Tận diệt… sâm quý

Thứ Hai, 23/03/2015, 12:45
Cùng với sâm Ngọc Linh, một số tỉnh thuộc Tây Nguyên còn là quê hương của nhiều loài sâm quý như sâm cau, sâm tam thất, sâm bố chính… và đặc biệt là…đảng sâm. Còn có tên gọi địa phương là "sâm dây", đảng sâm hay đẳng sâm là dược liệu quý đã và đang bị săn lùng ráo riết.

Theo chân các đầu nậu di chuyển với cường độ cao qua các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng và Kon Tum, chúng tôi ghi nhận nhiều cuộc càn quét khốc liệt của các đầu nậu dược liệu khi tổ chức mạng lưới thu gom sâm quý với giá rẻ mạt theo phương châm "già không bỏ-nhỏ không tha". Ngay tại cửa rừng, thật xót xa khi thấy nhiều "củ" sâm quý bé chỉ bằng đầu đũa cũng được đầu nậu thu gom triệt để!

Lời tự tình của người trong cuộc

Tôi biết ông N. gần 2 năm nay. Hơn 30 năm kinh doanh dược liệu tại quận 5, TP HCM ông N. tạo dựng được sự nghiệp mơ ước đủ để ông sống quãng đời còn lại trong cảnh vương giả mà nói theo ông "nếu trời thương cho sống đến tuổi 80".

Những đứa trẻ người Xơ-đăng và người Cil với những củ sâm mà các em phải bán mạng để tìm được.

Ông N. cũng như lương y Nguyễn Đức Nghĩa - học trò cố GS-TS Đỗ Tất Lợi (hiện phụ trách Phòng khám Tuệ Lãn tại quận 3 - TP HCM), rất tâm huyết với việc phát triển nguồn dược liệu sạch để cứu người.

"Khỏi phải nói thì giờ đây ai cũng biết phần lớn dược liệu được bán buôn đa phần có nguồn gốc từ Trung Quốc. Dược liệu như thế rất nguy hiểm cho người sử dụng vì bị rút tinh chất, nhiễm dư lượng thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc bảo quản chống ẩm mốc và nhiễm lưu huỳnh (dùng sấy khô bảo quản thuốc, giúp thuốc giữ được trọng lượng trong thời gian dài-PV). Dùng dược liệu như thế, người ta hết bệnh này thì chuyển sang bệnh khác là điều không thể tránh khỏi" - ông N. tặc lưỡi!

Trong hằng sa số dược liệu giá trị, đắt tiền nhưng kém chất lượng và nhiễm độc phổ biến trên thị trường hiện nay như hồng hoa Tây Tạng, cúc hoa, nhục thung dung, hà thủ ô, xáo tam phân, tam thất, thất diệp nhất chi hoa…, ông N. bật mí "nổi" nhất là sâm dây: "Đó là vị thuốc bổ phổ biến được ngành y  học cổ truyền dùng thay thế nhân sâm. Hầu như khi kê thuốc bổ cho ai đó, các thầy thuốc đều đưa sâm dây vào toa thuốc trị liệu của mình".

Ông N. còn phân tích rằng, kết cấu của một bài thuốc bất kỳ bao giờ cũng có 4 thành phần gồm "quân-thần-tá-sứ", trong đó quân là vị thuốc chính đóng vai trò chủ dược. Các thành phần thuốc còn lại đóng vai trò hỗ trợ. Cũng theo phân tích của ông N., trong một bài thuốc bổ, nhất là bài thuốc dùng cho người bị suy nhược cần nâng cao thể trạng, sâm dây là vị không thể thiếu là quân. "Nó là vị thuốc bổ có rất nhiều chuyện đáng để nói lắm" - ông N. bộc bạch!

Địa phận giáp ranh giữa 2 huyện Đắk Tô và Tu-mơ-rông, nơi có nhiều người Xơ-đăng sống khổ với nghề tìm sâm quý giữa rừng già.

