Sự thật phũ phàng từ tinh trùng hiến tặng

Thứ Hai, 06/02/2017, 11:13
Người hiến tặng tinh trùng mang bí số 9623 có vẻ như hoàn hảo trên giấy tờ, với chỉ số thông minh IQ là 160. Thêm vào đó là văn bằng cử nhân sinh học thần kinh, một bậc thầy về trí khôn nhân tạo và đang nghiên cứu lấy bằng tiến sĩ kỹ thuật sinh học thần kinh. Người này cũng đam mê "tinh thể học, thuật toán và thể hình".



Cặp vợ chồng ở thành phố Ontarion miền nam bang California (Mỹ) là Elizabeth Hanson và Angela Collins mừng thầm vì họ đã may mắn tìm được "người cha hoàn hảo" cho đứa bé của họ. Nhưng 7 năm sau khi bé trai chào đời, Collins và Hanson bất ngờ phát hiện ra người hiến tinh trùng 9623 là người bỏ học đại học giữa chừng do chứng bệnh tâm thần phân liệt và có quá khứ tội phạm - với bản án tù 8 tháng vì tội trộm cắp và tiếp đến là 10 năm quản chế.

Bảo quản những ống đựng tinh dịch và phôi thai trong nitrogen lỏng.

Ngân hàng tinh trùng vô tình để lộ danh tính của người hiến tinh trùng mang số 9623 là Christian Aggeles trong một email gửi đến hai vợ chồng Collins và Hanson và cỗ máy tìm kiếm Google làm tiếp phần còn lại.

Theo lời khai của người cha dượng tại tòa án, triệu chứng rối loạn tâm thần của Aggeles bắt đầu xuất hiện lúc anh ta 19 tuổi, trước khi hiến tinh trùng tại bang Georgia. Tinh trùng của Aggeles giúp dẫn đến sự chào đời của ít nhất 36 đứa bé trên toàn thế giới. Một sự thật kinh hoàng khiến Collins phải thốt lên: "Giấc mơ thật sự trong phút chốc đã biến thành ác mộng". Cuối cùng, hai vợ chồng cùng với ít nhất 3 gia đình khác lập hồ sơ kiện ngân hàng tinh trùng ở bang Georgia - Xytex Corporation, nơi cung ứng tinh trùng dự trữ cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Tuy nhiên, Xytex đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc.

Những vụ án như thế này không hề hiếm. Cũng giống như hai vợ chồng Collins, nhiều gia đình cũng cố gắng tìm kiếm thông tin thật về tinh trùng hiến tặng. Mức độ nguy cơ từ các gene của Aggeles như thế nào?

Cấu trúc những dạng rối loạn tâm thần rất phức tạp. Không phải một gene duy nhất mà là sự kết hợp nhiều gene gây ra chứng bệnh tâm thần phân liệt. Cathryn Lewis, Giáo sư khoa Dịch tễ học di truyền thuộc Đại học King's College London (Anh), giải thích: "Có lẽ có đến hàng ngàn biến thể di truyền kiểm soát nguy cơ bệnh tâm thần phân liệt. Mỗi biến thể làm gia tăng hay giảm bớt nguy cơ mắc bệnh và rất khó dự đoán. Xét nghiệm một gene không nói được về nguy cơ phát triển tâm thần phân lập ở một cá nhân".

Các dạng bệnh tâm thần cũng chịu ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường và xã hội. Song, cũng có nhiều bệnh nhân tâm thần phân liệt đáp ứng tốt phác đồ điều trị và sau đó có cuộc sống bình thường.

Năm 2005, Chính phủ Anh bãi bỏ quy định giữ bí mật danh tính của người hiến tặng tinh trùng. Đến lúc 18 tuổi, đứa bé chào đời nhờ tinh trùng hiến tặng sẽ được cung cấp thông tin về người hiến tặng. Tuy nhiên, những người nhận tinh trùng trước tháng 4-2005 (bao gồm 21.000 người chào đời giữa năm 1991 và 2004) vẫn không thể biết được danh tính người hiến tặng trừ phi người này tự nguyện ra mặt công khai cung cấp thông tin cá nhân.

Trang web Donor Sibling Registry giúp kết nối những người chào đời từ tinh trùng hiến tặng.

