Súng laser cầm tay - vũ khí nguy hiểm gây tranh cãi
- Tổng thống Putin tiết lộ số tiền cực khủng Nga dùng sắm vũ khí trong năm 2018
- Những nẻo đường buôn lậu vũ khí
Trong số này, mới nhất và đáng chú ý nhất gần đây là mẫu súng laser cầm tay ZKZM-500, do Viện Quang học và Cơ khí Chính xác Tây An phát triển, một loại vũ khí được quảng bá là tân tiến và mạnh mẽ hơn hẳn các thế hệ vũ khí trước đó, có thể đốt cháy da thịt con người trong tích tắc, để lại những "vết sẹo khó lành" và "cực kỳ kinh khủng".
Vũ khí phi sát thương đáng sợ?
Theo tin từ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, Trung Quốc đã phát triển mẫu súng trường sử dụng laser, bắn ra chùm tia mà mắt thường không thể nhìn thấy được, xuyên được qua lớp kính và gây bỏng cho con người. Một chuyên gia về vũ khí cho rằng loại vũ khí mới này có thể "khiến quần áo bốc cháy chỉ trong vài giây… Nếu chất liệu quần áo dễ bắt lửa, người mặc sẽ nhanh chóng trở thành một ngọn đuốc sống… Những đau đớn mà nạn nhân phải chịu đựng là điều khó có thể tưởng tượng được".
Mẫu súng laser cầm tay mô phỏng, được quảng bá trang bị cho cảnh sát chống khủng bố. |
ZKZM-500 được xếp vào dạng vũ khí phi sát thương, đường kính nòng 15mm, nặng khoảng 3kg - tương tự AK-47 - và có tầm bắn khoảng 800m. Loại súng này có thể lắp đặt trên ôtô, tàu chiến hoặc máy bay. Với giá thành ước tính 15.000 USD, mẫu vũ khí này đã sẵn sàng được sản xuất hàng loạt và nhiều khả năng sẽ được trang bị cho lực lượng cảnh sát chống khủng bố và bạo động của Trung Quốc.
Theo quảng bá, mẫu vũ khí này được sử dụng trong trường hợp cần giải cứu con tin, cụ thể là bắn xuyên qua cửa sổ, vô hiệu hóa các mục tiêu tạo điều kiện cho các lực lượng đặc nhiệm khác. ZKZM-500 cũng có thể được dùng trong các chiến dịch quân sự bí mật bởi năng lượng của nó có thể đốt cháy bình xăng hoặc thùng chứa nhiên liệu.
ZKZM-500 sử dụng pin lithium có thể sạc được và không phát ra tiếng ồn, vì vậy "không ai có thể biết đối tượng tấn công từ đâu. Tất cả chỉ giống như một vụ tai nạn", một nhà nghiên cứu chia sẻ. Nguồn năng lượng của súng ZKZM-500 tương tự loại dùng cho điện thoại thông minh, chỉ có điều mạnh hơn nhiều, đủ để bắn 1.000 phát, mỗi phát kéo dài không quá 2 giây. Theo đại diện đơn vị phát triển, do nguy cơ bị dùng vào mục đích xấu, mọi thiết kế và hoạt động chế tạo súng laser sẽ được theo dõi chặt chẽ, và khách hàng duy nhất sẽ là cảnh sát và quân đội Trung Quốc.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là cho đến nay chưa có bất kỳ thông tin chi tiết nào về công suất của loại vũ khí này cũng như những hình ảnh về hoạt động của nó. Ngày 4-7 vừa qua, các nhà sản xuất đã công bố (trên Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng) một đoạn băng ghi hình vụ thử tia laser được tiến hành hồi tháng 5 vừa qua, cho thấy hình ảnh ZKZM-500 đốt cháy mục tiêu đằng sau tấm chắn từ khoảng cách hàng chục mét. Mục tiêu gồm một chiếc lốp xe, một miếng thịt và một chiếc áo phông đều bốc cháy, song những hình ảnh này chưa được xác thực về độ chính xác, và cũng chưa rõ các mục tiêu bị đốt cháy sau bao nhiêu lâu.