Một trong những chuyện "đáng để nói lắm" của ông N. là sự việc biệt dược sâm dây được các tiệm đông dược ở quận 5 "bỏ" cho mối lái, phòng khám, đại lý tại Sài Gòn và nhiều tỉnh thành trong cả nước có nguồn gốc từ Trung Quốc: "Điều oái ăm ở chỗ nguồn sâm Trung Quốc lại có xuất xứ từ núi rừng Tây Nguyên của Việt Nam mình. Trên hành trình đi lòng vòng rời Tây Nguyên qua biên giới rồi trở ngược lại Việt Nam, chắc chắn củ sâm đã không còn nguyên vẹn. Nó đã bị rút ruột, bị tẩm chất này chất kia là chuyện không có gì lạ".

Từ những lời gan ruột của ông N., qua một thời gian dài rong ruổi khắp núi rừng Tây Nguyên, thậm chí vào vai dân buôn dược liệu quan hệ làm ăn với dân mánh mung ở phía Bắc tìm hiểu về dược liệu sâm dây, chúng tôi phát hiện sự thật buồn: Từ nhiều năm qua, loại dược liệu bổ dưỡng giá trị này bị cánh đầu nậu thao túng, thu gom ồ ạt nên đang đứng trước nguy cơ… tuyệt diệt!

Náo loạn nơi cửa rừng…

Đắk Tô và Tu-mơ-rông là 2 huyện vùng cao của tỉnh Kon Tum. Nhiều năm qua 2 địa phương này nổi danh khắp cả nước vì là nơi có trữ lượng cũng như có hoạt động khai thác, mua bán sâm Ngọc Linh và sâm dây vô cùng sôi động. Nếu như cây sâm Ngọc Linh (còn gọi sâm K5) tự nhiên xem như đã tuyệt chủng ở vùng rừng này thì nguồn sâm dây lại không đến nỗi. Có điều nói như bà Tâm Ửng, chủ một đại lý chuyên bán sỉ và lẻ sâm dây thì càng ngày, trữ lượng sâm dây càng cạn kiệt.

"Ngày trước một người đi tìm sâm một ngày có thể gùi về đến nửa tạ thì nay hôm nào được chục ký xem như trúng lớn. Hàng về đến cửa rừng ngay lập tức có người thu mua, tôi chỉ là người mua lại của họ bán kiếm lời từ khách vãng lai… Hồi trước người ta chỉ bứng những củ sâm loại 20 củ một ký. Giờ thì ngay cả củ sâm bằng đầu đũa họ cũng chẳng tha. Nên một ký sâm có khi lên đến hơn trăm củ" - bà Tâm Ửng trò chuyện!

Bà N.- chủ một đại lý bán và thu mua đẳng sâm tại xã Đa Chais.

Từ trung tâm huyện Đắk Tô, chúng tôi phóng xe máy về huyện Tu-mơ-rông. Chúng tôi đi qua đèo Măng Rơi cheo leo hiểm trở bên vách núi dựng đứng, bên vực sâu nhiều bất trắc, nơi tập trung đông người Xơ-đăng ngày ngày bán mạng nơi rừng thẳm săn sâm. Ở lưng chừng đèo - địa phận giáp ranh giữa 2 huyện Đắk Tô và Tu-mơ-rông, ông A Khuôn, 45 tuổi, cùng vợ là H'Leo cho biết sau khi "ăn" được sâm, anh chị sẽ bán cho người thu mua là Vương, bán hàng tạp hóa ở bên này đèo.

Khi được chúng tôi hỏi thăm, ông Vương cho biết ông chỉ thu gom kiếm tiền chênh lệch: "Có người đến đặt vấn đề với tôi, ứng trước tiền cho tôi, rồi nhờ tôi thu gom. Khi đủ hàng thì họ đến chở. Họ chở đi đâu, làm gì tôi không biết".

