Gặp người sửa sang những "sơ suất bi hài của bà mụ"

Thứ Năm, 23/04/2015, 14:20
Tưởng sẽ phải ôm nỗi đau, âm thầm câm lặng cùng mặc cảm tạo hóa trớ trêu giáng xuống suốt những tháng năm còn lại của kiếp người, chàng trai mang bộ gen nam từ thuở lọt lòng trú ngụ trong hình hài cô gái đã òa vỡ niềm vui, tột cùng với niềm hạnh phúc rất đỗi thường tình khi được trở về chính mình, được bắt đầu cuộc sống mới của mình, cuộc sống của một người đàn ông đúng nghĩa.

Phút giây hội ngộ cùng GS-TS-BS Trần Thiết Sơn đã tác thành cơ may, để vị bác sĩ tài hoa ra tay sửa sang lại những sơ suất bi hài của bà mụ, giúp hoán cải số phận cho một cuộc đời thiếu may mắn...

Từ "thị" thành "văn"... biến "văn" thành "thị"

Khoa Phẫu thuật tạo hình dường như tách biệt khỏi cái ồn ào nhốn nháo của Bệnh viện Saint Paul, một dải hành lang tầng 2 luôn yên ắng thinh lặng, lầm lũi cả tiếng nói cười và những tiếng rầm rì thường thấy.

Mệt mỏi sau ca mổ dài, tuy nhiên giây phút nghỉ ngơi ít ỏi của bác sĩ trưởng khoa vẫn bị đứt đoạn bởi hàng loạt yêu cầu thăm hỏi cùng những thắc mắc không bao giờ dứt từ bệnh nhân.

Những người tìm đến Khoa Phẫu thuật tạo hình cách này hay cách khác đều mang tâm thế đặc biệt, đến độ có khi cả tên mình, dáng hình của mình họ cũng muốn thu gọn lại, giấu biệt đi.

Một thiếu phụ có nguyện vọng tái tạo lại bầu ngực sau ca mổ ung thư, một phụ nữ khác muốn căn chỉnh dung nhan bởi lỡ mắc hội chứng phì đại tuyến vú sau nhiều lần sinh nở, một chàng trai mang dị tật bẩm sinh ngay trên gương mặt lẽ ra đã khôi ngô sáng sủa, thậm chí có cô gái trẻ cần được tạo hình để đàng hoàng sống đời phụ nữ, hay những người đột ngột chịu sự hao hụt một phần cơ thể vì tai nạn bất ngờ..., tất cả đều e dè kín đáo liên hệ với GS-TS-BS Trần Thiết Sơn để hy vọng, trông mong một phép nhiệm mầu.

GS-TS-BS Trần Thiết Sơn (người đứng giữa) cùng các đồng nghiệp.

Cá biệt có những trường hợp, chính ông đã phải lặn lội đường xa, chủ động tiếp cận, kiên trì thuyết phục giúp bệnh nhân thoát khỏi cái vỏ bọc vô hình đã bủa vây quây chặt cuộc sống của họ từ lúc chào đời.

Mang một cái tên con gái, đi suốt mấy mươi năm cuộc đời như một người con gái đúng nghĩa, ngay cả cha mẹ cũng đinh ninh đứa con lừng lững của mình là thiếu nữ, chỉ riêng D., với cái tên khai sinh kèm theo chữ "Thị" đệm ở giữa, mới biết mình đích xác là ai.

GS-TS Trần Thiết Sơn bật mí rằng, tất cả mọi người đều nhầm, bản thân cha mẹ cũng ngộ nhận, bởi D. có một cơ quan sinh dục bất bình thường. "Chị" hoàn toàn không có dương vật, không thấy bìu, chỗ bài tiết chỉ là một lỗ tiểu nhỏ như người nữ. D. cứ lầm lụi giấu kín nỗi đau định mệnh xuống tận đáy tâm can.

Cận kề tuổi 20, chứng kiến con gái lớn mà chưa có biểu hiện gì "thấy tháng", cha mẹ quyết định đưa "cô" tới bệnh viện. Câu nói của bác sĩ như giáng một tiếng sét giữa buổi trời quang mây tạnh: "Không phải con gái", khiến bố mẹ và cả D. đều hoang mang, chưng hửng.

Biết là cần phải lên bệnh viện tuyến trên, cần phải thăm khám những chuyên gia đầu ngành, nhưng điều kiện gia đình không cho phép, D. đành xin phép bố mẹ vào Nam làm công nhân.

Lại tiếp tục những năm tháng đơn côi, những tình huống trớ trêu cứ thi nhau cợt ghẹo, chọc tức con người mang tên nữ nhưng từ giọng nói đến cử chỉ hành vi và cả cách ăn mặc đều gần với đàn ông.

Những tưởng sẽ trọn đời sống mà không tỏ tường mình là ai, luôn dằn vặt với câu hỏi không có đáp án trả lời mình đích thực nam hay nữ, bệnh nhân "lưỡng giới giả nam" đã tình cờ được BS Trần Thiết Sơn biết tới.

