Tận dụng “giai đoạn vàng” chống dịch Corona
Đến nay, các biện pháp quyết liệt phòng chống dịch nCoV được thực hiện từ biên giới, cửa khẩu đến trong nội địa. Các chuyên gia khẳng định, vào thời điểm này, đánh giá tình hình dịch nCoV đạt đỉnh ở Việt Nam còn quá sớm nhưng đây là “giai đoạn vàng”, nếu bỏ lỡ, dịch sẽ lây lan rộng.
Nhiều biện pháp quyết liệt
Dịch nCoV tiếp tục diễn biến nghiêm trọng ở Trung Quốc khi số ca nhiễm mới và tử vong tiếp tục tăng. Các chuyên gia nhận định, dịch nCoV đạt đỉnh vào vài ngày tới tại Trung Quốc.
“Chúng ta không phải đợi Trung Quốc đạt đến đỉnh tối đa mới triển khai các biện pháp quyết liệt. Từ 12h ngày 5-2, Việt Nam tạm dừng nhập cảnh người đi từ Vũ Hán về và người quá cảnh qua vùng dịch của Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam. Chúng ta sử dụng triệt để các biện pháp ngăn chặn, cách ly các trường hợp nghi ngờ ở trong nước. Trước đó, Chính phủ đã chỉ đạo hạn chế và cách ly những người đi từ vùng có dịch ở 31 địa phương của Trung Quốc trở về Việt Nam. Chúng tôi cho rằng đây là biện pháp rất đúng trong hoàn cảnh hiện nay” - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tại các cửa khẩu biên giới đã thực hiện cách ly 100% người Việt Nam nhập cảnh từ Trung Quốc về trong 14 ngày để theo dõi, giám sát. Đến nay có khoảng hơn 900 người đang được cách ly tại biên giới, hầu hết là người Việt Nam. TP Móng Cái (Quảng Ninh) đã thành lập bệnh viện dã chiến 500 giường để tiếp nhận người cách ly từ khu vực biên giới chuyển về, hiện số người cách ly ở vùng biên này đã lên hơn 500 người.
Đảm bảo phương tiện an toàn cho nhân viên y tế tiếp xúc với người bệnh ở ổ dịch Vĩnh Phúc. |
Quảng Ninh cũng đã chuẩn bị gần 2.000 giường bệnh sẵn sàng đối phó với dịch. Nhằm ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép có thể làm lây lan dịch bệnh, bộ đội biên phòng đã huy động lực lượng lập trạm chốt tại 44 đường mòn, lối mở, 7 cửa khẩu chính, 6 cửa khẩu phụ để kiểm tra, kiểm soát.
Hiện chúng ta đang thực hiện 3 vòng cách ly: cách ly những bệnh nhân, người nghi nhiễm tại cơ sở y tế (vòng 1); cách ly ở những cơ sở tại cộng đồng những công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài đi từ Hồ Bắc (vòng 2) và cách ly tại gia đình những người đi từ 31 vùng dịch từ Trung Quốc về (vòng 3). Việc cách ly được thực hiện 4 ngày nay và người đứng đầu cấp ủy chịu trách nhiệm, ngành Y tế tiến hành giám sát. Theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Long thì “chưa có lần nào chúng ta làm mạnh như lần này với rất nhiều biện pháp, chỉ đạo từ Ban Bí thư, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ”.
Tuy nhiên, cũng theo ông Long, tại “ổ dịch” nCoV ở Vĩnh Phúc thì ngoài áp dụng 3 vòng cách ly vẫn chưa đủ. Bởi đây là điểm nóng về dịch bệnh nCoV trên cả nước, đã có 7 người nhiễm bệnh, trong đó có 4/8 công nhân từ Vũ Hán về dương tính với nCoV, sau đó đã lây bệnh lây cho 3 người thân có tiếp xúc gần. Chính vì vậy mà chiều 5-2, Bộ Y tế đã đề nghị với tỉnh Vĩnh Phúc thành lập “vành đai giám sát” thứ 4 (vòng cách ly 4) là giám sát người tiếp xúc với người tiếp xúc, mục tiêu là hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh lây lan mạnh ra cộng đồng.
Vì đây là điểm nóng nên chiều 6-2, đội cơ động chống dịch của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) và Bệnh viện Bạch Mai đã làm việc và hỗ trợ chuyên môn công tác phòng chống, chăm sóc, phòng ngừa kiểm soát nhiễn khuẩn dịch nCoV tại Trung tâm Y tế huyện Bình Xuyên, nơi điểm nóng dịch nCoV của cả nước khi có 5 người mắc bệnh. Tại đây đang điều trị cho 1 ca dương tính với nCoV và 12 ca cách ly nghi nhiễm.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời điểm này là “giai đoạn vàng”, nếu chúng ta làm tốt các biện pháp phòng, chống ở giai đoạn này thì dịch bệnh không lây lan, nếu làm không tốt, dịch sẽ lan rộng.