Rời đèo Măng Rơi, đi sâu vào địa phận huyện Tu-mơ-rông, qua tiếp cận với một số dân gom sâm như ông Vương tại thị trấn Tu-mơ-rông, chúng tôi cũng ghi nhận những điều như thế. Không  chỉ gom sâm dây, những người dân còn thu gom các loại nấm linh chi theo đơn đặt hàng của các mối lái.

"Bây giờ đang là mùa sâm nên tôi tập trung gom sâm. Gom đủ thì có người đến chở đi. Hình như họ tập trung hàng ở xã Đắk Glei - quê hương của cây sâm K5. Tại đó hàng tấn sâm dây sẽ được đưa lên xe tải rồi thẳng tiến về phía Bắc" - V. một chủ vựa thu gom dược liệu tại thị trấn Tu-mơ-rông, cho biết.

Không chỉ tại núi rừng Kon Tum, đường dây ăn sâm của các ông trùm "cá mập" giấu mặt còn vươn vòi bạch tuộc hút máu nguồn sâm quý tại Lâm Đồng. Huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), nơi cư trú đông người Cil - một nhánh rẽ của người K'ho là tâm điểm của bi kịch cây sâm dây hay đẳng sâm chảy máu, như thế.

Qua quá trình thực địa tại các xã Đa Nhim, Đa Chais, chúng tôi tiếp cận với hàng chục đầu mối thu mua sâm để bỏ lại cho các đầu nậu cấp cao hơn kiếm lời. Sau 4 lần tới lui bàn chuyện làm ăn, đặt hàng và ăn nhậu, khi tình cảm chín mùi, tôi được H., 32 tuổi, người gốc Thái Bình, ở khu vực giáp  ranh 2 xã Đa Nhim và Đa Chais tiết lộ rằng phần lớn sâm được thu gom ở núi rừng Lạc Dương được "tuồn" qua biên giới Trung Quốc.

H. khẳng định anh ta từng là tài xế xe Bắc-Nam, từng chở cả xe sâm nặng hàng tấn đến biên giới nên biết rõ đường đi của những củ đẳng sâm. "Lúc mình xuất qua bển thì sâm tươi roi rói. Nhưng khi họ xuất ngược lại mình thì toàn sâm khô. Mà sâm khô đó với sâm khô thuần chủng ở đây khác xa một trời một vực" - H.bật mí.

H. nói tiếp: Sâm mình thu mua trực tiếp nếu phơi khô thì củ sâm vàng óng, có mùi thơm dịu. Cũng củ sâm đó nhưng khi được đưa qua biên giới rồi trở về xứ mình dưới dạng sâm khô thì nó biến màu, không vàng rơm mà là màu vàng đục, lắm khi màu nâu đen trông gớm lắm. Đã vậy cái mùi của nó rất hắc, nồng mùi thuốc Bắc chứng tỏ đã bị tẩm ướp rồi!

Vị thuốc quý có số phận lâm ly

Theo Đông y, sâm dây hay đảng sâm là một loại cỏ rễ sống lâu năm có hình trụ dài, có vị ngọt, tính bình, vào hai kinh phế-tỳ, có tác dụng bổ trung ích khí, sinh tân, chỉ khát. Dược sĩ Trương Phúc Trinh (học viên Trường y học cổ truyền Lê Hữu Trác-Chi nhánh TP HCM) cho biết, đông y dùng đảng sâm chữa các chứng tỳ hư, ăn không tiêu, phế hư sinh ho hay là chứng chân tay yếu mỏi.

Sâm dây loại hàng khô được bán tràn lan tại thị trấn Đắk Tô.

