Sức mạnh S-300 của Nga tại Syria
- Mỹ thừa nhận mù tịt về các hệ thống S-300 Nga ở Syria
- Cục diện chiến tranh ở Syria thay đổi vì hệ thống S-300PM của Nga?`
- Mỹ cung cấp F-35 cho Israel sau khi Nga mang S-300 sang Syria?
15 quả tên lửa được phóng đi từ hệ thống S-300 đã phá hủy 7 mục tiêu trên không, phô diễn sức mạnh vượt trội của "rồng lửa" vốn đang khiến cả Mỹ, Israel và nhiều đồng minh khác lo lắng.
Nỗi khiếp sợ mang tên S-300
Hệ thống S-300, thường được NATO gọi bằng cái tên SA-10 Grumble, là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa hiện đại do Nga sản xuất, có khả năng áp chế và tiêu diệt hầu hết các loại chiến đấu cơ và tên lửa hành trình hiện có trên thế giới. Hệ thống này do Tổng công ty khoa học công nghiệp Almaz chế tạo và sản xuất dựa trên phiên bản S-300P đầu tiên. Hệ thống S-300 đã được phát triển để tăng cường khả năng chống lại máy bay và tên lửa hành trình nhưng các biến thể của nó lại có thể đánh chặn cả tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Hệ thống S-300 trong các hoạt động luyện tập, triển khai, diễu hành và sẵn sàng tác chiến. |
Hãng Sputnik cho hay, hệ thống S-300 được Liên Xô (cũ) triển khai lần đầu vào năm 1979 nhằm phòng thủ trên không cho các cơ sở công nghiệp và hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận, chống lại máy bay tấn công của đối phương. Khi đó, S-300 sử dụng tên lửa do phòng thiết kế MKB "Fakel" (một công ty riêng của Liên Xô (cũ), viết tắt là "OKB-2") phát triển. Đến nay, S-300 cũng có khả năng tiêu diệt các mục tiêu là máy bay tàng hình và được coi là một trong những hệ thống tên lửa phòng không mạnh nhất hiện tại, với nhiều thông số vượt trội hơn hệ thống đối thủ của Mỹ là MIM-104 Patriot.
Theo tạp chí Janes, điểm nổi trội nhất ở S-300 là mỗi hệ thống S-300 tiêu chuẩn có thể đồng thời theo dõi đến 120 mục tiêu và xử lý được từ 12 đến 36 trong số đó, tùy theo loại mục tiêu và số bệ phóng mà nó được tích hợp. Ở những phiên bản S-300PMU1/2, khả năng của radar được tăng cường, giúp nó theo dõi đến 300 mục tiêu và xử lý cùng lúc tới 72 vật thể bay xâm phạm.
S-300 được trang bị cùng lúc nhiều loại radar tối tân, bao gồm đài radar trinh sát tầm xa như 64N6E, 96L6E và 36D6, giúp phát hiện mục tiêu ở cự ly xa tới 360km; radar trinh sát độ cao thấp 76N6; radar điều khiển hỏa lực 30N6E sử dụng để dẫn đường điều khiển với radar dẫn đường bán chủ động giai đoạn cuối. Để tiến hành một đòn tấn công, các radar giám sát tầm xa trên S-300 sẽ xác định mục tiêu và chuyển tiếp thông tin về các xe chỉ huy để tiến hành đánh giá, phân tích. Sau khi xác nhận mục tiêu, xe chỉ huy gửi lệnh bắn tới radar điều khiển hỏa lực. Ngay sau đó, các xe phóng ở tình trạng sẵn sàng, với khoảng cách đến mục tiêu phù hợp nhất sẽ nhận lệnh khai hỏa.
Trong trường hợp mục tiêu là các máy bay hiện đại bậc nhất thế giới, các tổ hợp S-300 có thể tấn công mục tiêu bằng cách phóng liên tiếp 2 tên lửa để gia tăng độ chính xác. Tên lửa đầu tiên sẽ được phóng bởi trắc thủ, trong khi tên lửa thứ 2 sẽ được máy tính phóng tự động...