Kiểm tra công tác phòng, chống virus Corona tại Vĩnh Phúc. |
Đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, chúng ta đã tính đến phương án xấu nhất - dịch lây lan mạnh ở cấp độ 4. Nhưng nhiều người hiện nay đang rất lo lắng, nếu dịch ở cấp độ 4 - hàng nghìn người mắc bệnh, nguồn lực y tế của Việt Nam có đáp ứng được hay không? Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, để đối phó với tình huống 4, chúng ta không xây dựng bệnh viện dã chiến mà sử dụng những bệnh viện sẵn có.
Bộ Y tế đã phân công nhiệm vụ cho 22 bệnh viện tuyến cuối chuẩn bị sẵn sàng từ nhân lực, vật lực, các phòng bệnh cách ly... cho mọi tình huống. Đến thời điểm này, 22 bệnh viện đã chuẩn bị 3.000 giường bệnh, gần 1.000 máy thở. Hà Nội cũng chuẩn bị 2.000 giường bệnh; Bệnh viện Bạch Mai sẵn sàng dành 500 giường bệnh ở tòa nhà mới xây để điều trị bệnh nhân. Bộ Y tế có 40 đội cơ động sẵn sàng hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới khi có các ca bệnh nặng bùng phát.
Theo TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện có khả năng điều trị cho 1.000 người, trong đó 600 người giám sát, 400 ca điều trị và khoảng 50 giường điều trị tích cực và sẵn sàng cho bệnh viện dã chiến khi cần huy động. Bệnh viện bố trí 2 nơi cách ly cho người dương tính với nCoV và khu vực cách ly đối với ca giám sát. Bệnh viện huy động tất cả cán bộ y tế tham gia công tác chống dịch nCoV, trong đó có 60 cán bộ trực tiếp chăm sóc, điều trị người dương tính và theo dõi giám sát người nghi ngờ. Bệnh viện thành lập 2 đội cấp cứu cơ động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Nhi Trung ương đã thành lập 2 đội chống dịch cơ động, mỗi đội 8 người, gồm 3 bác sĩ về cấp cứu, hồi sức và truyền nhiễm và 3 diều dưỡng, 1 lái xe, 1 chuyên gia về kiểm soát nhiễm khuẩn. Theo Phó Giám đốc, PGS.TS Trần Minh Điển, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã họp và lên kịch bản, nếu dịch ở mức độ 4, lan tràn cộng đồng thì Trung tâm Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện sẽ được mở rộng. Hiện Trung tâm này đang có 150 giường bệnh, có thể nâng lên 200 giường trong tình huống cần. Ngoài ra, các y bác sĩ cũng đảm bảo đủ phục vụ, nếu cần số lượng lớn hơn có thể điều động các y, bác sĩ từ các khoa khác mà vẫn đảm bảo được chuyên môn.
Cục trưởng, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Đội trưởng Đội cơ động phản ứng nhanh thăm hỏi, động viên bệnh nhân dương tính với nCov tại Trung tâm y tế Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. |
Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, bác sĩ Lê Đức Nhân cho biết bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc hồi sức cấp cứu, dịch truyền, các phương tiện máy thở, monitor theo dõi người bệnh, vật tư thiết bị y tế và phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị khi có ca bệnh. Khoa Y học nhiệt đới bố trí sẵn sàng phòng khám sàng lọc bệnh dịch khi có yêu cầu, khám và thu dung người bệnh nghi ngờ mắc nCoV. Bố trí ở tầng 4 của Khoa với 30 giường và nhân lực để sẵn sàng tiếp nhận người bệnh khi có dịch xảy ra. Bệnh viện đã thành lập 3 đội phản ứng nhanh nội viện và 1 đội phản ứng nhanh ngoại viện với sự tham gia của các bác sĩ khoa khám bệnh, y học nhiệt đới, chẩn đoán hình ảnh, hồi sức tích cực - chống độc, nội hô hấp... để sẵn sàng hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới.
