Sống chung với hổ để bảo tồn loài

Thứ Ba, 22/11/2016, 11:10
Tháng 4-2016, có một thông tin hiếm hoi về loài hổ. Đây là đầu tiên trong hơn 100 năm, số lượng hổ được nhìn thấy sự gia tăng. Số liệu thống kê toàn cầu mới nhất tiết lộ quần thể hổ đếm được 3.890 cá thể so với chỉ 3.200 năm 2010.

Có nhiều lý do giải thích sự gia tăng này nhưng  yếu tố quan trọng là tại một số nơi trên thế giới có những cộng đồng thổ dân luôn tìm cách sống chung hòa bình với hổ. Đó là vùng Western Ghats - dãy núi chạy dọc theo bờ biển phía tây Ấn Độ - thuộc bang Karnataka.

Ấn Độ là quê hương của khoảng một nửa quần thể hổ trên thế giới, và tại một địa phương nước này, một số thổ dân chung sống yên bình qua nhiều thế hệ với loài thú săn mồi hoang dã nguy hiểm này. Điều đó nghe thật khó tin nhưng đúng là trên thực tế vẫn có những cộng đồng "hổ - người" tồn tại mà chúng ta ít nghe nói đến.

Du khách trước một con hổ Benga.

Hơn nữa, những cộng đồng thổ dân địa phương này còn giúp bảo vệ đồng thời duy trì quần thể hổ ở Ấn Độ. Survival International - tổ chức từ thiện bảo vệ quyền thổ dân đặt trụ sở tại thủ đô London nước Anh - đánh giá "thổ dân chính là những nhà bảo tồn và bảo vệ hiệu quả nhất thế giới tự nhiên". Lời đánh giá này có các bằng chứng rất cụ thể.

Tháng 12-2015, Survival International công bố dữ liệu về những con hổ đang sống yên bình và an toàn trong Khu Bảo tồn Hoang dã BRT ở Western Ghats của Ấn Độ. Từ năm 2010 đến 2014, quần thể hổ nơi đây tăng gần gấp đôi và tỷ lệ tăng được đánh giá là cao hơn mức trung bình so với những địa phương khác trên khắp Ấn Độ. Những con hổ đến sống trong khu rừng cạnh bộ tộc thổ dân Soliga. Một lý do hợp lý nhất để giải thích sự thành công trong bảo tồn hổ là người Soliga xem loài thú này như vị thần đáng tôn thờ của họ.

Người tộc Gujjar cưỡi ngựa đi làm việc.

Một thổ dân nói: "Chúng tôi sùng bái hổ như thần thánh. Ở địa phương này, không hề xảy ra vụ xung đột nào giữa người Soliga với hổ hay bất cứ vụ săn bắt nào". Một thổ dân khác tiếp tục: "Chúng tôi là những người chăm sóc và bảo vệ hổ. Nếu chúng tôi bị xua khỏi vùng đất này thì hổ cũng sẽ như vậy".

Thực ra, sự cộng sinh giữa hổ và người ở Ấn Độ phổ biến hơn chúng ta nghĩ. Mới đây nhất, một nghiên cứu điều tra về những người sống gần Khu Bảo tồn Hoang dã Bor ở bang Maharashtra miền tây Ấn Độ được công bố vào tháng 5-2016 cho thấy dân địa phương rất ưu ái loài hổ.

Chế độ ăn của dân địa phương có lẽ là yếu tố cốt lõi giải thích điều đó - tuyệt đại đa số đều là người ăn chay thế nên họ không săn thú làm thức ăn. Như thế cũng có nghĩa là hổ không thiếu mồi để sinh tồn ở Bor. Thêm vào đó, bởi vì phần đông dân làng trồng cây lương thực cho nên rất cần hổ bảo vệ ngăn ngừa những con thú khác xâm hại.

Không giống như thổ dân Soliga, những người sống ở Khu Bảo tồn Hoang dã Bor lại thường gặp rắc rối với hổ - ví dụ như đã có vài người, và một số thú nuôi, đã bị hổ vồ chết.

Tuy nhiên, những vụ việc như thế vẫn không khiến cho người dân có thái độ thù địch loài hổ. Lý do duy nhất giải thích cho sự dung thứ đáng ngạc nhiên như thế là người địa phương theo đạo Hindu do đó tin rằng hổ là con vật chở Durga - một trong những nữ thần quan trọng nhất trong đạo Hindu.

Nhưng bất chấp sự sống chung hòa bình giữa thổ dân và hổ, các bộ tộc này vẫn bị chính quyền Ấn Độ đuổi khỏi những khu vực của họ với lý do là bảo tồn loài hổ hoang dã!

Sophie Grig.

Sophie Grig, nhà hoạt động lâu năm của Survival International, phát biểu: "Đối với tôi, thật hết sức khôi hài khi các nhà bảo tồn hoang dã không nhận thấy rằng những quần thể hổ tiếp tục tồn tại trong những nơi mà các bộ tộc thổ dân bị xua đuổi".

Vấn đề thổ dân còn có thể tiếp tục ở lại trong những khu bảo tồn hay không hiện vẫn chưa ngã ngũ. Theo Sophie Grig, việc cho phép các cộng đồng bộ tộc tiếp tục quản lý những vùng đất tổ tiên của họ để lại sẽ đóng góp một phần trong nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã.

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.