Khả năng chiến đấu đa dạng
Cách đây 13 năm, sau nhiều đồn đoán, NATO lần đầu tiên đã được mục sở thị hệ thống S-300 khi Không quân Slovakia mang một hệ thống S-300PS phiên bản cũ từ thập niên 1980 đến tham gia một cuộc tập trận chung mang tên "Trial Hammer 05". Từ đây, những biến thể của S-300 dần dần được hé lộ. Theo đó, hệ thống S-300 có 3 phiên bản khác nhau gồm S-300V, S-300P, S-300F được trang bị các loại tên lửa và radar khác nhau.
Trong 3 phiên bản chính này còn có những phiên bản nhỏ khác. Chẳng hạn, S-300P, phiên bản nguyên thuỷ của hệ thống S-300, bắt đầu hoạt động vào năm 1978 và đến 9 năm sau thì được triển khai ở hơn 80 địa điểm, chủ yếu quanh thủ đô Moscow. Hậu tố P thể hiện PVO-Strany (hệ thống phòng không quốc gia).
Những cải tiến cho S-300P đã dẫn tới nhiều phiên bản phụ lớn cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu. S-300PT-1 và S-300PT-1A là những cải tiến lớn từ hệ thống S-300PT nguyên bản. Một đơn vị S-300PT gồm một radar giám sát 36D6 hoặc và radar thám sát tầm thấp 76N6, một hệ thống kiểm soát bắn 30N6 và các phương tiện phóng 5P85-1.
Trong khi đó, S-300PS/S-300PM được giới thiệu năm 1985 lại là phiên bản duy nhất có trang bị một đầu đạn hạt nhân. Model này xuất hiện cùng TEL, radar di động và các phương tiện chỉ huy hiện đại được đặt trên xe tải MAZ-7910 8x8. S-300PS/S-300PM cũng sử dụng các tên lửa 5V55R mới tăng tầm chiến đấu tối đa lên 90 km và phương thức dẫn đường điều khiển radar bán chủ động (SARH). Radar giám sát của các hệ thống này được đặt tên 30N6.
Cũng xuất hiện cùng phiên bản này là sự phân biệt giữa các TEL tự hành và không tự hành. TEL không tự hành được đặt tên 5P85T. Các TEL tự hành là 5P85S và 5P85D. 5P85D là một TEL "phụ", được điều khiển bởi một TEL 5P85S "chính". TEL "chính" có thể được phân biệt nhờ một container thiết bị lớn phía sau cabin; ở TEL "phụ" khu vực này để trống và được dùng chứa dây cáp hay lốp dự phòng.
Chưa hết, phiên bản hiện đại hoá tiếp theo, được gọi là S-300PMU được giới thiệu năm 1992 cho thị trường xuất khẩu và sử dụng tên lửa cải tiến 5V55U vẫn dùng phương pháp dẫn đường trung gian giai đoạn cuối SARH và đầu đạn nhỏ hơn của 5V55R nhưng tăng khả năng chiến đấu chung khiến loại tên lửa này hầu như có cùng tầm hoạt động và độ cao như loại tên lửa 48N6 mới hơn (tầm hoạt động tối đa 150 km/93 dặm). Các radar cũng được cải tiến, với radar giám sát cho S-300PMU được định danh là 64N6 (BIG BIRD) và radar rọi (illumination radar) và dẫn đường được định danh là 30N6-1 trong bảng GRAU.
S-300F với hậu tố F ra đời năm 1984 và là phiên bản đầu tiên trang bị trên tàu chiến cho lực lượng hải quân. S-300F cũng có tên lửa 5V55RM mới với tầm hoạt động 7-90 km; sử dụng các radar TOP SAIL hay TOP STEER, TOP PAIR và 3R41 Volna (TOP DOME) và dùng dẫn đường điều khiển với một phương thức dẫn đường radar bán chủ động (SARH) giai đoạn cuối. Nó lần đầu tiên được lắp đặt và thử nghiệm trên một tàu tuần tiễu lớp Kara và sau đó được lắp đặt trên các tàu tuần tiễu lớp Slava và tàu chiến lớp Kirov. Nó được giữ trong tám (Slava) hay mười hai (Kirov) bệ phóng tám tên lửa bên dưới boong.
