Ung thư phổi là không thể tránh khỏi khi sống gần bãi rác

Thứ Ba, 31/05/2016, 13:35
Chẳng riêng gì tại Việt Nam mà ở nhiều nơi trên thế giới, những bãi rác ở các thành phố lớn, các khu dân cư từ lâu đã là hình ảnh khá quen thuộc với người dân, nhất là những người "sống" bằng nghề moi tìm phế liệu trong bãi rác.

Tuy nhiên mới đây, Tạp chí Quốc tế về Dịch tễ học (International Journal of Epidemiology) đã công bố một công trình nghiên cứu kéo dài suốt 5 năm với 250.000 người sống gần những bãi rác ở Anh, Italia, Đan Mạch. Kết quả cho thấy hơn một nửa trong số này đã phải vào bệnh viện để điều trị những chứng bệnh về phổi, đặc biệt là ung thư phổi…

Rác là những sản phẩm thừa do con người thải ra trong cuộc sống hàng ngày. Theo các chuyên gia về môi trường, có thể chia rác thành hai nhóm chính là nhóm hữu cơ và nhóm vô cơ.

Nhóm hữu cơ bao gồm các loại thực phẩm (thịt, cá, trứng, sữa, xương, các loại bánh kẹo, rau, củ, quả, lá cây, thực vật đã hư hỏng, xác động vật), còn nhóm vô cơ chủ yếu là bao bì bằng giấy, nhựa, vỏ chai nước ngọt, vỏ đồ hộp bằng nhôm, thiếc, các vật dụng khác như gỗ, thủy tinh…).

Những bãi rác lộ thiên là nguồn phát tán khí độc hydrogen sulphide.

Khi bị phân hủy dưới tác dụng của nhiệt độ tạo ra bởi ánh nắng mặt trời và một số loài vi khuẩn, rác hữu cơ sẽ cho ra khí hydrogen sulphide (H2S) có mùi trứng thối. Bên cạnh đó, hydrogen sulphide còn có trong các ống cống, các hố ga. Đây là một loại khí cực độc. Các khảo sát cho thấy một người trưởng thành khỏe mạnh nếu hít phải 150 IU (International Unit - đơn vị quốc tế) khí hydrogen sulphide là có thể tử vong, còn với trẻ em con số này là từ 80 đến 100 IU.

Tại Anh, các khảo sát trên 250.000 người sống cạnh những bãi rác khoảng 4,8km trở lại cho thấy 1/3 trong số này đều có những vấn đề về phổi mà nguyên nhân chính là do khí hydrogen sulphide.

Giáo sư, Tiến sĩ Cromwell, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc khoa Y, University College London, Anh cho biết nhiều người mắc các chứng viêm phổi, viêm phế quản và đặc biệt là ung thư phổi: "Khi tiếp xúc với hydrogen sulphide trong một thời gian dài - nhưng ở dưới ngưỡng gây ra hiện tượng ngộ độc cấp tính - nó sẽ làm thay đổi quá trình phân chia tế bào phổi. Hậu quả là những tế bào mới được sinh ra  sẽ mang những đặc tính khác với những tế bào phổi bình thường, và đó chính là mầm mống đầu tiên của ung thư phổi".

Với trường hợp ngộ độc hydrogen sulphide cấp tính, tại Việt Nam, BV Nguyễn Tri Phương, TP HCM, đã từng tiếp nhận và cấp cứu cho 2 công nhân trong tình trạng thập tử nhất sinh, hôn mê do hít phải khí hydrogen sulfide. 2 người này làm việc tại một công ty trong Khu công nghiệp quận Bình Tân, TP HCM, chuyên ngành thuộc da trâu bò, có sử dụng "đá thối" (đá sulfide ) để tẩy rửa lông trên bề mặt da. Theo lời khai của các nạn nhân, trong lúc đặt ống hút nước xử lý hồ chứa, do bất cẩn nên một người bị rơi xuống hồ và khi người kia xuống cứu thì cả hai đều hít phải khí độc.

Tại Italia, nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát 242.000 người dân sống cạnh 9 bãi rác ở miền Trung nước này. Cũng như tại Anh, kết quả cho thấy tỉ lệ mắc các bệnh về phổi - trong đó có ung thư phổi - cao hơn gấp 7,5 lần so với những người sống xa các bãi rác trên 8km.  Giáo sư, Tiến sĩ Cromwell nói: "Mặc dù rác đã được chôn lấp nhưng điều đó cũng không ngăn cản khí hydrogen sulfide thoát ra, chưa kể ở một số nơi, việc tiêu hủy rác bằng cách đốt sẽ sản sinh ra nhiều loại khí độc hại khác. Các nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng 34% những người sống cạnh các bãi rác có khả năng chết vì ung thư phổi, 30% chết vì bệnh viêm phổi mãn tính, 9% chết vì bệnh hen suyễn".