GS-TS-BS Trần Thiết Sơn cùng đồng nghiệp quốc tế.

Lúc đầu, nỗi u uẩn tích tụ lâu ngày, sự cô độc triền miên khiến bệnh nhân gần như không chịu hợp tác. Thấu hiểu cảm giác sợ hãi vì lỡ mặc định mình quá bất thường, quá khác những người xung quanh, BS Sơn đã ra sức trấn an, rằng "bạn là bệnh nhân, một người bệnh, và đã mắc bệnh thì phải chữa, nhất là những bệnh y học có thể điều trị được".

Gần 4 năm ròng gần gũi, dần dà bóc tách từng lớp kén dày thòng lọng thít quanh phận số không như mong muốn, hướng dẫn làm các xét nghiệm và bày ra trước mắt bệnh nhân những thách thức phải bước qua để bắt đầu một cuộc sống mới - cuộc sống của người đàn ông hoàn hảo, GS-TS Trần Thiết Sơn cùng các cộng sự ở Khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Saint Paul đã đương đầu với ca mổ hy hữu.

Thực ra ông trời chưa nỡ lấy đi của D. tất thảy, bởi BS Sơn phát hiện ra "anh" vẫn có tinh hoàn. Ứng dụng phương pháp mới sau một hành trình dài nghiên cứu, lấy da đùi và phần da tại chỗ tái tạo bộ phận cơ thể tinh xảo nhất, để rồi chỉ sau hai tuần tĩnh dưỡng người bệnh đã hồi phục, bắt đầu có được những cảm giác đời thường như tất cả những người đàn ông bình thường khác.

Ca đại phẫu thuật rút ngắn tối đa thời gian, chi phí điều trị vì những cải tiến y khoa do GS-TS Trần Thiết Sơn phát minh, nhưng giá trị khó có thể tính đếm bằng cả tháng năm và tiền bạc chính là giúp đổi đời thành công cho một con người từng bất hạnh...

Rời khỏi giường bệnh, trở về thường nhật, D., giờ đường hoàng xưng mình là anh, đã vái lạy ân nhân, và xin phép được xem GS - TS Trần Thiết Sơn như người cha thứ hai, người đã thay quyền tạo hóa ban cho mình thêm một lần sống...

Người được nghề chọn              

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghề y, Trần Thiết Sơn trở thành GS - TS - BS như lẽ đương nhiên, không quá phải băn khoăn tính toán nhiều. Con đường để ông đến với phẫu thuật tạo hình cũng hanh thông, trôi chảy.

Ngay lúc còn rất trẻ Trần Thiết Sơn đã được Giáo sư -  Viện sĩ (GS-VS) Nguyễn Huy Phan, một tượng đài phẫu thuật tạo hình của Việt Nam chọn làm học trò, cùng chung sức lập ra chuyên ngành vô cùng quan trọng với y học hiện đại.

Cặm cụi học thầy, mày mò nghiên cứu, chỉ trong thời gian ngắn Trần Thiết Sơn đã bước được những bước rất dài trong nghề.

Tiến bộ y khoa của nhân loại luôn cập nhập mỗi sớm mỗi ngày, dừng chân là tụt hậu, mỗi cải tiến dù nhỏ tới đâu cũng mang lại lợi ích thiết thực cho con người, nên dấn thân, làm mới mình là cách bác sỹ Sơn lựa chọn.

Nhắc chuyện 5, 7 năm trước ông nuôi ngón tay bị đứt rời bằng cách cấy vào thành bụng của chính bệnh nhân đó, đợi phục hồi rồi phẫu thuật nối ghép, GS-TS Trần Thiết Sơn hào hứng: “Ở thời điểm này, quy trình thực hiện những ca bệnh như thế đã đơn giản, được rút ngắn tiến độ hơn nhiều”.

Phủ nhận mình, quên ngay thành công của mình hôm qua và ngắm tới thành công ngày mai, những sự tự đày ải khắc nghiệt với chính mình đã đưa GS-TS Trần Thiết Sơn đứng vào đội ngũ (không nhiều) chuyên gia tạo hình hàng đầu đương thời, nhất là trong lĩnh vực cấy ghép da.

GS-TS-BS Trần Thiết Sơn cùng các đồng nghiệp  thăm khám cho bệnh nhi.

Sáng tạo ra kỹ thuật ghép bằng cách dãn da tại chỗ, để tránh tình trạng phục hồi được phần cơ thể này, bệnh nhân lại bị tổn thương phần cơ thể khác, GS-TS Trần Thiết Sơn đã tác động để bớt đi vô cùng nhiều nỗi đau thể xác đã thành cực hình ở không ít người coi ông là chỗ dựa duy nhất...

Nhiều thành tựu của ông, như dùng niêm mạc miệng tái tạo bộ phận sinh dục bị thiếu hụt ở người nữ, để những cá nhân đó bình đẳng tận hưởng cảm giác giới tính đủ đầy trọn vẹn, được ngay cả giới y khoa quốc tế ngưỡng mộ và học hỏi.

