Thế giới cảnh báo nạn thuốc giả

Thứ Tư, 06/01/2016, 07:05
Những ngày cuối năm 2015, chiến dịch chống tân dược giả mang tên Storm VI do Interpol phối hợp với cảnh sát 13 quốc gia ở châu Á gặt hái được nhiều khi một lượng lớn thuốc giả trị giá tới 7 triệu Euro đã bị tịch thu. Điều này lại một lần nữa gióng lên những hồi chuông cảnh báo mới về sự gia tăng nạn thuốc giả, tác động mạnh đến đời sống, thậm chí là mạng sống của người dân trên Trái đất.


10% là thuốc giả

Thông báo của Interpol đăng tải trên trang web hôm 27-12 cho biết, 87 đối tượng đã bị bắt giữ trong chiến dịch này và hơn 500 cửa hàng dược phẩm cùng 100 địa chỉ bán hàng qua mạng Internet đã bị cảnh sát điều tra. Thuốc kháng sinh, thuốc chữa bệnh huyết áp, thuốc chữa rối loạn sinh lý nam giới, thuốc giảm đau đều nằm trong số lượng dược phẩm giả phổ biến nhất. Trước đó, tại châu Âu, khi kiểm tra hàng hóa nhập khẩu tại cảng Le Havre ở Normandy, Hải quan Pháp cũng đã tịch thu hàng triệu viên thuốc giả nhập khẩu từ Trung Quốc.

Interpol vừa phát hiện lượng lớn thuốc giả trị giá 7 triệu Euro trong chiến dịch truy quét tại 13 quốc gia châu Á.

Đại diện của lực lượng Cảnh sát Pháp thừa nhận rằng, thuốc giả đang ngày càng chen chân nhiều vào thị trường châu Âu. Dẫn lời của Chỉ huy lực lượng Hiến binh Italia Cosimo Piccinno, ông này cho biết, các băng đảng tội phạm tại Italia hiện đang chuyển sang kinh doanh thuốc giả vì mặt hàng này đang tỏ ra kiếm nhiều lợi nhuận hơn là việc chế xuất và buôn lậu ma túy.

Báo cáo của lực lượng Hiến binh Italia trước Ủy ban Quốc gia Olympique (CONI) vào đầu năm 2015 cũng đã chỉ rõ rằng: "Nếu đầu tư 1 euro vào các chất gây nghiện sẽ đem lại 16 euro lợi nhuận. Nhưng nếu đầu tư vào việc buôn lậu tân dược thì con số lợi nhuận sẽ là 2.500 euro. Thị trường buôn lậu tân dược hiện trị giá khoảng 60 tỉ euro/năm, cao gấp 150 lần so với buôn bán ma túy".

Không dễ dàng gì để phân biệt đâu là thuốc giả, đâu là thuốc thật.

Trong khi đó, cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EU) mới đưa ra hồi tháng 11 cho thấy, là nơi có mức sống cao trên thế giới và hệ thống an ninh xã hội đầy đủ, song tình trạng thuốc giả cũng bắt đầu len lỏi vào châu Âu sau khi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu bị rơi vào khủng hoảng kinh tế tài chính và nợ công.

Do khó khăn, nhiều người dân đã chọn cách mua thuốc trôi nổi trên mạng để tiết kiệm tiền và thời gian. Đây chính là nguyên nhân cho việc phát triển thuốc giả ở châu Âu. Loại thuốc nhiều nhất trên thị trường thuốc giả là các loại thuốc hỗ trợ tình dục (kiểu Viagra), thuốc giảm béo và thuốc chống trầm cảm, căng thẳng thần kinh. Theo một thống kê của Hãng dược Pfizer, 50% dược phẩm bán trên mạng Internet là thuốc giả và trong đó có cả các thành phần vô cùng độc hại như thuốc chuột và axit boric.

Thuốc giả bị phát hiện tại Trung Quốc.

Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khẳng định, tính trung bình trên thế giới hiện nay thì thuốc giả chiếm ít nhất 10% trên thị trường tân dược. Kết quả điều tra của chuyên gia y tế công cộng Guarvike Nayyar thuộc Hội Dược phẩm Mỹ được đăng tải trên tạp chí về Y học và Vệ sinh nhiệt đới của Mỹ hồi tháng 8 vừa qua cũng cho thấy, khoảng 30% thuốc ở châu Phi là giả và 15% ở châu Á là thuốc giả hoặc dưới tiêu chuẩn. Ông Guarvike Nayyar cho biết, ngay cả thuốc chống sốt rét cũng bị làm giả.

Hơn 1/3 thuốc sốt rét được xét nghiệm trong thập kỷ qua tại Đông Nam Á và vùng cận sa mạc Sahara của châu Phi cho thấy là thuốc giả hoặc kém chất lượng, không thể giúp ngăn ngừa và chống căn bệnh sốt rét. Thậm chí có trường hợp, bệnh nhân sốt rét đã bị tử vong do thuốc không có tác dụng chữa bệnh. Các chuyên gia WHO cũng nhận định rằng, thuốc giả có khả năng tạo ra 93 tỉ euro trên thị trường toàn cầu năm 2015, tăng 26% so với năm 2010. Ở nhiều nước đang phát triển nơi người dân khó chi trả được thuốc có chất lượng, thuốc giả chiếm khoảng 30% doanh số bán ra của các dược phẩm có bản quyền so với chỉ 1% ở các nước phát triển.

Chết oan vì thuốc giả

Đến nay, WHO đã đưa ra cách nhìn nhận cụ thể về thuốc giả. Đó là loại thuốc bị nhiễm khuẩn, thuốc không có hoạt chất hay không đúng hoạt chất; thuốc có đúng hoạt chất nhưng không đúng liều lượng và các loại thuốc bất hợp pháp gây tác hại đến sức khỏe.

Thị trường thuốc giả hiện nay được cho là nguyên nhân dẫn đến tử vong của 1 triệu  - 1,2 triệu người/năm. Riêng ở các nước nghèo và các nước đang phát triển, thuốc giả và thuốc kém chất lượng đã đe dọa kéo lùi hàng thập kỷ nỗ lực chiến đấu chống bệnh sốt rét, bệnh lao, HIV/AIDS và nhiều bệnh khác. WHO ước tính rằng mỗi năm có ít nhất 500.000 người chết ở châu Phi vì liên quan đến thuốc sốt rét và thuốc chống bệnh lao bị làm giả.

Khoảng 30% thuốc ở châu Phi là thuốc giả.

Ấn Độ, Trung Quốc, những nước có nền công nghiệp dược phẩm phát triển hàng đầu trên thế giới lại chính là các quốc gia sản xuất thuốc giả với quy mô lớn và nghiêm trọng. Như ở Ấn Độ, WHO cho rằng, cứ 5 viên thuốc bán ra thì có 1 viên thuốc giả. Thậm chí, dược phẩm giả của Ấn Độ còn được tuồn cả vào thị trường Mỹ. Vụ việc đình đám nhất là chuyện Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) lên tiếng cảnh báo chất lượng và độ an toàn của các loại thuốc sản xuất tại Ấn Độ và nghiêm cấm nhập một số loại thuốc từ nước này.

Chưa hết, FDA còn khởi kiện Hãng dược phẩm Ranbaxy Laboratories Limited của Ấn Độ với mức phạt 500 triệu USD sau khi đại diện hãng này thừa nhận đã bán thuốc không đáp ứng các tiêu chuẩn của Mỹ vào thị trường này trong giai đoạn từ năm 2005-2007. Cáo trạng của Tòa án Mỹ sau đó chỉ rõ, Hãng Ranbaxy Laboratories Limited đã nhập khẩu vào thị trường Mỹ các lô thuốc giả như Sotret, điều trị mụn trứng cá, Gabapentin - điều trị chứng động kinh và thuốc kháng sinh ciprofloxacin…