Một bài báo khác về ZKZM-500 cho biết loại vũ khí này tân tiến hơn các vũ khí laser khác ở chỗ nó không cần ngắm bắn chính xác và sẽ được phát triển thành một loại pháo laser đủ sức hủy diệt máy bay cách đó nhiều km.
Thực sự mạnh mẽ?
Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích đều tỏ ý hoài nghi về những thông tin trên. Trước hết, một vũ khí laser đủ mạnh để thiêu đốt các vật liệu cần nguồn năng lượng lớn, đòi hỏi pin tích trữ dung lượng lớn và thường rất nặng, thậm chí tới cả trăm kg. Vì lý do này, các vũ khí laser phòng không mà Mỹ hay thậm chí là Trung Quốc phát triển thường được lắp trên các loại vũ khí bọc thép, tàu chiến, hoặc lắp đặt trên bệ cố định.
Nhiều loại súng laser thế hệ trước của Trung Quốc có trọng lượng gấp đôi ZKZM-500 song hiệu quả tấn công và tầm bắn thấp hơn nhiều. Nhiều ý kiến cho rằng có thể viện nghiên cứu tại Tây An đã đạt được một bước đột phá song việc có được tầm bắn tới hàng nghìn mét và khả năng đốt cháy cả bình xăng với trọng lượng chỉ 3kg của ZKZM-500 là điều rất khó tin.
Nhiều người cũng đặt dấu hỏi về việc liệu có đúng loại vũ khí này thực sự mạnh mẽ như quảng cáo hay không? Dù các bài báo viết về ZKZM-500 miêu tả khá chi tiết khả năng thiêu hủy mục tiêu của loại vũ khí này song công suất của nó vẫn là một vấn đề bỏ ngỏ.
Có nguồn tin cho biết quân đội Mỹ đang đầu tư cho các nghiên cứu về vũ khí laser theo đúng hướng mà ZKZM-500 được cho là có thể làm được, song đó là những thiết bị có công suất lớn tới nhiều kilowatt và có kích thước cực kỳ lớn, buộc phải lắp đặt trên các phương tiện tăng thiết giáp hoặc tàu chiến. Loại vũ khí này cũng có thể được thu gọn thành cỡ súng cầm tay song cho đến nay chưa có tài liệu chính thức nào về những thành quả này…. Hơn thế nữa, loại vũ khí này cũng sinh nhiệt rất lớn sau vài cú bắn và cần tới một cơ chế làm lạnh nhất định.
Dự trữ năng lượng cũng là một vấn đề cần lưu ý. ZKZM-500 được cho là có thể bắn liên tục 1.000 loạt đạn sau mỗi lần sạc bằng pin lithium. Tuy nhiên, giới khoa học cho rằng việc một loại vũ khí cầm tay có thể tích lũy năng lượng lớn tới mức đó, dựa trên công nghệ hiện nay, là điều phi lý!?
Đoạn băng ngày 4-7 không hề chỉ rõ loại súng này được con người sử dụng như thế nào hay được lắp đặt vào đâu. Điều này làm dấy lên nghi ngờ rằng ZKZM-500 có thể đã được gắn vào một bệ đỡ cố định, vì vậy không thể đảm bảo tính cơ động như đã được quảng bá trước đó.
Giới chỉ trích cũng nêu lên những lo ngại về vấn đề an toàn, chẳng hạn như sự tăng nhiệt của mục tiêu sau khi bị tấn công hay nguy cơ nhầm lẫn của người sử dụng... đều có thể gây ra những hệ quả khó lường.
Tính pháp lý và nhân đạo
Nghị định thư IV của Công ước Genèva về Vũ khí Truyền thống nêu rõ các vũ khí laser không được phép sử dụng để tấn công vào mắt người. Nghị định thư này có hiệu lực từ năm 1998 và hiện đã có hàng trăm nước tham gia ký kết, trong đó có cả Mỹ và Trung Quốc.
Mô phỏng mẫu súng laser trên tàu chiến. |
Do hầu hết các loại tia laser đều có thể dễ khiến đối tượng bị mù. Trên thế giới người ta cơ bản xem Nghị định thư IV như một lệnh cấm đối với việc thiết kế và sử dụng các vũ khí laser sát thương. Bài viết về ZKZM-500 trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng khẳng định loại vũ khí này không vi phạm lệnh cấm.
