Thị trường dữ liệu thay thế và những dự báo tiềm năng

Thứ Tư, 27/01/2021, 08:39
Việc Bloomberg mới đây mạnh tay chi tiền mua lại Second Measure, một công ty phân tích dữ liệu người tiêu dùng, chỉ một tháng sau khi đối thủ S&P Global công bố kế hoạch thâu tóm IHS Markit với bản hợp đồng khổng lồ 44 tỷ USD đã cho thấy một xu hướng cạnh tranh khốc liệt mới. Giới đầu tư và các tập đoàn sẽ ngày càng quan tâm và sử dụng nguồn dữ liệu với quy mô lớn hơn.

Hơn một nửa số quỹ đầu cơ tham gia cuộc thăm dò ý kiến do SS&C và Hiệp hội Quản lý đầu tư tiến hành cho biết họ đang sử dụng dữ liệu thay thế (alternative data - alt data) và 75% trong số này bắt đầu việc tiếp cận dữ liệu thay thế trong 5 năm trở lại đây.

Định vị xu thế

Nhu cầu về dữ liệu thay thế đã tăng đáng kể trong năm 2020 khi các nhà đầu tư bị đặt vào bối cảnh phải tìm cách xác định và phân tích các biến động trên thị trường từ nhiều khía cạnh hơn. Thay đổi này đồng nghĩa với việc những dữ liệu mà trước đây vốn được xem như “lãnh địa” của các quỹ đầu cơ, giới quản lý tài sản trở nên dễ tiếp cận hơn với các nhà đầu tư khác để giúp họ đưa ra các quyết định có căn cứ và đáng tin cậy hơn.

Việc người ta ngày càng nhận rõ giá trị của dữ liệu thay thế cũng như tiềm năng kết hợp với các nguồn dữ liệu truyền thống đồng nghĩa với việc xu hướng khai thác và tận dụng loại dữ liệu này chắc chắn sẽ càng tăng trong tương lai.

“Thế hệ Alpha” sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự phát triển của những ngành công nghiệp và công nghệ mới.

Cùng với đó, sự phát triển bùng nổ trong việc tạo dữ liệu và sự tiến bộ không ngừng của học máy (machine-learning) đem đến tiềm năng xác lập những mô hình và mối quan hệ mới, mở ra cánh cửa hứa hẹn nhiều lĩnh vực mới cho thế hệ nhà đầu tư Alpha và năng lực quản trị rủi ro. “Thế hệ Alpha” lớn lên với công nghệ và đây là thế hệ có nhiều biến đổi nhất trong lịch sử.

Thực tế, “thế hệ Alpha” không nghĩ công nghệ là một công cụ, họ xem đó như một thể thống nhất trong cuộc sống của mình. Những bước phát triển này có thể xem là nền tảng giúp mở ra nhiều cánh cửa công nghiệp mới mà trước đây con người có thể chưa từng hình dung.

Về cơ bản, “dữ liệu thay thế” là một thuật ngữ được đưa ra lần đầu vào năm 2014 để nói đến các dữ liệu được sử dụng nhằm giúp người ta có cái nhìn sâu sắc về quá trình đầu tư tài chính. Các bộ dữ liệu này chủ yếu do các nhà quản lý quỹ đầu cơ và các chuyên gia đầu tư trong một công ty đầu tư khai thác.

Các tập dữ liệu thay thế thường được xếp vào loại dữ liệu lớn (Big data), có nghĩa là chúng có thể rất lớn và phức tạp tới mức thường không thể xử lý bằng các phần mềm vốn dùng để lưu trữ hoặc xử lý dữ liệu, như Microsoft Excel hay Docs. Dữ liệu thay thế có thể được so sánh với dữ liệu truyền thống được các công ty đầu tư sử dụng theo cách cũ như bản báo cáo đầu tư, hay thông cáo báo chí.

Một số ví dụ về dữ liệu thay thế thường được nhắc đến như định vị địa lý (giao thông), giao dịch thẻ tín dụng, biên nhận qua thư điện tử, giao dịch tại các điểm bán hàng, lịch sử sử dụng trang web, phân tích ứng dụng dành cho thiết bị di động hoặc trên cửa hàng ứng dụng, hình ảnh vệ tinh, bài đăng trên mạng xã hội, hoạt động trực tuyến trên các trang mạng,...

