Thị trường dark web bùng nổ bất chấp nỗ lực của FBI

Thứ Hai, 07/08/2017, 10:54
Giao dịch trên vài dark web bất hợp pháp bất ngờ bùng nổ sau sự kiện 2 ông lớn chợ đen trực tuyến AlphaBay và Hansa bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Cảnh sát châu Âu (Europol) chính thức tuyên bố đánh sập vào ngày 20-7-2017 vì buôn bán các sản phẩm cấm như ma túy, vũ khí, phần mềm độc hại và dữ liệu cá nhân do bọn hacker “mũ đen” đánh cắp.

Thế nhưng, vào tuần cuối cùng của tháng 7, bất ngờ số mặt hàng chào bán trên một số trang web đen khác tăng vọt lên 28%.

Trang AlphaBay của người quản lý đồng thời là người sáng lập Alexander Cazes thu hút được hơn 200.000 khách hàng đến từ 27 quốc gia trên thế giới thường xuyên truy cập mua sắm và có đến 400.000 người bán hàng hóa cấm. Chợ đen trực tuyến khổng lồ này - sau Silk Road - từng đạt doanh thu đến 1 tỷ USD với hơn 100.000 mặt hàng chào bán. Còn Hansa cũng có số lượng khách hàng tương đương và 40.000 người bán hàng cấm.

Thế nhưng Elad Ben-Meir, Giám đốc tiếp thị Công ty an ninh mạng Cyberint của Israel, chính thức bình luận: “Bằng chứng rõ ràng cho thấy khi một chợ đen trực tuyến bị đánh sập thì gần như ngay lập tức hoạt động kinh doanh bất hợp pháp chuyển ồ ạt sang những trang web đen khác vẫn còn mở cửa. Tuy nhiên, cũng có dấu hiệu chứng tỏ những chiến dịch tấn công của giới chức hành pháp quốc tế vẫn tiếp tục và đe dọa xóa sổ những thị trường dark web bán vũ khí hay hình ảnh khiêu dâm trẻ em”.

Chợ đen trực tuyến TradeRoute.

Chuỗi chợ đen trực tuyến trái phép được mô tả là “dark web” bởi vì chúng không thể được truy cập qua những trình duyệt web thông thường như Google hay Firefox đồng thời toàn bộ các mặt hàng được ẩn trong cỗ máy tìm kiếm. Không lâu sau khi AlphaBay và Hansa bị đóng cửa, Cyberint phát hiện sự hoạt động thay đổi khác thường từ ngày 24-7 đến 31-7 nơi 5 dark web hàng đầu khác.

Theo số liệu từ Cyberint, kho sản phẩm trái phép của Dream Market tăng đến 98.844 mặt hàng vào cuối tháng 7 - số lượng lớn nhất trên chuỗi chợ đen trực tuyến hiện nay. Dream Market xuất hiện vào cuối năm 2013 và hiện là một trong những thị trường dark web hoạt động lâu năm nhất còn tồn tại. Tại sao Dream Market vẫn ngang nhiên hoạt động?

Ben-Meir tiết lộ: “Thực ra, có một số tin đồn râm ran cho rằng Dream Market có được sự bao che của giới chức hành pháp. Đó là lý do tại sao nền tảng này tiếp tục làm ăn phát đạt”. 

Trong khi đó, FBI và Europol bác bỏ cáo buộc và cam kết “hàng trăm chiến dịch điều tra vẫn đang tiếp tục” sau khi đánh sập AlphaBay và Hansa. Cũng có tin đồn về việc Dream Market nhận được cảnh báo rằng, Hansa bị theo dõi bí mật sau khi AlphaBay bị FBI tấn công. Chợ đen trực tuyến lớn tiếp theo sau là TradeRoute với tổng số mặt hàng niêm yết tăng từ 14.914 đến 17.816 vào cuối tháng 7 vừa qua. Những mặt hàng trái phép trong kho của TradeRoute bao gồm giấy tờ giả, thuốc lá và rượu buôn lậu.

Theo báo cáo của Cyberint, chợ đen TradeRoute tiếp nhận hàng loạt người bán chuyển dịch sang từ AlphaBay. Ngoài những mặt hàng khác, TradeRoute chuyên kinh doanh mặt hàng thuốc (bán theo đơn bác sĩ) bất hợp pháp. Còn kho hàng của Tochka (nền tảng được tin là có nguồn gốc từ Nga) cũng tăng đến 28,1%, tức tổng cộng lượng hàng vào khoảng 2.390.

Giáo sư Alan Woodward.

Wall Street Market, nền tảng chợ đen trực tuyến tương đối mới có giao diện thiết kế khá là tao nhã hơn so với những trang khác, cũng gia tăng hoạt động - chỉ trong vòng 1 tuần cuối tháng 7 mà số lượng hàng hóa của nó tăng vọt lên 25,4%. Trong khi vào thời gian trước đó, việc kinh doanh của Wall Street Market rơi vào tình trạng sa sút! Riêng RsClub Market là chợ đen trực tuyến duy nhất trong số 5 dark web rao bán súng song được quảng cáo là chỉ giới hạn ở những loại vũ khí không thuộc loại “hủy diệt hàng loạt”.

Tuy nhiên, số lượng hàng hóa của Tochka giảm từ 1.639 xuống còn 638 chỉ trong vòng 1 tuần sau khi AlphaBay và Hansa bị đóng cửa. Giới chức Cyberint cho rằng sự sụt giảm hàng hóa của Tochka xảy ra sau khi tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Mỹ Rand Corporation và Đại học Manchester (Anh) hợp tác công bố báo cáo chung về quy mô kinh doanh vũ khí trái phép của nền tảng này vào hôm 19-7-2017. Theo báo cáo, hơn 60% số vũ khí bán trên Tochka có nguồn gốc từ Mỹ và khách hàng bị nghi ngờ chủ yếu là bọn khủng bố.

Trang Dream Market.

Alan Woodward, giáo sư Đại học Surrey (Anh) chuyên về tội phạm mạng và cố vấn cho Europol, bình luận: “Những vụ tấn công đánh sập dark web chắc chắn sẽ không làm nản lòng bọn kinh doanh hàng hóa bất hợp pháp song rõ ràng là có tác dụng đối với người mua. Bên bán sản phẩm tự tin chúng tương đối được miễn dịch bởi vì không sử dụng các chi tiết thật về bản thân cho nên rất khó dò tìm phát hiện ra cho dù trang web có bị theo dõi bí mật. Ngược lại, những người mua rơi vào điểm yếu là phải cung cấp địa chỉ giao hàng cũng như một số chi tiết cá nhân khác. Điều đó chính xác là những gì mà giới chức hành pháp muốn làm”.

Di An (tổng hợp)
.
.