Tốt nết đẹp người, chớm tuổi 20 chị P. ở Phú Thọ được cha mẹ gả về làm dâu một gia đình môn đăng hộ đối trong vùng. Niềm hạnh phúc vỡ vụn ngay đêm tân hôn, khi bí mật kinh điển của cô gái trẻ đã không còn cơ hội che giấu: P. bẩm sinh không có âm đạo.

Cuộc hôn nhân cầm cự thêm vài tháng, P. bị nhà chồng trả về vì nỗi canh cánh không sinh được người nối dõi. Tưởng đã chấp nhận sự ngược đãi của bà mụ cho đến cuối cuộc đời, nhưng P., giống "chị" D., may mắn gặp được bác sĩ Sơn.

Dùng niêm mạc miệng tạo hình âm đạo cho chính bệnh nhân, sau 10 ngày hậu phẫu, P. đã về với gia đình, về với cuộc đời trong hình hài một người đàn bà tràn trề sinh lực và khát khao đón nhận tình yêu, hạnh phúc...

Cả P. và D. cũng chỉ là hai trong số không ít bệnh nhân bị con tạo bỡn cợt xoay vần, đặt ngồi nhầm chỗ, đã được GS - TS Trần Thiết Sơn ra tay chỉnh trang, sắp đặt lại.

Tham gia giảng dạy tại Trường đại học Y, làm Chủ nhiệm bộ môn Phẫu thuật tạo hình, thêm công việc ngập đầu ở bệnh viện, GS-TS-BS Trần Thiết Sơn vẫn dành cho mình những khoảng lặng nhất định.

Ông thường thu xếp thời gian rong ruổi cùng đồng nghiệp tới không thiếu một vùng miền nào của Tổ quốc phẫu thuật dị tật cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Có rất nhiều những em bé sinh ra bị sứt môi hở hàm ếch, rồi vì cha mẹ khó khăn, vì lỡ làm con dân vùng sâu vùng xa quá đò ngang núi non cách trở, các em đành chấp nhận thiệt thòi như phận số đã an bài.

Một chuyến đi, gặp gỡ thăm khám, phẫu thuật, với GS-TS-BS Trần Thiết Sơn là quy trình, thao tác quá đỗi quen thuộc, nhưng với những đứa trẻ tật nguyền thì ánh sáng của phép nhiệm mầu đã bảo bọc, soi rọi. Đồng hành cùng các chương trình phẫu thuật từ thiện bao năm qua, công sức bỏ ra khó có thể định lượng, GS-TS-BS Trần Thiết Sơn một lần nữa lại biến những điều không thể thành có thể, giúp một đứa trẻ, một cá nhân, một gia đình hay thậm chí cả một dòng họ được bình đẳng sống và tận hưởng niềm vui giữa cuộc đời...

Đấy cũng là điều mà ông truyền dạy học trò, như cách ông ảnh hưởng từ thầy - cố GS-VS Nguyễn Huy Phan - là bác sĩ phải luôn cập nhật chính mình, và cứ cho đi đừng bao giờ mong nhận lại. Làm việc nhiều, cống hiến nhiều, GS-TS Trần Thiết Sơn lại không phải là người hoạt ngôn để nói về mình, kể về những "phép thần thông" ngay của chính mình.

Ông chỉ thường trực cảm giác chạnh lòng với nỗi ưu tư chất chứa lâu ngày: Một cách đầy trái ngang, dư luận bây giờ đang dường như bất công với ngành y. Bất kỳ một sơ xuất (nếu có) nào của bác sĩ, cũng lập tức bị đám đông (thông qua báo chí) vùi dập không thương tiếc. Nhiều kỳ tích y học mà giới làm nghề cũng phải nghiêng mình kính phục thì báo chí  hầu như bỏ qua, tuy nhiên những tai biến, khúc mắc... rất có thể sẽ được thổi phồng và đẩy đến tận cùng giới hạn.

Giải tỏa bức xúc xong lại thoắt nhẹ nhõm, lại đầy hóm hỉnh khi tự bạch về mình bằng một điệu bộ khôi hài: Người ta thường nói vui, bác sĩ phẫu thuật tim khi qua đời di ảnh sẽ được lồng trong trái tim, bác sĩ nhãn khoa sẽ được ghép trong đôi mắt, còn tôi một bác sĩ chuyên phẫu thuật tạo hình bộ phận khó nói cho bệnh nhân, thì dân gian sẽ tính thế nào!?

Sự hồn nhiên thư thái của ông, một chuyên gia tầm quốc tế về phẫu thuật tạo hình khiến người viết bài này bật cười mà cảm thán: Ơn trời số phận đừng đẩy đưa để mình được (hay bị) trở thành bệnh nhân của GS - TS - BS Trần Thiết Sơn. 

Ngô Hương Sen
.
.