Tiềm năng và thách thức

Năm 2019 đã khép lại với nhiều khó khăn, buộc một số công ty dữ liệu thay thế phải tái cấu trúc hoặc xem xét lại các dịch vụ mà họ cung cấp. Năm 2020 khởi động với nhiều bất ổn song công bằng mà nói, đại dịch COVID-19 đã tạo cơ hội lớn cho ngành công nghiệp mới mẻ này với tiềm năng cung cấp thông tin chi tiết theo thời gian thực cho các nhà đầu tư khi họ không thể truy cập thông qua dữ liệu truyền thống, chẳng hạn như thông tin lưu lượng truy cập web cho các nhà bán lẻ, một yếu tố đặc biệt quan trọng trong những giai đoạn phong tỏa hay giãn cách xã hội khiến lượng khách hàng mua sắm trực tiếp giảm mạnh.

Snowflake, công ty điện toán đám mây có đợt phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) phần mềm lớn nhất từ trước đến nay trong năm 2020, đã triển khai một sàn giao dịch dữ liệu với vai trò là cầu nối giữa người tiêu dùng và nhà cung cấp dữ liệu. Tập đoàn dữ liệu khổng lồ FactSet và quỹ đầu cơ Coatue là những đối tác đầu tiên của sàn giao dịch này.

Các công ty nhiều năm nay vẫn “thống trị” thế giới dữ liệu dần chú ý hơn đến ngành công nghiệp dữ liệu thay thế. Công ty chuyên phân tích dữ liệu tài chính FactSet đã ra mắt Open: FactSet, một mô hình thương mại điện tử trung gian về dữ liệu thay thế, vào tháng 4-2018.

Open: FactSet được giới lãnh đạo FactSet ca ngợi như “vườn ươm tuyệt vời” để thử nghiệm các ý tưởng dữ liệu khác nhau theo cách rất ít rủi ro và chi phí thấp hơn thông qua việc xây dựng các mối quan hệ đối tác. Bloomberg cũng đã bắt đầu nền tảng của của riêng mình vào đầu năm 2019. Cả hai đều đã thực hiện các thương vụ sáp nhập mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2020 để mở rộng các dịch vụ của mình.

Tháng 10-2020, FactSet công bố kế hoạch mua lại Truvalue Labs, công ty hàng đầu về dữ liệu môi trường-xã hội-quản trị (ESG) vận dụng trí thông minh nhân tạo (AI). Truvalue đã hợp tác với FactSet từ năm 2018, cho phép nhà cung cấp dữ liệu có cơ hội xem loại phản hồi nào mà họ sẽ nhận được từ khách hàng.

Bộ đôi nhà sáng lập Second Measure Lillian Chou và Mike Babineau.

Trở về với câu chuyện thâu tóm của Bloomberg, doanh nghiệp vừa được Bloomberg mua lại là Second Measure, một công ty nổi tiếng với việc phân tích hàng tỷ giao dịch mua ẩn danh để giúp các nhà đầu tư và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về hiệu suất hoạt động cũng như hành vi của người tiêu dùng.

Bloomberg mua lại các phân tích độc quyền của Second Measure để theo dõi hằng ngày trong thời gian thực hàng nghìn doanh nghiệp công và tư nhân, từ đó có được các thông tin chi tiết hơn để bổ sung cho các dữ liệu thị trường của Bloomberg.

Nhu cầu ngày càng tăng nhanh đối với dữ liệu thay thế của các công ty đầu tư theo đuổi chiến lược đầu tư hướng đến sự bài bản hơn trong việc hoạch định chính sách dựa trên dữ liệu, đã khẳng định tầm quan trọng của những công ty như Second Measure. Công ty này giải mã các dữ liệu giao dịch phức tạp, làm phong phú và bình thường hóa dữ liệu, đồng thời tạo ra thông tin chi tiết và hình ảnh trực quan hơn để người sử dụng có thể tiếp cận thông qua ứng dụng web.

Phạm vi phân tích gồm hàng nghìn công ty và thương hiệu là điểm mạnh khẳng định tính ưu việt của các quy trình nghiên cứu và phân tích mà Second Measure thực hiện. Các nhà đầu tư có thể xác định xem doanh nghiệp nào đang phát triển nhanh, có được thông tin chi tiết về ngành nghề, xác nhận các luận điểm đầu tư và theo dõi hiệu quả hoạt động của công ty trong quý. Trong khi đó, các thương hiệu có thể nắm được thông tin về cạnh tranh, xác định chiến lược tăng trưởng và phân tích các mô hình chi tiêu của người tiêu dùng.