Riêng ở Trung Quốc, công nghệ làm thuốc giả còn kinh hoàng hơn. Chẳng hạn, hồi tháng 10 vừa qua, trang tin china.com.vn cho biết, Cảnh sát Quảng Châu tỉnh Quảng Đông ở miền Nam nước này đã phá một mạng lưới sản xuất thuốc giả, tiêu diệt 2 băng nhóm sản xuất và kinh doanh thuốc giả, bắt giữ 17 nghi phạm và thu giữ 1,54 triệu viên thuốc kích dục giả mạo các nhãn hiệu cùng 2.830 thuốc kháng sinh giả hiệu amoxicillin. Cách thức sản xuất thuốc của bọn chúng là mua tinh bột, không có bất kỳ thành phần dược phẩm nào rồi ép thành viên và mang đi tiêu thụ trên thị trường tân dược.

Bên trong một cơ sở sản xuất thuốc giả ở Bangladesh.

Một chuyên gia của WHO nhận định, thuốc làm từ bột đã sợ nhưng không kinh khủng bằng các loại thuốc chứa chất độc hại. Hồi tháng 5-2015, Trung Quốc còn phát hiện thông tin về thuốc An cung ngưu hoàng hoàn giả. Cảnh sát Trung Quốc xác định rằng, đường dây buôn thuốc An cung ngưu giả này đã tung ra thị trường 90 triệu viên có sử dụng chất gelatin có nguồn gốc từ động vật và chứa crom, hóa chất thuộc da có thể làm tổn thương cấu trúc ADN, suy gan, suy thận và gây ung thư. Bên cạnh đó, một số đường dây làm thuốc Viagra bằng thuốc thú y, thuốc hạ sốt và trị ho chứa thạch tín cực độc cũng đã bị phát hiện.

Rõ ràng, thuốc giả đang trở thành vấn nạn lớn trên thế giới. Mới đây, EC đã xây dựng một công ước chống thuốc giả mang tên MEDICRIME (ghép của "medicaments" - dược phẩm và "crime" - tội phạm: công ước chống tội phạm liên quan đến dược phẩm). Công ước này sẽ có hiệu lực trên toàn châu Âu và sẽ là một công ước mở mà các quốc gia ngoài châu Âu cũng có thể tham gia. Công ước này sẽ hình sự hóa tất cả những hình thức phạm tội liên quan đến dược phẩm và dược phẩm giả bao gồm: sản xuất dược phẩm giả; cung cấp, tạo điều kiện cung cấp và buôn bán các sản phẩm dược phẩm giả; làm giả giấy tờ; sản xuất hoặc cung cấp không phép các sản phẩm y tế cũng như đưa ra thị trường các sản phẩm y tế không đáp ứng các yêu cầu của pháp luật. Công ước này cũng đưa ra các khung hợp tác quốc tế trong việc chống và trừng phạt các tội liên quan đến thuốc giả.

Trong khi đó, WHO cũng khuyến cáo các nước có vấn đề thuốc giả nghiêm trọng cần có một hệ thống luật pháp chặt chẽ, các quy định có hiệu quả và các cơ quan thực thi đủ mạnh… Tại một số quốc gia phát triển, công nghệ cũng được ứng dụng để kiểm tra thuốc thật.

Ví dụ, gần đây, Công ty Sproxil của Mỹ thiết kế một hệ thống cho phép các nhà sản xuất thuốc đóng các thẻ cào vào bên trong mỗi hộp thuốc và người tiêu dùng có thể điện thoại di động như một công cụ xác nhận. Mỗi thẻ cào có một số ID duy nhất, người mua hàng đánh số ID trong hộp thuốc rồi gửi cho công ty duy trì hệ thống này, lập tức nhận được tin nhắn phản hồi nói rằng thuốc đó là giả hay thật, các tin nhắn này hoàn toàn miễn phí.

Nhưng WHO vẫn khẳng định, công nghệ mới không thôi cũng không đủ để đối phó với vấn nạn này mà cần tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về thuốc giả cũng như hợp tác quốc tế nhiều hơn và hiệu quả hơn.

Ngọc Khuê (tổng hợp)
.
.