Công tác chuẩn bị cho phương án dịch lây lan trong cộng đồng đã được TP Hồ Chí Minh tính tới. Đó là thành phố sẽ rút kinh nghiệm tình hình dịch ở Vũ Hán, tuyệt đối không để bị vỡ trận bằng cách thực hiện việc phân luồng, phân tuyến rõ ràng với từng mức độ. Hiện việc phân luồng phân tuyến đã được tiến hành. Cụ thể, khi bệnh đã lan tràn trong cộng đồng, bệnh nhân sẽ không cần phải xét nghiệm xác định nCoV nữa mà chỉ ưu tiên xét nghiệm ngẫu nhiên một số trường hợp, các trường hợp xét nghiệm chỉ dành cho các ca viêm phổi nặng hoặc tử vong để xác định virus. Vấn đề lúc này là tự cách ly để không lây thêm cho những người khác và theo dõi điều trị tại chỗ.
Trường hợp nhẹ nhất sẽ đến các trạm y tế cơ sở rồi hướng dẫn về nhà tự uống thuốc điều trị bởi rất có khả năng như ghi nhận ở Trung Quốc, đa phần các bệnh nhân chỉ sốt ho và tự khỏi. Với những trường hợp bệnh nặng hơn thì tất cả các bệnh viện trong thành phố, bao gồm bệnh viện quận, bệnh viện khu vực cho đến những bệnh viện tư nhân sẽ tiếp nhận và cách ly. Chỉ những trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân cần thở máy thì mới chuyển đến những bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, các bệnh viện đa khoa lớn như Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Chợ Rẫy (Bộ Y tế).
Theo Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, ở trường hợp có nhiều bệnh nhân, Bệnh viện đã chuẩn bị sẵn một phòng cách ly để phân loại ngay các mức độ bệnh. Sau khi làm các xét nghiệm cơ bản, những bệnh nhân nhẹ được hướng dẫn theo dõi điều trị tại nhà, những bệnh nghi ngờ sẽ đưa bằng xe cấp cứu chuyên dụng chỉ làm nhiệm vụ chuyên chở bệnh nhân bằng đường ít tiếp xúc nhất với các bệnh nhân khác đến Khoa Bệnh nhiệt đới. Hiện tại Khoa này có thể điều trị được cho khoảng 50 bệnh nhân, ngoài ra Khoa Điều trị theo yêu cầu với sức chứa 20 bệnh nhân cũng đã sẵng sàng được phong tỏa cô lập để ứng phó khi bệnh nhân đông.
Tuân thủ 3 biện pháp để chống dịch
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, chúng ta phải hiểu rõ phương thức lây truyền của 2019 - nCoV thì mới làm tốt được công tác phòng chống. Có 3 phương thức lây truyền chủ yếu của nCoV, đó là: Lây truyền qua không khí (lây qua tiếp xúc với những giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, xổ mũi vào đường hô hấp của chúng ta); lây truyền trực tiếp tiếp xúc với người bệnh (bắt tay với người bệnh); lây truyền từ các bề mặt đã bị nhiễm bệnh (virus không tồn tại lơ lửng ở không khí mà chủ yếu tồn tại trên các bề mặt như đá, gỗ, sắt, thép, vải, tay nắm cửa, có thời gian tồn tại khá lâu, khi tay sờ vào đưa lên mắt, mũi, miệng lây bệnh).
Virus Corona có thể lây qua đường tiêu hóa (chủ yếu do chăm sóc người bị bệnh), còn lại rất khó lây. Vì vậy để phòng ngừa nhiễm bệnh, phải áp dụng tất cả các biện pháp, chỉ đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng thôi chưa đủ, mà phải thường xuyên vệ sinh, lau rửa bề mặt bằng những chất tẩy thông thường.
Theo nhận định của các chuyên gia, khác với bệnh SARS, 2019 - nCoV trong thời gian ủ bệnh đã lây, khi chưa có triệu chứng nào thì người bệnh vẫn có thể lây nhiễm cho người khác. Có thể có cá thể triệu chứng rất nhẹ như đau mỏi cơ, sốt nhẹ, ho nhẹ nhưng thực chất là lại bị bệnh nên dễ bỏ sót một số trường hợp bệnh mà chúng ta không biết.
Rất may virus Corona rất nhạy cảm vơi sánh sáng, nhiệt độ, tia cực tím và môi trường thông thoáng khí, nên các chuyên gia khuyến cáo người dân phải mở cửa phòng ở cho thông thoáng khí. Việt Nam khống chế thành công đại dịch SARS năm 2003 cũng nhờ vào phương pháp mở tất cả các cửa sổ cho thông thoáng khí.
Hiện bệnh chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy, để phòng ngừa phải tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, tránh việc đào thải mầm bệnh ra môi trường, tránh tiếp xúc với bệnh nhân trong khu vực kín (nếu ở phòng kín và trong phương tiện công cộng trong 2 giờ có thể lây bệnh). Theo lời khuyên của các chuyên gia y tế, không nên tiếp xúc với đám đông mà chúng ta chưa biết rõ tình hình dịch.