Săn lùng những chủng “virus tử thần” của tương lai

Thứ Bảy, 31/03/2018, 07:02
Mùa hè năm ngoái 2017, TS Kevin Olival đã tham gia vào một toán các thợ săn người Indonesia khi họ chu du vào trong các vạt rừng cây ngập mặn ở hòn đảo Nam Sulawesi. 

Toán thợ săn chủ yếu tìm kiếm những loài dơi ăn trái và loài cáo bay, 2 loài vật này thường được đánh bẫy để bán buôn như thịt rừng. Còn Olival, ông là một thợ săn virus. 

Suốt hơn 15 năm qua, nhà sinh thái học kiêm nhà sinh thái học tiến hóa đã lùng sục khắp toàn cầu để thu hoạch các mẫu vật động vật có chứa những chủng loại virus đáng sợ nhất chưa từng được phát hiện như là một phần công việc của Liên minh Y tế sinh thái (EHA, một tổ chức phi lợi nhuận). 

Mục tiêu của TS Olival là tìm ra chủng virus kế tiếp chưa được phát hiện ở các loài động vật có nguy cơ nhảy sang người để hình thành nên một đại dịch "tử thần" kế tiếp. 

Kevin Olival và nhóm đồng nghiệp của ông đã ở Indonesia suốt trong vòng 2 tuần, thu thập phân, nước tiểu và nước bọt, máu của những con dơi; đông lạnh các mẫu vật này bằng Ni-tơ lỏng rồi chuyển chúng đến một phòng thí nghiệm ở Indonesia để xét nghiệm.

EHA đang hợp tác với USAID PREDICT, một dự án toàn cầu trị giá 200 triệu USD nhằm mục tiêu phát hiện, phòng ngừa và kiểm soát các căn bệnh truyền nhiễm trước khi chúng trở thành những đại dịch toàn diện.

Tiến sĩ Kevin Olival và dự án USAID PREDICT đang nghiên cứu các loài dơi ngay lối vào một hang động ở Thái Lan. Ảnh: EcoHealth Alliance.

Ý tưởng xem ra khá đơn giản: Nếu các nhà khoa học có thể nhận diện những nơi nào đang có sự hiện diện các loài virus mới và có nguy cơ truyền sang con người thì họ có thể cảnh báo cho người dân nơi đó được biết, giúp người dân thay đổi hành vi để giảm nguy cơ bị truyền nhiễm. Nhưng rất khó xác định. Đó là lý do tại sao TS Kevin Olival và những người khác đang cất công xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm. 

Bà Jonna Mazet, giám đốc toàn cầu của USAID PREDICT và đồng thời là một giáo sư về dịch tễ học của Đại học California, Davis (UCD), ví von: "Chúng tôi đang lần tìm ánh sáng trong chốn tăm tối". 

Cảnh báo virus động vật nhảy sang người

Chủng virus Zoonotic - loại lây từ động vật sang con người và ngược lại - là căn nguyên gây nên một số nạn dịch tàn phá khủng khiếp nhất thế giới. Kể từ năm 1940 đã có tới 400 căn bệnh truyền nhiễm được xác định, hơn 60% trong số chúng có nguồn gốc từ các loài động vật. Bệnh dịch hạch gây ra bởi loài chuột sống ở thành thị. 

Trong khi đó bệnh HIV/AIDS lại do virus của một số loài khỉ gây ra. Bệnh Ebola lại nhảy sang con người tại một khu vực có nhiều dơi là nơi mà các nhà khoa học Ghi-nê đã dán nhãn cho một "điểm nóng virus" kể từ đầu năm 2008. 

Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đã gây nên cái chết cho khoảng 50 triệu người, thủ phạm được cho là do chim muông gây ra. Nhưng một đợt bùng phát dịch Zoonotic trong tương lai có thể để lại một hậu quả khủng khiếp hơn nhiều.

Trong một email gửi cho báo giới, ông Dennis Carroll, giám đốc Đơn vị phát triển và an ninh y tế toàn cầu (GHSDU) tại USAID, lên tiếng cảnh báo: "Thế giới chưa được chuẩn bị để đối phó với một tác động của một mối đe dọa đang nổi lên hay phòng ngừa trong tình huống khẩn cấp, khiến chúng ta dễ dàng bị tổn thương". 

Những hậu quả này có thể khiến cho hàng trăm triệu người bị thiệt mạng, hàng tỷ USD tổn thất kinh tế. Hôm nay, một số người tin rằng tỷ lệ các căn bệnh mới đang gia tăng. Một số nghiên cứu đã chỉ ra các nhân tố hiện đại như biến đổi khí hậu, suy thoái sinh thái và áp lực dân số có thể khiến cho nhiều virus lây từ động vật sang người. 

Trong email, ông Dennis Carroll viết: "Chúng ta cần được thông tin tốt hơn về những mối đe dọa bệnh truyền nhiễm trước khi chúng nổi lên, vì thế các biện pháp đối phó công nghệ và các phản ứng giảm nhẹ phải được điều chỉnh tương thích với những mối đe dọa đang nổi lên này". 