Vẫn tại Italia, các nghiên cứu về tác hại của hydrogen sulfide còn cho thấy nó có khả năng gây ra thai chết lưu đối với những phụ nữ mang thai từ tuần lễ đầu tiên đến tuần thứ 9. Bác sĩ Contello, Cơ quan bảo vệ môi trường Lazio, thủ đô Rome cho biết khi mổ tử thi thai nhi để giám định nguyên nhân tử vong, họ thấy các nhu mô phổi trong phổi thai nhi đều bị xẹp, chứa đầy các phân tử hydrogen sulfide và điều này dẫn đến hiện tượng thai nhi không thể hấp thu oxy, được cung cấp từ máu của người mẹ thông qua nhau thai.

Tại Đan Mạch, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Copenhagen đã chứng minh rằng ngay cả khi nồng độ hydrogen sulfide trong không khí tăng lên một lượng nhỏ - chỉ 4 microgram trên mỗi mét khối - thì nguy cơ thai chết lưu tăng 4%. Trên Tạp chí Lao động và Môi trường y khoa, Tiến sĩ Marie Pedersen cho biết: "Phụ nữ mang thai cần được giải thích cặn kẽ về nguy cơ gây nguy hiểm cho đứa con của mình nếu hàng ngày họ thường xuyên phải hít thở không khí cạnh những bãi rác. Với trẻ em, 11% gia tăng nguy cơ phải nhập viện vì các bệnh đường hô hấp, 13% vì các bệnh hen suyễn.

Ở Việt Nam, hiện vẫn còn tồn tại rất nhiều những bãi rác lộ thiên - nhất là ở những thành phố lớn và những khu dân cư, những xóm lao động nghèo. Khá nhiều người dựa vào những bãi rác để mưu sinh. Phần lớn, họ đều không chú ý đến vấn đề bảo hộ lao động. Dụng cụ làm việc của họ chỉ là những cây chĩa hoặc một thanh gỗ ngắn để đào bới trong những bãi rác, tìm kiếm vỏ chai nhựa, các mảnh kim loại, vỏ lon bia, lon nước ngọt, túi nilon…, bán cho các cơ sở thu mua phế liệu.

Cho đến nay, nước ta vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào về các bệnh đường hô hấp - kể cả ung thư phổi do hít phải khí hydrogen sulfide thường xuyên và kéo dài nơi những người làm nghề bới rác. Vì thế, việc xử lý triệt để những bãi rác lộ thiên, cũng như khuyến cáo người dân về mức độ nguy hiểm của những loại khí độc phát sinh từ rác - hoặc trong quá trình đốt rác là việc nên làm ngay.

Hydrogen sulfide tạo ra bởi những chất hữu cơ có trong các chất phế thải sinh hoạt bị thối rữa, trong cống rãnh, bể phốt, các hầm hố tù đọng hoặc trong sản xuất công nghiệp, có mùi hôi thối nồng nặc. Đây là loại chất độc tác dụng rất mạnh đối với hệ thần kinh. Tuy nó có mùi hôi thối nhưng nó lại dễ dàng làm tê liệt thần kinh khứu giác nên người hít phải nó chỉ nhận ra trong giai đoạn đầu.

Khi nhiễm độc hydrogen sulfide, nạn nhân sẽ thấy xót cả ở hai mắt, chảy nước mắt, nước mũi, cuống họng nóng bỏng, ho sặc, tức ngực, cảm thấy ngột ngạt, các vận động chân tay kém, ngườI nôn nao, cồn cào, nói năng lảm nhảm, thở khó, da xanh tím, sau đó co giật rồi hôn mê. Trường hợp nhiễm độc cấp tính do hít phải một lượng hydrogen sulfide lớn, nạn nhân thường chết do suy hô hấp tức thời.

Với những trường hợp nhiễm độc mãn tính do thường xuyên hít phải hydrogen sulfide liều lượng thấp, thoạt đầu nạn nhân chỉ cảm thấy hơi khó chịu, cay mắt nhưng về lâu về dài, sẽ xuất hiện những cơn ho, khó thở lúc nằm ngửa. Dần dà, hiện tượng ho, khó thở sẽ xảy ra thường xuyên hơn. Nếu viêm phổi, viêm phế quản phổi do hydrogen sulfide, nạn nhân sốt cao, tức ngực, ho và khạc ra nhiều đờm đục.

V.C.

Cao Trí
.
.