Thận nhân tạo giúp người bệnh không cần lọc máu
Thứ Ba, 15/12/2015, 17:00
Các nhà khoa học Trường đại học California (UCSF) và Trường đại học Vanderbilt, Mỹ vừa chế tạo thành công thiết bị với chức năng như một quả thận nhân tạo có thể cấy ghép vào cơ thể người.
Thiết bị cấu thành từ màng silicone sinh học theo công nghệ nano, được gọi theo thuật ngữ y khoa là màng nanofiltar silicone, hoạt động không cần tác động của bơm y tế như các máy lọc thận thông thường, mà chính từ nhịp huyết áp của bệnh nhân.
Thiết bị được đặt gần chỗ quả thận bị hư và kết nối trực tiếp vào bàng quang với các mạch máu bao quanh. Màng nanofiltar silicone sẽ đóng vai trò như một chiếc phễu lọc, giúp loại bỏ các độc tố, muối và nước từ hệ tuần hoàn ở những bệnh nhân bị suy thận mãn tính, cần phải tiến hành lọc máu thường xuyên để bảo toàn tính mạng.
Thiết bị hoạt động suốt ngày đêm nhờ vào sự co bóp của tim tạo sự chênh lệch huyết áp, giúp người bệnh không cần phải đến cơ sở y tế để lọc máu theo định kỳ như trước nữa.
Q.Long (theo Nature Medicine)