Đội bóng thiếu niên Thái Lan bị kẹt trong hang:

Sự sống trong hang tối dưới góc nhìn khoa học

Thứ Ba, 10/07/2018, 12:45
Từ ngày 23-6-2018, đội bóng thiếu niên Thái Lan cùng với huấn luyện viên bị mắc kẹt trong hang Tham Luang nằm trong dãy núi Doi Nang Non thuộc tỉnh Chiang Rai. Theo một số chuyên gia, nhóm người bị nạn sẽ gặp thách thức rất lớn về mặt thể lực lẫn tâm lý do phải cố gắng sống sót thời gian dài trong môi trường hang tối.

Hang Tham Luang Nang Non, nằm gần biên giới với Myanmar, trải dài vài km dưới lòng đất và là một điểm thu hút khách du lịch.

Andrea Danese, chuyên gia tâm thần học trẻ em và thiếu niên Đại học Hoàng gia London (Anh), cho biết trong thời gian ngắn hạn nhóm thiếu niên sẽ phải đối mặt với vài sự cố gây chấn động tâm lý như là sợ hãi, buồn rầu và có thể dẫn đến trầm cảm.

Ông Andrea Danese, chuyên gia tâm thần học trẻ em và thiếu niên, Đại học Hoàng gia London (Anh).

David Paterson, chuyên gia tâm lý học Đại học Oxford (Anh), cũng có cùng lập luận: "Trong môi trường không gian hẹp và hoàn toàn không có ánh sáng tự nhiên cho nên tâm lý nhóm thiếu niên sẽ bị tác động tiêu cực. Do đó, tinh thần rắn rỏi là yếu tố sống còn".

Donelson R. Forsyth, Giáo sư Đại học Richmond bang Virginia (Mỹ), phân tích: "Nghiên cứu những trường hợp mắc kẹt trong hang tối trước đây cho thấy để giữ vững tinh thần bắt buộc nhóm người bị nạn phải có tinh thần đồng đội liên kết chặt chẽ với nhau đồng thời tập hợp mọi nguồn thực phẩm có được để sống còn trong thảm họa".

Nhưng, đây là tình huống bất thường vì nhóm người bị nạn là thiếu niên (tuổi từ 11 đến 16) và khác biệt hẳn với những vụ việc trước đây như là sự cố nhóm thợ mỏ Chile bị kẹt dưới hầm sâu suốt 70 ngày năm 2010. Giáo sư Danese nhấn mạnh rằng người lớn (ở đây là huấn luyện viên 25 tuổi) phải đóng vai trò chủ yếu, biết cách giao tiếp cũng như động viên tinh thần và trấn an các em cùng với sự hỗ trợ từ bên ngoài nhằm hạn chế tối đa mối đe dọa chấn thương tâm thần. Vấn đề đặt ra cho đội bóng thiếu niên là duy trì đồng hồ sinh học cơ thể như thế nào trong hang tối.

Lực lượng cứu hộ bên trong hang Tham Luang.

Một trong những thách thức lớn nhất là tình trạng tối đen trong hang làm cho con người không phân biệt được ranh giới ngày - đêm mà từ đó ảnh hưởng xấu đến đồng hồ sinh học trong cơ thể cũng như nhịp tim gây nên trạng thái gọi là "mất đồng bộ hóa" - theo Giáo sư Russel, chủ nhiệm khoa Thần kinh -Sinh học, Đại học Oxford.

Không chỉ giấc ngủ bị tác động mà nhịp điệu sinh học bị phá vỡ cũng ảnh hưởng đến tâm trạng, chức năng ruột cũng như nhiều vùng khác trong cơ thể. Chu kỳ sinh học kéo dài 24 giờ cần được duy trì đồng bộ thông qua việc tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên cho nên không phải ngẫu nhiên mà các nghiên cứu về nhịp điệu sinh học được tiến hành trong hang động.

Tuy nhiên, con người có thể tái lập lại nhịp điệu sinh học trở lại bình thường thông qua các khoảng cách thời gian giữa các bữa ăn. Mike Tipton, nhà sinh lý học Đại học Portsmouth (Anh) nhấn mạnh sự sống còn trong các điều kiện khắc nghiệt phụ thuộc vào một số yếu tố quan trọng như dưỡng khí, nhiệt độ, nguồn thực phẩm và nước uống. Tipton giải thích: "Nói chung, thực phẩm duy trì sự sống nên có hàm lượng cao chất béo và đường. Không tiêu thụ quá nhiều protein vì sẽ làm gia tăng tình trạng cơ thể mất nước".

Những trẻ bị chấn thương tâm thần có thể gặp nguy cơ cao mắc phải các chứng rối loạn kéo dài như là trầm cảm, lo lắng và rối loạn stress hậu chấn thương (PTSD) - theo Sandro Galea và Robert A Knoxm, hai giáo sư Trường Y tế Công cộng Đại học Boston (Mỹ). Do đó, hai giáo sư nhận định có thể "một phần ba hay một nửa" trong số nhóm thiếu niên Thái Lan sẽ gặp phải các vấn đề về tâm lý kéo dài khó tránh khỏi!

Phương pháp điều trị bao gồm Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) kết hợp với dùng thuốc. CBT là hình thức tâm lý trị liệu giúp bệnh nhân hiểu rõ sự ảnh hưởng của suy nghĩ và cảm xúc lên hành vi. CBT thường được sử dụng để điều trị các rối loạn liên quan đến sợ hãi, nghiện, trầm cảm và lo âu. CBT thường được áp dụng trong một khoảng thời gian ngắn và tập trung giúp bệnh nhân đương đầu với một vấn đề cụ thể. Trong suốt quá trình điều trị, bệnh nhân sẽ học cách xác định và thay đổi các suy nghĩ tiêu cực gây ảnh hưởng xấu lên hành vi và cảm xúc.

Theo các nhà khoa học, một số vấn đề nguy hại cho sức khỏe sẽ xảy ra cho người bị mắc kẹt đến 10 ngày trong hang tối có thể kể như sau: khi ra ánh sáng ngay lập tức, mắt có thể bị tổn thương võng mạc vĩnh viễn. Thứ 2 là phổi bị tổn hại do chất lượng không khí tồi trong hang. Thứ 3, hệ tiêu hóa bị tác động tiêu cực: sụt cân, suy dinh dưỡng. Cuối cùng là da có thể bị mất sắc tố và dễ bị nhiễm trùng do môi trường ẩm ướt trong hang. 

Joshua Morris, giám đốc điều hành các tour du lịch hang động và leo núi ở miền bắc Thái Lan, cho rằng: "Mắc kẹt trong hang có lẽ là một trong những trải nghiệm khủng khiếp nhất mà con người có thể phải chịu đựng. Vấn đề ở chỗ nhóm thiếu niên chỉ chuẩn bị cho việc lưu lại trong hang có vài giờ đồng hồ".

Tham Luang là hang lớn thứ 4 của Thái Lan và nổi tiếng là nơi hay bị ngập nước trong mùa mưa lũ. Nhóm thiếu niên và huấn luyện viên được cho là bị kẹt không ra được cửa hang do nước lụt dâng cao. Nhiệt độ trong hang vào khoảng từ 20 đến 25 độ C, tức là vẫn khá ấm. Bộ trưởng Nội vụ Anupong Paojinda phát biểu trong một cuộc họp báo: "Các em có thực phẩm và kỹ năng cho nên chúng tôi tin là các em đang an toàn".

Duy Minh (tổng hợp)
.
.