Nghị định thư IV cũng có những ngoại lệ đáng lưu ý: tia laser có thể sử dụng để nhằm vào các hệ thống, thiết bị hay phương tiện quang học, hoặc gây mù tạm thời. Quân đội Mỹ từng sử dụng tia laser để cản trở các tài xế lái xe khi họ tới gần một số điểm kiểm tra tại Iraq. Trong khi đó, loại thiết bị laser được tích hợp cho xe tăng Type 99 hay súng AC-130 được dùng để phá hủy hệ thống quang học của xe tăng hoặc động cơ xe tải cho dù không ảnh hưởng tới mắt người trên các phương tiện đó.
Nếu ZKZM-500 đủ sức đốt cháy da thịt và quần áo, để lại những "vết sẹo khó lành" thì chắc chắn loại vũ khí này cũng sẽ khiến con người bị mù vĩnh viễn. Việc miêu tả về "những đau đớn quá sức chịu đựng" cho thấy ZKZM-500 hoàn toàn không phù hợp với các vấn đề liên quan tới tiêu chuẩn về nhân quyền quốc tế trong Công ước Genèva về các loại Vũ khí Truyền thống.
Hơn thế nữa, việc ZKZM-500 trước hết được trang bị cho lực lượng cảnh sát dân dụng, một lực lượng chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ trong nước, với tuyên bố là nhằm chống lại "những kẻ khủng bố" và "biểu tình" bất hợp pháp chứ không phải hệ thống quang học của máy bay hay xe tăng cho thấy loại vũ khí này được chủ đích quảng bá nhằm vào con người. Dù không gây sát thương song với những thương tổn mà nó để lại, có thể là mù vĩnh viễn, ZKZM-500 rõ ràng đã vi phạm Nghị định thư IV.
Về mặt chiến thuật, một loại súng dùng tia laser có thể phá hủy vật liệu có thể là thứ vũ khí có hiệu quả sử dụng rất lớn đối với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ đặc biệt bởi chúng không phát ra tiếng động, khó nhận biết, có thể xuyên qua cửa kính và có nhiều tiềm năng cho việc do thám hoặc phá hoại ngầm.
Đối với hầu hết các loại vũ khí laser cỡ nhỏ, mục đích sử dụng chủ yếu vẫn là để tác động đến hệ thống cảm biến của các thiết bị tân tiến và đắt tiền. Trong năm nay đã có nhiều thông tin về việc quân đội Trung Quốc dùng tia laser gây phiền nhiễu cho phi công quân sự Mỹ tại châu Phi và một số vùng biển ở Thái Bình Dương, khiến hai phi công gặp vấn đề về mắt cực kỳ nghiêm trọng.
Có thể nói thực tế hiện nay trên thế giới không có bất cứ quy định hay luật pháp cụ thể nào quản lý việc phát triển và sử dụng vũ khí laser. Nghị định thư IV chỉ tập trung vào các vũ khí thế hệ đầu và cấm các loại vũ khí gây mù vĩnh viễn. Theo một số nhận định việc Trung Quốc xếp súng ZKZM-500 vào dạng vũ khí "không sát thương" có nghĩa nó ít có khả năng tiêu diệt mục tiêu là con người hơn các loại súng thông thường. Tuy nhiên, nếu khai hỏa đủ lâu, tia laser có thể tạo thành lỗ trên cơ thể của mục tiêu, gây ra những tổn hại nghiêm trọng.
Xét cho cùng, việc chế tạo súng laser đủ sức thiêu sống một con người có thể là hành vi cực kỳ "vô nhân đạo". Một sỹ quan quân sự từng chia sẻ: "Vết bỏng laser sẽ để lại sẹo vĩnh viễn, có nguy cơ gây hoảng loạn hoặc biến một cuộc biểu tình ôn hòa thành bạo loạn". Vì vậy, việc nghiên cứu, thiết kế và sản xuất những vũ khí này cần phải được giám sát chặt chẽ và đối tượng sử dụng cũng phải là những lực lượng đặc biệt với cơ chế kiểm soát hiệu quả.