Dơi treo la liệt trên các cành cây ở khu vực Tana Toraja, đảo Sulawesi, Indonesia. Ảnh: Glen Allison/ Alamy.

"Điểm nóng" về đại dịch

Tại đảo Sulawesi (Indonesia), khoảng 500 tấn dơi đã bị giết. Đây được cho là tâm điểm của đại dịch kế tiếp. Việc giết hàng loạt để lấy thịt không chỉ đe dọa công tác bảo tồn loài dơi ở Đông Nam Á, mà còn có khả năng làm lây lan dịch bệnh sang những vùng khác của Indonesia. 

Toàn cầu hóa cũng góp phần làm lây lan bệnh HIV/AIDS hay Zika. Những con dơi mang một lượng lớn các chủng virus chưa được xác định (có thể lây sang con người) hơn bất kỳ loài thú có vú nào. 

Ngay từ năm 2003, nghiên cứu của TS Kevin Olival về những con dơi đã giúp ông liên kết với một số căn bệnh đáng sợ nhất mọi thời đại như Ebola, SARS, Marburg, Hendra, và có khả năng MERS là "virus tử thần" làm lây lan bệnh trong không khí. 

Nhiều nghiên cứu của USAID PREDICT đã giúp khám phá ra những virus mới và đồng thời tạo ra một cơ sở dữ liệu toàn cầu đã được hoàn thiện tại phòng thí nghiệm của ông Simon Anthony tại Trường y tế công Mailman của Đại học Columbia. Mỗi năm, nhóm nghiên cứu của ông Anthony đã tiến hành xét nghiệm hơn 5.000 mẫu máu và mô.

Nhà nghiên cứu Simon Anthony phát biểu: "Mục đích cuối cùng là chúng tôi muốn biết về những vùng nguy hiểm, và những vùng không". Nhóm nghiên cứu của USAID PREDICT trên toàn cầu đã tìm thấy hơn 1.000 loại virus mới trải rộng ở hơn 20 quốc gia. Và đòi hỏi hàng loạt nghiên cứu vật lý trong phòng thí nghiệm. 

Nghiên cứu của PREDICT trong 5 năm đầu tiên đã có những dữ liệu thu thập tốt nhất về các loại virus. Giai đoạn 5 năm nghiên cứu thứ 2 sẽ tập trung vào việc nhận dạng những khu vực nguy hiểm cao như Sulawesi, và những nơi này con người có khả năng bị lây nhiễm virus. 

Kể từ năm 2014, PREDICT đã lấy mẫu của hơn 26.000 loài động vật và 1.700 người ở 26 quốc gia, phần đông ở Phi châu và Á châu. Nhìn chung mục tiêu không chỉ là chú trọng vào việc lấy mẫu, mà còn là đào tạo các đối tác phòng thí nghiệm địa phương và tạo ra một chiến dịch truyền thông nhằm phổ biến nhanh chóng thông tin về các rủi ro.

Dự án Virome toàn cầu

PREDICT không phải là dự án phát hiện virus đầu tiên. Năm 1915, Quỹ Rockefeller đã tạo một ngân sách cho việc truy lùng virus ở các quốc gia đang phát triển nhằm nghiên cứu và tiêu trừ dịch sốt vàng da. Và họ đã tìm thấy một số loại virus mới bao gồm virus Zika ở Uganda vào năm 1947 - 6 thập kỷ sau đó con virus này đã nhảy sang con người. 

Nhưng PREDICT là nỗ lực săn lùng virus lớn nhất đang được tiến hành hiện nay. Nó cũng là bằng chứng cho một thứ tham vọng hơn: Dự án Virome Toàn cầu (GVP). Dự án mới chỉ là đề xuất và chưa được tài trợ nhằm xác định và sắp xếp gần nửa triệu loại virus có thể lan truyền sang con người. Ý tưởng về GVP đã hình thành nên một cuộc họp mà bà Mazet có mặt tại Trung tâm hội nghị Bellagio vào tháng 8-2017. 

Nhà nghiên cứu Mazet khẳng định: "Virus độc là mối đe dọa lớn nhất đối với xã hội loài người và chúng ta cần phải đối phó với chúng". Ước tính chi phí dành cho GVP lên tới 3,4 tỷ USD và bà Mazet nói rằng khoản ngân sách sẽ được chia ra nhiều phần để có thể chặn đứng một thảm họa đại dịch.

Trong lúc đó, PREDICT đang bắt đầu xâu chuỗi lại với nhau tạo thành một bức tranh về nơi virus đang nổi lên. Một minh họa sống động là một nghiên cứu của TS Kevin Olival và các đồng nghiệp của ông tại EcoHealth đã được công bố vào năm ngoái 2017, bao gồm một tấm bản đồ chi tiết nhấn mạnh về những khu vực có tiềm năng nổi lên những virus chưa được phát hiện có thể nhảy sang con người. 

TS Olival đang thả một con dơi sau khi thu thập các mẫu dùng để xét nghiệm virus ở Thái Lan. Ảnh: EcoHealth Alliance.