Trên thực tế, việc trở thành một “bộ phận” của Bloomberg cũng đem lại lợi thế đáng kể cho Second Measure. Mike Babineau và Lillian Chou, những người đồng sáng lập Second Measure, nói: "Vị thế dẫn đầu, quy mô và các sản phẩm bổ trợ của Bloomberg sẽ thúc đẩy tiềm năng cung cấp thông tin chi tiết cho khách hàng của Second Measure. Điều này mang đến cơ hội to lớn để tạo ra những dữ liệu, công cụ mới và phương pháp tiếp cận thị trường, giúp mở ra kỷ nguyên mới về phân tích dữ liệu doanh nghiệp và người tiêu dùng”.

Bên cạnh tin tức, Bloomberg có lẽ được biết đến nhiều nhất với các dịch vụ phân tích dữ liệu tài chính, được hàng nghìn doanh nghiệp sử dụng mỗi ngày thông qua kênh Bloomberg Terminal. Trong khi đó, Second Measure giúp các nhà đầu tư hiểu được lượng lớn dữ liệu mà họ phải đối mặt khi thực hiện quy trình đầu tư của mình.

Những giá trị dài hạn

Sự phát triển của ngành công nghiệp dữ liệu thay thế đang khiến nhiều doanh nghiệp nhận thấy rõ hơn tầm quan trọng và giá trị của những dữ liệu mà họ nắm giữ, cũng như thực tế là một bên thứ ba sẽ trả tiền cho các dữ liệu này như thế nào.

Giao dịch qua thẻ tín dụng là một nguồn cấp dữ liệu thay thế nhiều ý nghĩa với giới đầu tư và hoạch định chính sách.

CBRE, một trong những công ty dịch vụ bất động sản lớn nhất thế giới, nhấn mạnh rằng cần tập trung nhiều hơn vào việc tận dụng nguồn dữ liệu nội bộ. Trong một cuộc phỏng vấn với Business Insider hồi năm ngoái, Sandeep Davé, Giám đốc Kỹ thuật của CBRE, nói: “Chúng tôi hoạt động với quy mô lớn, quản lý 7 tỷ feet vuông bất động sản và chúng tôi xử lý các giao dịch với tổng giá trị lên đến hơn 400 tỷ USD... Vì vậy, chúng tôi có quyền truy cập vào nguồn dữ liệu vô song và chúng tôi muốn tiếp tục khai thác dữ liệu đó". (1 feet vuông = 0,09m2)

FactSet đang củng cố thương vụ mua lại Truvalue Labs bằng một mối quan hệ hợp tác lâu dài. Một trong những đối tác mới nhất của Open: FactSet là Credit Suisse, doanh nghiệp cung cấp bộ dữ liệu để giúp các nhà đầu tư đánh giá khả năng sinh lời của công ty.

Nhu cầu về dữ liệu thay thế chắc chắn sẽ càng gia tăng mạnh mẽ hơn trong năm 2021. Không chỉ giới đầu tư, những nhà quản trị vĩ mô cũng đang dần nhận ra tiềm năng của dữ liệu thay thế khi phân tích các yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), những gì vốn rất khó để đánh giá khách quan nếu chỉ căn cứ vào nguồn dữ liệu trong thế giới thực.

Năm 2020 khép lại với nhiều biến cố, song cũng đánh dấu một “thập kỷ hành động” đầy quan trọng nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Khi đại dịch bùng phát, nhu cầu cấp bách trong việc xử lý khủng hoảng ngay lập tức đã lấn át các mục tiêu dài hạn. Người ta phải tạm gác những rủi ro của biến đổi khí hậu, của ô nhiễm để dành sức cho cuộc chiến chống COVID-19 song các nhà hoạch định chính sách vẫn phải tập trung vào các yếu tố về môi trường, xã hội và quản trị và các dữ liệu khác nhau để theo dõi hiệu suất của những gì đã triển khai.

Đầu tư vào môi trường, xã hội và quản trị trong năm 2020 có thể không hề giống với những gì được vạch ra trước đó. Thực tế những gì diễn ra cho thấy việc đầu tư có trách nhiệm và tiến tới các mục tiêu bền vững sẽ luôn là yếu tố được các nhà hoạch định chính sách và giới đầu tư quan tâm, điều càng khẳng định tiềm năng đặc biệt lớn của cái gọi là dữ liệu thay thế - alt data.

Thái Hân (Tổng hợp)
.
.