S-300FM là phiên bản hải quân khác của hệ thống S-300F, chỉ được lắp đặt trên tàu tuần tiễu lớp Kirov RFS Pyotr Velikiy và sử dụng loại tên lửa 48N6 mới. Loại này được giới thiệu năm 1990 và tăng tốc độ tên lửa lên xấp xỉ Mach 6 với tốc độ tiếp chiến mục tiêu tối đa lên tới Mach 8.5, tăng kích thước đầu đạn lên 150 kg và tăng tầm tiếp chiến một lần nữa lên 5-150 km cũng như độ cao tiếp chiến 10-27 km. Các tên lửa mới cũng sử dụng biện pháp dẫn đường tối tân và có khả năng ngăn chặn các tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Hệ thống này sử dụng TOMB STONE MOD thay cho radar TOP DOME. Phiên bản xuất khẩu được gọi là Rif-M. Hai hệ thống Rif-M đã được Trung Quốc mua năm 2002 và lắp đặt trên các tàu khu trục tên lửa phòng không có điều khiển Type 051C.
Còn S-300V, hay là 9K81 S-300V Antey-300 thì khác biệt hẳn bởi nó do hãng Antey sản xuất. Hậu tố V thay cho Voyska (các lực lượng mặt đất). Hệ thống này được thiết kế để hoạt động như hệ thống phòng không tầng thứ ba của quân đội, cung cấp sự bảo vệ chống lại các tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay, thay cho SA-4 'Ganef'. Các tên lửa "GLADIATOR" có tầm chiến đấu tối đa khoảng 75 km trong khi các tên lửa "GIANT" có thể chiến đấu với các mục tiêu ngoài 100 km và lên tới độ cao khoảng 32 km.
Hệ thống S-300V được mang trên các xe vận tải bánh xích MT-T, khiến nó có khả năng cơ động băng đồng tốt hơn thậm chí cả loại S-300P trên các xe tải 8x8. Nó cũng hơi khác hơn loại S-300P. Ví dụ, tuy cả hai đều có radar quét cơ khí để tìm kiếm mục tiêu (9S15 BILL BOARD A), mức độ khẩu đội 9S32 GRILL PAN có khả nặng tìm kiếm tự động và SARH được giao cho radar rọi trên TELAR nhưng phiên bản 30N6 FLAP LID ban đầu trên S-300P thực hiện thám sát lại không được trang bị tìm kiếm tự động.
S-300V đặt ra sự ưu tiên lớn hơn cho ABM và nó có một radar ABM riêng biệt - radar mạng phase 9S19 HIGH SCREEN ở cấp độ khẩu đội. Một tiểu đội S-300V thông thường gồm một thiết bị thám sát mục tiêu và thiết bị chỉ định, một radar dẫn đường và tới 6 TELAR. Thiết bị thám sát và chỉ định gồm đài chỉ huy 9S457-1, một radar giám sát toàn bộ 9S15MV hay 9S15MT BILL BOARD và radar giám sát khu vực 9S19M2 HIGH SCREEN. Hệ thống S-300V có thể được điều khiển bởi một hệ thống đài chỉ huy cấp trên 9S52 Polyana-D4 tích hợp nó với hệ thống tên lửa Buk thành một sư đoàn.
"Nỏ thần" của Syria
Hãng AP dẫn một nguồn tin quân sự Syria cho biết, cách đây 8 năm, tức là vào năm 2010, Syria đã ký một thỏa thuận mua hệ thống S-300 của Nga. Từ năm 2013, khi Syria bắt đầu vướng vào cuộc nội chiến khốc liệt, Nga đã có ý định cung cấp các hệ thống S-300 cho Syria. Nhưng trải qua 5 năm, việc bàn giao này đã bị hoãn đi hoãn lại nhiều lần do các đề nghị khẩn thiết từ phía Israel và các nước phương Tây có hoạt động quân sự tại Trung Đông.
Hồi tháng 4, sau khi Mỹ cùng đồng minh Anh và Pháp dội hơn 100 tên lửa vào Syria, Nga một lần nữa dọa triển khai S-300 đến Syria, nhưng cuối cùng lại hủy bỏ kế hoạch vì yêu cầu của Tel Aviv và sự phản đối từ phía Mỹ. Mọi chuyện có thể sẽ chỉ dừng lại ở đó nếu như không có chuyện chiếc Il-20 của Nga bị trúng ở khoảng cách 35km từ bờ biển Syria khi nó đang trở về căn cứ không quân Hmeimim gần phía Tây Bắc thành phố Latakia hôm 24-9.
