Susan Potter - người hiến xác vĩ đại

Thứ Năm, 20/12/2018, 10:00
Susan Potter - người phụ nữ tình nguyện đóng băng cơ thể mình và "cắt nát" thành 27.000 lát mỏng đã trở thành một "xác chết kỹ thuật số" để phục vụ việc nghiên cứu khoa học. Đó thực sự là một kỳ tích!

Sue Potter (tên khai sinh là Susan Christina Witschel,  Đức) sinh ngày 25-12-1927, tại Leipzig. Bà di cư sang Mỹ sau khi sống sót khỏi thảm họa diệt chủng Đức Quốc xã, đã qua đời ngày 16-2-2015, tại Denver ở tuổi 87. 

Vào năm 2000, bà nghĩ rằng mình có thể sống thêm một năm nữa thôi nên đã ký một thỏa thuận với Đại học Y khoa Colorado. Bà muốn được ướp xác, phân mảnh cơ thể và số hóa điều đó để phục vụ mục đích giảng dạy. Song cuối cùng, 15 năm sau, bà mới qua đời. Trong quãng thời gian 15 năm đó, bà ghi chép lại mọi thứ về bản thân để các sinh viên có thể hiểu về bà đằng sau hồ sơ y tế. Bà cho hay điều này khiến bà cảm thấy chân thực, hiện hữu hơn là một xác chết ẩn danh.

Bà Susan Potter khi còn sống.

Bà thường xuyên đến phòng thí nghiệm để xem cơ thể của chính mình sẽ được cưa cắt, chụp ảnh, đông lạnh như thế nào, rồi tủ lạnh bảo quản thi thể ra sao. Bà Sue thích gặp gỡ sinh viên nên còn tham dự một số lễ tốt nghiệp. Do vậy, sinh viên rất yêu mến bà. Có người đã khóc tại lễ tưởng niệm bà.

Và bài viết trên tạp chí National Geographic số tháng 1-2019 sẽ hé lộ một cái nhìn sâu vào bên trong hành trình 15 năm đó của Sue Potter.

Sue Potter mất vì bệnh viêm phổi vào năm 2015. Cơ thể của bà ngay lập tức được đóng băng và nhanh chóng được cắt thành 27.000 lát. Những lát cắt này được bảo quản cẩn thận trong 3 năm, sau đó được số hóa để dạy cho sinh viên.

Trong 15 năm đó, bà Sue đã ghi lại mọi thứ về cuộc sống của mình: Mô tả lối sống, cảm xúc, sự đau đớn, các mối quan hệ và nhiều điều nữa đằng sau kỳ tích khoa học này. Trong thời gian này, bà cũng yêu cầu được nhìn thấy chiếc cưa sẽ phân mảnh cơ thể bà, tủ lạnh cất giữ thi thể và polyvinyl alcohol - thứ hóa chất sẽ phủ lên người bà trước khi được cưa cắt.

Bà cũng đề nghị được nghe âm nhạc cổ điển và thi thể sẽ được bao quanh bởi hoa hồng.

Ở giai đoạn đầu tiên sau khi chết của bà, thi thể Sue Potter sẽ được ngâm trong hóa chất polyvinyl alcohol trong phòng thí nghiệm, rồi đóng băng ở âm 15 độ F (âm 26 độ C) trước khi phân thành 27.000 mảnh. Việc phân mảnh cơ thể bà diễn ra vào ngày 9-3-2017. Sau quá trình này, thi thể bà được hồi sinh dưới dạng kỹ thuật số.

Hồi đầu, khi Sue Potter bày tỏ nguyện vọng hiến cơ thể, Tiến sĩ Vic Spitzer choáng váng. Và ông cũng từ chối vì các biến chứng bệnh tật của bà, chưa kể việc bà từng thay khớp háng do tai nạn ôtô. Song sau cùng, Tiến sĩ Vic Spitzer đã đồng ý.

