ Năm, 29/09/2016, 23:09
Tiền sản giật (TSG) là một hội chứng bệnh lý phức tạp, chưa rõ nguyên nhân, thường xảy ra ở nửa sau thời kỳ mang thai. Tỷ lệ mắc bệnh khác nhau ở các khu vực TRÊN thế giới. Tổ chức Y tế thế giới thống kê 2 - 8% người mang thai mắc hội chứng này, trong đó 0,2 - 0,5% bị sản giật.


Tiền sản giật sẽ đến sản giật

Mắc bệnh TSG nặng biến chứng sản giật, tình trạng chị Nguyễn Thị Huyền, 32 tuổi, ở Mỹ Đức, Hà Nội nguy kịch nên phải mổ sinh con tuần thứ 28. Bốn giờ sau, chị lại phải trải qua ca mổ thứ 2 do chảy máu ổ bụng, chảy máu dạ dày và suy đa phủ tạng. Hiện chị đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện (BV) Bạch Mai, Hà Nội trong tình trạng hôn mê, thở máy và lọc máu liên tục...

Anh Nguyễn Văn Bình, chồng chị thỉnh thoảng lại nghẹn ngào trong nước mắt: "Huyền ơi, dậy đi em, dậy còn đi thăm con mình nữa em ơi!", làm những người trong buồng bệnh không cầm lòng được...! Do không có bảo hiểm y tế nên chi phí cho lọc máu, dùng chế phẩm máu để chống suy gan, thận; dùng thuốc kháng sinh và thở máy đội lên rất cao, khoảng 30 triệu/ngày.

Tam chứng tiền sản giật.

Anh Bình đã vay 100 triệu, giờ khó mà vay thêm được nữa. Biết được tình trạng này của vợ còn kéo dài, anh càng hoang mang, sợ hãi bởi đã vay 100 triệu rồi, giờ không còn biết xoay sở ở đâu ra nữa...! Thường ngày, hai vợ chồng chạy chợ bán rau, bán thịt chỉ tạm đủ để lo cho các con ăn học. Đùng một cái vợ bị trọng bệnh, hai con lớn còn bé dại (đứa 10 tuổi, đứa 7 tuổi), lại thêm đứa vừa mới sinh mổ, đang phải chăm sóc đặc biệt ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội...

Anh Bình rơm rớm nước mắt nói: Vẫn đi hỏi vay tiền nhưng chưa được vì những chỗ vay được thì đã vay cả rồi! Giờ chỉ còn nước ai mua máu, mua thận thì bán để cứu vợ thôi, chứ không biết phải làm sao nữa! Nói xong anh ngồi sụp xuống nền nhà như không còn trụ được nữa...

Vậy sản giật là gì? Sản giật chính là biến chứng của tăng huyết áp trong thời kỳ có thai, biểu hiện bằng những cơn co giật liên tục rồi hôn mê; có thể xảy ra trước, trong và sau sinh.

Một cơn sản giật điển hình thường có 4 giai đoạn: Giai đoạn xâm nhiễm (30 giây đến 1 phút): có những cơn giật nhẹ từng vùng ở mặt, cổ; nét mặt nhăn nhúm; hai mắt hấp háy; không lan xuống tay. Giai đoạn giật cứng (30 giây): các cơ co giật cứng; thân uốn cong, co cứng; co thắt thanh quản nên thở có tiếng rít, thiếu oxy nên tím tái toàn thân; tay giật như người đánh trống; lưỡi thè ra thụt vào nên dễ cắn phải; nhãn cầu đảo đi đảo lại. Giai đoạn giãn cách: sau co giật toàn thân, hít vào một hơi dài nên tình trạng thiếu oxy đỡ nghiêm trọng; rồi nét mặt lại nhăn nhúm, lưỡi thè ra thụt vào và chuyển sang giai đoạn hôn mê.

Nặng sẽ hôn mê sâu, nhẹ hơn thì hôn mê nông, biểu hiện bằng mất hoàn toàn hoặc còn lại chút ít khả năng vận động, cảm giác, tri giác (nhận biết đồ vật, người...), ý thức (định hướng không gian, thời gian, người xung quanh, bản thân); mất hoặc giảm phản xạ đồng tử (với ánh sáng), phản xạ nuốt; đồng tử giãn; đại tiểu tiện không tự chủ...