Các cơ quan thông tấn của Nga đưa tin, tại thời điểm chiếc máy bay bị bắn hạ, bốn máy bay phản lực F-16 của Israel đang tấn công vào các cơ sở của Syria. Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc máy bay phản lực Israel đã sử dụng Il-20 làm bia đỡ đạn và rằng Tel Aviv đã không đưa ra thông báo đầy đủ về vụ tấn công, đẩy máy bay Nga vào đường đạn của hệ thống phòng không Syria.
Sau vụ việc này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga quyết định cung cấp cho Damascus hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất. Thông báo về việc này, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu qua điện thoại rằng quyết định tăng cường phòng thủ của Syria là "chủ yếu nhằm ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào đối với cuộc sống của các thành viên quân đội Nga".
Tuy nhiên, Thủ tướng Israel vẫn cảnh báo rằng "việc cung cấp hệ thống vũ khí tiên tiến cho Syria sẽ làm tăng mối nguy hiểm trong khu vực". Khi được hỏi về phản ứng của Washington, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã nói rằng quyết định của Nga sẽ gây ra một "sự leo thang đáng kể" trong cuộc nội chiến Syria và kêu gọi Moscow xem xét lại.
Một nguồn tin quân sự tiết lộ với trang tin Zamanalwsl rằng, Nga đã đặt hệ thống tên lửa phòng không S-300 tại một tiểu đoàn phòng không ở tỉnh Tartus và các sĩ quan Syria không được phép vận hành hệ thống này trong tương lai gần. Cụ thể, 4 chiếc máy bay vận tải Antonov An-124 Ruslan của Nga đã vận chuyển S-300 trong tuần đầu của tháng 10 tới Tiểu đoàn 37 ở Tartus. Các lực lượng Không quân Syria đã triệu tập tất cả các sĩ quan được đào tạo sử dụng S-300 ở Nga để tiếp tục được đào tạo tại căn cứ không quân Hmeimym.
"Vào ngày 1-10, 4 bộ của hệ thống S-300PM gồm 8 bệ phóng đã xuất phát từ Nga tới Syria. Hệ thống tên lửa phòng không này trước đây đã được triển khai tại một trong những trung đoàn phòng không vũ trụ của Nga. Sau khi trung đoàn này chuyển sang sử dụng hệ thống S-400 Triumf thì 4 bộ này đã được đưa đi sửa chữa tại các doanh nghiệp quốc phòng của Nga. Kết quả kiểm tra kỹ thuật công bố hồi cuối tháng 9 cho thấy, các hệ thống S-300PM này đang trong tình trạng tốt và có khả năng thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu", nguồn tin này khẳng định.
Cũng theo nguồn tin này, ngoài 8 bệ phóng, Nga đã giao hơn 100 đạn tên lửa dẫn dường từ không trung 48H6E dự trữ cho mỗi tiểu đoàn. Hãng Sputnik dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết toàn bộ 4 hệ thống S-300PM đã tới Syria hôm 8-10. 49 thiết bị của các hệ thống này bao gồm bệ phóng, máy định vị và xe điều khiển đã được vận chuyển làm nhiều lần trên máy bay vận tải quân sự An-124 Ruslan có tải trọng 120 tấn.
Tại một cuộc họp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Sergei Shoigu nói: "Chúng tôi đã hoàn thành việc cung cấp các hệ thống S-300PM cho Syria". Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng khẳng định, các chuyên gia nước này sẽ hướng dẫn binh sĩ Syria vận hành tên lửa S-300PM trong vòng 3 tháng. Lực lượng phòng không Nga và Syria đặt tại quốc gia Trung Đông cũng sẽ được tích hợp vào chung một hệ thống đơn nhất trước ngày 20-10.
Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử cung cấp vũ khí cho đồng minh của Moscow. Giới chuyên gia nhận định, nhiều khả năng, hệ thống S-300PM mà Nga vừa chuyển giao cho Syria là biến thể xuất khẩu của S-300PM1.