Sue Potter được mô tả là "một người phụ nữ sắc sảo, tự ái cao và đôi khi tính tình hơi khó chịu, nhưng cũng là người hào phóng và chu đáo". Bà bị cha mẹ bỏ rơi sau khi chuyển đến New York, từ đó bà sống với ông bà. Bà nói rằng chưa bao giờ bà tha thứ cho cha mẹ mình vì điều đó.

Bà kết hôn với ông Harry Potter vào năm 1956 và có hai con gái. Họ chuyển đến Colorado khi ông Harry nghỉ hưu. Không rõ chuyện gì đã xảy ra với ông Harry đã khiến cả bà Sue cũng trở nên xa cách với hai cô con gái của mình. Do đó, đến năm 73 tuổi, bà Sue sống một mình.

Bà bị khá nhiều bệnh tật như tiểu đường, ung thư vú và chịu nhiều cuộc phẫu thuật khác ở phần dưới thắt lưng.

Năm 2000, khi nghĩ mình chỉ còn sống được 1 năm nữa, bà bỗng đọc được một bài viết về dự án mô phỏng con người của Đại học Colorado và những bước đột phá về con người hữu hình của họ. Nhóm nghiên cứu, được Viện Y tế Quốc gia tài trợ, từng ướp xác và đóng băng thi thể của một người đàn ông (Joseph Paul Jernigan, một tử tù 39 tuổi, vào năm 1993), một phụ nữ (59 tuổi, ở Maryland, mắc bệnh tim, vào năm 1994). Thi thể họ cũng được phân mảnh và số hóa phục vụ việc giảng dạy cho sinh viên.

Thấy vậy, bà Sue muốn trở thành người thứ ba được hiến cơ thể và là người còn sống đầu tiên tình nguyện hiến cơ thể mình để là "một xác chết bất tử".

Trước đó, bà Sue cũng đồng ý cho Tiến sĩ Spitzer liên hệ với National Geographic để thực hiện một dự án ghi lại mọi thứ về bà. Nhưng mọi người và chính bà Sue cũng ngạc nhiên khi bà sống thêm 15 năm nữa. Điều đó trở thành một hiện tượng, được ghi nhận để nghiên cứu.

"Tôi muốn giúp những người trẻ tuổi trở thành những bác sĩ giỏi", bà nói trong đoạn video quay năm 2002.

"Để bà ấy nói chuyện với bạn về cơ thể mình, cảm giác, những mối bận tâm, những bệnh tật,... thì đó là một thứ năng lượng khác hẳn. Điều đó không chỉ còn là chuyện giải phẫu, sinh lý học mà còn là sự tìm hiểu về con người của bà", Tiến sĩ Spitzer nói với đài ABC - cũng đang phát câu chuyện này kèm video về trải nghiệm của Sue Potter.

Và đến khi Sue Potter qua đời, công nghệ và mọi thứ đã tiến bộ hơn rất nhiều so với trường hợp đầu tiên - Joseph Jernigan, theo Daily Mail. Ví dụ, chiếc cưa để phân mảnh thi thể giờ là cưa tự động, có thể cắt mỏng cả sợi tóc với tốc độ đáng kinh ngạc.

"Việc phân mảnh thi thể vào năm 1993 đã khiến Tiến sĩ Spitzer mất 4 tháng trời. Nay, 25 năm sau, việc phân mảnh cơ thể bà Susan Potter thành 27.000 lát cắt chỉ mất 60 ngày. Tiếp đến mới là quy trình tốn nhiều thời gian như phác thảo cấu trúc mô, các cơ quan, mạch máu trên mỗi lát cắt kỹ thuật số để làm nổi bật cấu trúc khung xương, hệ thần kinh, mạch máu một cách chi tiết. Quy trình này sẽ mất từ 2 đến 3 năm" - Cathie Newman, tác giải bài viết trên National Geographic - giải thích.

Nhìn về phía trước, Tiến sĩ Spitzer hy vọng đây mới chỉ là khởi đầu.

"Mục tiêu là một ngày nào đó có đủ các cơ thể trên "kệ sách" để bạn có thể kéo nó ra, tìm hiểu về bệnh lý hay quá trình bệnh", Tiến sĩ Spitzer nói trên ABC.

Gia Minh
.
.