Trong một trường hợp, Tyler Blackwell bị chứng phình động mạch chủ giống hệt như "người cha" hiến tặng tinh trùng của mình tên là "John" (không phải tên thật). John bị vỡ động mạch chủ năm 43 tuổi nhưng may mắn sống sót. Ít nhất 3 thành viên gia đình khác cũng mắc bệnh tương tự John. Nếu không được can thiệp phẫu thuật kịp thời, động mạch chủ sẽ bị vỡ dẫn đến tử vong chỉ trong vòng 6 giờ. Mẹ của Tyler Blackwell ngậm ngùi nói: "Không ai biết về căn bệnh. Nếu như đoán trước được tương lai, chắc chắn tôi sẽ nhận tinh trùng hiến tặng từ người khác".

Một người Đan Mạch hiến tinh trùng mang bí số 7042 có lẽ không chủ tâm truyền bệnh u sợi thần kinh cho ít nhất 11 trong số những "đứa con" của mình. Tinh trùng của người mang bí số 7042 được sử dụng tại các bệnh viện ở nhiều quốc gia - bao gồm Mỹ, Canada, Bỉ, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Thái Lan và Anh.

U sợi thần kinh là bệnh di truyền kết hợp với những khối u thần kinh và não, dị dạng xương, suy giảm thị lực, cao huyết áp. Nguy cơ di truyền là 50%. Sau vụ việc khủng khiếp này, chính quyền Đan Mạch quy định tinh trùng hiến tặng chỉ được sử dụng cho tối đa cho 12 lần thụ tinh. Còn ở Anh, không hơn 10 gia đình sử dụng trứng hay tinh trùng từ một người hiến tặng duy nhất.

Hiện nay, nếu như người hiến tặng bắt đầu phát triển những bệnh di truyền vào những năm sau khi hiến tặng, không có hệ thống quản lý nào bắt buộc đối tượng tiết lộ sự thật. Theo những quy định hiện nay, những người hiến tặng tinh trùng hay trứng đều phải có kết quả xét nghiệm âm tính đối với HIV, viêm gan B và C, giang mai cũng như một số bệnh di truyền khác. Mặc dù phần đông các quốc gia đều có quy định đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần của người hiến tặng tinh trùng, song điều đó vẫn không có hiệu quả nếu như triệu chứng rối loạn chưa phát triển.

Do đó, công cụ chẩn đoán chính xác nhất chính là… thời gian! Allan Pacey, Giáo sư khoa Bệnh học nam thuộc Đại học Sheffield (Anh), lập luận: "Tôi cho rằng bộ gene hoàn hảo có lẽ thật sự không tồn tại. Do đó, nếu chúng ta áp đặt một bộ tiêu chuẩn khắt khe dựa trên những  nguy cơ về mặt lý thuyết thì có lẽ sẽ chẳng có bất cứ người nào được phép hiến tinh trùng".

Kevin, thợ chụp ảnh ở London, không chỉ là người chào đời từ tinh trùng hiến tặng mà còn là người hiến tinh trùng. Kevin tin rằng những bậc cha mẹ tương lai nên tìm hiểu rõ đến mức có thể về tình trạng sức khỏe của người hiến tặng tinh trùng.

Kevin thông cảm nỗi đau khổ của hai vợ chồng Elizabeth Hanson và Angela Collins đồng thời cảm thấy lo ngại khi đọc thấy có quá nhiều vụ việc rủi ro đáng sợ như thế. Tổng cộng đã có 11 đứa trẻ chào đời từ tinh trùng hiến tặng của Kevin. Tại sao anh hiến tặng tinh trùng? Anh trả lời: "Tôi sẽ không có mặt trên cõi đời này nếu như không có người hiến tặng tinh trùng. Có người đã làm điều đó và đó là nguyên do tôi có mặt trên đời".

Ở Mỹ, tổ chức phi lợi nhuận US Donor Sibling Registry giúp kết nối hơn 10.000 người chào đời từ tinh trùng hiến tặng với người hiến tặng để trao đổi thông tin cũng như truy tìm cội rễ của mình. Ở Anh có trang web Donor Sibling Link đề xuất dịch vụ test gene. Năm 2005, một cậu bé 15 tuổi tìm được người cha sinh học cũng nhờ vào trang web như thế.

Duy Minh (tổng hợp)
.
.