Chị Nguyễn Thị Huyền ở bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Những ca nặng dễ tử vong do suy hô hấp; suy tim, phù phổi cấp; suy gan, thận; rối loạn đông máu (gây tử vong cao) biểu hiện bằng chảy máu mũi, máu cam khó cầm hay chảy máu trong bao gan, thậm chí đến mức vỡ bao gan (do chảy máu ổ bụng.

Chị Huyền phải mổ lần 2, nguyên nhân là rối loạn đông máu), xuất huyết não và rối loạn bài tiết... Co giật có thể làm rau bong non, cộng với tình trạng nhiễm độc, suy đa tạng của mẹ đặc biệt nguy hiểm cho tính mạng thai nhi, làm chết lưu, kém phát triển, chết sau sinh hoặc sinh non.

Khác với hôn mê do các nguyên nhân khác, người sản giật nặng có thể lên cơn co giật trong khi đang hôn mê; axit Uric, Urê và Creatinin máu tăng cao (do suy thận); soi đáy mắt thấy phù hoặc xuất huyết võng mạc. Tỉ lệ TSG ở CH Pháp là 2%; Na Uy: 2,7%; Arab Saudi: 1,7 %; Mỹ: 5%; Zimbabwwe: 7% và Thừa Thiên Huế, Việt Nam: 8%. Tỉ lệ sản giật (trên 10.000 TSG) ở Na Uy là 5; CH Pháp: 8; Mỹ: 10; Nigeria: 90 và BV Từ Dũ, TP HCM là 80, Thừa Thiên Huế: 63...

Sản giật rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể ngăn chặn được

Khám thai định kỳ sẽ biết có bị TSG hay không? Nếu sau tuần mang thai thứ 20 thấy huyết áp cao hơn 140/90mmHg (trước khi mang thai bình thường); phù; nước tiểu có Albumin (protein giống lòng trắng trứng) trên 0,3g/l (người bình thường nước tiểu không có Albumin), lượng nước tiểu giảm (nữ trung bình tiểu 1,1 - 1,5l/24h) là TSG. Bệnh nặng nếu huyết áp trên 160/110mmHg, tiểu dưới 400ml/24h, có hơn 3,5g Albumin nước tiểu/24h. Trên nền TSG nếu bị co giật, hôn mê là sản giật.

Nếu TSG có thêm tam chứng tan máu, men gan cao, tiểu cầu giảm là hội chứng HELLP - một thể lâm sàng đặc biệt của TSG, được BS Louis Weinstein mô tả năm 1982, gây tử vong 10 - 20% các ca TSG (0,5 đến 0,9% số mang thai) do suy gan, thận.

Biểu hiện là nhức đầu nhiều và tăng dần; mờ mắt; mệt mỏi có thể đến mức cảm giác như kiệt sức; buồn nôn và nôn; tê tay chân; đặc biệt đau vùng thượng vị là triệu chứng đặc trưng (ở người không có bệnh dạ dày). Khoảng 70% ca HELLP xảy ra trong khoảng 27 - 37 tuần thai, khoảng 30% trong 48 giờ sau sinh.

Cần phải chấm dứt thai kỳ (sinh chỉ huy hay mổ) nếu HELLP xảy ra sau tuần thứ 34 hoặc tình trạng thai nhi hay mẹ bị đe dọa... Phù phổi cấp và suy thận là hai biến chứng thường gặp. Hiếm hơn, TSG có thể có biến chứng băng huyết sau sinh, đông máu nội mạch lan tỏa và tụ máu sau bánh nhau. TSG ảnh hưởng xấu đến phát triển thai nhi nên siêu âm thấy thai chậm phát triển...

Hiện thời, y học chưa biết do đâu phát sinh TSG, trong khi những người mang thai khác lại không có chuyện này. Mặt khác, sau sinh cao huyết áp, phù, Albumin niệu mất đi khá nhanh chóng, người mắc trở lại hoàn toàn bình thường (ngoại trừ bệnh có trước khi mang thai hoặc mù lòa là do di chứng chảy máu võng mạc mắt), hiếm có người còn lại cao huyết áp. Chỉ mới biết được ở người TSG bất bình thường các chất vận mạch (Prostaglandin, Nitric Oxide, Endothelins) gây cao huyết áp; phù, tiểu Albumin (do tăng tính thấm của mao mạch) và xuất hiện các chất độc (Cytokines, Lipid Peroxidase), vì thế bệnh này còn được gọi bằng tên rất chung chung là nhiễm độc thai nghén.