"Dược điển Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của Đỗ Tất Lợi ghi đảng sâm là vị thuốc được dùng thay thế nhân sâm trong các bệnh vàng da, thiếu máu, phù chân, viêm tuyến thượng thận và bệnh bạch huyết. Ngoài ra, đảng sâm còn được dùng làm thuốc bổ dạ dày, lợi tiểu tiện, tiêu đờm. Vì có công dụng như nhân sâm nhưng rẻ tiền hơn nên đảng sâm được ví là nhân sâm của người nghèo" - dược sĩ Phúc Trinh cho biết.

Những cơ sở trên cho thấy đảng sâm là vị thuốc bổ có giá trị về mặt dược liệu nhưng như đã nói, số phận của loài dược thảo này càng lúc càng… nguy nan! Một điều đáng tiếc là do nhiều trở ngại nên chúng tôi chưa kiểm soát được thực hư chuyện loài sâm quý của núi rừng Tây Nguyên bị đưa qua Trung Quốc rút ruột, tẩm hóa chất như bật mí của một số người trong cuộc.

Nhưng điều rõ ràng mà ai cũng thấy là giới con buôn, dân đầu nậu đã và đang thao túng loài dược liệu quý này mà không gặp bất kỳ sự trở ngại nào từ các cơ quan chức năng. Hỏi ra mới biết vì loại sâm này chỉ là lâm sản phụ, không nằm trong danh mục Sách Đỏ Việt Nam nên ngành chức năng chẳng thể chế tài được gì.

"Nếu có bắt bớ gì đó thì bắt dân tầm sâm vào rừng cấm trái phép chứ tôi chỉ là người thu mua, có vi phạm gì đâu. Vả lại nếu có bắt thì cùng lắm trục xuất người ta ra khỏi rừng chứ họ đâu có phá rừng, đâu có chặt cây bắn thú nên xử lý thế nào được" - V., người chuyên thu gom các loại nấm linh chi và sâm dây ở xã Đa Nhim, tỏ ra rất sành kẽ hở luật.

Vì không bị chế tài, không nằm trong danh mục cấm nên sâm dây bị khai thác và buôn bán vô tội vạ. Giới dân buôn dự đoán với tốc độ tận diệt "lớn không bỏ-nhỏ không tha" như thời gian qua thì chỉ vài năm nữa thôi, loài dược liệu này sẽ lụi tàn, sẽ như số phận của sâm K5 đang chết lâm sàng trên chính quê hương mình.

Cần lưu ý là thị trường hiện nay đang loạn "thần dược" sâm K5. Với giá dao động từ 30-80 triệu đồng/kg (tùy kích cỡ, trọng lượng và độ tuổi-PV), vì giá trị cao ngất ngưởng nên sâm K5 bị làm giả rất nhiều. Dược sĩ Trương Phúc Trinh cho biết, cứ 10 người mua sâm K5 thì có đến 9 người mua sâm dỏm có nguồn gốc từ củ ráy, một loại củ độc uống vào dễ gây dị ứng, ngứa toàn thân. Sau này rút kinh nghiệm, để trừ độc tố của củ ráy, trước khi biến nó thành sâm K5 dưới dạng củ khô, dân buôn ma mãnh cho luộc chín, sấy khô để loại bỏ độc tố…

Cùng với sự trăn trở lọt ngoài "danh mục đỏ", điều đọng lại trong chúng tôi khi tìm hiểu về "số phận" của loài sâm quý kể trên là cuộc sống nghèo khổ của tộc người Xơ-đăng và Cil. Họ là chủ nhân của núi rừng, họ bán mạng nơi rừng sâu tầm sâm nhưng do bị o ép thu mua với giá rẻ mạt nên nghèo vẫn hoàn nghèo. Người bản xứ nghèo bao nhiêu thì các ông bà trùm càng giàu sụ bấy nhiêu. "Khi đến tay người có tiền, một ký đẳng sâm đạt chuẩn có giá đến hơn 2 triệu đồng nhưng tại rừng, có khi người bản xứ chỉ đổi được nó để lấy vài ba ký gạo" - ông N. trầm giọng.

N.Thành Dũng
.
.