Vì bản đồ được tạo ra bởi máy tính nên chắc chắn không có mức độ chi tiết cao, nhưng ông Olival nhấn mạnh đến các khu vực trên thế giới cùng những loại sinh thái và những nơi có nguy cơ rủi ro cao. 

TS Kevin Olival giải thích: "Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp tấm bản đồ dự báo đầu tiên về nơi mà các chủng virus lây lan có thể tìm thấy trên thế giới". 

Những tấm bản đồ này là rất quan trọng để tiết lộ về "những điểm nóng" của loài dơi ở Nam và Trung Mỹ, một số vùng ở Châu Á và các loài linh trưởng ở vùng nhiệt đới Trung Mỹ, Phi châu và Đông Nam Á.

Tiềm năng bùng nổ các đợt dịch virus ở tương lai sẽ đến từ loài dơi ở phía Bắc của Nam Mỹ, loài động vật ăn thịt ở Đông Phi, loài linh trưởng ở nhiệt đới Trung Mỹ, Phi, Đông Nam Á và các loài động vật có vú móng guốc (gia súc, cừu, lạc đà, hươu nai) ở Đông và Trung Phi.

Cuối cùng mục tiêu là chặn đứng đại dịch chứ không phải là đuổi theo nó, bằng cách hiểu chính xác về nơi mà các chủng virus đang hiện diện, làm việc với các cộng đồng địa phương để giúp họ hiểu về các nguy cơ.

Truyền bá kiến thức y học cho cộng đồng

Hai nhà nghiên cứu Olival và Mazet đã trực chỉ Bangladesh. Gần đây đất nước này thường xuyên bùng phát các đợt dịch virus Nipah làm chết ít nhất 50 người/năm kể từ năm 2001.

Trong năm 2016, không có báo cáo nào về đợt bùng phát dịch bệnh này. Khi TS Olival đến Bangladesh, ông đã nhìn thấy cảnh dân địa phương rút dịch nhựa từ thân cây cọ và những cây này cũng là nơi trú ngụ của những đàn dơi. Dơi bám vào chất nhựa sáp cọ và để lại cả nước tiểu và nước bọt của chúng. Kế đó, các nhà nghiên cứu khuyên dân cư sở tại dùng liếp tre để quây quanh nồi nấu ăn và đun sôi nước sáp cọ để uống. 

Qua phân tích từ những con dơi này cho thấy chúng mang hơn 50 loại virus mới được phát hiện. TS Olival nhấn mạnh: "Bằng phương pháp công nghệ đơn giản có thể giúp chặn đứng sự nổi dậy của virus Nipah, và phòng ngừa 50 loại virus khác có thể lây sang người. Chỉ dùng cái liếp tre cũng đỡ tốn một đống tiền so với phải mất công chế ra vaccine chủng ngừa". 

Thời gian là vàng

Tuy nhiên cũng có một số nhà nghiên cứu lại có những quan điểm khác. 

TS Robert B. Tesh, một nhà Vi trùng học tại chi nhánh y khoa của Đại học Texas, khi đề cập đến dự án PREDICT đã phát biểu: "Tôi cho rằng đây là một sự cường điệu hơn là bản chất của khoa học. Tôi không tin ai đó lại có khả năng dự báo trước việc này. Nhiều loại virus có khả năng đột biến rất nhanh chóng. Không có khám phá nào có thể theo kịp điều này. Một số khám phá chết yểu, số khác lại chẳng đi đến đâu. Tôi lấy ví dụ về loại virus Tây Nile do loài muỗi mang con virus này. Với những biến thể và rất ít kiến thức hiểu biết về loại virus này do những người tuyên bố họ có thể dự báo rằng nó có thể xảy ra… thì chính là họ đang tự lừa mình và nói gạt các đơn vị tài trợ". 

TS Ron Rosenberg, một phó giám đốc khoa học tại Trung tâm kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), từ chối bình luận về những dự án như PREDICT. Nhưng cũng như TS Tesh, TS Rosenberg tin rằng nên chú trọng vào khả năng nhận diện virus trên người.

TS Ron Rosenberg, người làm công tác biên tập cho thời báo Các căn bệnh truyền nhiễm đang nổi của CDC: "Ở đây không có phép nhiệm mầu để chúng ta có thể nhìn sâu vào hệ gen và nói rằng cái gen sẽ giúp con người khỏi bị lây nhiễm". Dù có những lời bàn ra tán vào, nhưng không thể ngăn chặn sứ mạng nghiên cứu của những nhà khoa học trong dự án PREDICT. 

Nhà nghiên cứu Mazet kết luận: "Thách thức lớn nhất đối với dự án PREDICT là bây giờ chúng ta thiếu 100% thông tin. Phải mất cả thế kỷ để thu thập dữ liệu mà chúng tôi lại không có nhiều thời gian. Chúng ta sẽ mất các nền văn hóa và các xã hội nếu phải đợi tới 100 năm để thu thập đủ dữ liệu".

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.