Sử dụng robot tương tác chữa chứng bệnh tự kỷ

Thứ Ba, 17/02/2015, 20:50
Các nhà nghiên cứu tin rằng robot là giải pháp hiệu quả giúp chẩn đoán sớm cũng như dạy các kỹ năng xã hội cho trẻ em mắc bệnh tự kỷ.

Anthony Arceri 7 tuổi và mắc bệnh tự kỷ. Quần áo được phủ đầy các bộ cảm biến và cậu bé đang đứng trước mặt robot có tên gọi Zeno cao 61cm, đang mỉm cười. Zeno cất tiếng hỏi Anthony: "Cậu thích thực phẩm gì?". Anthony trả lời: "Sôcôla sữa và khoai tây chiên giòn". "Tôi thích khoai tây chiên giòn", Zeno cũng đáp lại. Robot đưa 2 tay lên và Anthony làm theo. Zeno đưa tay xoa bụng, Anthony cũng đáp lại như thế.

Đối với Anthony, robot giống như trò chơi. Nhưng, các nhà nghiên cứu cho rằng sự tương tác giữa Anthony và robot là giải pháp cho chẩn đoán sớm và điều trị bệnh tự kỷ nơi trẻ em. Zeno là kết quả hợp tác nhiều bên - giữa tiến sĩ Dan Popa, Đại học Texas, Công ty Hanson Robotics, Trung tâm Điều trị Tự kỷ Dallas, National Instruments Corporation và Texas Intruments.

Theo truyền thống, việc chẩn đoán chứng tự kỷ ở trẻ em diễn ra qua tương tác xã hội và những bài tập phát âm. Điều đó có nghĩa là trước khi đứa trẻ biết nói, việc chẩn đoán tự kỷ hoặc là sẽ diễn ra một cách chậm chạp hoặc không thể diễn ra. Nhưng, Zeno có thể tương tác với trẻ bằng sự giao tiếp không lời như là cử động cơ thể và biểu hiện gương mặt giúp đẩy nhanh tiến trình chẩn đoán bệnh và thậm chí có thể thực hiện điều này trước khi đứa trẻ biết nói.

Tuy nhiên, Zeno không chỉ dừng lại ở chức năng chẩn đoán bệnh. Trẻ tự kỷ đôi khi cảm thấy sợ hành vi tương tác xã hội, khiến cho chúng tự cô lập bản thân trước mọi người và thậm chí cả những thành viên trong gia đình. Các dạng robot như Zeno có những đặc điểm hơi giống như con người song rõ ràng không phải là con người. Nhờ đó mà giúp cho sự giao tiếp trở nên ít phức tạp hơn đồng thời đem lại cảm giác thoải mái hơn cho trẻ tự kỷ.

Robot Zeno tương tác với trẻ tự kỷ.

Chị Pamela Rainville, mẹ của Anthony, tìm thấy Zeno tại Trung tâm Điều trị Tự kỷ Dallas và tin rằng dự án robot tương tác sẽ có lợi cho con trai của mình. Chị Rainville cho rằng robot sẽ giúp Anthony học tập nhiều kỹ năng, được tiếp xúc với nhiều tình huống khác nhau và thoát khỏi sự  đơn điệu của bản thân. Ngoài ra, Anthony còn được trải qua 2 khóa liệu pháp với Zeno. Chị Rainville mong muốn con trai được tiếp tục tương tác với Zeno sau thời gian điều trị.

Tiến sĩ Dan Popa tin tưởng trẻ tự kỷ dễ dàng làm quen với robot dạng người như Zeno của Hanson Robotics và không cảm thấy bị đe dọa. Popa giải thích: "Ý tưởng là sử dụng robot để giáo dục trẻ tự kỷ, dạy một số kỹ năng xã hội hữu ích và đồng thời quan sát các phản ứng của các em cũng như tính toán số lần phản ứng. Kết quả tính toán có thể giúp tạo ra một loại thang đánh giá tự kỷ".

Dan Popa cho biết, các nhà liệu pháp có thể sử dụng Zeno với 3 cách. Thứ nhất, gọi là tương tác có kịch bản - nghĩa là một số cử động cơ thể được lập trình trước. Thứ hai, một hệ thống kiểm soát giúp nhà liệu pháp kiểm soát cử động robot từ xa. Thứ ba, trẻ có thể nắm quyền kiểm soát robot.

Tuy nhiên, tiến sĩ Dan Popa cho biết: "Cách thứ 3 sẽ không an toàn do trẻ có thể làm những cử chỉ tiêu cực - như là tự tát mình - và robot bắt chước theo dẫn đến sự tương tác bị phá vỡ. Do đó, chúng tôi chỉ sử dụng cách thứ 3 này vào mục đích giải trí". Hiện nay, Zeno đã có thêm người em - đó là robot Milo. Ban đầu, Zeno được sử dụng trong nghiên cứu và lớp học. Milo được thiết kế đặc biệt để tương tác trực tiếp với trẻ em.

Theo Richard Margolin, Giám đốc Kỹ thuật ở Hanson Robotics, một số trẻ em chưa hề nói chuyện trực tiếp với giáo viên sẽ nói chuyện được với Milo. Nhìn bề ngoài, Milo trông rất giống Zeno. Gương mặt xúc cảm của Milo là đặc điểm quan trọng bởi vì đặc tính của trẻ tự kỷ là không thể đọc và kết nối với cảm xúc của mọi người xung quanh. Trẻ được yêu cầu xác định cảm xúc mà Milo thể hiện từ rất nhiều lựa chọn trên iPad. Đôi mắt của Milo là camera để ghi nhận phản hồi từ trẻ tự kỷ. Trẻ sẽ mang thiết bị theo dõi nhịp tim ở ngực để từ đó giám sát được cảm xúc. Khi trẻ tương tác với Milo, nhà liệu pháp cũng phải có mặt để giúp đỡ khi cần thiết.

Richard Margolin, giám đốc kỹ thuật ở Hanson Robotics.

Một trong những anh em của Zeno và Milo là Kaspar được thiết kế ở Anh bởi Đội Nghiên cứu các hệ thống thích ứng (ASRG), Đại học Hertfordshire. Với kích thước như một trẻ nhỏ, robot Kaspar - không giống như Zeno và Milo - thể hiện cảm xúc một cách "trung lập" để cho trẻ tự hiểu. Theo các nhà nghiên cứu, Kaspar có thể được sử dụng để hỗ trợ điều trị cho những đứa trẻ mắc phải những bệnh liên quan đến sự phát triển, như là hội chứng Down hay rối loạn hiếu động thiếu tập trung (ADHD).

Một robot khác có tên Nao do Công ty Aldebaran Robotics  của Pháp tạo ra năm 2006 và được sử dụng như là "robot gia đình". Sau đó, Trung tâm Giáo dục và Nghiên cứu Tự kỷ của Đại học Birmingham (Anh) hợp tác với Aldebaran Robotics để phát triển phiên bản Nao giúp tương tác với trẻ tự kỷ. Nhưng không giống như Kaspar, robot Nao có gương mặt kém biểu cảm.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.