Nếu không sớm điều trị sẽ nặng dần, máu cô đặc, tiểu ít và co giật, đe dọa tử vong mẹ và con. Ở Anh, khoảng 1.000 trẻ sơ sinh tử vong mỗi năm do TSG.

Thống kê cho thấy bệnh thường mắc ở người đa thai; con so; mẹ trên 40 hoặc dưới 20 tuổi; có tiền sử cao huyết áp, tiểu đường, bệnh thận, Lupus (bệnh miễn dịch - dị ứng), đau nửa đầu (Migraine); lần thai trước đã mắc TSG; thiếu dinh dưỡng hoặc quá béo; khoảng cách giữa hai lần mang thai trên 10 năm; mẹ, chị em gái bị TSG và bệnh răng miệng cũng được cho là có liên quan.

Do chưa rõ nguyên nhân TSG nên phòng bệnh luôn thụ động. Quan trọng nhất là quản lý thai kỳ chặt chẽ bằng theo dõi huyết áp và xét nghiệm Albumin nước tiểu, thông tin đầy đủ về tiền sử bệnh tật của mẹ và những trường hợp đã thống kê trên; theo dõi cân nặng, dấu hiệu thai máy và đặc biệt là nghỉ ngơi hoàn toàn.

Chế độ ăn đủ protein, Canxi, Vitamin D, các nguyên tố vi lượng, đặc biệt Omega 3 (DHA, EPA - cá hồi, súp lơ, hạt vừng, quả óc chó, bắp cải) có thể giúp hạn chế TSG. Một nghiên cứu thấy thức ăn giàu Vitamin D (dầu gan cá, ngũ cốc nguyên hạt, nấm hương) làm giảm 27% và đủ Canxi (sữa, cải bông xanh, rau diếp, đậu bắp, măng tây) giúp giảm tới 49% nguy cơ TSG ở những người có nguy cơ thấp và tới 82% ở người có nguy cơ cao.

Những trường hợp nhẹ, thai còn ít tháng, mẹ có điều kiện và kiến thức có thể tự theo dõi. Khám thai tuần/lần, làm xét nghiệm huyết đồ; chức năng gan, thận; đông máu toàn bộ; nhóm máu và tổng phân tích nước tiểu; theo dõi tim thai và hoạt động tử cung (đo monitoring sản khoa); siêu âm thai Doppler.

Tại nhà đo huyết áp ngày 2 lần sáng, chiều; nếu có một trong các dấu hiệu nhức đầu, hoa mắt, nhìn mờ, tăng cân nhanh, đau thượng vị, thai máy yếu, huyết áp tăng, tiểu ít, nước tiểu đậm màu, phải đi khám ngay. Nếu nặng, phải nhập viện, kiểm tra huyết áp hàng ngày và siêu âm thường xuyên để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Nếu thai trên 36 tuần thì sinh chỉ huy hoặc sinh mổ được khuyến khích.

TSG nặng xuất hiện trước tuổi thai 24 tuần thì phải chấm dứt thai kỳ để cứu mẹ. Gần đây, các bác sĩ Anh cho rằng một protein có tác dụng tăng trưởng nhau thai (PLGF - Placental growth factor) là nguyên nhân gây tăng huyết áp, chất này bài xuất theo đường nước tiểu, có thể dùng để chẩn đoán TSG.

Họ áp dụng một xét nghiệm chỉ mất 15 phút và được làm tại giường bệnh. Nồng độ chất PLGF giúp quyết định phải theo dõi mẹ và thai, phẫu thuật đúng lúc để an toàn cho cả hai hay có thể tiếp tục quá trình mang thai? Ở Anh, không có tử vong mẹ do TSG, nhưng nhiều sản phụ rơi vào tình trạng nguy hiểm do không đánh giá được mức độ nặng của bệnh.

Mang thai là giai đoạn gian nan nhất trong hành trình làm mẹ, nên cần quan tâm thường xuyên đến thai kỳ để ngăn chặn những mất mát sức khỏe và nhất là những đau thương không đáng có.

­­

Bs. Trần Kiên
.
.